Trang chủ PGVN GHPGVN Nhu cầu và giải pháp truyền bá Phật pháp đến tận vùng...

Nhu cầu và giải pháp truyền bá Phật pháp đến tận vùng sâu vùng xa của tổ quốc

71

Những Phật sự đã đạt được không phải nhỏ và cũng không phải dễ dàng gì. Biết bao trở ngại, chông gai, dèm chê, nghi ngờ, chống phá… đến với chúng ta. Tuy vậy, chúng ta cũng đã vượt qua tất cả để hoàn thành Phật sự, vững bước vào đời hành đạo, giương cao ngọn đuốc trí tuệ, soi sáng cho những ai còn mê vọng, đóng góp sức mình vào dòng chảy văn hóa đạo đức từ bi trí tuệ của dân tộc Việt.

Đất nước Việt Nam có 54 dân tộc anh em chung sống. Dù chúng ta rất cố gắng thực hiện lời nguyện: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, 25 năm qua, chúng ta vẫn chưa đem giáo pháp vô thượng thậm thâm của Đức Phật đến với đồng bào dân tộc thiểu số, những người anh em đang sống cơ cực ở vùng sâu, vùng xa được nhiều.

Thật vậy, hiện nay Phật pháp chỉ mới truyền bá đến được những đồng bào dân tộc Kinh, người Hoa và đồng bào Khmer, còn nhiều dân tộc khác và những vùng hải đảo, những tỉnh trước đây có Phật giáo nhưng bây giờ gần như trắng, Phật giáo chưa lan tỏa đến hoặc rất ít không đáng kể.

Hôm nay, nhân kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong buổi hội thảo tọa đàm thân mật đầy trí tuệ của chư Tôn giáo phẩm, chư vị thiện tri thức, các vị đại diện lãnh đạo chính quyền, Mặt trận các cấp; thay mặt Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như đại diện Tăng Ni, Phật tử Quảng Nam tôi xin trình bày một vài ý kiến về việc hoằng pháp độ sanh hướng dẫn đồng bào vùng sâu vùng xa.

Kính thưa Quý vị,

Sau bài pháp đầu tiên tại Vườn Nai, Đức Thế Tôn đã khuyến hóa năm anh em Kiều Trần Như, các vị hãy đi hoằng hóa giáo pháp này đến khắp nơi, không đi chung hai người trên một đường. Chỉ với năm vị Thanh văn Tăng, không lời phát nguyện vì chúng sanh nào, chỉ vì thấy lợi ích thiết thực nơi giáo lý vi diệu của Đức Thế Tôn, các Tỳ kheo ấy đã mạnh dạn dấn thân vào công cuộc hoằng hóa độ sanh. Sau này, có thêm nhiều Tỳ kheo khác nữa, nhưng phải kể đến là tinh thần hoằng pháp dù phải thiệt thòi đến tính mệnh của Phú Lâu Na. Nhờ vậy, ngọn đèn chánh pháp của Đức Thế Tôn lan tỏa, hết thế hệ này truyền nối đến thế hệ khác, tinh thần hoằng pháp cứu mê tình, bất luận dòng tộc nào, đất nước nào, bởi các Ngài biết rằng: “Người có Nam – Bắc nhưng Phật tánh không Bắc – Nam”. Nhờ vậy, ngày nay chúng ta dù ít hay nhiều cũng thấm được phần nào giáo lý thâm sâu của Đức Phật, thấy được con đường nên đi, việc cần phải làm, định hướng cho tâm tư tìm về an lạc vĩnh cữu. Công ơn hóa độ của Đức Phật, công đức truyền trao đèn pháp của Lịch đại Tổ sư, các bậc Tiền bối chúng ta không thể không ghi nhớ được, không thể không học tập. Bởi vậy, hiện nay còn rất nhiều dân tộc, đồng bào vùng sâu, vùng xa chưa biết đến giáo lý thậm sâu vi diệu của Đức Phật, chúng ta không thể làm ngơ được, không thể dửng dưng sống “độc thiện kỳ thân” được. Chúng ta phải tự đặt trách nhiệm lên vai, dù phải hóa thân, hóa kiếp để ngọn đăng của Đức Thế Tôn soi tận đến chân trời góc biển. Đó mới là hạnh nguyện Bồ tát, đó mới Bồ tát đại từ đại bi. Hãy như lời người đời thường nói: “Cho cái cần để tự câu cá”, “cho chiếc cầu để tự qua sông”. Vâng! Cho cá hay cõng qua sông thì người ta ỷ lại! Được như vậy là một phần của báo ân Phật! Là thể hiện tinh thần từ bi của đệ tử Phật.

Lại nữa, hơm 2000 năm đồng hành cùng dân tộc Việt Nam, dòng máu của dân tộc là dòng máu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đất nước Việt Nam có hưng thịnh thì Phật giáo Việt Nam mới được hưng thịnh. Là thành viên của Phật giáo Việt Nam là thành phần của đất nước, chúng ta không thể không quan tâm đến nền văn hóa Việt Nam được. Một nghìn năm qua, Phật giáo Việt Nam đã đóng góp rất nhiều vào nền văn hóa dân tộc bằng vật thể hay phi vật thể. Điều này khó ai phủ nhận được. Đó là cơ ngơi, di tích, chữ nghĩa, thơ văn… nhưng phải nói cái không thể định hình được đó là tinh thần “Từ bi”, tấm lòng vị tha nhân đạo mà Lý Thái Tổ, Lý Thánh Tôn, Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… đã thấm nhuần và truyền trao lại cho con cháu bằng văn thơ bút tích, bằng cái tâm chính mình để đúc nên khí thiêng dân tộc. Thế nhưng, giờ đây nhìn thử các Tỉnh ở vùng Tây Bắc, vùng cao các Tỉnh miền Trung, vùng sâu, vùng xa của Tây Nguyên… chúng ta sẽ không tìm thấy cái gì là biểu tượng, hình bóng của Phật giáo, nói gì đến sự tu tập để được an lạc trong ánh hào quang của Đức Phật? Tự nhận mình là “đồng hành cùng dân tộc,” chúng ta phải cùng chung tay góp sức với nhà nước đẩy mạnh phong trào làng văn hóa, bản văn hóa, cải hóa phong tục tập quán lạc hậu vùng sâu, vùng xa.

Tâm nguyện như thế, nhưng giải pháp nào để thực hiện tâm nguyện này? Chúng tôi xin mạo muội trình bày một vài giải pháp sau đây:
– Giáo hội thành lập Ban Phật giáo Dân tộc, chuyên hoạt động hoằng pháp vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ban này gòm các thành phần: Ban Hoằng pháp, Từ thiện Xã hội, Tăng sự, Văn hóa, Hướng dẫn Phật tử, Kinh tế Tài chánh, Ban Trị sự các Tỉnh – Thành chuyên sâu về công tác.

– Tuyển chọn Tăng Ni, Phật tử (tình nguyện viên) có tinh thần hoằng pháp độ sanh, không ngại khó khăn gian khổ, biết hy sinh cá nhân vào thành viên của Ban Phật giáo Dân tộc.

– Tìm và mời người biết các ngôn ngữ dân tộc thiểu số, cách sống, phong tục tập quán, theo từng vùng, miền… để dạy cho Tăng Ni, Phật tử tình nguyện. Chú ý đến nếp sống tập quán của bản xứ.

– Chọn người tình nguyện có tinh thần hoằng pháp, biết cầu thị, biết thích nghi với phong thổ, xã hội.

– Bổ nhiệm hoặc thuyên chuyển Tăng, Ni các tỉnh có đông đến những tỉnh có cơ sở nhưng chưa có Tăng Ni, nhất là vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, núi cao, hải đảo. Hiện nay có Tỉnh, Thành Tăng Ni tập trung quá đông nhưng không hoạt động vào Phật sự gì chính đáng, thậm chí còn gây quá tải cho địa phương.

– Giáo hội nên rà soát một số vùng có tín đồ Phật giáo là người kinh nhưng chưa có cở sở hoạt động thì xin phép nhà nước để xây dựng cơ sở, dù nơi đó không nhiều lắm nhưng được xem là trường hợp đặc biệt. Bởi lẽ, từ cơ sở này Phật pháp sẽ được lan tỏa đến đồng bào dân tộc thiểu số dễ dàng hơn.

– Kinh phí hoạt động thuộc từ thiện xã hội thuộc vùng sâu, vùng xa nên tập trung đầu tư vào công tác hoằng pháp như: Xây dựng cơ sở Tự viện, xây dựng trường Mẫu giáo, bệnh viện y học dân tộc, nhà dưỡng lão tại các vùng sâu, vùng xa, ưu tiên miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số.

– Giáo hội cần phải tranh thủ sự hỗ trợ đặc biệt của Nhà nước, Chính phủ, Mặt trận đối với công tác này.

– Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đúc kết rút kinh nghiệm về công tác này.

– Giáo hội cần nghiên cứu đầy đủ, và đặc biệt liên hệ chặt chẽ với Ban Tôn giáo Chính phủ xin hỗ trợ, để chương trình này có hiệu quả.

Tóm lại, vì báo ân Phật, thể hiện tinh thần từ bi, vì sự phát triển của cộng đồng dân tộc Việt Nam, vì sự bền vững của đạo Pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúng ta phải cấp thiết xây dựng một chương trình kế hoạch hóa cụ thể, phối hợp chặt chẽ với nhà nước để đẩy mạnh truyền bá giáo lý Phật đà đến vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.

Nguyện cầu chư Phật, chư Bồ tát hộ niệm để Phật sự hoằng pháp vùng sâu, vùng xa được thành tựu. Cầu chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.


Nam Mô Công Đức Lam Bồ tát Ma Ha Tát.