Trang chủ PGVN Cửa thiền Ngôi chùa "độc nhất vô nhị"

Ngôi chùa "độc nhất vô nhị"

58

Ngôi chùa tên Nhựt Quang tự nhưng chẳng mấy ai nhớ tới cái tên này mà vẫn gọi là chùa Nghệ sĩ.



Nhân 49 ngày mất của NSND Phùng Há (5/7/2009), chúng tôi đã trở lại ngôi chùa này.



Những nghệ sĩ khoác áo cà sa

 


NDND Phùng Há trong vai diễn để đời:
vai Lữ Bố
Lúc đầu, chùa chỉ nhỏ như cái am do ông Năm Công (Lê Minh Công), quản lý các đoàn hát, dựng lên để tu hành vào năm 1969. Đến năm 1972 thì một ban quản lý chùa và nghĩa trang chính thức được hình thành trực thuộc Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế. Ông bầu Thới (Nguyễn Văn Thới) làm chủ hội.


Hội Nghệ sĩ ái hữu tổ chức nhiều đám hát hội và tích cực vận động các Mạnh Thường Quân để mở rộng, phát triển chùa. Tiếp sau ông Năm Công (đã lấy pháp danh là Thích Quảng An) thì những nghệ sĩ: Tư Thanh Tao, Bảy Bá, Ba Cẩn… cũng lần lượt khoác lên mình áo cà sa tu tại chùa. Từ khi hình thành cho đến nay có khoảng trên dưới 10 thầy tu nghệ sĩ, đặc biệt có cô Sáu Nết là ni cô duy nhất nhưng sau cô Sáu thì không thấy nữ nghệ sĩ nào muốn lánh cõi trần nữa (!?).



Các thầy là nghệ sĩ nên ít nhiều cũng ảnh hưởng chất nghệ sĩ trong tu hành – ông bầu Xuân cười hóm hỉnh – Như ông Năm Công dựng chùa lên rồi không lâu sau bỏ chùa này đi đây đó, lên Củ Chi dựng chùa tiếp. Rồi khi đọc kinh thì cũng ảnh hưởng nghề nghiệp chút đỉnh nên âm điệu ngân nga như đang… ca vọng cổ vậy. Đặc biệt thầy Thích Quảng Minh tức nghệ sĩ Thanh Tao có giọng đọc kinh rất hay, bà con rất thích. Hồi đó khoảng 3 – 4 giờ mấy người bán rau cải gánh ngang đây thường dừng lại nghe thầy Tao đọc kinh đó”.

Mà người nghệ sĩ khoác và cởi áo thầy tu cũng rất… nghệ sĩ. Cách đây khoảng 10 năm, hề Sa Mạc cũng đã tu hơn chục năm trời, đùng một cái cởi áo tu hành hoàn tục vì gặp người hợp duyên. Đến nay đấy vẫn là một giai thoại vui trong chùa, không ai chê trách hay lên án hề Sa Mạc mà có vẻ còn vui cho ông.

Cổng chùa nghệ sĩ

 
Sư thầy chăm lo Phật sự trong chùa hiện nay là Thích Hồng Minh mà mọi người vẫn gọi là thầy Cả, cũng đã từng bôn ba theo các gánh hát ở tỉnh, giờ chọn nghiệp tu hành. “Chùa này đặc biệt lắm, không có trụ trì đâu. Chúng tôi chỉ có ban quản lý chùa chia ra 2 nhiệm vụ: “hành chính” là quán xuyến mọi việc trong ngoài chùa và “Phật sự” chỉ chuyên lo chuyện lễ nghi thờ Phật”, ông bầu Xuân cho biết.



Tất cả bài vị, di ảnh của những nghệ sĩ đã an táng tại Nghĩa trang Nghệ sĩ đều được lưu giữ và thờ phụng trong chùa. Những dịp lễ tiết quan trọng hay lễ lớn của đất nước thì ngôi chùa này lại càng đặc biệt khi luôn rộn rã tiếng đàn ca do chính những nghệ sĩ chuyên nghiệp đương thời biểu diễn. Và từ lâu đây không còn là điểm đến của riêng giới cải lương nữa mà những ca sĩ tân nhạc cũng đến góp vui.  



Làm từ thiện chính là để trả ơn khán giả



Hơn chục năm cuối đời, NSND Phùng Há cũng chuyển về chùa sống. Bà đã bỏ lại tất cả những hào quang chói lọi ngày còn là nữ vương (Mộng Hoa Vương), Mạnh Lệ Quân (Mạnh Lệ Quân), Lữ Bố (Phụng Nghi Đình), cô Lựu (Đời cô Lựu)… Bà chỉ là một cụ già lãng tai, nhớ nhớ quên quên.

Bài vị và ảnh nghệ sĩ thờ trong chùa

 

Nghệ sĩ Linh Châu, từng là học trò cưng của bà ở lớp đào tạo diễn viên cải lương Trần Hữu Trang, cho biết: “Mỗi lần vào thăm bà buồn lắm, bà lẫn rồi, lúc nhớ lúc quên. Chợt thấy chạnh lòng cho một tên tuổi lớn”. Duy chỉ có mối tình mặn nồng với sân khấu là bà không thể quên, đôi lúc bà còn khe khẽ hát được vài câu, lúc vui bà lại múa bộ Lữ Bố, vai diễn mà bà yêu thích nhất.



Nhưng tấm lòng đối với nghệ sĩ nghèo, với mọi người thì không khi nào rời khỏi tâm trí bà. Theo gợi ý của bà, chùa Nghệ sĩ cũng trở thành nơi tiếp nhận tấm lòng hảo tâm của các Mạnh Thường Quân để cứu trợ các đợt thiên tai, lũ lụt, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi năm chùa có 4 đợt làm từ thiện với trung bình trên dưới 30 triệu đồng một đợt. Chùa đã tổ chức 42 đợt cứu trợ thì bà đã có mặt ở… 41 đợt.
 
Chuyến đi thứ 43 đáng lẽ diễn ra vào giữa tháng 7, bà cũng đòi đi nữa đó chứ. Tiếc là không còn cơ hội, chuyến đi phải dời lại vào 23/7 và tôi đi thay bà. Bà yếu vậy mà thích đi lắm. Tới có làm gì đâu, cũng không nói được gì nhiều nhưng chỉ cần có mặt bập bẹ mấy tiếng “cám ơn” là bà vui lắm rồi. Bà mang ơn khán giả lắm. Nghệ sĩ sống được là nhờ khán giả. Nghệ sĩ và khán giả như cá với nước, cá sao rời nước được. Bà làm từ thiện chính là để trả ơn khán giả”, ông bầu Xuân chia sẻ.



Đâu có cái gì của riêng mình



99 năm cuộc đời, hơn 80 năm tuổi nghề, từng là ngôi sao rực rỡ nhất, thế mà khi ra đi dường như bà không có gì của riêng mình. Ngay cả những con cháu đưa tang cho bà cũng là con cháu nuôi vì người con gái ruột thịt của bà chẳng may bỏ bà đi từ sớm. Nghệ sĩ Lý Lắc, từng là anh hề nổi danh ở các đoàn tỉnh, nay cũng về tá túc nơi chùa nghệ sĩ, nói trong ngậm ngùi: “Một sự nghiệp lừng lẫy vậy mà khi chết vẫn trở về với cát bụi thôi. Bà đâu có cái gì của riêng mình. Cái chùa nghệ sĩ, viện dưỡng lão đều có công đóng góp to lớn của bà nhưng nó là của chung giới nghệ sĩ. Ở đây nhận được nhiều tiền bạc của Mạnh Thường Quân thì cũng là tiền làm từ thiện chứ bà có được gì đâu…”.



Nhìn lại những công trình mà bà đã có công lao to lớn dựng nên – Nghĩa trang Nghệ sĩ, Khu dưỡng lão nghệ sĩ – mới thấy rõ tầm vóc và tấm lòng của bà. Vì có lẽ không nơi nào trên thế giới có được những nơi dành riêng cho giới nghệ sĩ như thế. Mà cũng chỉ có những nghệ sĩ cải lương mới có được sự cố kết vững bền và yêu thương nhau như thế. Số phận thiên định của người nghệ sĩ là phải “lắm nỗi đoạn trường” nên cần san sẻ và gắn bó cùng nhau chăng?