Trang chủ Tết Việt Cảm xúc Tết Những tết xưa

Những tết xưa

64

Câu đối đó mới chỉ phản ánh hương vị tết xưa ở các vùng nông thôn nước ta chứ người Tràng An ăn Tết còn cầu kỳ hơn nhiều, theo đúng phong tục cổ truyền của ông cha. Những Tết xưa mang đậm màu sắc riêng của đất Kinh kì cổ kính.


Những ngày giáp Tết, khung cảnh nhộn nhịp khác thường. Phố Hàng Bồ hai bên hè các cụ đồ nho đội khăn xếp, mặc áo the thâm, ngồi viết thuê câu đối lên những đôi liễn dài hoặc giấy hồng điều. Phố Hàng Dép bày guốc tre, guốc gỗ, guốc phi mã, giày da, giày nhung, giày cườm. Nổi bật là các loại tranh dân gian làng Đông Hồ, Hàng Trống vẽ gà, lợn, đám cưới chuột, hứng dừa, đánh ghen… in bằng phẩm điều, phẩm lục.


Cổng chéo Hàng Lược, gần cầu Phùng Hưng, đầu phố Chả Cá, sang phố Hàng Đường, Hàng Khoai… rực rỡ đào bích, đào phai, cúc vàng, cúc trắng, quất trĩu quả. Mấy phố gần đấy bán thủy tiên gọt sẵn, chậu trổ hoa, đặt trong bát nước, cả hương thẻ, hương vòng, hương trầm, nến trắng, nến đỏ.


Phố Hàng Đường chẳng thiếu loại mứt gì, có thêm kẹo sìu châu, hồng tàu, táo tàu khô. Phố Hàng Đào, Hàng Ngang đầy ắp tơ lụa, len, dạ, lĩnh, kếp, sa tanh… mới cất về. Thợ kim hoàn phố Hàng Bạc cặm cụi làm đồ nữ trang bằng vàng. Thợ may phố Hàng Điếu may áo dài, áo bông suốt ngày đêm.


Nhà nào cũng tấp nập sửa soạn. Đàn ông, con trai lớn thu dọn nhà cửa, quét vôi, đánh bóng đồ đồng, treo tranh, câu đối mới, lau quét bàn thờ tổ tiên, bày phật thủ, cam Bố Hạ, bưởi Đoan Hùng, chuối ngự Nam Định, quất Tứ Liên lên khay ngũ quả, dâng lên trời đất, tổ tiên, ông bà để tỏ lòng thành kính “ăn quả nhớ người trồng cây”. Các bà, các cô lo việc ăn Tết. Vại dưa hành muối từ tháng chạp, thứ dưa Tây Hồ lá cuộn tròn, thứ hành ngọt dịu Gia Lâm bên sông Hồng. Gạo Mễ Trì và gạo tám thơm nấu bằng nồi đất mới dẻo.


Xôi phải kén thứ nếp hương vùng Cẩm Giàng, Hải Dương. Hợp khẩu vị, đúng cổ tục, phải chọn gà trống thiến Đông Cảo, cá chép béo Hồ Tây, nem Lạng Sơn hay nem Phùng, lạp sường Tân Phúc Điều, Hàng Buồm, chả quế làng Vẽ, giò lụa Đò măng (ở đầu phố Phùng Hưng), nước mắm Vạn Vân, Phú Quốc. Nấm cỗ bát, kén măng khô Phú Thọ, nấm hương Thái Nguyên, miến Tàu…


Ngày 23 tháng chạp, nhà nào cũng tiễn ông Táo lên chầu trời. Trên bàn thờ có ba chiếc mũ mới bằng giấy: một màu vàng ở giữa, hai màu đen ở hai bên – tức hai ông, một bà – không có cỗ mặn, chỉ cúng hương hoa, sau có con cá chép đang bơi trong chậu thau, cúng xong đem thả ở hồ Tả Vọng (hồ Hoàn Kiếm ngày nay).


Nhân dịp năm mới, cha mẹ cho con đến nhà lễ tết thầy cô giáo, sang thì gà gạo, chai rượu, hộp bích quy Pháp, vừa phải thì cân mứt sen, mứt lạc, hồng tàu, táo tàu khô, đường phèn, chục cam Xã Đoài, cốt ở tấm lòng tôn sư trọng đạo.


Trước Tết dăm ba ngày, nhiều cửa hiệu đã đóng cửa, nghỉ. Chiều 30, thấy hai bên phố treo cành đa, lá dứa, vẽ cung tên bằng vôi trên hè trừ ma quỷ. Các xã ngoại thành trồng cây nêu trước sân nhà – cây tre nhỏ đủ lá, ngọn cao khoảng 3m trên ngọn buộc lá bùa bát quái vẽ trên giấy hồng điều, một lá phướn bằng vải đỏ viết 4 chữ Nôm “Thiên hạ thái bình” và những chiếc khánh bằng đất nung gặp gió, va vào nhau kêu lanh canh. Chân nêu vẽ cung tên bằng vôi chĩa ra phía cổng, ngăn chặn hung thần.


Ngày 29, 30 nhà nào cũng bận gói bánh chưng, nấu chè đỗ đãi, làm các loại bánh đặc biệt Hà Nội: bánh quế, bánh bẻ, bánh củ cải, bánh thạch… và làm đồ cúng gia tiên. Ngoài thịt gà luộc, giò, chả, lạp sườn, trứng muối, cá chép kho giềng mật, thịt kho tàu, còn có mấy bát bóng cá dưa, mực khô thái nhỏ, miến tàu, thịt ba chỉ ninh với măng khô, nhà sang có thêm mấy bát bào ngư, vây cá, yến. Bên cạnh đặt chai rượu cút, rượu Mai Quế Lộ hoặc rượu trắng nổi tiếng của làng Hoàng Mai, tuần hương sắp tàn, pha nước cúng, thứ trà ướp hương sen, hương thủy tiên, tuần hương tắt hẳn mới hạ cỗ xuống, cả nhà ngồi quây quần bên mâm cơm, con cháu mời ông bà, cha mẹ, mới cầm đũa.


Rồi giao thừa đến. Chuông trống đền chùa khua vang. Giữa giờ phút thiêng liêng của đất Kinh kì vào xuân, nhà nào cũng đốt đèn nến, thắp tuần hương mới, khấn vái tổ tiên phù hộ cho khỏe mạnh buôn bán phát tài, con cái học hành tấn tới. Rất nhiều nhà còn đặt mâm lễ ngoài trời để cúng vái tạ ơn quan cũ về trời, đón mừng quan mới vừa tới. Nhìn vào hai cốc pha lê đặt thủy tiên, hôm qua hoa còn hàm tiếu, giờ đã nở đúng giao thừa, tỏa hương thơm ngát, coi như thế là điềm lành cho cả năm.


Cúng gia tiên đủ ba ngày Tết, buổi sáng cúng cỗ mặn với những món đã làm sẵn, buổi chiều bánh mứt và pha trà mới, chiều mùng ba hóa vàng. Có nhà làm bún thang, đã trữ sẵn cà cuống, củ cải giầm, tôm he… hoặc làm cuốn phải có giấm trưng với mật, lạc rang.


Sáng mồng một, những người giàu có, đông con, giàu lòng nhân ái vui vẻ đến xông nhà và chúc Tết nhà ai, nhà đó coi như cả năm làm ăn phát đạt. Bên chén trà đầu xuân, khách và chủ nói chuyện làm ăn, buôn bán, chuyện văn thơ, khai bút…


Cứ thế, ba ngày Tết, ai cũng mặc đẹp, đi chúc Tết, không quên mừng tuổi cho các cháu nhỏ. Và trong ba ngày Tết, mọi nhà đều giữ phong tục kiêng quét nhà hốt rác bởi nếu hốt rác là đổ của đi nên không ai dám vứt rác bừa bãi. Từ mồng mười tháng chạp đến rằm tháng giêng, các rạp Sán Nhiên Đài, Quảng Lạc, Nhật Tân Ban thường chỉ diễn vở lành nhiều, dữ ít như Kiều, Phan Trần, Quan Âm – Thị Kính. Các bà, phần lớn là tiểu thương ở các chợ, thường vào xem giữa chừng và chỉ xem vài cảnh rồi ra ngoài đặt tiền, nhờ ông thầy đoán hộ xem vận may năm tới ra sao. Đó là bói tuồng.


Sau ba ngày Tết, các cửa hiệu chọn ngày tốt, cúng ông tiền chủ, để mở cửa hàng lấy may. Còn các chủ hiệu, chủ xưởng, công chức thì kéo nhau xuống Khâm Thiên nghe hát ca trù đầu xuân, thả mình theo lời ca tiếng đàn, nhịp phách du dương, trầm bổng…