Trang chủ PGVN Cửa thiền Nhà sư tư vấn AIDS

Nhà sư tư vấn AIDS

50

Gặp gỡ và sẻ chia


Nằm nép mình khiêm nhường bên con đường dẫn vào cửa ngõ phía Nam thủ đô, chùa Pháp Vân vào những ngày này trầm mặc, yên ắng đến lạ thường. Rảo bước bên những hàng hoa râm bụt, Đại đức Thích Thanh Huân nở một nụ cười tươi khi tiếp khách lạ.


Vào đề câu chuyện, thầy Huân chia sẻ: “Dù quá khứ có thế nào đi nữa thì hiện tại những người mang trong mình căn bệnh HIV/AIDS vẫn rất đáng thương”. Với tâm niệm “làm thế nào để xã hội không còn kỳ thị với những người có HIV, giúp họ hướng về cuộc sống tốt đẹp, bình an trong tâm hồn”, trụ trì chùa Pháp Vân và các cộng sự đã vượt qua những khó khăn để thành lập Câu lạc bộ tư vấn HIV Hương Sen.


Tiền thân của CLB Hương Sen là nhóm “Vì ngày mai tươi sáng”. Năm 2004, nhận thấy sự phát triển của nhóm và nhu cầu ngày càng lớn của những người nhiễm HIV, nhóm “Vì ngày mai tươi sáng” đã tách ra làm 2 trung tâm.


Một trung tâm vẫn lấy tên cũ và chuyển sang Long Biên (Hà Nội) hoạt động, còn những người ở lại vẫn sinh hoạt tại chùa Pháp Vân và lấy tên là CLB Hương Sen. Chủ nhiệm CLB là trụ trì Đại đức Thích Thanh Huân – người trực tiếp nói chuyện, tư vấn cho các thành viên trong CLB.


CLB Hương Sen hiện có hơn 300 thành viên tham gia với 4 thành phần: tu sĩ, tình nguyện viên, người có HIV và cộng đồng khắp nơi, trong đó có 16 người làm nòng cốt và 40 thành viên thường trực. CLB hoạt động với mục đích tư vấn sức khỏe, tâm lý cho người nhiễm HIV/AIDS và những người thân trong gia đình họ.


Ngoài ra, lúc cần mỗi thành viên trong CLB sẽ trở thành những “y sĩ” đến trực tiếp chăm sóc cho người bệnh. Ngoài việc gặp gỡ, tư vấn trực tiếp về kiến thức, kỹ năng sống cho những người nhiễm HIV thì mỗi ngày thầy Huân còn tiếp hàng chục cuộc điện thoại từ khắp mọi nơi như: Từ Liêm, Đông Anh (Hà Nội) cho đến Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Ninh Bình… 


Gợi mở con đường đi…


Tôi thắc mắc hỏi trụ trì Thích Thanh Huân, làm thế nào để một nhà sư như thầy lại có được những kỹ năng tư vấn HIV? Thầy khẽ mỉm cười: “Mỗi một số phận là một câu chuyện về cuộc đời, không ai giống ai. Khi gặp họ, tiếp chuyện và chia sẻ, tôi tự thấy mình cần phải nói gì. Chẳng có sách vở nào dạy được. Xong buổi trò chuyện, tôi lại quên đi. Họ trở về lòng thanh thản, nhẹ nhõm để bước tiếp trong cuộc đời này là tôi thấy lòng được an ủi”.


Cách đây vài năm, vào một ngày cuối thu, bên cổng chùa có một người đàn ông trung tuổi đứng khép nép hàng tiếng đồng hồ. Trụ trì Thích Thanh Huân rảo bước đi ra cổng chùa và mời người đàn ông đó vào. Ngồi bên ấm trà nóng, người đàn ông kia mới bộc bạch với nhà sư về cuộc đời của mình. Anh vốn là một nông dân ở Thái Bình.


Trước đó, anh theo một số người cùng làng lên Hà Nội làm cửu vạn. Không lường hết được những “cạm bẫy” chốn đô thành, anh sa vào con đường nghiện ngập lúc nào không hay. Nghiện nặng, chuyển sang chích, anh bị nhiễm HIV do dùng chung kim tiêm. Khi nhận thức được căn bệnh thế kỷ mình đang mang, anh định chọn cái chết để không làm liên lụy đến người thân…


Trước khi tìm đến cái chết, anh tìm đến cửa thiền để trút những nỗi niềm. Nghe xong câu chuyện, trụ trì chùa điềm đạm kể cho anh nghe về những số phận như anh và họ đang sống tốt như thế nào… Nghe xong câu chuyện, người đàn ông bật khóc. Sau đó, anh trở về quê hương, giúp vợ làm công việc nhà, kèm cặp con cái học hành, thỉnh thoảng lại viết thư kể về cuộc sống của mình cho sư thầy biết…







Bệnh nhân có nhu cầu tư vấn về kiến thức HIV/AIDS và kỹ năng sống hãy gọi đến số điện thoại 04.36450577.


Trong những ngày mưa phùn lất phất đầu năm, một cậu bé chưa đầy 13 tuổi tìm đến ngôi chùa. Em cũng đã từng có một gia đình hạnh phúc như bao người khác. Vào cái ngày định mệnh, mẹ em phát bệnh nặng và ra đi vĩnh viễn. Được ít tháng sau, người cha có vợ khác.


Cha bỏ mặc, còn dì thì hắt hủi, em bỏ nhà đi lang thang. Để có tiền sống, em đi bán ma túy lẻ cho các con nghiện. Từ bán, em đã nhanh chóng chuyển sang nghiện hút. Ít tháng sau, em bị nhiễm HIV. Khi biết mình không còn lối thoát trong cuộc đời, em tìm đến gặp Đại đức Thích Thanh Huân…


Và hàng trăm số phận bất hạnh khác, khi biết mình nhiễm căn bệnh HIV, họ khủng hoảng về tinh thần và lúng túng trước vô vàn khó khăn. Những lúc như thế, họ lại tìm đến chùa Pháp Vân. “Tôi không bảo họ phải làm như thế này, thế kia mà chỉ khơi gợi cho họ con đường đi. Chỉ có chính những người bị nhiễm HIV mới hiểu họ cần gì” – Đại đức Thích Thanh Huân, chia sẻ – “Mỗi lần tư vấn, tôi tự xem mình như một cái rổ, đựng đầy những hoa quả, ai cần gì thì họ sẽ chọn thứ ấy”.