Trang chủ Người thời nay Nghệ sĩ Nghệ sĩ với Vu lan

Nghệ sĩ với Vu lan

116

Nghệ sĩ Nhân dân Kim Cương


 


Vu lan là dòng sữa ngọt ngào mà tôi được nếm trải trong cuộc đời. Bởi từ thân xác, tâm hồn đến sự nghiệp của tôi đều được mẹ tạo dựng cho. Mẹ tôi mất trong mùa Vu lan, nên việc tưởng nhớ công ơn sinh thành vào những ngày này đối với tôi còn có nhiều ý nghĩa đặc biệt.


 


Với tư cách là một người con, người Phật tử, soạn giả, nghệ sĩ, hầu hết kịch bản của tôi là câu chuyện về những người mẹ mang nhiều thân phận khác nhau. Có nhiều lý do mà kịch của tôi mang nặng tình mẹ. Bởi qua công tác, tôi chứng kiến nhiều người mẹ hy sinh cho con như những vị Bồ tát sống giữ cuộc đời. Do vậy, tôi thấy tình yêu nào cũng có mục đích, nhưng tình mẹ đối với con thì vô bờ, cho đi mà không có bất cứ điều kiện nào.


 


Con người khác với tất cả loài cỏ cây, sinh vật là ở cái tình, mà trong các tình cảm của thế gian thì tình mẹ con là thiêng liêng nhất. Vì vậy, mùa vu lan càng làm cho tôi được gần mẹ hơn. Ngoài tình mẹ con, mẹ tôi (Nghệ sĩ Nhân dân Bảy Nam) còn là tri âm, tri kỷ, là người bạn diễn vô cùng ăn ý. Nhớ lại mỗi đêm diễn thành công trở về, cả hai mẹ con cùng thao thức không ngủ được vì đã đem trọn cái tình của người nghệ sĩ đến với công chúng. Lúc mẹ còn sống, cứ nhớ nghĩ đến mẹ là lòng xốn xang. Còn khi mẹ mất, hai năm nay, vào mùa Vu lan, cài bông hồng trắng trên ngực là lòng cảm thất rất hụt hẫng. Tôi nghĩ Vu lan là dịp để nghĩ lại xem mình đã từng  làm gì để cho mẹ buồn không. Mẹ luôn dạy chị em tôi sống phải biết vì người khác, biết chia sẻ với người khác. Các công tác từ thiện là chủng tử lành mà mẹ gieo cho chị em tôi từ nhỏ. Chúng tôi tiếp tục những tâm nguyện của mẹ, nên vừa cho khánh thành lớp dạy vi tính cho người khuyết tật. Tôi cho rằng, báo hiếu chính là phải sống sao cho xứng đáng.


 


Kinh nghiệm là một thứ trái đắng, chỉ mong các bạn trẻ, các em Phật tử đừng bao giờ làm cho mẹ phải buồn, vì có những lỗi nhỏ, khi mẹ mất rồi mới thấy nó ám ảnh rất nhiều. Hãy tùy điều kiện hoàn cảnh mà mua cho mẹ một món quà có ý nghĩa trong dịp Vu lan, nhưng phải hiểu vật chất dù có thể hiện ở hình thức nào cũng không quan trọng bằng cái tình mà mình gửi gắm.


 


Cuối cùng, tôi chỉ muốn nói rằng, Vu lan còn là mùa tha thứ, là dịp để con người biết tha thứ cho nhau.


 


Nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn


 


Tôi phải sống xa gia đình, xa mẹ, nên tôi hiểu ngày Vu lan trong phong tục Á Đông và Việt Nam là ngày của tình cảm mẹ con thiêng liêng. Những nhạc sĩ, nghệ sĩ chỉ có thể nói lên tình cảm của mình bằng âm nhạc. Tôi thấy Âm nhạc Phật giáo được thể hiện qua các điệu tán gợi nhiều ý tưởng cho sáng tạo nghệ thuật. Trong tương lai, tôi sẽ phát triển theo hướng âm nhạc Phật giáo và mong muốn sẽ làm một CD về Mẹ. Tôi rất thích được biểu diễn trong các dịp lễ lớn của Phật giáo. Bởi tôi hiểu, ngoài biểu diễn kiếm sống, âm nhạc còn cho người nghệ sĩ lòng thanh thản.


 


Khi tôi du học ở nước ngoài, tôi thấy không khi ở phương Tây lạnh lắm, nó lạnh bởi khoảng cách giữa cha mẹ con cái và các thế hệ trong gia đình là rất lớn. Ông bà, bố mẹ lớn tuổi ít được gần gũi các con mà phải sống riêng hay sống trong các viện dưỡng lão. Giữ những nét đẹp truyền thống, sự ấm cúng chi sẻ không khí tình thân trong gia đình là những nét văn hóa mà chúng ta phải giữ gìn. Tôi đã đi khoảng 40 nước và tôi thấy có nhiều những điều mà mình phải học ở họ. Nhưng những phong tục Việt Nam, từ truyền thống gia đình, sự kín đáo của người phụ nữ, đến cách xưng hô trong giao tiếp thường ngày, đều được tôi chia sẻ với các bạn bè nước ngoài. Đó đều là những nét văn ahoas mà người phương Tây cần phải học hỏi.


 


Đối với tôi, con cái cần phải có cơ hội học tất cả những gì văn minh nhất, nhưng cũng phải dạy bảo cho con những tình cảm gia đình và tình mẹ, cũng như những phong tục văn hóa Việt Nam. Bởi mình có nhiều bạn, nhiều cơ hội nhưng trong cuộc sống thì ai cũng chỉ có một người mẹ. Người ta có thể học tất cả những văn minh nhưng không thể quên mẹ, quên nguồn gốc. Dù mẹ có lớn tuổi, chậm chạp nhưng lúc nào cũng thiêng liêng vì mình được sinh ra từ mẹ, và đơn giản mẹ là mẹ.


 


Nghệ sĩ Ưu tú Bạch Tuyết


 


Mùa Vu lan và các mùa lễ hội khác của Phật giáo đều có các nết đẹp văn hóa. Thế nên tiếp cận Phật giáo không chỉ ở hình thức tín ngưỡng mà còn ở những nét đẹp văn hóa trong ứng xử. Ở thời buổi bùng nổ các thông tin trái ngược nhau, nhiều giá trị bị đảo lộn, chính chúng ta phải ý thức giữ gìn những nét đẹp truyền thống, mà ở đó, triết học Phật giáo là những giá trị ổn định, lâu bền.


 


Tôi mất mẹ từ năm lên 8 tuổi, nên trong tâm cảm rất lẻ loi. Tôi nghĩ sự hiếu thảo với cha mẹ không chỉ là tình cảm con cái với cha mẹ mà còn là tình thương yêu với mọi người, mọi sinh vật. Cần phải nói thêm, với tư cách là một người nghệ sĩ, nhiều những tác phẩm mà tôi viết và biểu diễn, ít nhiều đều hướng về mẹ, cũng có khi là người mẹ chung chung trong tâm thức của cả dân tộc. Trong mùa Vu lan này, tôi cũng sẽ cùng một số bạn bè chia sẻ không khí ấy bằng những hành động từ thiện cụ thể.


 


Là một người mẹ, tôi cũng hiểu, cha mẹ và con cái thời nay có nhiều khoảng cách. Nhiều bậc cha mẹ không còn là thần tượng của con cái, từ kiến thức đến lối sống. Nhưng bản thân tôi luôn lấy đời ssoongs thường ngày của mình làm gương cho con. Ngay từ lúc mang thai, tôi đã ý thức điều đó bằng cách đi chùa niệm Phật và hát những bài hát an lành. Chính vì thế, tâm thức của con tôi sau này rất thuần thiện, nhiều lúc tôi còn cảm nhận con tôi đã cho lại tôi những bài học.


 


Tôi tin Đức Phật, bởi giáo lý của Ngài luôn giúp người ta tự hiểu mình, tự vẽ được chân dung của mình, và khi đã hiểu mình, vẽ được chân dung của mình thì mọi nặng nề trong cuộc sống sẽ đi qua một cách nhẹ nhàng. Tôi chỉ mong các bạn trẻ, nên nắm bắt cơ hội được mẹ sinh ra mà chịu khó học hành. Có học thì mới biết việc gì mình nên làm và việc gì không. Tôi nghĩ, có hiếu không gì bằng học cho tốt, sống cho ngoan, đó cũng là thực tiễn mong muốn của tôi đối với con.