Trang chủ Diễn đàn Những mâu thuẫn khi tu sĩ hưởng quyền công dân như mọi...

Những mâu thuẫn khi tu sĩ hưởng quyền công dân như mọi người

1171

Trong nội dung trả lời của mình liên quan đến việc một người tu sĩ có được kiện người khác ra tòa không, dù báo Giác Ngộ có nói đến đạo đức, lòng từ bi… của đệ tử Phật không nên hành xử không đúng đạo lý nhà Phật, tạo chướng lối cho việc tu hành, ảnh hưởng hình ảnh tăng đoàn Phật giáo…, nhưng đối với vị tu sĩ từ lâu đã chìm đắm trong pháp thế gian, không chịu tu hành, nhúng mũi vào mọi chuyện, làm mọi cách để giữ thể diện bản thân… thì khó có thể nhiếp thị những lời khuyên chân thành này.

Chúng ta cần phải minh bạch rõ ràng để khi có những mâu thuẫn nảy sinh cần phải có pháp lý để giải quyết.

– Thứ nhất, nếu tăng sĩ xuất gia rời khỏi thế tục rồi mà họ vẫn có quyền công dân thì họ không chỉ có quyền dùng luật thế gian kiện người ra tòa mà họ còn có tất cả các quyền lợi khác như một công dân thế gian bình thường đó là: Lập gia đình, kinh doanh, giải trí, du lịch…. Chùa Phật giáo chỉ là nơi họ hành nghề giảng pháp. Tôn giáo chỉ là một lĩnh vực về tâm linh như các lĩnh vực khác… Như vậy, các cư sĩ tại gia không cần phải cúng dường tiền bạc, xây chùa…để nuôi tầng lớp tăng sĩ.

– Thứ hai, vì tăng sĩ là một công dân nên họ phải tuân theo luật pháp thế gian, tức là nếu có chuyện xảy ra mâu thẫn thì cư sĩ, người thế gian có quyền cử tội tăng sĩ đưa họ ra tòa xử theo luật pháp thế gian. Ví dụ: Tăng sĩ kinh doanh in ấn sách, kinh doanh du lịch… phải xin giấy phép của Sở KHĐT, phải đóng thuế như mọi doanh nghiệp. Hành nghề chữa bệnh thần kinh đa nhân cách phải có bằng cấp, chứng chỉ hành nghề… Nếu không thực hiện đúng theo quy định sẽ phải bị xử phạt theo luật pháp thế gian.

– Thứ ba, một người khi đã thọ giới xuất gia thì họ phải tuân theo giới luật Phật, Hiến chương GHPGVN. Nếu họ vẫn tiếp tục chịu theo các chế định luật pháp thế gian thì sẽ xảy ra rất nhiều mâu thuẫn, bất hợp lý. Ví dụ:

Khi một tăng sĩ phạm giới, lấy trường hợp của thầy Thanh Toàn. Do phạm giới dâm theo giới luật Phật vị tăng sĩ này phải hoàn tục và rời khỏi chùa với hai bàn tay trắng. Nhưng là một công dân thầy Thanh Toàn có quyền được hưởng thành quả kinh doanh do mình tạo nên. Nghĩa là tiền lời khi kinh doanh mua bán đất. Tiền cúng dường có thể coi là một khoản đầu tư của cư sĩ gửi vào. Như vậy, nếu dùng Luật thế gian – Quyền công dân thì mâu thuẫn với giới luật Phật.

– Theo giới luật Phật thì khi tăng sĩ bị phỉ báng xúc phạm mình không đúng thì có quyền đứng trước đại chúng để thanh minh những điều mình không nói, không làm ra…Theo Bồ tát giới xuất gia thì tăng sĩ không có quyền nói lỗi Tứ chúng (Tăng/Ni, cư sĩ tại gia nam/nữ).

Nhưng theo quyền công dân thì họ có quyền mướn luật sư kiện người khác ra tòa. Giới luật Phật đã mâu thuẫn với luật thế gian.

Cư sĩ là người cúng dường nuôi tăng sĩ. Tăng sĩ không được quyền kinh doanh. Vậy khi tăng sĩ mướn luật sư kiện người khác thì họ lấy tiền đâu ngoài tiền cúng dường. Như vậy là bất hợp lý vì tiền cúng dường là để nuôi thân thọ mạng người xuất gia chứ đâu là nguồn để họ phạm giới luật.

Qua những điều phân tích ở trên ta thấy, giới luật Phật, Hiến chương GHPGVN và luật pháp thế gian không những không tương đồng mà còn đối lập nhau.

Người xuất gia là ai? Tu sĩ hay người thế gian? Họ không thể tuân theo giới luật của đức Phật đã chế mà lại hưởng quyền như một công dân bình thường?

Tôi chỉ nói sơ qua một vài điều, nếu đi sâu hơn nữa vào từng điều luật thế gian, giới luật Phật thì nhiều lắm.

Vì tăng sĩ Phật giáo là tu hành giải thoát khỏi Tam giới. Họ đâu còn dính chấp vào chuyện thế gian để mà nảy sinh những mâu thuẫn cần phải đến luật thế gian giải quyết.

Quyền của tăng sĩ Phật giáo đúng như lời của HT.Ajahn Brahm thì chỉ là “ÚP BÁT KHÔNG NHẬN CÚNG DƯỜNG” mà thôi.

Hồng Vân