Trang chủ Tuổi trẻ Trí thức trẻ với Phật giáo

Trí thức trẻ với Phật giáo

116

Kính chư tôn đức Tăng Ni!


Kính thưa các vị đại biểu, các bạn trẻ, thiện hữu gần xa, trong và ngoài nước.


Bài tham luận tại buổi tọa đàm của chúng tôi hôm nay đề cập đến vai trò của người trí thức đối với văn hoá Phật giáo. Trong phạm vi hẹp của bài viết, chúng tôi muốn đề cập đến thế hệ cư sĩ trẻ và vai trò của họ trong sự hoằng dương đạo pháp và phát triển văn hoá dân tộc.


Kính thưa các vị!


Trong sự phát triển của Phật giáo, người cư sĩ đã có vai trò hết sức quan trọng. Từ khi Phật giáo du nhập vào Trung Quốc, Việt Nam, (Bắc Tông hay Nam Tông), vai trò của người cư sĩ là cần thiết trong từng không gian và thời gian nhất định. Như vậy, người cư sĩ có vai trò, điều kiện cho sự phát triển của Phật giáo, tiền đề cơ bản để Phật giáo tồn tại và phát triển.


Tiền lệ


Trong lịch sử đã có nhiều vị cư sĩ gắn liền với sự nghiệp của mình với sự phát triển đạo Phật. Nhiều người cũng bắt đầu từ cư sĩ rồi xuất gia thành đạo, thành cao tăng thạc đức. Nhiều vị cư sĩ đã góp công rất nhiều trong việc hoằng dương đạo pháp, đào tạo tăng tài, góp phần rất lớn trong sự phát triển đạo Phật đến ngày nay. Trương Thương Anh thời Đường là một anh tài trong sự nghiệp phát triển Phật giáo. Ông không những là một tể tướng tài danh còn là người uyên thâm Phật giáo. Ngoài tham gia biên tập và chú giải nhiều sách nội điển, ông còn trước tác nhiều tác phẩm rất có giá trị. Tác phẩm Hộ Pháp Luận của ông là một tác phẩm kinh điển không những ở Trung Quốc mà rất có giá trị ở Việt Nam. Tác phẩm này được truyền vào nước ta từ khá sớm và được Phúc Điền Hoà thượng giải âm – phiên Nôm.


Ở Việt Nam thời Lý – Trần, Phật giáo rất hưng thịnh. Bằng chứng là người thầy người bạn của đức Điều Ngự Trần Nhân Tông là một cư sĩ rất nổi tiếng Tuệ Trung Thượng Sĩ. Ông thường ăn mặn niệm Phật, lấy việc tu chứng Phật tại tâm. Tuệ Trung Thượng Sĩ là một hình tượng điển hình cho việc hoằng dương và vai trò của người tu sĩ với đạo pháp dân tộc. Cuối thời Trần, dù Lê Quát, Trương Hán Siêu có phản đối Phật giáo nhưng cuối cùng cũng quy về cửa chùa khi tuổi đã xế chiều. Thời Lê, Phật giáo cũng được sự hậu thuẫn của vua chúa triều đình cùng văn thân sĩ phu. Vua Lê chúa Trịnh cho xây nhiều chùa chiền lớn ở đất Bắc. Văn nhân như Ngô Thì Nhậm viết sách “Trúc lâm tông chỉ nguyên thanh”, tự cho mình là kế theo mạch truyền dòng Trúc Lâm Điều Ngự. Thời Nguyễn, Phật giáo từng bước phục hưng sau một giai đoạn dài chiến tranh liên miên. Các văn nhân sĩ phu giai đoạn này tiêu dao thú điền viên hay làm quan phần nhiều gắn bó với chùa chiền, tạo dựng văn hóa Phật giáo trong cái nôi làng xã. Như Như đạo nhân và Điềm Tịnh cư sĩ, không chỉ đào tạo tăng tài mà còn trước tác nên cả hệ thống lịch sử văn hóa Phật giáo đất Việt mà chủ yếu là ở Huế qua bộ “Hàm Long sơn chí”. Đặc biệt là Nguyễn Đăng Giai là một mẫu hình tiêu biểu nhất của người cư sĩ thời Nguyễn cho việc hộ pháp phát triển. Ngoài việc cho dựng nhiều chùa chiền trên đất Bắc, ông còn góp hằng tâm hằng sản cho việc in ấn kinh kệ (gần như toàn bộ hệ thống kinh kệ do Hòa thượng Phúc Điền in ấn đều có hằng tâm hằng sản), tạo lập trường ốc đào tạo tăng tài.


Bước sang thế kỉ 20, phong trào phục hưng gắn liền với nhiều tên tuổi cư sĩ, trong đó đáng kể như Cư sĩ Tâm Minh, Cư sĩ Thiều Chửu, Cư sĩ Võ Đình Cường… góp nhiều công quả cho việc thống nhất Phật giáo nước nhà. Các vị cư sĩ trước giai đoạn chúng ta là những bậc uyên thâm về văn hoá và tri thức. Cư sĩ Tâm Minh từng chú giải nhiều kinh sách. Trong đó đặc biệt là Cư sĩ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha, ông còn để lại số lượng sách trước thuật có giá trị rất lớn cho việc nghiên cứu và phát triển văn hoá Phật giáo.


Hiện nay


Điều kiện hiện nay, vai trò người cư sĩ không những tiếp bước các thế hệ đi trước mà cần phát huy hơn nữa trong việc hoằng dương đạo pháp. Trong đó việc tuyên truyền, mở rộng ảnh hưởng trong cộng đồng xã hội là rất cần thiết. Không chỉ về vấn đề kinh tế, chính trị văn hoá mà ngay cả việc đào tạo Tăng tài, việc nghiên cứu và quảng bá nội điển không chỉ là nhiệm vụ của chốn thiền môn mà còn là trách nhiệm của người trí thức cư sĩ. Quảng bá văn hoá Phật giáo sâu rộng góp phần làm đậm đà bản sắc dân tộc cũng như hội nhập trong điều kiện khách quan thế giới ngày nay. Trước yêu cầu đó, chúng tôi thiết nghĩ toạ đàm về tuổi trẻ với Phật giáo là một yêu cầu bức thiết và thiết thực. Thông qua đây, chúng tôi hy vọng chính quyền, Giáo hội, các tổ đình, các bậc cao Tăng thạc đức, các nhà hằng tâm hằng sản góp sức ủng hộ cho sự phát triển của các thế hệ Phật tử trẻ ngày nay và tương lai. Việc làm của quý vị cũng là vì thế hệ trẻ, vì sự phát triển của văn hóa đất nước.


Lời cuối cùng, chúng tôi chúc các vị hoà thượng, các đại biểu, tăng ni phật tử và các bạn trẻ thân tâm thường an lạc.


Xin chân thành cảm ơn!