Trang chủ PGVN Cửa thiền Nhà sư trồng Rừng Thiền

Nhà sư trồng Rừng Thiền

90

Thầy là một nhà thơ, nhà văn, nhà thư pháp, nhà sinh vật cảnh của xứ Huế với gần 20 tác phẩm được xuất bản trong vòng 20 năm trở lại đây.


Sau 10 năm tạo lập Huyền Không Sơn Trung bên dòng Bạch Yến, sư Giới Đức giao lại chức vị trụ trì cho sư đệ Pháp Tông rồi lùi sâu vào vùng đồi núi hoang vu thuộc thôn Chầm, xã Hương Hồ, lập sơn trại, tăng gia sản xuất.


Cơ duyên đến từ chương trình phủ xanh đất trống đồi trọc của Nhà nước. Nhà chùa xin được giao hơn 50 ha đất đồi núi trồng cây, lập vườn rừng, khoanh vùng phục hồi rừng tự nhiên, bảo vệ cây bản địa.


Lên đây từ năm 1989 nhưng đến năm 1992 sư Giới Đức mới chính thức cắm tích trượng dựng am cốc lập Huyền Không Sơn Thượng. Từ một vùng đồi núi hoang hóa, lỗ chỗ hố bom, chỉ toàn là sim mua, lau lách cỏ dại nay đã trở thành những cánh rừng với bạt ngàn màu xanh tạo nên một Rừng Thiền mát mẻ, trong lành.


Rừng Thiền với 22 ha thông nhựa 18 năm tuổi; 20 ha keo lá tràm, keo tai tượng; khoảng gần 7 ha là rừng tự nhiên phong phú chủng loại thực vật. Bên trong có một thung lũng khoảng 3,7 ha dành cho không gian chùa viện và vườn cảnh. Nhờ cây rừng và lớp thực bì che phủ,  lại có 5 hồ nước điều hòa nên Rừng Thiền luôn luôn tươi xanh, mát mẻ…


Mùa hè lúc nóng nhất cũng chỉ khoảng 32-33 độ C. Rừng Thiền có khoảng 20-30 loại chim líu lo suốt ngày; thỉnh thoảng xuất hiện những đàn cò trắng, vẹt mỏ xanh, tắc kè. Gà rừng, sóc và thỏ  là “bầu bạn” tạo thêm sự sinh động, hấp dẫn của Huyền Không Sơn Thượng.


Mới đến đầu Rừng Thiền người ta đã bị cuốn hút bởi những dòng thư pháp uốn lượn trên đá. Nhìn sang bên trái thấy ngọn Độc thụ sơn (trên đỉnh có cây mít nài cổ thụ bám trên cụm đá đã hàng trăm tuổi), bên cạnh có mái lương đình Bạch vân hiên dành cho khách nghỉ chân: Đầu non dựng một mái nhà/Để cho mây trắng ta bà ghé chơi!


Trong diện tích 50 ha rừng sư Giới Đức đã dựa vào địa thế, phong thủy để thiết kế không gian kiến trúc ngoại viện, nội viện và vườn cảnh. Ngoại viện khoảng 30 ha, gồm 27 ha không gian rừng và 3 ha là khu vực chùa viện với Chánh điện, Am mây tía, Nghinh lương đình, Nhà khách, Chúng hòa đường, Quá thiện đường, Tăng xá, Cốc liêu chư Tăng-Ni, cây cảnh…


Chánh điện là biến thể của một ngôi nhà rường Huế với phong cách kiến trúc và chất liệu truyền thống để giữ dáng dấp hồn Huế, hồn Việt, lấy sự hài hòa với thiên nhiên, với hồn thơ làm ý tưởng chủ đạo; nhẹ vai trò tín ngưỡng, trọng tâm là hướng sống thiền, sống đạo.


Nội dung những bức thư pháp trưng bày ở đây hiển lộ tư tưởng ấy. Hàng cột hiên chánh điện có ba cặp đối trình bày lối thư pháp Việt khắc chạm trên thân dừa: Cư sĩ, rộng nương trồng hữu hạnh/Tăng nhân, y bát hướng vô công!  Trúc tùng hạo hạo sum la sắc/Lan thảo phân phân bát-nhã hương”. Nghe đạo, hương rừng theo gió đến/Đọc thơ, trăng sáng vượt non về!


Mặt tiền chánh điện có 4 mảnh sân nhỏ liên hoàn theo độ dốc của sườn núi. Lối vào sân dưới cùng qua chiếc cổng có cổ lầu bằng xi-măng giả tre, dọc hai trụ là cặp câu đối: Ngõ trúc, sương len hồn trí giả/Cửa không, mây níu áo hiền nhân.


Bên phải chính điện là Am mây tía. Đây là nơi ở, thư phòng, nơi tiếp khách và viết thư pháp của sư  Giới Đức. Am mây tía kiến trúc đồng bộ với ngôi chánh điện và Nghinh lương đình đối diện. Tất cả đều có kiến trúc mở để thiên nhiên, cây lá, cỏ hoa, ánh sáng tràn vào nhà. Xung quanh am bát ngát cây cảnh, phong lan, địa lan, thư pháp trưng bày liên tục theo mùa – tiết…


Am mây tía là nơi hội ngộ của thi nhân, của những người yêu mến văn học nghệ thuật. Tết Đinh Hợi (2007) bên trong am sư Giới Đức cho treo cặp câu đối: Bút vẫy rừng không, mây gió buâng khuâng, trăng sáng chữ/Thơ chơi lũng vắng, khói sương lãng đãng, đá ngời văn!”.


Trước hiên thì: Bút dựng rừng tùng, mây nước lung linh, khách quý, gió thơm hương lá bối/Thơ reo vườn trúc, khói sương bát ngát, bạn lành, nắng ấm sắc hiên văn! 


Đón xuân Kỷ Sửu (2009), hai cặp đối  mới  trước thi hiên là:


Đứng giữa gió sương tùng trúc xanh vườn nắng ấm choàng vai thiện hữu/Nằm bên hoa cỏ đào mai biếc nở mây lành níu áo bạn văn và Mời chú chuột đi thua được thị phi tháo khoáng ngõ sau nào quản buồn vui tân tống cựu/Rước ông trâu lại rủi may thành bại mở toang cổng trước nề chi khổ lạc tuệ nghinh tân.








Tòa chính điện Huyền Không Sơn Thượng


Ở Nghinh lương đình, nơi khách thập phương dừng chân nghỉ ngơi, thưởng trà, đàm đạo… thường xuyên trưng bày thư pháp; đôi khi điểm xuyết hội họa, tranh tượng, ảnh nghệ thuật, hoa, cây cảnh…


Ở đây có cặp đối: Lãng đãng càn khôn, thơ thắp con tim, tình ấm lại/Phiêu bồng nhật nguyệt, thiền soi nét bút, chữ trong hơn. Nhà bếp (Quá thiện đường), nơi thọ trai cho chư Tăng và chúng điệu, cũng có một cặp đối: Bình bát rừng sâu, chim cúng trái/Tâm thiền khe vắng, gió dâng hương! 


Không gian nghệ thuật của Rừng Thiền có Vườn cỏ đá, Không sơn thiền uyển, cụm nhà dành để triển lãm các loại hình nghệ thuật, hội thảo thơ, thiền… Vườn cỏ đá, một mảng nhỏ của Rừng Thiền  với ý tưởng thể hiện là ngôn ngữ của Cỏ và Đá.


Thạch thư níu chân du khách với những câu:  Ta cúi xuống, nhặt dấu chân trên cỏ/Thấy tiền thân, sương ướt, áo chưa khô”; Thương ai đá đứng, cỏ nằm/Khói sương cảo lục – con trăng cõi về!”.  Đá nằm trên đỉnh vô vi/Chiêm bao bước xuống tà huy mấy nghìn!


Không sơn Thiền uyển khá lớn, chừng 1,5 ha, gồm các công trình nghệ thuật dung dị, hài hòa với thiên nhiên, với hồn thiền, hồn thơ và hồn chữ… Sư Giới Đức cho biết: Đây mới chỉ là một phác thảo chưa hoàn chỉnh với một vài công trình. Đó là Ngũ hồ (mới đào đắp được 3 hồ); hồ chính là Thủy nguyệt đàm ở giữa có 2 đảo nhỏ, có Lãm thúy kiều bằng bê-tông giả gỗ làm lối đi vào đảo.


Đảo lớn Văn Bút do có một chòi tranh hình nấm, có cây bút lông dựng giữa trời gợi nhớ tháp bút đài nghiên trước đền Ngọc Sơn ở hồ Hoàn Kiếm. Đảo nhỏ có cụm giả sơn để thờ 18 vị A-la-hán nên có tên La-hán đảo.


Hồ thứ hai là Sơn ảnh đàm (luôn luôn lưu bóng núi), được nối với Thủy nguyệt đàm bởi một eo đất, có Giải trần kiều lát đá giả gỗ sà sà mặt nước. Hồ thứ ba cách một đồi thông và hai hồ phía trên, cách một con đê ngăn lũ, đều đang hoang dã.


Đối diện với đồi thông nằm trên một bán đảo, ở bên Sơn ảnh đàm có một ngôi thủy tạ bằng tranh tre nứa lá làm Thư pháp đình quanh năm trưng bày thư pháp theo mùa tiết, lễ hội.


Đây là không gian của thảm cỏ xanh quanh hồ, điểm xuyết cây cảnh lớn, hoa lá thảo mộc thân thuộc; hai mái lương đình và 8 hiên thơ rải rác trên lối đi, ở đâu cũng có thơ!


Bên một vách núi đá nhân tạo có chữ Phật, một đại bút thư pháp Hán và hai câu thơ lục bát: Ta còn hơi thở, nụ cười/Là còn bát ngát đất trời nguyên xuân. Ngôn ngữ nghệ thuật của  Thiền uyển  hòa nhập trong không gian tĩnh lắng, yên bình và dân dã.


Dù đã lui vào núi cao lũng sâu, đường xá gập ghềnh nhưng đạo hữu, khách văn lên Huyền Không Sơn Thượng đàm đạo, bình thơ, viết thư pháp cùng sư Giới Đức mỗi ngày mỗi nhiều hơn.


Ngày nghỉ cuối tuần khách vãn cảnh tới trăm người; ngày lễ tết, mùa Phật đản, Vu lan khách lên hàng ngàn khiến cho cảnh chùa đã trở nên “quá tải”. Bước chân du khách  cũng đã ăn mòn dần dần không gian nghệ thuật của vườn cỏ đá.


Sư Giới Đức cho biết, nhà chùa  mới thực hiện được 4/10 công trình; 6/10 công trình đang chờ đợi nhân duyên…