Trang chủ PGVN Cửa thiền Ngôi chùa “hoàn sinh”

Ngôi chùa “hoàn sinh”

409

Những nhà sư chuyên tham vấn HIV

Chúng tôi tìm tới chùa đúng lúc thầy Thích Đồng Nguyện đang tư vấn cho một bệnh nhân bị HIV. Anh tên là Trung, nhiễm bệnh cách đây 7 năm vì dùng ma túy. “Tôi nghiện ma túy từ năm học lớp 8 do buồn chuyện gia đình. Gần 10 năm nghiện, tôi đã bị mắc bệnh HIV. Tôi tìm đến chùa trong tình trạng kiệt sức về thể xác và tinh thần. Tuy nhiên từ ngày gặp thầy tư vấn, động viên và cho thuốc uống sức khỏe tốt hẳn” – anh Trung cho biết.
 

Một buổi tư vấn phòng chống HIV/AIDS tại chùa Pháp Bảo.

Thấy tôi thắc mắc không hiểu sao các vị sư trong chùa lại hiểu biết nhiều về lĩnh vực nhạy cảm phòng chống HIV mà tư vấn cho người dân, thầy Thích Đồng Nguyện cười, kể: “Thầy biết và tham gia phòng chống HIV từ một khóa đào tạo về HIV hồi còn học tại Học viện Phật giáo năm 2006”. Sau nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực tuyên truyền phòng chống HIV, tháng 10-2011, thầy quyết định đặt trụ sở tham vấn tại chùa.

Phòng tham vấn có ban điều hành gồm 8 người, trong đó có một bác sĩ chuyên khoa. Ngoài ra, chùa còn được nhóm “Bạn, tôi, chúng ta”, gồm những người đang “có H” hay từng nghiện ma túy, phân công nhau nắm địa bàn, tư vấn, giúp đỡ cho những người nhiễm HIV trong khắp TP về đây chữa trị. “Khi hay tin có hoạt động này ở chùa, người có bệnh tìm đến rất đông. Họ tâm sự, khi vào đây con người thoải mái, dễ cho việc chữa bệnh mà không sợ ai soi mói, khác hoàn toàn ngoài xã hội, thầy Thích Đồng Nguyện nói.

Khi tới chùa, các thầy và các tham vấn viên không bao giờ hỏi “Tại sao lại bị nhiễm HIV?”. Các tham vấn viên đón người “có H” bằng nụ cười và sự chia sẻ, cùng người bệnh đi xét nghiệm và giúp họ vượt qua bằng những khóa tu “Hạnh phúc thực tại” giúp mọi người vượt qua những lỗi lầm gian khổ, đem người ta về với thực tại, quên đi cái chết và chia sẻ những gì khó nói.

“Gần 2 năm qua khi kiệt sức với bệnh, tôi đã buông xuôi cuộc sống. Nghe mấy bạn đồng đẳng viên của nhóm “Bạn, tôi, chúng ta” tâm sự rồi đưa tôi tới chùa tham gia khóa tu, tôi thấy cuộc đời vẫn còn đó, đầu óc tinh thông thoải mái. Đi khám và lấy thuốc từ chùa uống 2 tháng thấy khá hơn nhiều!”. Xuân, một người mẹ 43 tuổi tâm sự với chúng tôi. Chị còn cho biết, khi phát hiện bệnh, do không hiểu biết nên chị đã “chết đứng” khi nghĩ rằng 4 con nhỏ của mình cũng bị nhiễm. May thay sau khi được tư vấn và hỗ trợ từ chùa, người mẹ này đã đưa 4 đứa con nhỏ của mình đi xét nghiệm, và như Xuân rưng rưng nước mắt nói: “Con em còn có phúc lắm!”.

“Thầy ơi cứu con với!”

Chỉ chàng thanh niên 28 tuổi tên T đang lúi húi góc phòng, thầy Thích Đồng Nguyện bồi hồi kể: “Hôm đó là 23h khuya, thầy chợt nghe tiếng chuông điện thoại đổ dồn, rồi tiếng T gào lên tức tưởi: Thầy ơi cứu con với, tay chân con cứng lại rồi, con chết mất thầy đến cứu con đi… Biết T vừa trốn khỏi một bệnh viện và đang bị sốc thuốc ở quận Bình Thạnh, thầy gọi ngay các đồng đẳng viên tại quận này cùng thầy đưa T đi cấp cứu kịp thời nên qua khỏi!”. Cảm phục tấm lòng vị sư, T đã quyết tâm vào chùa cai nghiện, chữa bệnh. “Nhà chỉ còn 2 mẹ con, may mà T được cứu kịp chứ không thì giờ mẹ T cũng gục ngã theo con!” – T nghèn nghẹn kể.

Theo sư thầy Thích Quảng Thiện, những người đang cai nghiện đều bị sự cô độc và đau đớn hành hạ. Các thầy ở đây đều như người anh, người bạn bên họ qua những cơn vật thuốc, vượt qua những nỗi sợ hãi… Thậm chí có hôm 2, 3h sáng, người cai nghiện cô độc đến mức gọi điện cho các sư thầy tức tưởi “Thầy ơi con đau lắm!”. Các thầy lại kiên nhẫn nói chuyện, phân tích động viên giúp họ vượt cơn đau và rồi là qua cơn nghiện.

Cũng là một người còn khá trẻ (sinh năm 1980), thầy Thích Đồng Nguyện thấu hiểu được sự khao khát sống của các bạn trẻ tìm đến chùa cầu sự hoàn sinh và được làm việc vì hầu hết đều thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn. “Mỗi ca cai nghiện thường phải mất 50 triệu đồng là ít, chưa kể tiền ăn, tiền thuốc thang và thời gian cai vài tháng nên họ hầu như không có tiền cai nghiện. Với trường hợp nhẹ, nhà chùa hỗ trợ cai tại gia đỡ tốn kém. Trường hợp nặng thì các thầy cùng nhà chùa lo kinh phí hỗ trợ để đưa vào trung tâm để cắt cơn”, thầy Thích Đồng Nguyện cho biết. Một số người tìm đến chùa, do sức khỏe kém, không đi làm được, hoặc vợ hay chồng đã chết vì HIV, không tiền bạc nhà cửa, nhà chùa tình nguyện giúp họ chuyện ăn ở.

 

30.000 dấu vân tay ủng hộ bệnh nhân HIV/AIDS
Thầy Thích Đồng Nguyện cho biết, thầy và các đồng đẳng viên đang tiến hành chiến dịch thu thập 30.000 dấu vân tay tại TP Hồ Chí Minh với mục đích không còn người nhiễm HIV mới, không kỳ thị phân biệt đối xử, không còn người chết vì HIV trong Tháng hành động quốc gia phòng chống AIDS 2012. Chiến dịch được tổ chức chủ yếu tại các trường ĐH, CĐ, trung cấp, trung học phổ thông tại TP. Các dấu vân tay sẽ được xác nhận kỷ lục Guiness Việt Nam.
Cần lắm tấm lòng tương ái

Những mảnh đời lầm lỡ sau khi đến với chùa Pháp Bảo được các nhà sư nơi đây giúp đỡ đều lạc quan hơn. Giọng nói khỏe khoắn, anh Trung cho biết: “Giờ ngày nào cũng chạy từ quận Bình Thạnh qua chùa lấy thuốc uống, rồi phụ thầy đi nắm địa bàn tư vấn cho các bạn có HIV. Sau những tháng ngày điều trị tôi khỏe ra nhiều lắm, ăn được ngủ được và chạy xe máy đi tuyên truyền khắp TP được luôn”.

Khi chúng tôi đang trò chuyện thì một cô gái trẻ vẫn còn vẻ xanh xao ùa tới khoe với một nhà sư: “Thầy ơi! Con đỡ nhiều lắm rồi. Thầy cho con phụ thầy chăm sóc các bạn như thầy hứa lúc con còn teo cơ nhé”. Vị sư kia khẽ mỉm cười gật đầu.

Theo các sư thầy, các học viên khi cai nghiện xong đều không biết làm gì, họ như lạc lõng vì khó xin việc, từ đó rất dễ mắc nghiện lại. Với người nhiễm HIV thì càng khó khăn gấp bội. Bởi vậy nhà chùa đi vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ cho các bệnh nhân có việc làm kiếm sống. Chị L – một bệnh nhân nhiễm HIV đã 10 năm nay cảm động nói với chúng tôi rằng, nhà chùa đã cho chị “cần câu cơm” là chiếc máy khâu để may vá đặng kiếm tiền nuôi 2 đứa con ăn học.

Người còn sức khỏe thì tự kiếm tiền được, nhưng với người yếu và thường ốm đau, bệnh tật lại không thể kiếm được việc làm nuôi sống mình. Trước tình cảnh này, nhà chùa quyết định đưa họ về xưởng làm hương nhang của chùa, dù không thể đáp ứng hết nhu cầu công việc cho tất cả, chưa nói sản phẩm làm ra giá cũng không cao rất khó để họ đủ sống hằng ngày. Trước tấm lòng và những khó khăn của nhà chùa, ngành y tế TP cũng thường xuyên cử đoàn đến thăm khám, xét nghiệm và cấp thuốc miễn phí; ngoài ra, các doanh nghiệp hảo tâm cũng thường lui tới thăm hỏi, hỗ trợ nhà chùa chăm sóc, giúp đỡ cho các bệnh nhân nhiễn HIV.

Chia tay chúng tôi, thầy Thích Đồng Nguyện khắc khoải nói rằng, những người đang cai nghiện, những người trong mình mang “căn bệnh thế kỷ” mong muốn được hồi sinh và cần thêm những tấm lòng hảo tâm, bao dung của đồng loại.


Theo Hà Nội Mới