Trang chủ Văn hóa Ngôi chùa ở vùng biên giới

Ngôi chùa ở vùng biên giới

492

Tôi đến Gia Lai để tham dự Hội trại Lục Hoà 2 – Trại họp bạn GĐPT các tỉnh Tây Nguyên theo điều động của Ban TTTT.TƯ trong cơn mưa tầm tã do ảnh  hưởng của cơn bão số 3/2019. Hội trại Lục Hoà 2 được tổ chức ở chùa Từ Quang – thị trấn Chư Ty – huyện Đức Cơ – tỉnh Gia Lai. Trên chuyến xe đêm từ Bà Rịa Vũng Tàu đến Gia Lai, tôi may mắn được nằm cạnh một bác Phật tử cũng ở thị trấn Chư Ty. Biết tôi về tham dự Trại sau lời hỏi thăm vì đây là lần đầu tiên tôi đến Gia Lai, bác vô cùng hồ hởi và hướng dẫn tận tình cũng như kể về “Ngôi chùa duy nhất của huyện giáp với biên giới Campuchia này”.

Theo bác, chùa Từ Quang, ngôi chùa xuất hiện trên huyện biên giới này mới 11 năm, khoảng thời gian chưa đủ cho một đứa bé sơ sinh hết thời niên thiếu. Có thể nói với chí nguyện sắt son của một Trưởng tử Như Lai làm cảm động đến đất trời và Long thần – Hộ pháp lay động nên chỉ có hơn 5 tháng từ sau Tết Mậu Tý khi đại đức Thích Nhuận Đạo bày tỏ tâm tư nguyện vọng lên 2 vị Bổn sư: Bổn sư truyền Tam quy – Ngũ giới là Hoà thượng thượng Từ hạ Hương (Viện chủ chùa Bửu Nghiêm – Tp Pleiku- Gia Lai) và Bổn sư thế phát xuất gia là Hòa thượng thượng Thiện hạ Nhơn (Tổ Đình Thiên Đức – Bình Định) đến khi công trình chính thức đặt đá chỉ hơn 5 tháng. 5 tháng với bao nhiêu ngày rong ruổi khắp vùng đất Đức Cơ từ xã IaDin đến thị trấn Chư Ty qua bao vùng đất mà địa danh vô cùng xa lạ với người “miền xuôi” như tôi: khu vực hồ C4, hồ C3, dốc Chư Bồ, Làng Bi, thôn Moc Đen, khu vực cửa khẩu Lệ Thanh… để tìm một mãnh đất ưng ý xây dựng ngôi Già Lam nhưng rồi vẫn không toàn ý. Có lẽ nhân duyên xui khiến khi một lần không chủ định, Đại đức tìm được một mãnh đất khi rẻ vào con đường đất đỏ lởm chởm qua nghĩa trang và một bải rác đầy mùi xú uế của thị trấn. Mãnh đất hoang tàn với cảnh vật âm u, cây cối um tùm và đầy cỏ dại. Hình như các hương linh đang vất vưởng quanh nghĩa trang muốn hằng ngày nghe được tiếng Đại hồng chung và kinh kệ, và cũng hình như “của báu tìm người” nên mãnh đất được thoả thuận dù gặp nhiều trắc trở.

Tổng qua chùa Từ Quang

Lễ đặt đá khởi công xây dựng ngôi chùa được tổ chức vào ngày 26/05 Mậu Tý (2008) trên danh nghĩa là nhà ở vì cơ sở pháp lý chưa được đầy đủ. Thế rồi, nhờ sự gia hộ của Chư Phật và sự hỗ trợ của bà con Phật tử và sự thông cảm của chính quyền địa phương nên hơn 1 năm sau vào tháng 9/2009 Từ Quang được chính thức công nhận là cơ sở tôn giáo hợp pháp trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Đại đức Thích Nhuận Đạo được cho phép hoạt động tôn giáo và chính thức được bổ nhiệm Trụ trì chùa Từ Quang trên địa bàn huyện Đức Cơ.

Chư Ty nói riêng và Đức Cơ nói chung những năm thuộc thập niên 80 của thế kỷ trước là vùng đất Kinh tế mới. Do vậy đây là nơi tập trung dân cư nhiều vùng miền cả nước đến làm ăn sinh sống. Chính vì lẽ đó, mọi người đã mang theo nhiều phong tục tập quán riêng của cùng đất họ sinh sống trước kia đến nơi này nên có nhiều bất đồng trong việc Quan – Hôn – Tang – Tế.  Bằng nghi thức Phật giáo, Đại đức trú trì và các bác trong Ban Hộ tự đã từng bước làm thay đổi nhận thức của Phật tử bổn tự và tiếp đến là người dân trong vùng thay đổi nhận thức về các sự kiện trọng đại của đời người đúng tinh thần Chánh pháp của Như Lai.

Trại Lục Hòa 2

Công việc hoằng pháp và tái thiết ngôi Già Lam tưởng như chựng lại khi năm 2010 Đại đức Trú Trì quyết định lên đường học tập tại Học viện Phật giáo TP. Hồ Chí Minh và 2014 sang Ấn Độ học Cao học về chương trình Phật Pháp. Từng ấy năm đi đi – về về vừa lo toan Phật sự, vừa miệt mài đèn sách và thiền định để chứng nghiệm Giáo lý Phật đà tưởng như  làm gục ngã ý chí và tinh thần người mang trọng trách nơi vùng sâu này. Thế nhưng nhờ sự gia hộ của Tam bảo, nhờ định lực kiên cường, nhờ sự sách tấn của hàng trưởng thượng và nhất là sự hỗ trợ nhiệt tình của các Phật tử nơi này mà năm 2016 Đại đức hoàn thành cả 2 chương trình đào tạo trở về trong niềm hân hoan của người dân bản xứ.

11 năm, vừa tạo lập, vừa kiến thiết, ngôi Già Lam tuy chưa hoàn chỉnh, thế nhưng với sự thấm nhuần về không gian quy hoạch, Từ Quang sẽ không chỉ là nơi thờ tự, chiêm bái mà sẽ còn là nơi trình bày về văn hoá Phật giáo tại vùng đất này. Chính vì lẽ đó sau khi nghiên cứu không gian kiến trúc chùa mọi vùng, Đại đức Trú trì đã có bản quy hoạch tổng thể cho ngôi Già Lam trong tương lai. Mỗi tất đất được xây dựng nơi này đều tuân thủ ý tưởng chung…..

Tháng 8/2019 Chùa Từ Quang được Ban Hướng dẫn Phân ban GĐPT Trung Ương chọn làm nơi tổ chức Hội trại Lục Hoà lần thứ 2 cho GĐPT 5 tỉnh Tây Nguyên: Kon Tum – Gia Lai – Đăk Lắc – Đăk Nông – Lâm Đồng. Tôi đến ngôi chùa này khi chỉ còn gần 36h đồng hồ nữa Hội trại bắt đầu đón các Trại sinh nhập trại. Có đặt chân đến nơi nầy mới thấy sự khó khăn – thiếu thốn trăm bề mà người Tu sỹ trẻ đang gánh trên đôi vai Người mang trách nhiệm “Hoằng pháp lợi sanh”. Thế nhưng bên tách trà thân tình mà Đại đức dành cho tôi để xua tan đi cái lạnh của vùng cao nguyên, nghe Đại đức điểm sơ qua công tác chuẩn bị mọi mặt, về pháp lý hồ sơ, ghé từng phòng ngủ, từng khu nhà vệ sinh, nhà bếp, kho thức ăn đã được kiểm dịch, đến khu đất đang dựng nhà bạt dành cho Lễ khai mạc và sinh hoạt chung với sức chứa hơn 2000 người, khu đất dành cho các tỉnh thành dựng trại, nhìn các nhân viên của Trung tâm Y tế dự phòng phun thuốc xử lý muỗi và côn trùng, lắng nghe đại đức trao đổi với anh em công an về vấn đề trật tự, với các Y bác sỹ của Bệnh viện huyện …. Rà soát mọi công việc với các anh chị trong Ban Tổ chức, Ban Quản trại mà tin rằng Hội trại sẽ viên mãn.

Từ Quang, ngôi chùa duy nhất trên huyện biên giới Đức Cơ với ý nghĩa mang ánh sáng Từ bi của Đức Phật trãi rộng đến muôn loài chúng sanh còn nhiều khó khăn. Thế nhưng cũng như bao ngôi chùa thân thương khác trên địa cầu luôn mở rộng cửa đón nhận các gã Cùng tử trở về. Từ Quang còn có vị Đại đức Trú trì dấn thân theo hạnh nguyện Ngài Phú Lâu Na đi về vùng khó khăn nhất để gieo trồng và vun xới chủng tử Bồ đề. Từ Quang đang đón chờ những cánh chim Lam trên núi rừng Tây Nguyên hội ngộ.

Xin giới thiệu hình ảnh ghi nhận:

PV Lê Ngọc