Trang chủ Diễn đàn Nhân vụ Tòa khâm: Di sản văn hóa – Cội nguồn lịch...

Nhân vụ Tòa khâm: Di sản văn hóa – Cội nguồn lịch sử của một dân tộc

130

Vừa qua, trong Tuần Văn hóa Phật giáo được tổ chức tại Huế, thính giả đặc biệt chú ý tới đề tài thuyết trình “Thăm lại những ngôi chùa đã mất” của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn.


Mọi người thật sự xúc động khi thấy lại chiếc giếng đá cổ chùa Báo Thiên – di sản quý hiếm còn sót lại của một ngôi đệ nhất danh lam cổ tự tại kinh thành Thăng Long xưa, từng được mệnh danh là “An Nam tứ khí”.


Thân phận chiếc giếng đá cổ đó vẫn chưa biết đi về đâu thì việc Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt kêu gọi giáo dân tập trung cầu nguyện, đòi nhà nước “trả lại đất” Tòa Khâm sứ của Vatican, đã một lần nữa gợi lại vết thương đau của dân tộc và Phật giáo, bởi tại mảnh đất này (bao gồm cả nhà thờ Lớn) từng hiện diện ngôi chùa Báo Thiên, mà giếng đá cổ là chứng nhân cuối cùng của một âm mưu chiếm phá.


Lịch sử dân tộc cho thấy, mất di sản văn hóa chính là hệ quả của việc mất chủ quyền dân tộc. Nên cái gì là di sản văn hóa của dân tộc cái ấy phải được Nhà nước bảo vệ vì Nhà nước là của dân.


Chùa Báo Thiên bị chiếm phá để xây nhà thờ Lớn và Tòa Khâm sứ (Hà Nội). Chùa Linh Hựu bị phá để sau đó trên miếng đất ấy mọc lên nhà thờ Tây Linh (Huế). Nhà thờ La Vang (Quảng Trị) được xây dựng trên nền chùa Lá Vàng. Nhà thờ Mằng Lăng (Phú Yên) vốn là nền đất của chùa Hội Tôn…


Và rất nhiều ngôi chùa khác trên phạm vị cả nước bị Chính quyền thực dân và giáo sĩ chiếm phá. Đó là những sự thật lịch sử không thể chối cãi mà phần nào qua bài nói chuyện của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn chúng ta hiểu được. Đó cũng không phải là “phép lạ” mà là chủ trương triệt hạ chùa chiền để xây nhà thờ trong chính sách nô dịch, thống trị, đồng hóa văn hóa của một số giáo sĩ, tín đồ Công giáo có thế lực tại Việt Nam thời Pháp thuộc.


Di sản văn hóa là bằng chứng độc đáo, nhiều khi quyết định quan trọng tới những nhận định của khoa học lịch sử. Di sản văn hóa luôn xác thực, gắn liền với sự vận động của lịch sử, tư tưởng, tôn giáo, văn hóa nghệ thuật… trong một dân tộc.


Bỏ qua những lý do nằm ngoài con người, bất kể chủ trương tàn phá nào đều là những hành vi cực đoan không thể chấp nhận được. Bởi di sản văn hóa không chỉ mang những ý nghĩa, giá trị phổ biến trong nếp sống, nếp nghĩ, lối ứng xử, truyền thống tâm linh tiêu biểu đại diện cho nền văn hóa mà còn là biểu tượng của chủ quyền dân tộc.


Vậy chúng ta rút ra được những bài học kinh nghiệm gì qua những vụ tàn phá di sản văn hóa đó?


Trong sự liên hệ nhạy cảm và cần thiết từ chiếc giếng đá cổ chùa Báo Thiên với vụ việc cầu nguyện “đòi trả lại đất” của Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt dưới danh xưng “công lý và hòa bình” (trên một mảnh đất do cưỡng chiếm một ngôi chùa, mà cái “sở hữu” có được lại do Chính quyền thực dân bảo hộ cấp) gần đây, buộc chúng ta không thể không nghĩ đến một dấu hiệu không bình thường muốn lật lại một trang lịch sử đầy đen tối của thời ngoại thuộc, mà rất có thể đằng sau còn là những tham vọng chính trị đầy thách thức.


Tuy nhiên, trên một mảnh đất có liên quan trực tiếp đến những di sản Phật giáo bị tàn phá, người Phật tử không xem đó là việc tranh chấp của một miếng đất thuần túy, hay can dự tùy tiện vào công việc của người khác, mà họ muốn kêu gọi một lương tâm văn hóa hiện tại, một bài học ứng xử cần thiết, mà ở đó một di sản thiêng liêng của dân tộc đang còn trơ vơ trước lương tâm và lòng trắc ẩn của con người.


Lý giải tại sao người Phật tử chỉ lên tiếng trước vụ “Tòa Khâm sứ” mà không hề đề cập đến những vụ cầu nguyện đòi đất “liên hoàn” khác của người Công giáo tại Việt Nam. Vì họ hiểu, không thể có một thứ “sở hữu chủ” hay “công lý” nào có thể được “hợp thức hóa” qua hành vi cưỡng chiếm.


Lương tâm con người không cho phép huống gì là lương tâm tôn giáo. Điều đó khiến mọi người phải đặt câu hỏi: Di sản văn hóa của dân tộc đã có lúc trải qua những “đại nạn” mà những tổn thương, những gì còn sót lại, tại sao vẫn chưa thể đánh động lương tâm con người? Trong tương lai, những di sản văn hóa có tiếp tục bị ứng xử một cách ngược đãi như vậy không?


Những giới hạn của lịch sử, của nhận thức, của ứng xử văn hóa đã làm cho nhiều di sản văn hóa của dân tộc bị mất dấu. Nhưng trong tâm thức người Phật tử, trong những trang lịch sử còn thấm đầy đau thương, người Phật tử không bao giờ quên những di sản văn hóa, bởi chính di sản văn hóa đó đã chỉ ra những nét đa dạng văn hóa trong tinh thần, tình cảm của cộng đồng mà mỗi cá nhân đang trực tiếp hay gián tiếp kế thừa.


Sự kiện di sản bị mất dấu là một bài học lịch sử, đặt ra một câu hỏi lớn trong ý thức di sản: Di sản văn hóa của chúng ta có bị tàn phá bởi xung đột, thù hận và các nguyên nhân khác không?


Câu hỏi đó sẽ trả lời cho chúng ta những bài học ứng xử cần thiết trong bảo tồn các giá trị văn hóa, di sản. Chính vì thế, sự thay đổi triều đại, thể chế trong lịch sử có thể diễn ra liên tục, nhưng di sản vẫn không những không hề bị triệt phá mà còn được bảo tồn, phục dựng, tu bổ, phong sắc.


Như vậy, câu hỏi trên, còn đặt ra một vấn đề quan trọng khác trong nhận thức để chúng ta có thể qua đó hiểu được thế nào là một “di sản sạch”. “Di sản sạch” là di sản không do thủ tiêu, triệt phá, chiếm dụng mà có. “Di sản sạch” là di sản được tiếp nối một cách hòa bình và ổn định theo dòng chảy thời gian.


Ở Tây Âu, một số nước coi di sản là phương tiện hỗ trợ trí nhớ tổng hợp và là công cụ để giúp con người hiểu biết cội nguồn lịch sử. Từ những di sản tại các vùng nông thôn hay thành thị, các nước Tây Âu có thể phát hiện ra hay phát hiện tiếp những nguồn gốc và sự tương đồng về hành vi cũng như cách sinh hoạt, mối quan hệ giữa con người và thế giới tự nhiên.


Bảo tồn di sản cho các thế hệ mai sau không chỉ có ý nghĩa với giới khảo cổ và khoa học mà còn là chức năng về kinh tế, xã hội. do vậy xã hội hiện đại luôn coi di sản như là một nhân tố để phát triển. Những quyết định về bảo tồn, sử dụng và tái sử dụng di sản là một phần cốt lõi trong các chính sách liên kết xã hội, môi trường, văn hóa, giáo dục và lập kế hoạch phát triển một đất nước.


Hai pho tượng Phật lớn bị phá hủy hoàn toàn ở Afganistan đang được UNESCO đưa ra các phương án bảo tồn và có thể phục dựng trong một tương lai gần. Trận hỏa hoạn mới đây tại Hàn Quốc đã nuốt chửng cổng thành Namdaemun bằng gỗ được xây dựng từ năm 1395, một di tích được xem là tài sản quốc gia hàng đầu. Thủ tướng Hàn Quốc tuyên bố sẽ cố gắng hết sức để khôi phục cổng thành, bởi di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc, niềm tự hào dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Di sản văn hóa rõ ràng không phải là cái mất rồi – thì – cho – mất luôn.


Đất nước chúng ta là đất nước liên tục phải đối mặt với những cuộc xâm lăng, nên mọi tri thức lịch sử của chúng ta đều nghiêng một cách mãnh liệt về phía đó. Những gia tài văn hóa vật thể, phi vật thể của dân tộc đã đi qua và chứng kiến biết bao những thăng trầm của chiến tranh tàn phá, nhưng nó vẫn âm thầm bền bỉ vượt qua những thách thức khắc nghiệt của thời gian và những dòng chảy đầy trống chếnh của sử luận.


Chúng ta đã sống một cách tương quan với nhau trên mảnh đất này. Ở đó, những giá trị sống thiêng liêng tốt đẹp mà con người chúng ta đã tạo ra bằng phong tục, nếp sống, lối ứng xử, không có một chi tiết nhỏ nào mà không chỉ ra rằng đó chính là văn hóa.


Chúng ta có thể đứng trước bàn thờ gia tiên tổ với một cái bát nhang và vài cây hương là chúng ta có thể tiếp xúc được với cả một cội nguồn văn hóa. Và cái không gian bé nhỏ thiêng liêng ấy không cho phép bất cứ hành vi ngỗ ngược nào được diễn ra. Chốn chùa chiền được các triều đại nối đời tôn nghiêm càng như vậy.


Nhiều những di sản chùa chiền, miếu mạo nói chung của chúng ta bị mất đi do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan của lịch sử. Nhưng lịch sử không phải là “sự đã rồi”, nên qua đó chúng ta còn nhận thức được cả một hệ thống ý thức chiếm phá chùa chiền của những tham vọng quyền hành hỗn độn, không ngoại trừ những âm mưu thống trị và đồng hóa gây nên. Mọi di sản đều là máu thịt của dân tộc Việt Nam, là cháu con chúng ta không cho phép bất cứ ai xâm phạm, tước đoạt dù nó được núp dưới bất cứ danh nghĩa, hình thức gì.


Nhìn cách thế giới ứng xử và chăm chút với từng mảnh vỡ của di sản, rồi nhìn lại chiếc giếng đá cổ có tuổi đời hàng ngàn năm của dân tộc mà không khỏi ngậm ngùi. Và không có gì đau xót hơn khi một ngôi quốc tự, được mệnh danh là “An Nam tứ khí” nay chỉ còn trong tâm thức, bởi những tham vọng quyền năng một thời của con người, và hiện nay tham vọng ấy gần như vẫn chưa hề có dấu hiệu trở thành quá khứ.


Nhưng với di sản văn hóa dân tộc, tổ tiên ta không phải không có ngụ ý sâu xa khi nói: “Để thì hòn đất mà cất là ông Bụt”. Giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc ta đều gói gọn vào hai hành động “để” và “cất” ấy. “Để” thì có thể vứt lay vứt lắt, nhưng “cất” thì trân trọng, nâng niu. Hy vọng, đối với di sản văn hóa của dân tộc, mỗi người đều có thể thực hiện hành vi “cất” của mình, dù điều đó đôi lúc chỉ lóe lên trong lương tâm và lòng trắc ẩn!