Trang chủ Người thời nay Những người chở đạo vào đời

Những người chở đạo vào đời

64
Tôi gặp lại Lương Văn Dũng – hiện đang là sinh viên năm thứ 2 của trường đại học Giao thông Vận tải như một sự tình cờ. So với 4 năm về trước, Dũng không còn là một “tiểu tiều phu” còm cõi, đen đúa oằn lưng dưới những gánh củi, cầu sự đắp đổi qua ngày cho cả 3 anh em nơi miền biên ải khắc nghiệt của xứ Thanh. Mặc dù còn đó với nhiều khó khăn, nhưng trong ánh mắt của Dũng hôm nay đã có niềm tin vào tương lai của một sinh viên tuổi 20. Bên ly trà đá trong quán cóc chiều muộn, Dũng kể lại cho tôi nghe về quá khứ cơ cực mà 3 anh em Dũng đã từng trải qua.

Quê Dũng ở tận bản Tén Tằn, xã Tén Tằn, huyện Mường Lát. Là vùng giáp ranh với nước bạn Lào, nên dân cư hai vùng thường xuyên qua lại trao đổi, buôn bán. Tuy quốc tịch khác nhau nhưng chuyện trai Việt, gái Lào yêu nhau, lấy nhau là không hiếm ở đây. Duyên nợ của bố mẹ Dũng cũng vậy, họ gặp nhau trong một phiên chợ, say cái tình rồi cùng đưa nhau về bản Tén Tằn sinh sống. Lần lượt 3 anh em Dũng ra đời trong nếp nhà sàn đơn sơ mà hạnh phúc. Cuộc đời cứ ngỡ vậy êm trôi nhưng khi Dũng 10 tuổi, em là Lương Văn Giang chưa đầy 8 tuổi và Lương Thị Duyên còn đang bi bô tập nói thì bố đột ngột qua đời. Đau đớn hơn, chỉ hai tháng sau, vì buồn thương chồng cùng gánh nặng mưu sinh đè nặng lên đôi vai gầy, mẹ cũng lâm bệnh nặng rồi mất.

Trong cơn bĩ cực ấy, anh em Dũng gặp sư thầy Tâm Định. Đầu năm 2009, trong một lần đi làm từ thiện tại huyện vùng cao Mường Lát, tình cờ sư thầy được nghe kể về hoàn cảnh của 3 đứa trẻ mang trong mình 2 dòng máu Việt – Lào đang sống lay lắt qua ngày. Khi tìm đến nơi, chứng kiến những gì mà anh em Dũng đang sống, thầy Định đã không kìm được những giọt nước mắt thương cảm. Vậy là bước ngoặt của cuộc đời 3 đứa trẻ đã sang một trang mới từ đây.

Đầu tiên, Sư thầy quyên góp tiền, mua đất. Có đất, thầy lại cùng tăng ni phật tử và dân bản phá bỏ chiếc lán xiêu vẹo, cũ nát bên bờ suối, dựng cho Dũng và 2 em một ngôi nhà sàn khang trang ngay đầu bản. Thấy Dũng có sức học khá, sư thầy còn xin cho cả hai em vào ở nội trú trong trường. Ngoài tiền sinh hoạt hàng ngày, thầy Tâm Định còn chu cấp tiền ăn mỗi tháng cho hai anh em là 640 nghìn đồng. Không phụ công người đã cưu mang mình, 2 em của Dũng đã đủ lớn khôn và giờ đây – cậu sinh viên năm 2 ngồi trước mặt tôi giản dị và chững chạc là những minh chứng cho tấm lòng nhân ái của những người nơi cửa phật và những nỗ lực không biết mệt mỏi của Dũng. Sau nhiều lần hẹn, cuối cùng tôi cũng gặp được sư thầy Thích Tâm Định. Khi tiếp xúc với sư thầy, tôi hiểu rằng chẳng phải vì thầy khó khăn gì với cánh báo chí mà bởi ngoài trọng trách của một Phó ban Trị sự Phật giáo tỉnh, thầy còn thường xuyên có những chuyến đi đến vùng sâu, vùng xa – đến với những cảnh đời còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Tìm hiểu về những công tác của Giáo hội Phật giáo tỉnh từ UBMTTQ tỉnh Thanh Hóa, được biết, Sư thầy Thích Tâm Định cùng các tăng ni phật tử trong giáo hội phật giáo của tỉnh luôn thực hiện lời dạy “từ bi, hỉ xả”, “cứu khổ cứu nạn” của Đức phật, hành động theo luân thường đạo lý của người Việt Nam “Bầu ơi thương lấy bí cùng”, “lá lành đùm lá rách”.

Trong hơn 5 năm qua, Ban Trị sự tỉnh hội và tăng ni, phật tử luôn tích cực hưởng ứng lời kêu gọi, các cuộc vận động của MTTQ bằng những hành động cụ thể, thiết thực, đóng góp nhiều quỹ từ thiện, phúc lợi xã hội với số tiền lên đến gần 11 tỉ đồng như: Quỹ “Vì người nghèo”; quỹ học sinh nghèo vượt khó; quỹ xóa đói giảm nghèo; ủng hộ đồng bào bị thiên tai lũ lụt; quỹ khuyến học khuyến tài và Hội Chữ thập đỏ, xóa nhà tranh tre, nhà tạm, xây tặng nhà đại đoàn kết…Chỉ tính riêng trong năm 2012, sư thầy Thích Tâm Định đã thay mặt Ban Trị sự phật giáo tỉnh đến thăm và tặng quà cho người dân bị thiệt hại nặng nề do cơn lũ hồi tháng 9 gây ra với số tiền lên đến gần 1 tỉ đồng.

Khi chia tay, thầy nhìn tôi cười hiền từ: “Làm việc thiện là trách nhiệm, lương tâm của người tu hành nên không riêng gì tôi mà cả Giáo hội Phật giáo, các tăng ni phật tử tỉnh Thanh Hóa đều sẵn sàng mở lòng với những khó khăn của thế tục”. “Bây giờ nhiều đêm nằm ngẫm lại những gì đã trải qua, em cứ ngỡ mình đang sống trong một câu chuyện cổ tích. Vì nếu không gặp được Sư thầy Thích Tâm Định thì cơm chúng em còn không đủ no chứ nói gì đến chuyện được ngồi trên ghế giảng đường hôm nay! Hiện tại, hàng tháng sư thầy vẫn trợ cấp cho em 2 triệu đồng để ăn học. Chính vì những ân đức ấy nên em luôn tâm niệm mình phải học thật tốt để xứng đáng với những gì sư thầy Tâm Định và các tăng ni phật tử đã tạo dựng!” – Lương Văn Dũng khẳng định.

Theo Đại đoàn kết