Trang chủ Thời đại Giáo dục Những khóa sinh hoạt hè ở chùa

Những khóa sinh hoạt hè ở chùa

153

Chùa chúng tôi ở trên núi, đơn sơ nghèo nàn, vài thầy trò muối dưa đạm bạc qua ngày. Thuở ban đầu vài Phật tử nghèo khổ gửi con nhờ chùa giữ giùm mùa hè để cha mẹ yên tâm đi làm kiếm miếng ăn vào mùa hè.

Chúng tôi dạy các cháu ít chữ nghĩa, cho tụng kinh ngồi thiền theo thời khóa của chùa. Qua khỏi hè, cha mẹ đón về cho đi học tiếp. Năm sau thêm vài gia đình gửi con miễn phí kiểu đó nữa. Rồi năm sau lại đông hơn nữa, cho đến khi cả chùa vang đầy tiếng con nít thì chúng tôi giật mình.
 
Từ đó chúng tôi tổ chức khóa học hè có quy củ, có xin phép chính quyền địa phương, có chương trình học chặt chẽ, có phương cách chăm sóc các em kỹ lưỡng hơn. Đến nay thì việc tổ chức khóa học hè cho thiếu nhi đã trở thành nề nếp có tính chuyên môn cao. Một số chùa cũng tổ chức khóa học hè đây đó, và trở thành một loại hình hoạt động tích cực của PG Việt Nam.
 
Có chùa tổ chức ngắn hạn để lấy kinh nghiệm rồi sẽ phát triển hơn. Riêng chùa chúng tôi thì luôn tổ chức 2 tháng liên tiếp. Năm nay (2011) chúng tôi rút ngắn còn 6 tuần vì chương trình nghỉ hè cùa học sinh cũng rút ngắn hơn những năm trước.
 
Chúng tôi cũng hướng dẫn tổ chức khóa học hè tại một ngôi chùa ở Hà Nội, và một địa điểm khác tại Hải Phòng, nhưng chỉ kéo dài 21 ngày, vì điều kiện tại đấy là như thế.
 
Để chuẩn bị tổ chứa khóa sinh hoạt hè, chúng tôi phải tổ chức tập huấn 3 ngày cho Phật tử và Thanh niên tại Hà Nội và chùa Phật Quang.
 
Các Phật tử hiểu rõ những gì phải làm trong khóa học để hỗ trợ đúng mức. Thanh niên phải rèn luyện một số kỹ năng trước, sau đó sẽ bước vào khóa hè để chăm sóc dẫn dắt các em thiếu nhi.
 
Mục đích của khóa học hè là dạy các em thiếu nhi vài giáo lý căn bản của PG, tập trung nhiều vào việc dạy các em Đạo đức trong đời sống- đây là mục tiêu chính.
 
 Ngoài ra khóa học cũng dạy các em rèn luyện thể lực, các kỹ năng cứu hộ cứu nạn, vài kỹ năng nghệ thuật, bảo vệ môi trường. Các em được rèn luyện kỹ luật nghiêm nhặt, tập vâng lời, vượt khó, tự lập, giúp đỡ bạn bè, bị phạt liên tục để rèn luyện khả năng chịu đựng.
 
Dĩ nhiên các em phải sống theo thời khóa tu tập của chùa, phải lễ Phật, tụng kinh, ngồi thiền, ăn cơm theo nghi thức của PG…
 
Các huynh trưởng là Thanh niên Phật tử phải theo sát các em từng giờ phút. Khi các em ngủ thì các huynh trưởng phải chia phiên thức canh giấc ngủ cho các em.
 
Thậm chí ban đêm các em đi vệ sinh thì huynh trưởng cũng phải đi theo. Huynh trưởng nam thì canh bên nam, huynh trưởng nữ thì canh bên nữ. Các huynh trưởng buộc phải gương mẫu trong đời sống, thời khóa, rèn luyện, tu tập. Các huynh trưởng có quyền phạt các em khi các em phạm lỗi, và thậm chí có thể phạt khi các em chẳng phạm lỗi gì, để rèn luyện các em tính vâng lời, nhẫn nhục, chịu đựng oan ức.
 
Thời khóa cho các em là khá sít sao, không để nhiều thời gian trống, chỉ để những khoảng cho vệ sinh cá nhân mà thôi.
 
Tuyệt đối không bày trò chơi tìm vui cho các em, mà chỉ hoàn toàn dạy, học, rèn luyện, và tu hành. Ta làm sao mà các em vui được trong học tập tức là thành công, tức là các em nhận ra được lợi ích của các môn học. Còn vui trong trò chơi chỉ là tạm bợ, chóng quên, và vô ích.
 
Nhà vệ sinh phải đủ, khá thoải mái, và rất sạch sẽ. Sân phải đủ rộng để sinh hoạt, tập luyện, và nên có mái che bằng vải bạt để tránh mưa nắng. Bàn ghế tạm đủ để các em học các bài lý thuyết. Nhà ăn phải tươm tất. Nên có bể tập bơi, nước được lọc khử trùng nếu là bể nhân tạo.
 
Nhà bếp phải đủ nhân sự để nấu ăn đầy đủ dinh dưỡng. Chùa ăn chay thì phải cho ăn thêm trứng gà công nghiệp vài lần mỗi tuần. Các em thích ăn đồ chiên rán ngon miệng hơn đồ luộc. Sữa tươi luôn có trong khẩu phần hàng ngày. Vừa ăn uống vừa rèn luyện đều đặn thì hầu như sau khi chấm dứt khóa học các em đều lên cân.
 
Năm nay, như mọi năm, phần giáo lý căn bản vẫn là Luật Nhân quả, lịch sử Đức Phật, Đại cương Tứ Diệu đế. Chia ra khoảng 5 đến 8 bài. Nếu khóa ngắn ngày thì chỉ chia chừng ấy cho 3 bài thôi. Còn lại nên dành cho Đạo đức trong đời sống.
 
Phần Đạo đức đời sống thì chúng tôi có 22 đề tài như sau:
 
 (phải cho nhiều ví dụ, chuyện kể thực tế, sinh động, lý thú, hỏi đáp…)
 
BÀI 1: HIẾU KÍNH VỚI CHA MẸ
 
          Nhiều khi ý mình khác với ý cha mẹ thì phải ưu tiên bỏ ý mình để nhu thuận theo ý cha mẹ
          Nếu trường hợp phải làm khác đi thì phải hết sức giải thích lễ phép, cho đến khi cha mẹ vui lòng. Không được làm cha mẹ cảm thấy bị con chê bai.
          Lòng luôn mong ước nuôi dưỡng cha mẹ lúc tuổi cao sức yếu.
          Tạo mọi điều kiện cho cha mẹ được an vui tu hành….
 
BÀI 2: TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO
 
          Dù cho thời đại này học phải trả tiền, nhưng ân nghĩa người cho ta tri thức rất là lớn, phải biết ơn, kính trọng,
           
          Các hành vi thể hiện sự kính trọng đối với Thầy Cô giáo là:…..
          Sau này không còn học nữa thì vẫn….
          Đền ơn Thầy Cô bằng cách sống tử tế với mọi người, phụng sự đất nước…
           
BÀI 3: CẢM HÓA BẠN XẤU
          Biết rõ bạn nào xấu bạn nào tốt
          Tránh bạn xấu khi chưa đủ sức cảm hóa
          Khi đã đủ sức cảm hóa thì mới tiếp cận để khuyên bảo bạn
          Phải biết rõ tâm ý, hoàn cảnh, sự sai lầm trong quan điểm, để tìm cách dẫn dắt
          Có khi phải rất cứng rắn, kiên quyết
          Phải giỏi lý luận phân tích, và phải giỏi võ nữa.
 
BÀI 4: LÒNG YÊU NƯỚC (PHẦN MỘT)
 
          Phần một thiên về kể chuyện lịch sử, gợi cho các em niềm cảm xúc tự hào về dân tộc.
          Lý luận tại sao phải yêu nước
          Tình yêu nước chiếm vị trí nào trong đạo đức Phật giáo.
          Cội nguồn Rồng Tiên cao quý của người VN…
           
BÀI 5: NÓI KHÔNG VỚI GAME
 
          Thế giới ảo làm mất đi cuộc đời thật.
          Những câu chuyện thương tâm về hậu quả của nghiện game
          Không có game tốt.
          Cách xa lánh game
          Khuyên bạn bỏ game.
           
BÀI 6: TÌNH CẢM NAM NỮ
 
          Sinh lý tuổi mới lớn; sinh lý của cơ thể thúc đẩy tâm lý ham thích, yêu thương…
          Đa phần chọn lầm, vì chưa ai tốt như mình tưởng tượng.
          Dạy các em hình dung ra cảnh bất hòa, cãi bướng, đánh đập, mưu hại, giết hại có thật trong cuộc sống.
          Những quảng cáo, thông tin, truyền tai, phim ảnh… đã góp phần thúc đẩy các em quan tâm nhiều về tình yêu nam nữ ở độ tuổi còn nhiều nông nổi sai lầm. chống lại các thông tin độc hại trên là nhiệm vụ bảo vệ văn hóa dân tộc.
          Dạy các em hướng tâm về các tình cảm cao quý khác như yêu nước, yêu nhân loại, yêu Phật Pháp, yêu thiên nhiên, yêu hoạt động từ thiện xã hội, yêu thiền định…
          Tình dục sớm làm hư hoại sức khỏe và trí óc.
          Tình dục nhiều, tình dục sai lầm, tình dục phi pháp là tội ác, dẫn đến tội ác…
          Cách thoát ra khỏi ham muốn tình dục, tập khí công nguyên pháp, lễ Phật, khiêm hạ, tránh tiếp xúc với thông tin về tình dục…
          Chống lại văn hóa phô diễn tình dục…
           
BÀI 7: BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
          Xin xem dàn bài chi tiết ở phần khác
           
BÀI 8: VĂN HÓA HIỀN LÀNH NHÂN HẬU NHƯNG DŨNG CẢM CỦA NGƯỜI VN
 
          Hiền lành nhân hậu là đạo đức căn bản của con người, giúp mọi người chung quanh ta an vui hạnh phúc (một người quậy là bao nhiêu người khổ sở).
          Giữ tâm hiền lành nhân hậu trong mọi hoàn cảnh, nghịch cảnh, bất trắc,
          Tập tâm hiền lành nhân hậu bằng cách tự răn nhắc chính mình thường xuyên, mỗi khi nhìn gương…
          Thiền định giúp tâm hiền lành nhân hậu
          Nhưng không có nghĩa là nhu nhược, nhút nhát, biết sẵn sàng chiến đấu khi đất nước lâm nguy, khi cái ác đe dọa loài người
          Người phải đối phó với điều xấu nhiều quá thì tâm lại hung dữ, nên phải luyện lại tâm hiền lành nhân hậu mãi…
           
BÀI 9: GIÁ TRỊ CỦA SỰ VÂNG LỜI
 
          Vâng lời người trên để diệt trừ Ngã chấp, hướng đến mục tiêu Vô ngã, đạo đức Vô ngã của Phật
          Vâng lời giúp cho tổ chức của ta, cơ chế của ta, đất nước ta, gia đình ta, có được kỷ cương nề nếp.
          Muốn vâng lời phải bỏ đi ý của mình, thuận theo ý của người trên.
          Không phải luôn luôn lệnh của người trên là đúng, nhưng sự vâng lời là sự đóng góp lớn cho tổ chức của ta.
          Người quen vâng lời cảm thấy tâm bình an hạnh phúc, nhất là được thực hiện lệnh tốt.
           
BÀI 10: SỐNG VỊ THA
 
          Sống cho mình thật là vô nghĩa, nhàm chán, rồi đưa đến đau khổ vì hết phước.
          Sống cho người làm mình tăng phước, cuộc sống có ý nghĩa.
          Muốn sống vị tha phải tâm nguyện mãi từng ngày
          Có khi mình vì người mà vẫn bị hiểu lầm
          Đôi khi tâm ích kỷ trỗi dậy như cũ…
           
BÀI 11: KHÔNG BỊ LỪA GẠT
 
          Đời nhiều kẻ xấu, thích lừa gạt kẻ khác để trục lợi, cướp bóc, hãm hại
          Ta yêu thương mọi người, nhưng ta không tin ai cũng tốt.
          Nhiều kẻ xấu đóng kịch giỏi để che đậy ý đồ xấu
          Tập nhận xét thế nào là kẻ xấu, qua gương mặt, qua hành vi, lời nói…
          Kể nhiều chuyện lừa gạt cho các em nghe.
          Cách đề phòng, luôn luôn giả dụ mình đang bị nói dối, đang bị gài bẫy, mỗi khi có ai đề nghị điều gì.
          Niệm Phật khi không đánh giá được để cầu Phật gia hộ.
           
BÀI 12: BẢO VỆ PHẬT PHÁP
 
          Phật Pháp cũng là quê hương, là bến bờ, là lẽ sống..
          Phật giáo là tâm linh dân tộc
          Có những thế lực xấu muốn tiêu diệt đạo Phật
          Có những kẻ vô tình phá hoại đạo Phật
          Bảo vệ Phật Pháp bằng lời nói, giải thích
          Bảo vệ Phật Pháp bằng luật pháp
          Bảo vệ Phật Pháp bằng cách phối hợp đông người
          Bảo vệ Phật Pháp bằng vũ lực
BÀI 13: BÍ QUYẾT ĐỂ HỌC GIỎI
 
          Đạo đức là nhân, học giỏi là quả
          Giúp bạn học tốt
          Kính trọng thầy cô giáo
          Có lý tưởng cao đẹp
          Lễ kính Phật
          Hiểu bài thấp nhất
          Làm nhiều bài tập
           
BÀI 14: LÒNG YÊU NƯỚC (phần hai)
 
          Những âm mưu chống phá tinh vi
          Những kẻ rỉ tai tuyên truyền xấu
          Những kẻ hay nói đùa châm biếm nhà nước
          Có khi ta ra mặt bảo vệ nhà nước và đất nước
          Có khi ta im lặng nghe để biết nhiều hơn về kẻ xấu, thế lực phía sau của họ, và báo cho cha mẹ, huynh trưởng.
           
BÀI 15: CẢM HÓA BẠN XẤU (phần hai)
 
          Những người bạn đã bị nghiện ma túy, nghiện game, cờ bạc…
          Những người bạn bị lọt vào tổ chức tội ác, phản quốc
          Không nên hành động một mình
          Luật pháp hỗ trợ
          Huynh đệ hỗ trợ
           
BÀI 16: SỬ DỤNG TIỀN BẠC HỢP LÝ
 
          Nghe lại bài triết lý tiền bạc, rồi thêm những ý hợp với hoàn cảnh lứa tuổi các em.
          Trường hợp gia đình giàu
          Trường hợp gia đình nghèo
          Làm phước từng chút
           
BÀI 17: GIAO THÔNG AN TOÀN
 
          Xin xem dàn bài chi tiết ở phần khác
 
BÀI 18: VĂN HÓA GIAO TIẾP QUỐC TẾ
 
          Cám ơn
          Xin lỗi
          Khen ngợi không tiếc lời
          Nếu phải chê thì rất khéo, tránh tổn thương
          Xếp hàng nhường nhịn
          Hiểu về văn hóa tập quán của nhau để đối xử phù hợp
          Ngoại ngữ
          Bộc lộ tình cảm chân thành
          Từ chối trong ôn hòa
          Vân vân…
           
BÀI 19: TIẾT KIỆM ĐIỆN NƯỚC VÀ XĂNG DẦU
 
          Sử dụng những điều trên phí phạm là phá hoại môi trường sống
          Các tiết kiệm điện
          Cách tiết kiệm nước
          Cách tiết kiệm xăng dầu
          Khuyên bạn cùng tiết kiệm
          Sử dụng các thiết bị kỹ thuật hỗ trợ sự tiết kiệm
           
BÀI 20: TAI HẠI CỦA TÂM LÝ ĐUA ĐÒI
 
          Muốn những thứ quá cái phước của mình
          Tốn kém của gia đình và bản thân, hết phước rất nhanh
          Tâm bất an vì phải chạy đua vô nghĩa
          Quốc gia đua đòi tiện nghi cũng rơi vào sụp đổ tài chánh
          Phải tập sống bình thản không cần chạy theo ai.
          Để dành sức làm phước giúp đời
           
BÀI 21: NHẬN LỖI VỀ MÌNH
 
          Can đảm và trí tuệ
          Phục hồi phúc đức rất nhanh
          Ai cũng mến thương
          Tránh được lỗi trong tương lai
          Biết phục thiện
          Có kinh nghiệm dạy người sau
 
BÀI 22: CÔNG DÂN THẾ GIỚI
 
          Bài này nếu có thời gian thì dạy, nếu không có thời gian thì thôi.
          Tình yêu nhân loại
          Bắt nguồn từ lòng yêu nước
          Nhiều vấn đề lắm…
 
 
Giáo thọ là quý Thầy Cô trong chùa, hoặc mời từ chùa khác về dạy giúp, và cũng có thể là các Phật tử thuần thành có kinh nghiệm trong việc giảng dạy, có đời sống tu hành tốt lành. Mỗi người phụ trách một bài cho vui, cho phong phú. Nếu cẩn thận thì nên yêu cầu giáo thọ giảng thử cho Ban tổ chức nghe trước để góp ý trước khi giảng thật cho các em nghe.
 
Phần dạy kỹ năng vào buổi chiều thì thường là do các huynh trưởng phụ trách. Các huynh trưởng dạy đội hình, tập cho các em tuân thủ mệnh lệnh răm rắp không điều kiện, đi đứng nghỉ ngồi chạy nhảy vân vân…
 
Huynh trưởng dạy các thế võ thuật, các thế khí công để rèn luyện thể lực.
 
Huynh trưởng dạy các em tập vượt chướng ngại vật. Chùa tạo ra các mô hình chướng ngại vật để các em bò, leo, đu dây, đi cầu khỉ, nhảy qua, nhảy xuống, chạy, cõng bạn, vân vân…
 
Huynh trưởng hoặc mời chuyên viên đến dạy các em kỹ năng cứu hộ cứu nạn như sơ cứu vết thương, cứu người té nước, hô hấp nhân tạo, đưa người khỏi khu vực nguy hiểm vân vân…   Khi có ý thức cứu người thì các em sẽ ít bị mắc ý nghĩ hại người.
 
Các em được học âm nhạc, cắm hoa, diễn kịch lịch sử, nấu ăn ngon vân vân…
 
Riêng môn thiền định thì phải được người có chuyên môn hướng dẫn để các em áp dụng cả đời không bị sai lầm vô ích nguy hiểm.
 
Tụng kinh ngắn thôi, khoảng 30 phút tối đa.
 
Các em được phát biểu nhiều trong học tập, được tranh biện lẫn nhau để tìm ra ý tưởng hay, và được viết bài bày tỏ cảm tưởng của mình.
 
Những bài nhạc PG thật hay sẽ nuôi dưỡng tâm hồn các em sâu xa.
 
Mỗi sáng các em tập thể dục đều được cho hô 3 khẩu hiệu như sau:
Huynh trưởng hỏi: Tu nghĩa là gì?
Các em hô to, đều, lớn: Diệt trừ bản ngã
Huynh trưởng hỏi: Sống nghĩa là gì?
Các em hô to: Phụng sự mọi người
Huynh trưởng hỏi: Khi tổ quốc bị xâm phạm thì sao?
Các em hô to: Cả nước đứng lên
 
Hô mỗi ngày như vậy khiến các em huân tập vào tâm thức những điều tốt đẹp nhất suốt đời.
 
Mỗi khóa học hè như thế đòi hỏi sự chuẩn bị rất công phu kỹ lưỡng. Quý Thầy Cô phải hết lòng chăm lo; các huynh trưởng phải hết lòng dạy dỗ; các Phật tử phải hết lòng ủng hộ. Một môi trường rèn luyện như thế là cực kỳ lý tưởng. Các em được yêu thương, nhưng các em không được nuông chìu, các em phải phấn đấu rèn luyện cực khổ để trưởng thành.
 
Tuần đầu mới vào khóa học thì có nhiều em nhớ nhà, đòi về. Đến ngày kết thúc khóa học thì ngược lại, có một số em không chịu về nữa, phải dỗ mãi mới chịu theo cha mẹ đi về.
 
Sau khóa hè thì hầu như các em đã thay đổi rất nhiều. Vấn đề còn lại là khi về nhà, cha mẹ phải tiếp tục tạo một môi trường tu tập rèn luyện cho các em được nuôi dưỡng trong đó, chứ không nên cho các em trở lại lối sống được cưng chìu dễ dãi. Chính cha mẹ cũng phải gương mẫu tu hành cho các em bắt chước.
 
Khi mô hình này đã trở thành một loại hình phổ biến thì buộc Giáo Hội phải đưa vào nội dung hoạt động chính thức của Giáo Hội, có tập huấn, có chuyên viên, có chương trình chuyên nghiệp. Kính mong các bậc Tôn Túc quan tâm đến loại hình này để khuyến khích các chùa thực hiện đều khắp thì chúng sinh được nhiều lợi lạc.
 
Nam Mô Thường Tinh Tấn Bồ tát.