Trang chủ Nghiên cứu Nhân mùa Phật đản, đọc kinh Thừa tự Pháp

Nhân mùa Phật đản, đọc kinh Thừa tự Pháp

101

THÀNH KÍNH ĐỈNH LỄ ĐỨC THẾ TÔN, NGÀI LÀ BẬC ỨNG CÚNG, ĐẤNG CHÍNH BIẾN TRI

Nhân mùa Phật Đản, con xin sám hối bao lỗi lầm con đã gây ra.
Nay con cúi đầu xin sám hối,
Một lòng cầu Đức Phật chứng tri,
Bắt đầu hôm nay nguyện làm mới,
Nguyện sống ngày đêm trong chính niệm,
Nguyện không lặp lại lỗi lầm xưa.
Nam mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

TÓM TẮT KINH

1. Thế Tôn có lòng thương yêu các đệ tử của Ngài, mong muốn sao cho các Tỳ kheo luôn ghi nhớ học tập hành trì, gìn giữ những lời dạy bảo, gìn giữ Giáo Pháp, như là tài sản quý giá nhất:

“Làm sao những đệ tử của Ta là những người thừa tự Pháp của Ta, không phải là những người thừa tự tài vật”
 
2. Thế Tôn khuyên dạy các đệ tử nếu không ghi nhớ học tập hành trì, gìn giữ những lời giáo huấn, gìn giữ Giáo Pháp, mà lại chú tâm vào hình thức bên ngoài, vào việc tích lũy, sở hữu, thụ hưởng tài vật, tài sản, danh vị thì không những tự mình làm cho mình hoen ố, mà còn ảnh hưởng  đến đức Thế Tôn nữa:
 
“Mà cả Ta cũng trở thành người mà người ta nói: Cả Thày và trò đều là những người thừa tự tài vật, không phải là những người thừa tự Pháp”.
 
3. Nếu các đệ tử chuyên tâm thực hành giáo huấn, thì cả Thế Tôn và  đệ tử  được mọi người tôn kính:
“Mà cả Ta cũng trở thành người mà người ta nói: Cả Thầy và trò là những người thừa tự Pháp, không phải là những người thừa tự tài vật
 
4. Thế Tôn khen ngợi vị Tỷ-kheo thứ nhất trong hai vị Tỷ-kheo đã nhớ đến  lời dạy của Thế Tôn, nên đã không ăn các thức ăn tàn thực, dù được cho phép, do đó đã phải trải qua đêm ngày bị đói lả và kiệt sức. Trong khi vị Tỳ kheo thứ hai không nhớ đến lời dạy của Thế Tôn, đã ăn loại đồ ăn ấy và  trải qua đêm ngày hôm ấy không bị đói lả kiệt sức:
 
“Nhưng đối với Ta, Tỷ-kheo đầu tiên đáng được kính nể hơn, và đáng được tán thán hơn.”
 
5. Thừa tự Pháp không thừa tự tài vật sẽ đưa đến ít dục, biết đủ, khổ hạnh, dể nuôi dưỡng, tinh cần, tinh tấn. Là nền tảng để thành tựu giới hạnh, thành tự quán hạnh:
 
“Vì sao vậy? vì như vậy sẽ đưa đến cho Tỷ- kheo ấy, trong một thời gian lâu ngày, ít dục, biết đủ, khổ hạnh, dể nuôi dưỡng, tinh cần, tinh tấn”
 
6. Tiếp theo lời dạy của Thế Tôn, Tôn giả Sariputta giảng cho các Thượng tọa, Trung tọa Tỷ-kheo và các vị mới thọ Tỷ-kheo về trường hợp vị Đạo sư sống viễn ly, các đệ tử không tùy học  viễn ly, và có ba trường hợp đáng bị quở trách, và đáng được tán thán:
 
+ Ba trường hợp đáng bị quở trách:
– Vị Đạo sư sống viễn ly, các đệ tử không tùy học viễn ly;
– Những Pháp nào vị Đạo sư dạy từ bỏ, những Pháp ấy họ không từ bỏ;
– Họ sống đầy đủ, lười biếng, dẫn đầu về đọa lạc, bỏ rơi gánh nặng sống viễn ly.
 
+ Ba trường hợp, đáng được tán thán:
– Vị Đạo sư sống viễn ly, các đệ tử tùy học viễn ly;
– Những Pháp nào vị Đạo sư dạy từ bỏ, những Pháp ấy họ từ bỏ;
– Họ không sống đầy đủ, lười biếng; không dẫn đầu về đọa lạc; không bỏ rơi gánh nặng sống viễn ly.
       
7. Tham, sân là ác pháp, có con đường Trung đạo diệt trừ tham, diệt trừ sân, khiến tịnh nhản sinh, khiến chân trí sinh, hướng đến tịch tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn;
 
8. Con đường Trung đạo đó  là con đường Thánh tám ngành: Chính tri kiến, Chính tư duy, Chính ngữ, Chính nghiệp, Chính mạng, Chính tinh tấn, Chính niệm, Chính định;
 
9. Các biểu hiện ( trạng thái ) khác của tham và sân là: phẩn nộ, hiềm hận, giả dối, não hại, tật đố, xan lẫn, man trá, phản bội, ngoan cố, bồng bột, mạn, tăng thượng mạn, kiêu, phóng dật;
 
10. Con đường Trung đạo, con đường Thánh tám ngành diệt trừ các ác pháp tham, sân và các biểu hiện của tham và sân. Khiến tịnh nhản sinh, khiến chân trí sinh, hướng đến tịch tịnh, thắng trí, giác ngộ , Niết-bàn.
 
Bài kinh số 3, kinh Thừa Tự Pháp, Đại Tạng kinh Việt Nam, PL 2536. 1992, Dịch giả: Hòa Thượng Thích Minh Châu
 
LUẬN:
 
1. Thừa tự Pháp, tức gìn giữ duy trì Giáo Pháp, bằng việc luôn chuyên cần, kiên trì, tinh tấn dõng mãnh, không thối thất trong cuộc sống hàng ngày để thực hành và đi đến chứng ngộ Giáo Pháp. Thừa tự Pháp tức Giáo Pháp luôn tồn tại một cách sinh động trong tâm hồn, trong lý trí. Giáo Pháp luôn được nhận biết trong tỉnh thức để được thể hiện trong từng phút giây hiện tại, để đưa đến những hiệu quả thiết thực, được thấy rỏ ràng, được chứng minh trong thực tế và là tấm gương cho những người chung quanh mình thấy, tin và làm theo.
 
Từ sự tự chứng  ngộ Giáo Pháp sẽ đưa đến khả năng hướng dẩn người khác chứng ngộ như chính mình. Tự giác để có khả năng giác tha.
 
2. Thừa tự tài vật, tức gìn giữ, nắm giữ, sở hữu, thọ lãnh, thụ hưởng tài sản, tài vật. Từ những vật dụng thông thường như thức ăn, y phục, tiện nghi sinh hoạt… đến xe cộ, nhà cửa, đất đai… cho đến chức danh, địa vị, uy quyền. Những thứ  tài  vật trên được người khác cúng dường do mình được mang danh nghĩa đệ tử của Thế Tôn hay do Thế Tôn trực tiếp ban cho.
 
3. Thừa tự tài vật, không thừa tự Pháp tức là người Cư sỹ tuy đã quy y Tam Bảo  nhưng không thấm nhuần Giáo Pháp, không thấm nhuần lời dạy bảo của Thế Tôn, quên đi mục đích chính yếu của người Phật tử là phải luôn chuyên cần nổ lực ngày đêm thực hành Giáo Pháp, để ngày càng đến gần thánh đạo hơn.
 
Các vị ấy không nuôi dưỡng Giáo Pháp trong tâm hồn, Giáo Pháp không có sự sống mà chỉ tồn tại trong ý niệm, khái niệm, trong kiến thức, trong nghiên cứu lý luận, trong lời nói, hay hình thức bên ngoài. Đời sống, sinh hoạt hàng ngày của các vị ấy luôn thiên về, luôn hướng về thọ lảnh, thọ nhận, sở hữu, tích lũy, thụ hưởng tài vật, tài sản, tiện nghi, danh vị, quyền uy.
 
Dù đã là người Cư sỹ, đã quy y Tam Bảo, nhưng các vị ấy đã để cho các cảm thọ thế tục mới thay thế các cảm thọ thế tục củ dưới các hình thức khác tế nhị hơn, vi tế và khó nhận biết hơn, các vị đã vô tình công chức hóa hay nghiệp đoàn hóa việc thực hành Giáo Pháp trong hoạt động thường ngày.
 
4. Đối với người bình thường, trong sự thụ hưởng các dục lạc thế gian, các khóai lạc do việc ăn uống mang lại rất thân quen gần gủi, chúng là ý nghĩa và mục đích của cuộc sống, dù đôi khi phải đấu tranh khốc liệt cho mục đích nầy, phấn đấu để ăn ngon mặc đẹp cũng là điều chính đáng.
 
Đối với người cư sỹ thì khác, mục đích đời sống không phải để hưởng thụ việc ăn uống. Do ăn uống vốn là bản năng sinh tồn mạnh nhất, đồ ăn thức uống giúp cơ thể tồn tại, được thọ dụng  mỗi ngày, thậm chí nhiều lần trong ngày, thế nên việc ăn uống thường xuyên vượt ngoài tầm kiểm soát, sự hưởng thụ các khoái cảm do ăn uống mang lại những lúc quá đáng thường khó kiềm chế, dể  tự  đánh lừa, tự bào chửa, an ủi, để được tiếp tục tái diển sau đó.
 
Việc ngăn ngừa, chế ngự và trừ diệt các ý niệm, các cảm giác thèm muốn, thèm thuồng, phân biệt ngon dở, đẹp xấu, khen chê, yêu ghét  khởi lên từ việc ăn uống tưởng chừng như đơn giản, dể dàng, nhưng thật ra rất phức tạp, rất  khó khăn. Tham ăn, tham uống hay tham hưởng thụ các cảm thọ từ  sự ăn uống hay những gì liên quan đến nó, một khi được thỏa mản sẽ dẩn đến sự u mê, mê muội, si ám, liệt tuệ.  
 
Ngược lại, khi không được thỏa mản sẽ đưa đến sự bực bội, oán ghét, hờn giận, sân hận ( mà làm sao và bao giờ thỏa mản cho được! ). Tham, sân, si  nầy  thường ít được quan tâm, để ý tới, nhưng chúng lại là đóm lửa được nuôi dưởng, được  huân tập ngày nầy qua ngày khác, tích góp nhân duyên để  thồi bùng lên ngọn lửa tham-sân-si khác lớn hơn bội phần  khi  đủ điều kiện.
 
Lại nữa, tham sân si nầy, chúng  âm thầm từng ngày, từng giờ, từng phút giây tích tụ bồi lắng làm cho lớp trầm tích lậu hoặc-phiền nảo hiện hữu bấy lâu nay, vốn đã tồn tại trong đáy sâu tâm hồn từ vô lượng thời gian trong quá khứ, nay càng trở nên quá rắn chắc không dể gì làm cho muội lược, không dể gì xóa bớt, không dể gì xóa bỏ.
 
(Có người không thể ăn chay dù chỉ một buổi, có người ăn chay nhưng không thể thiếu các loại thức ăn ưa thích, hoặc phải tự lừa dối lấy tên món ăn mặn mới thấy ngon; Có người không ăn một buổi được, dù chỉ trong một ngày; Có người tự hào về việc trường chay hay nhịn ăn; Có người hảnh diện vì thân thể mập mạp hồng hào hay hổ thẹn vì thân thể gầy ốm xanh xao; Có người tự hào khi  ăn món ngon vật lạ đắt tiền; Có người giận dổi buồn phiền những khi dùng bửa ăn đạm bạc; Có người đang đi, đứng, nằm, trong giấc ngủ hay dù vừa thức giấc đã nghĩ đến việc ăn uống.  . .
 
Những ý niệm, những cảm thọ về ăn uống luôn ám ảnh, luôn chi phối tâm trí con người, cho dù  đó là người ăn chay hay người ăn mặn, dù ăn ít hay ăn nhiều, dù mập hay ốm, dù già hay trẻ, dù giàu hay nghèo, dù quyền quý hay dân dã, dù trí thức hay bình dân, dù là người Đông phương hay người Tây phương và thậm chí cho dù đang bệnh tật hay khỏe mạnh.)
 
Cảm giác khoái lạc thích thú do việc ăn uống mang không những dể có điều kiện được thỏa mản mà còn có hiệu năng khỏa lắp tạm thời nổi đau khổ phiền muộn, giúp lắp đầy phần nào sự xao xuyến, cô đơn thiếu thốn, trống rổng trong tâm hồn dù chỉ trong phút giây ngắn ngủi.
 
Các cảm thọ đến từ thế gian, dù vật chất hay tinh thần, dù lạc hay khổ hay không lạc không khổ đều là chướng ngại trong việc tầm cầu giải thoát.
 
Trong bài kinh số 2 (Kinh Tất cả lậu hoặc), đoạn nói về  pháp môn thọ dụng, Thế Tôn đã dạy rất rỏ về ý nghĩa và mục đích của việc ăn uống. Trong bài kinh nầy, Thế Tôn lại một lần nữa lấy việc ăn uống để khuyên răn, dạy bảo. Đây là điều cần phải hết sức chú ý tìm hiểu.
 
5. Ba trường hợp đáng bị quở trách thuộc về các trường hợp: Thừa tự tài vật, không thừa tự pháp, xa rời việc thực hành giáo pháp, xa rời mục đích giác ngộ thoát khổ.
 
– Không viễn ly là ham thích đời sống thế tục
– Không từ bỏ là gắn bó với đời sống thế tục
– Viễn ly là nhàm chán, rời xa đời sống thế tục.
– Từ bỏ là không dính mắc đến đời sống thế tục.
 
Nhàm chán rời xa, không dính đến đời sống thế tục không những thuộc về các phạm trù:
– Cư ngụ, cư trú, nơi ở, nơi chốn, trú xứ;
– Sự sở hữu, nhận lấy, thọ nhận, thọ dụng, sử dụng các  phương tiện, tiện nghi trong làm việc và sinh hoạt hàng ngày;
 
Mà còn thuộc các phạm trù:
– Lời nói;
– Cử chỉ, hành động;
– Tình cảm, ý nghĩ, suy tư.
 
Đời sống độc cư, bần hàn tại các nơi chốn, các trú xứ xa vắng yên tỉnh, tránh xa chốn thị thành đông người sẽ tạo nhiều thuận lợi cho việc thực hành giáo pháp hơn là đời sống gia đình tại các nơi ồn ào náo nhiệt vốn gò bó, hạn hẹp và đầy bất tịnh.
 
Nhưng dù cư ngụ nơi đâu, dù sống một mình hay với ai thì điều cơ bản cốt yếu của viễn ly và từ bỏ là sự nhàm chán, là rời bỏ, rời xa, xả bỏ, buông bỏ, không liên hệ, không dính đến, không bị ràng buộc bởi  tất cả cảm thọ dù lạc hay khổ, dù không lạc không khổ cùng những ý niệm, khái niệm, những ký ức hoài niệm, những tư tưởng, suy tư thuộc về thế tục, liên hệ, liên quan đến thế tục.
 
Viễn ly và từ bỏ không có nghĩa là đoạn diệt, là phủ nhận thực tế khách quan, là phủ nhận, từ bỏ, xa lánh, trốn tránh trách nhiệm và Bản phận đối với gia đình, với xã hội, với cộng đồng. Mà chính là viễn ly và từ bỏ tưởng tri; viễn ly và từ bỏ tưởng điên đảo; viễn ly và từ bỏ tà kiến, tà niệm, tà tư duy, tà định, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn; viễn ly và từ bỏ vô minh, tham dục, sân hận. Để đến với thắng tri, với liễu tri, với tịnh nhãn, chính kiến, chính niệm, chính trí, thắng trí, giác ngộ.
 
Xa rời, xả bỏ, từ bỏ, không liên hệ, không dính mắc đến những ý niệm, những cảm thọ liên hệ đến thế tục chính là không bị những ý niệm và cảm thọ thuộc thế tục bao vây, che lắp, chi phối, khuynh đảo, nhiếp phục;
 
Chính là tâm không bị ràng buộc, bị mê mờ, bị sai khiến, bị giao động, biến nhiểm trước bất cứ điều kiện, hoàn cảnh, cảnh ngộ cùng những tác động, những áp lực đên từ môi trường thế tục dù trực tiếp hay gián tiếp;
 
Chính là tâm không cònkhởi lên những ý niệm, quan niệm, tư duy thuộc về ngã-ngã sở; ngã- đối tượng; ngả- không ngã; Chính là nhận biết rỏvề bản chất duyên sinh, vô thường, bất toại nguyện, khổ, vô ngã của tất cả hiện tượng, tất cả vạn vật.
 
Viễn ly và từ bỏ là“Sự Tự Do thật sự”, là “Sự Tự Do đúng nghĩa”, tự do trong lời nói, tự do trong hành động, tự do trong ý nghĩ, cảm xúc, nhận thức.
 
Tựa như cây sen sinh ra và lớn lên trong ao đầm với bùn lầy hôi tanh, với nguồn nước đầy nhiểm ô, đầy bất tịnh. Nhưng cây sen ấy vẩn không bị tác động, không bị ảnh hưởng  bởi sự ô nhiểm, bởi sự bất tịnh từ môi trường mà mình đang sống; Vẩn kiên trì nhẩn nại  để ngày đêm thuận theodòng  nước, hết lên rồi xuống đổi thay bất tận theo con nước thủy triều; Vẩn  kiên trì miệt mài tăng trưởng và phát triển mạnh mẻ, kiên cố, vữngchắc, vững chãi; Để có khả năng vươn mình lên bầu trời cao viễn; Để có khả năng vươn lên tầm cao thánh đạo, tỏa ra những đóa hoa tươi đẹp, thanh cao mang sắc thắm cùng hương thơm phụng hiến cho đời, cho vạn vật, cho muôn loài  khắp cùng mọi phương hướng trong khắp cả sáu nẻo đường.
 
6. Thời Thế Tôn, có rất ít thành thị, dân chúng chủ yếu sống tại các thôn làng, nhà thường có mái tranh vách đất, các thảo am hay các túp lều nhỏ để các vị Tỳ-kheo trú ngụ trong mùa mưa thường do các Ngài tự  làm lấy, rất đơn sơ với khung bằng tre uốn cong xuống đất, lợp cỏ hay cói, chỉ đủ cho một người, thậm chí rất thấp không thể đứng thẳng. Các tịnh xá lớn hơn, có giảng đường, nhưng cũng chỉ được làm bằng cây lợp lá. Các vị Tỷ-kheo chỉ trú ngụ tại các thảo am, tịnh xá vào mùa mưa thời gian còn lại các ngài sống ngoài trời*.
 
Đây không phải là lối sống khổ hạnh hành xác, tự hành hạ thân thể cực đoan mà là lối sống giản dị, bình dị diển ra thường ngày rất mực thanh cao.
Các Ngài đã từ bỏ hạnh phúc gia đình, từ bỏ hạnh phúc thế gian vốn bản chất luôn biến động, đổi thay còn mất, luôn thiếu thốn, luôn khao khát, luôn bất toại nguyện, khổ đau, bất tịnh, tầm thường, lập đi lập lại vô vị và nhàm chán;
 
Các Ngài đã từ bỏ chúng để đến với hạnh phúc bền vững không bị lệ thuộc, không bị chi phối bởi các điều kiện thuận- nghịch, cao- thấp, thành- bại, thắng-thua, hơn-kém, còn- mất của đời sống thế tục;
 
Các Ngài đến với hạnh phúc ngay trong phút giây hiện tại, thứ hạnh phúc rất mực đơn giản- giản dị- bình dị- thanh cao- nhẹ nhàng- vững vàng- thảnh thơi- an lạc- an tĩnh- tĩnh lặng- thanh lương- dịu mát . . . Thứ hạnh phúc cao quý, giá trị hơn hạnh phúc thế gian bội phần thường được gọi là hiện tại lạc trú, mà người thường không có khả năng nghe, không khả năng thấy, không có khả năng cảm nhận, không có khả năng nhận biết để sống và thưởng thức.
 
Các ngài đã tìm thấy cõi Tịnh độ trong ngay chính tâm hồn mình, ngay chung quanh mình, nơi muôn loài vạn vật, trong hạt sương, trong tia nắng ban mai, nơi chiếc lá đong đưa, trong gió bảo, trong mưa lủ, trong nắng hạn, trong thị thành náo nhiệt, nơi núi rừng yên tĩnh, nơi con côn trùng bé nhỏ, trong loài hùm beo, ác điểu, nơi vô vàn sinh vật cùng cỏ cây và hoa lá . .    
 
Các ngài không nương tựa vào thuận cảnh để tìm thấy hạnh phúc, phấn khởi yêu đời, hay chấp trước trước nghịch cảnh để than van, thất vọng, oán hận, sầu ưu khổ não. Các Ngài luôn tự tại.
 
Thông qua cuộc sống bình dị hàng ngày, với cử chỉ trang nghiêm khiêm tốn, với ánh mắt hiền hòa, nụ cười thân thiện gần gủi luôn nở trên môi, các Ngài luôn kiên nhẩn, ân cần lắng nghe mọi lời nói dù là lời vu khống, hay mạ lỵ, phỉ báng đi nửa, các Ngài luôn thốt lên những lời chân thành, khiêm nhả, khoan dung từ ái, khích lệ, lợi ích, đúng với Chính pháp với bất kỳ những ai tiếp xúc với mình.
 
Một cách không cố ý, không cần nhắc nhở, thật tự nhiên, từ trong Nhân cách các Ngài, âm thanh và vầng hào quang vi diệu tự tỏa ra, lan tỏa ra đến với mọi người, hòa cùng  hương thơm của lòng từ bi hỷ xả, bình đẳng, không phân biệt giai cấp, thành phần xã hội, khiến cho tất cả những ai  khi có dịp diện kiến các Ngài, dù đứng tận ngoài xa đi nửa, lòng họ cũng cảm thấy được an ủi, được sách tấn, khích lệ. Họ trở nên tin tưởng, vững tin, bình tĩnh, phấn khởi, an ổn, an vui.
 
Không còn yếu đuối, không còn sợ hãi, lo âu, không còn khao khát mong cầu, sân hận, si mê hôn trầm, tâm họ trở nên tự tin, vững chắc, kiên cố, mạnh mẽ, định tĩnh, an tĩnh,  khiến cho khả năng “Tự khám phá nước Tịnh độ” trong họ  được đánh thức, được khơi dậy. Chính tín, lòng tin tuyệt đối vào Tam bảo trong họ được khởi lên và phát triển vững chắc, dẩn đến lòng  tin vào chính mình,lòng tin mình  thật sự có khả năng để  nổ lực, chuyên cần, để chơn chính sống thực hành, thực hiện  theo đúng  những điều đã được Thế Tôn thương yêu dạy bảo.
 
Từ đó họ có thể tự mình phá bỏ, chặt bỏ, đốn ngã những lùm cây rậm rạp tối tăm, những đám dây leo chằng chịt, những bụi gai nhọn um tùm, chúng  đang bao vây, bao phủ, che lắp khắp cả mọi phương hướng đến độ không biết đâu là đường đi, nẽo về. Để chính họ tự nhận biết mình là ai, đang ở đâu, để tự mình khởi lên ý muốn dừng lại bước chân đang ngày đêm lang thang đắm chìm trong việc theo đuổi kiếm tìm ảo ảnh hái hoa bắt bướm, để tự mình khởi lên nhu cầu mong muốn thoát ra khỏi mê cung mờ mịt của tà niệm, của bất thiện tâm sở và để tự mình khai phá, tự mình thiết lập con đường đi đến cõi Tịnh độ vốn đã và đang hiện hữu ngay trong chính tâm hồn mình.
 
Không ham thích, không thích thú, không hoan hỷ các cảm thọ ấy, các Ngài hướng đến sự từ bỏ, hướng đến sự thoát ly, sự xả ly hoàn toàn để chấm dứt hoàn toàn đau khổ để từ đó cứu giúp người khác thoát khổ hoàn toàn như chính các Ngài. Các Ngài  đã vượt thoát khỏi vũng bùn lầy, đã lên trên bờ, từ đó các Ngài kéo người khác ra khỏi vũng bùn lầy.
 
7. Thời đó, y phục, đồ ăn thức uống, các tiện nghi để làm việc và sinh hoạt trong xã hội rất đơn giản, bình dị. Dân cư phần lớn tâm tánh hiền hòa chất phác. Dù vậy Thế Tôn vẩn luôn cảnh tỉnh, nhắc nhở các đệ tử về những ảnh hưởng, những tác động xấu từ mội trường chung quanh. Các vị Tỷ-kheo thời bấy giờ thường là những vị có thiện căn, nhưng vẩn có những trường hợp các vị bị chi phối, bị nhiếp phục bởi những cám dổ từ đời sống thế tục.
 
Các vị ấy đã có lối sống đầy đủ, lười biếng  ( luôn tìm cách hưởng thụ về ăn, mặc, ngủ nghỉ, không chân chính thực hiện hạnh tri túc thiểu dục, ăn một buổi với ba y một bình bát )  dẩn đầu về đọa lạc (sống với tiện nghi vật chất đẹp đẻ, tráng lệ, sang trọng xa hoa, cầu kỳ, với sự quan liêu, quan cách, xa cách, luôn bên mình kẽ hầu người hạ, cung phụng đủ điều ), bỏ rơi gánh nặng sống viễn ly ( không nổ lực siêng năng, chuyên cần, tinh cần, tinh tấn trong thực hành giáo pháp).
 
Ngày nay, văn minh tiêu thụ đã tạo ra biết bao phương tiện, tiện nghi vật chất để nhằm hưởng thụ, thỏa mản tối đa đầy đủ tất cả sáu giác quan. Có thể dể dàng tìm thấy các  phương tiện với nhiều loại hình để hưởng thụ tại bất cứ nơi đâu kể cả tại các làng mạc xa xôi hẻo lánh.
 
Thế nên, hôm nay dù các phương tiện trợ duyên cho việc tu tập, thực hành giáo pháp  rất đầy đủ, rất tiện nghi. Ngày càng có nhiều nhiều tự viện, trường lớp uy nga, rộng lớn được xây dựng, rất nhiều kinh sách, băng dĩa được in ấn phát hành, rất nhiều lễ hội được tổ chức hoành tráng. Nhưng những trở ngại cho việc tu tập lại không ít, các cám dổ ngày lại càng nhiều hơn và những âu lo phiền nảo trong lòng người cứ ngày càng phát triển chồng chất không biết đến bao giờ thuyên giảm.
 
Chính Pháp luôn đúng trong không và thời gian, Chính Pháp không thuộc về hữu vi. Chính Pháp đã, đang được thể hiện trong cuộc sống, Chính Pháp đã và đang tồn tại trong tâm hồn, trong lý trí của những người Phật tử chơn chính. Họ là những người hạnh phúc đích thực, là những người luôn nghĩ và hành động vì lợi ích và hạnh phúc của người khác. Do bởi họ không còn khao khát, mong cầu, không còn thiếu thốn, bởi trong họ không bóng dáng của tự ngã.
 
Chính Pháp không thể thay đổi, không thể biến đổi để thích nghi, thích ứng với các giai đoạn lịch sử, với thực tế xã hội. Như thế sẽ không phải là Chính Pháp. Mà ngược lại, chỉ có xã hội hiện tại cần phải thay đổi, cần phải biến đổi, hay đúng hơn là các thành tố của xã hội là con người cần phải thay đổi, cần phải biến đổi để có khả năng thực hiện chơn chính Chính Pháp, để Chính Pháp đến với chính mình. Chỉ có tâm hồn con người cần phải được chuyển đổi, được chuyển hóa để nhận thức đúng, để thực hành, thực hiện đúng với Chính Pháp để đưa đến Hạnh phúc thật sự ngay trong hiện tại, trong đời nầy và trong tương lai.
 
Chính Pháp luôn tồn tại sinh động nơi những người con Phật, những người Thừa tự Pháp.
 
So sánh như trên, để thấy lời dạy của Đức Thế Tôn về thừa tự pháp và thừa tự tài vật thật vô cùng ý nghĩa, thật vô cùng cần thiết để được nghiên cứu được tìm hiểu và áp dụng trong hiện tại, đây là việc làm vô cùng hữu ích, có giá trị thiết thực cho sự duy trì, gìn giữ và phát triển giáo pháp hay “ Thừa tự pháp” theo đúng lời dạy của Thế Tôn.
 
8. Con đường trung đạo tức con đường Thánh tám ngành tức Bát chính đạo là phương pháp cơ bản và là nền tảng để diệt trừ tham, sân, si và các biểu hiện, các trạng thái của tham, sân, si khiến tịnh nhản sinh, chân trí sinh, hướng đến tịch tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niệt bàn.
 
Bảy phương pháp đoạn trừ các lậu hoặc trong bài kinh số 2 thuộc về con đường Thánh tám ngành.
 
VỚI LÒNG TÔN KÍNH VÀ BIẾT ƠN VÔ HẠN ĐỐI VỚI ĐỨC THẾ TÔN
 

Mùa Phật Đản PL.2553, TP.HCM, 01/4/2009

(*) Trần Phương Lan. ( dịch ) ( 2000 ). Đức Phật lịch sử, NXB TP. HCM