Trang chủ Thời đại Xã hội Nhân World Cup: Phật giáo với thể thao và bóng đá

Nhân World Cup: Phật giáo với thể thao và bóng đá

259

 

Những luận  điểm nêu ra trong bài viết này, như thường lệ, cũng chỉ là vấn đề gợi ý để thảo luận, hoàn toàn không phải là những kết luận xác  định. Qua thảo luận, chắc chắn, chúng ra sẽ có một cái nhìn tiếp cận hơn, thực tế hơn trong quan điểm đối với thể thao, với bóng đá, từ điểm nhìn là nền tảng tư tưởng Phật giáo.

Từ trước đến nay, giới Phật giáo đã có những quan điểm khác nhau đối với thể thao, đặc biệt là bóng đá.

Chắc là  không ít những nhà tu hành Phật giáo có quan điểm nghiêm khắc đối với bóng đá, một bộ môn thể thao được ví như một tôn giáo, túc cầu giáo, thu hút đông đảo công chúng bằng một hấp lực đặc biệt, biến người hâm mộ thành những “tín đồ”.

Dường như  phần lớn sách vở Phật giáo hiện đại không muốn nhắc đến bóng đá, và cả thể thao.

Còn trong một số băng giảng, một số vị giảng sư  đã phê phán một cách cứng rắn các vị tăng trẻ  thức đêm xem đá banh mỗi khi có những giải lớn, đến nỗi sáng ngày lên lớp học với đôi mắt quầng thâm. Phật tử nghe chư đại đức tăng sinh bị phê bình như thế, thì cũng suy ra, hâm mộ bóng đá, và cũng có thể là thể thao nói chung, là điều nên tránh trong tiến trình tu tập.

Phải chăng, Phật giáo, là một tôn giáo tĩnh lặng, hướng nội, tìm sự yên bình trong việc không cạnh tranh, tất nhiên không thể dung chứa các hoạt động thể thao, đặc biệt là bóng đá, mà đặc điểm chung là  sôi động, va đập, hơn thua, thậm chí bạo lực…

Hình ảnh một sân vận động bóng đá huyên náo, ầm ỉ, căng thẳng từng giây, từng phút, trong từng động tác, phải chăng là hình ảnh đối lập với hình ảnh những ngôi chùa lặng lẽ, tĩnh mặc, từ bỏ mọi cuộc  đấu, dù dạng này hay dạng khác?

Như thế, thì việc các nhà sư trẻ, thậm chí cả  những vị thượng tọa đứng tuổi xem bóng đá như nói trên TV là điều hoàn toàn không nên?

Xem trên TV thì đã như thế, thì  tu sĩ Phật giáo  đến sân vận động, cầm băng rôn, hò reo, cổ vũ đội bóng địa phương mình, càng khó có thể chấp nhận!

Cách nghĩ  của một số tăng ni Phật tử là theo hướng này. Người viết chia sẻ với cách nghĩ như vậy, tuy nhiên, vẫn thấy một cái gì đó chưa thật ổn.

Đúng là  Đạo Phật, vốn là tôn giáo tịch tĩnh, trầm mặc, nhưng đưa đạo Phật đến vị trí đối lập với thể thao, đặc biệt là bóng đá, là điều cũng không thể chấp nhận hoàn toàn. Đây là chỗ mà chúng tôi xin đề nghị bàn luận.

Ngày xưa, thời đức Phật, thể thao chưa phát triển như bây giờ, nhất là chưa có bóng đá, nên sẽ không có một kết luận có cơ sở rõ ràng. Nhưng tinh thần căn bản của đạo Phật là xa vời mọi biểu hiện đua tranh hơn kém, nên phải chăng, có thể dùng đó làm nền tảng để suy luận?

Người viết dự định đọc kỹ lại Đại tạng để tìm lời giải đáp, nhưng tiếc là chưa thể thực hiện, nên ở đây, mong quý đạo hữu, quý tăng ni có ý kiến.

Có một  điều cũng rất đáng chú ý, là đức Phật, khi còn là một vị hoàng tử, vốn là người rất tinh thông võ nghệ, và trong các cuộc tranh tài, ngài luôn đứng đầu (có thể hiểu tranh tài võ nghệ như cưỡi ngựa, bắn cung… là tương tự với  các môn thể thao hiện nay).

Đối với một người chưa xuất gia làm sa môn, đối với phước báu thế  gian, thì luyện tập và giành ưu thắng trong các cuộc tranh tài võ nghệ, phải chăng là một hệ quả  đương nhiên?

Nếu như  thế, thì luyện tập và giành thắng lợi trong các cuộc tranh tài thể thao, đối với người cư sĩ, sẽ là một hình thức phước báu được thụ hưởng. Vậy thì, Phật giáo vẫn dung chứa bên trong sự chấp nhận thể thao, tranh tài thể thao, đoạt giải tranh tài thể thao. Kinh điển không phê phán hoàng tử Sĩ Đạt Ta tinh thông võ nghệ, ưu thắng trong các cuộc tranh tài là một sai lầm, mà coi đó là điều tự nhiên của một thanh niên trưởng thành trong phước đức.

Một vị  đại đức có lưu ý người viết là giới luật cấm tăng sĩ đại giới xem đánh trận. Nhưng thể thao hoàn toàn khác đánh trận trong chiến tranh. Một bên là giết chóc thật sự, còn một bên chỉ là trò chơi.

Thể  thao cũng không phải là trò du hý (như ca nhạc, vũ đạo) mà người xem tìm đến chủ  yếu để giải trí, mua vui. Giữa thể thao và  ca múa có một lằn ranh rất rõ ràng. Thể thao không lấy hình thể con người để sáng tác và thu hút mắt người xem như trong múa, không dùng âm thanh để thu hút đôi tai người xem như trong âm nhạc.

Thế  thì, nếu chấp nhận người cư sĩ có thể  đến với thể thao, thì liệu những những uy nghi bắt buộc đối với hàng xuất gia buộc người tu sĩ  có khoảng cách với thể thao?  

Nói đi thì cũng phải nói lại. Nếu thế thì tại sao, ở Phật giáo Nam Tông Khmer, hệ phái Phật giáo hết sức nghiêm ngặt trong giới luật, người tăng sĩ  Phật giáo, kể cả chư vị trưởng lão hòa thượng, lại có thể dự khán và chủ trì các cuộc đua ghe Ngo trên sông.

Người viết  đã có dịp thấy chư vị tôn túc Phật giáo Khmer (mà đồng bào Khmer gọi là “Ông lục cả”) có mặt chủ tọa đoàn một cuộc đua nghe ngo tết Oóc om bóc tổ chức tại Sóc Trăng. Các vị sư trẻ là bộ phận trong số khán giả đông đảo của cuộc tranh tài đua ghe, mà các đội ghe thì thi đấu với danh hiệu các chùa.

Người viết nhớ rằng, trong tác phẩm Hương rừng Cà Mau nổi tiếng, nhà văn Sơn Nam, dường như có đề cập đến một chiếc ghe đua “thiêng liêng” ở một ngôi chùa Khmer Tây Nam Bộ.

Đều có thể chắc chắn là các chùa Khmer là nơi sinh hoạt của các đội đua ghe. Phật giáo Khmer Tây Nam Bộ gắn liền với môn thể thao đầy kịch tính này.

Đó là Phật giáo Khmer Tây Nam Bộ, Việt Nam, còn Phật giáo Nam tông Campuchia cũng không khác. Người viết có lần xem được trực tiếp truyền hình một cuộc đại lễ có đua ghe , mà trên khán đài, về phía chính quyền có quốc vương Sihamoni, thủ tướng Hunsen, chủ tịch quốc hội Hêngxomrin, về Phật giáo có đức Tăng thống Tép Vông (đức vua Sãi), cùng đều ngồi hàng danh dự.

Ghi nhận sự việc như thế, thì liệu có thể  lập luận, đức Tăng thống đã có mặt trên khán đài như là một khán giả đua ghe, thì xét về tính chất, tu sĩ Phật giáo nếu có mặt trên khán đài các bộ môn thể thao khác, thì có gì đâu thể nói là sai?

Có thể  là vội vàng khi lập luận như thế, nhưng căn cứ vào nguyên tắc tương tự, mà luật pháp ở giai đoạn chưa hoàn thiện vẫn vận dụng để giải quyết khi vấp phải trường hợp luật pháp chưa quy định rõ ràng, thì quả thật, ít nhiều có thể làm ngần ngại phía có ý kiến phê phán việc nhà sư xem tranh tài thể thao (đương nhiên gồm cả trường hợp xem bóng đá).

Xin chờ  đợi những ý kiến thảo luận. Còn kết luận, thì  ít nhất, không nên giữ quan điểm hoàn toàn đối lập Phật giáo với các cuộc tranh tài thể thao (tất nhiên trừ những môn thể thao quá thô bạo, có thể gây đổ máu).

Ít nhất, cũng có thể ngưỡng mong chư tôn đức viện chủ, trụ trì các tu viện, tự viện không quá khắt khe với việc xem bóng đá, đến nỗi khi có những mùa bóng lớn như World Cup, thì tăng sĩ trẻ nửa đêm phải trốn chùa ra quán cà phê để xem (thậm chí đội nón, mang kính râm, mượn áo sơ mi quần nâu hóa trang thành người đời để không bị để ý).

Nên chăng, có thể dành một phòng kín để xem vào những dịp tranh tài thể thao đặc biệt như World Cup hiện nay, khi những tăng sĩ trẻ không dễ chống lại sự thu hút của thể thao, để vừa giữ trang nghiêm, thanh tịnh sơn môn, vừa không đưa tăng sĩ trẻ vào tình huống khó xử.

Nếu phải chọn lựa giữa việc phải cấm đoán gắt gao, mà có khi dẫn đến việc tăng sinh trẻ phải xé rào xem chui bóng đá, và việc tổ chức xem một cách hợp lý trong khuôn khổ tại chùa, thì việc tổ chức xem bóng đá cách ly, biệt lập, giữ trang nghiêm, tránh gây ồn ào vẫn là một lựa chọn ít tệ hại hơn.

Trong một chương trình gần đây, Đài Phát thanh Quốc tế  Pháp RFI có truyền đi bài viết về đề tài thể thao và tâm linh, nói đến việc một vị linh mục tổ chức một đội bóng nhà thờ. Đây là điều khá lạ lẫm, nhưng nó cũng chứng tỏ thể thao và tôn giáo không có ranh giới tuyệt đối. Nếu so với việc các chùa Nam Tông Khmer tổ chức các đội đua ghe, thì dường như ở đây có một sự tương đồng nào đó.

MT