Trang chủ PGVN Cửa thiền Nơi nương tựa của những người mắc căn bệnh thế kỷ

Nơi nương tựa của những người mắc căn bệnh thế kỷ

111

Tiếp chúng tôi, sư thầy Thích Đồng Nguyện cho biết, hàng ngày, có rất nhiều người nhiễm HIV tới chùa xin được tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ thuốc men. Để người bệnh có không gian thoải mái, nhà chùa dành riêng một căn phòng nhỏ phía sau để họ có thể trải lòng tâm sự những muộn phiền, lo lắng.

Được biết, từ năm 2010, sau khi chuyển về chùa Pháp Bảo, sư thầy Thích Đồng Nguyện đã mở Trung tâm Tham vấn, Truyền thông và hỗ trợ cộng đồng AIDS để cộng đồng có cơ hội nâng cao hiểu biết về “đại dịch AIDS”. Đặc biệt, với tấm lòng cứu nhân độ thế của nhà Phật, sư thầy còn tiếp nhận những số phận bất hạnh, không may mang trong mình căn bệnh thế kỉ. Từ ngày thành lập, nhà chùa đã mang lại niềm tin cuộc sống cho nhiều bệnh nhân HIV, giúp họ sống tốt và có thêm động lực để chống chọi với những năm tháng cuối đời. Hiện đã có 50 người đến tìm hiểu và tư vấn, trong đó có 20 trường hợp nhiễm HIV được Phòng tham vấn theo dõi và cung cấp thuốc miễn phí. Nhiều trường hợp đã được nhà chùa giới thiệu việc làm.

Theo sư thầy Thích Đồng Nguyện, Phòng tham vấn nằm trong chùa sẽ giúp cho người bệnh đến đây có tâm trạng thoải mái, không quá ngần ngại và căng thẳng như khi đến các trung tâm khác. Mọi người đến đây cũng là đi lễ chùa, tĩnh tâm và ngẫm lại những gì đã qua. Mỗi số phận đều có hoàn cảnh éo le khác nhau nhưng ai cũng tìm được niềm tin trong cuộc sống.

Nhớ lại những ngày đầu ra mắt phòng tham vấn, thầy Nguyện không khỏi nhói lòng khi nghĩ về một phụ nữ gần như ngất lịm trên bậc thềm. Hỏi chuyện, các tình nguyện viên mới biết, bệnh của chị đã ở vào giai đoạn cuối, sức khỏe bị giảm sút nghiêm trọng. Dốc hết tâm sức, nhà chùa đã thay phiên nhau chăm sóc, động viên chị. Sau ba tháng điều trị và theo dõi, người phụ nữ ấy dần khỏe lại và trở thành một tình nguyện viên tích cực cùng tham gia các hoạt động tuyên truyền khác.

Thầy Nguyện cũng kể cho chúng tôi nghe về trường hợp của chị Nguyễn Thị M. Lo lắng sẽ bị gia đình và làng xóm ghẻ lạnh, chị M tìm đến chùa Pháp Bảo ngay từ những ngày đầu phát bệnh. Sống trong chùa, chị cảm thấy thoải mái và không phải chịu quá nhiều áp lực khi người ngoài kỳ thị, bàn tán.

Thầy Nguyện cho biết, mỗi tháng chùa đều tổ chức chương trình “Bước chân an lạc” để hỗ trợ về mặt tâm linh cho các bệnh nhân. Ngoài ra, để tư vấn, giúp đỡ bệnh nhân, chương trình đã mời không ít y bác sĩ đến tham dự, trò chuyện.

Dù thường xuyên tổ chức các nhưng hiện tại phòng tư vấn của nhà chùa chỉ có 8 tình nguyện viên thường xuyên tham gia hoạt động. Không những thế, chùa cũng gặp phải không ít khó khăn về kinh tế khi phải lo chi phí sinh hoạt, thuốc men cho bệnh nhân. Vì vậy, thầy Nguyện luôn mong ước sẽ nhận được trợ giúp của những tấm lòng hảo tâm để nhiều người có thêm cơ hội tìm lại niềm vui cho cuộc sống của mình.

Chia tay thầy Nguyện, chúng tôi vẫn ghi nhớ mãi lời nhắc nhở: “Sống là từ bi hỉ xả, làm điều tốt giúp người khác, đem lại niềm vui cho mọi người chính là pháp tu…”

Mong muốn được cứu giúp thêm nhiều người

Được biết, sắp tới, Nhà nước có chương trình chuyển bệnh nhân AIDS về các trung tâm, cơ sở tại địa phương để điều trị. Điều này khiến sư thầy Thích Đồng Nguyện lo ngại các bệnh nhân sẽ rơi vào tâm lý e ngại, cảm thấy mình bị xa lánh mà không muốn tiếp tục điều trị. Thầy mong muốn nhà chùa có thể kết hợp với một số y, bác sĩ mở phòng khám để có thể cấp thuốc và khám chữa cho nhiều bệnh nhân hơn nữa.