Trang chủ Diễn đàn Hộ Pháp Phân phát trái phép ấn phẩm văn hóa để truyền giáo

Phân phát trái phép ấn phẩm văn hóa để truyền giáo

241

Gần đây, nhà tôi và các nhà lân cận thường xuyên được phát đến tạp chí “Tỉnh thức”, mặc dù không đăng ký mua hay xin.

Đây là một tạp chí phát tặng, không bán, không đề giá, in màu rất đẹp, khổ nhỏ hơn tờ A4 một chút. Mỗi tạp chí có 16 trang, tiếng Việt, phát hành hàng tháng.

Tạp chí Tỉnh thức là cơ quan ngôn luận và truyền đạo của tổ chức Nhân chứng Giê-hô-va. Vì là tạp chí phát rộng rãi với số lượng lớn, nên tất nhiên nhiều gia đình Phật tử, như gia đình tôi vẫn nhận được.

Nội dung tạp chí là quảng bá giáo lý đạo Nhân chứng Je-ho-va, một giáo phái Tin Lành, giới thiệu nội dung Kinh Thánh và một số vấn đề đời sống xã hội dưới quan điểm Kinh Thánh. Tạp chí rõ ràng là một phương tiện phục vụ cải đạo tín đồ Phật giáo.

Từ hướng dẫn in trên bản tiếng Việt mà chúng tôi được tặng, vào trang web của đạo Nhân chứng Giê-hô-va, JW.org/vi, thì được biết tạp chí “Tỉnh thức” in với số lượng 43.524.000 cuốn cho mỗi kỳ phát hành với 98 thứ tiếng. Nếu chia đều ra, con số phát hành bản tiếng Việt là rất lớn, có thể nói là thuộc vào tạp chí có số lượng phát hành cao nhất ở Việt Nam.

Tạp chí tiếng Việt phục vụ hoạt động cải đạo như thế, ngoài “Tỉnh thức”, còn có “Tháp canh”, cũng in màu, nhưng tôi chưa được nhận tạp chí “Tháp canh” này.

Trước đây, sách vẫn thường được dùng vào mục tiêu cải đạo tín đồ Phật giáo. Tôi đã được tặng Kinh Thánh và thỉnh thoảng được nhận các ấn phẩm giải thích Kinh Thánh, ca tụng đức chúa trời, khuyến khích theo đạo Tin Lành. Dày có, mỏng có, nhưng cũng chỉ là sách, chưa có tạp chí, phát định kỳ.

Sách phục vụ cho việc cải đạo hầu hết in màu sắc sảo, giấy trắng tốt rất bắt mắt, được ghi in từ nhiều nước, như Mỹ, Úc… Tạp chí “Tỉnh thức” đang nói đến đây in ở Úc, với ghi chú rõ ràng “Printed in Australia”.

Trước đây, tôi nghĩ là sách phục vụ việc cải đạo in ở nước ngoài, được đưa vào Việt Nam bằng đường xách tay qua phi trường, nên thỉnh thoảng mới được tặng một cuốn.

Nay với tạp chí “Tỉnh thức” này thì chuyện không phải vậy. Tạp chí được phát hành với số lượng lớn, đều đặn, liên tục hàng tháng. Như vậy, việc phát hành ấn phẩm phục vụ cải đạo tín đồ Phật giáo đã phát triển lên đến quy mô lớn. Không phải chỉ tặng sách lẻ tẻ, mà bây giờ đã tiến đến phát hành đại trà tạp chí định kỳ, thường xuyên.

Việc đôi khi có tặng biếu sách, băng, dĩa, nhưng từ trước đến nay, chưa có tổ chức nào tặng biếu rộng rãi liên tục tạp chí đến không phải chỉ người đăng ký muốn nhận, mà đến tất cả mọi người, dù họ không xin. Hơn nữa, lại là tạp chí ngoài nước, đưa vào lưu hành trong nước.

Tạp chí “Tỉnh thức” có in rõ thông tin cho biết “Ấn phẩm này không dùng để bán, nhưng được phát hành nhằm công việc dạy dỗ Kinh Thánh trên khắp thế giới” (trang 2).

Việc cải đạo bằng tạp chí có tòa soạn ở nước ngoài, biên soạn ở nước ngoài in tiếng Việt ở nước ngoài, rồi đưa vào phát hành rộng rãi ở Việt Nam, phát tới mọi nhà như thế có đúng với luật pháp ở Việt Nam không?

Mọi tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Đó là nguyên tắc cơ bản ghi rõ trong hiến pháp.

Báo và tạp chí Phật giáo Việt Nam đều phải xin phép, chỉ được phép thực hiện, in ấn, phát hành khi có giấy phép. Phật giáo cũng chưa có tờ báo tạp chí nào phát hành rộng rãi đến mức đi tặng không từng nhà.

Vậy, chuyện ra sao khi có giáo phái phát hành tạp chí in ở nước ngoài nội dung kêu gọi tin chúa (tức cải đạo) đến từng nhà, không cần phép tắc chi cả?

Họ in bằng tiếng Việt tức là đã có sẵn đầu ra để phát hành, hơn nữa, đây là tạp chí tháng, có thời gian phát hành, giới hạn trong mỗi tháng, phải phát hành số lượng nhất định theo từng tháng. Quy mô phát hành như vậy không phải nhỏ.

Nhất định, phải có đường dây chuyên chở thâm nhập ổn định, mạng lưới phát hành đều khắp, hoạt động nhịp nhàng.

Tạp chí tôn giáo tiếng Việt biên soạn, in ấn ở nước ngoài. Họ đã nhập khẩu và được phát hành hợp pháp chăng?

Không nghĩ như vậy, tôi cho đây là một dạng đưa lậu và phát hành lậu sách tôn giáo. Hơn nữa, loại sách tôn giáo này không phải nhằm phục vụ cho hoạt động nội bộ tôn giáo nào đó, mà nhằm vào bạn đọc tôn giáo khác (ở Việt Nam, số đông là Phật giáo), nhằm mục tiêu cải đạo.

Để đảm bảo nguyên tắc các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, tạp chí tôn giáo, truyền đạo phát hành tại Việt Nam cần phải được cấp phép và biên tập nội dung theo quy định của pháp luật. Không thể duy trì việc có tôn giáo chấp hành triệt để luật pháp về báo chí, nhưng có tôn giáo lại vi phạm pháp luật ngang nhiên, quy mô. Như vậy là không có bình đẳng tôn giáo trước pháp luật. Người Phật giáo có quyền thắc mắc về điều này.

Phật tử chúng ta nên từ chối nhận những tạp chí mà điều chắc chắn là phát hành tại Việt Nam một cách bất hợp pháp như thế, không cho con em chúng ta đọc nó, kịp thời phát hiện tiêu hủy nếu nó đã được phát đến nhà chúng ta.

MT