Trang chủ Tu học Niệm Phật Pháp môn niệm ân Đức Phật (Phần 7)

Pháp môn niệm ân Đức Phật (Phần 7)

587

 

ÂN ÐỨC PHẬT THỨ CHÍN
 
IX- Itipi so Bhagavà

(Cách đọc: Í-tí-pí-xô phá-gá-voa).
 
Ðức Thế Tôn có Ân Ðức Bhagavà.
 
Ân Ðức Bhagavà = Ðức Thế Tôn vô cùng cao thượng nhất trong toàn thế giới chúng sinh. Ân đức này, không phải phụ vương, mẫu hậu của Ngài đặt tên, cũng không phải chư thiên, phạm thiên nào suy tôn Ngài.
 
Sự thật, Ân Ðức Bhagavà này là kết quả qua một quá trình tiến triển tạo 30 pháp hạnh ba la mật trải qua 3 thời kỳ của Ðức Chánh Ðẳng Giác Bồ Tát.
 
Ví dụ:
 
Trường hợp Ðức Phật Gotama trong thời đại chúng ta.
 
Tiền thân của Ðức Phật Gotama là Ðức Bồ Tát có trí tuệ ưu việt, nghĩa là trí tuệ có năng lực hơn cả đức tintinh tấn, đã tạo 30 pháp hạnh ba la mật trải qua 3 thời kỳ.
 
1- Thời kỳ phát nguyện trong tâm: Ðức Bồ Tát có trí tuệ ưu việt phát nguyện trong tâm, đồng thời tạo 30 pháp hạnh ba la mật: 10 pháp hạnh ba la mật bậc thường, 10 pháp hạnh ba la mật bậc trung, 10 pháp hạnh ba la mật bậc thượng suốt thời gian 7 a tăng kỳ (A tăng kỳ âm từ Pàli: asankheyya nghĩa là trải qua vô số kiếp trái đất).
 
2- Thời kỳ phát nguyện bằng lời: Ðức Bồ Tát có trí tuệ ưu việt đã trải qua 7 a tăng kỳ tạo 30 pháp hạnh ba la mật, có đủ năng lực phát nguyện bằng lời cho tất cả chúng sinh nghe biết nguyện vọng của mình, phát nguyện sẽ trở thành bậc Chánh Ðẳng Giác trong thời vị lai, để tế độ chúng sinh, đồng thời tiếp tục tạo 30 pháp hạnh ba la mật thêm suốt 9 a tăng kỳ nữa.
 
Qua 2 thời kỳ này vẫn còn là Ðức Bồ Tát bất định (aniyatabodhisatta), nghĩa là có thể thay đổi nguyện vọng của mình, trở thành Ðức Phật Ðộc Giác, hoặc bậc Thánh Thanh Văn Giác.
 
3- Thời kỳ được Ðức Phật thọ ký: Ðức Bồ Tát có trí tuệ ưu việt sau khi đã trải qua 2 thời kỳ: phát nguyện trong tâm và bằng lời, có đầy đủ năng lực mạnh, có thiện tâm bất thối chí, Ðức Bồ Tát có duyên lành đến hầu Ðức Phật.
 
Trường hợp vị đạo sĩ Sumedha (tiền thân của Ðức Phật Gotama) đến hầu Ðức Phật Dìpankara. Ðức Phật Dìpankara có Phật nhãn thông suốt vị lai, biết rõ nguyện vọng của vị đạo sĩ Bồ Tát Sumedha sẽ thành tựu được như ý, nên Ðức Phật Dìpankara thọ ký vị đạo sĩ rằng:
 
"Trong thời vị lai, còn 4 a tăng kỳ và 100.000 đại kiếp trái đất [*] nữa, vị đạo sĩ Bồ Tát Sumedha này sẽ trở thành bậc Chánh Ðẳng Giác có danh hiệu Gotama".
[*] Ðại kiếp trái đất dịch từ danh từ Pàli "kappa": thời gian kiếp trái đất trải qua 4 a tăng kỳ thành-trụ-hoại-không.
 
Ngài đương nhiên trở thành Ðức Bồ Tát cố định (niyatabodhisatta), bất thoái chí, tiếp tục bồi bổ 30 pháp hạnh ba la mật trải qua 24 Ðức Phật thọ ký, Ðức Phật thọ ký cuối cùng là Ðức Phật Kassapa.
 
Ðức Bồ Tát kiếp chót là Thái tử Siddhattha xuất gia hành đạo tại đại cội Bồ Ðề vào canh chót ngày rằm tháng tư (âm lịch). Ngài đã chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo – 4 Thánh Quả trở thành bậc Thánh Arahán đầu tiên trong toàn thế giới chúng sinh. Ðồng thời trở thành bậc Chánh Ðẳng Giác nên có Ân Ðức Bhagavà = Ðức Thế Tôn.
 
Ân đức Bhagavà có 6 đức chính: Issariya, Dhamma, Yasa, Siri, Kàma, Payatta.
 
1- Thế nào gọi Issariya: Tự chủ?
 
Ðức Thế Tôn có tâm tự chủ các pháp tam giới và siêu tam giới.
 
Tâm tự chủ pháp tam giới: như Ðức Thế Tôn hóa phép thần thông song hành (yamakapatihàriya) có 2 luồng nước và lửa phát xuất từ kim thân của Ngài; một luồng nước phát ra từ lỗ mũi bên phải, một luồng lửa phát ra từ lỗ mũi bên trái, rồi thay đổi, một luồng lửa phát ra từ lỗ mũi bên phải, một luồng nước phát ra từ lỗ mũi bên trái ; cũng như vậy đến 2 mắt, 2 lỗ tai…
 
Tâm tự chủ pháp siêu tam giới: Ðức Phật thuyết pháp xong, các hàng đệ tử đồng thanh nói lên lời hoan hỉ "Sàdhu – sàdhu" trong thời gian khoảnh khắc ngắn ngủi ấy, Ðức Thế Tôn có thể nhập Arahán Thánh Quả định để hưởng sự an lạc Niết Bàn.
 
Ðó gọi là Issariya = tự chủ.
 
2- Thế nào gọi là Dhamma: Chánh pháp?
 
Ðức Thế Tôn đã chứng đắc 9 siêu tam giới pháp đó là 4 Thánh Ðạo – 4 Thánh Quả và Niết Bàn đầu tiên trong toàn thế giới chúng sinh, diệt đoạn tuyệt tất cả 1.500 loại phiền não, 108 loại tham ái, và tất cả mọi tiền khiên tật do tích lũy vô lượng kiếp quá khứ.
 
Ðó gọi là Dhamma = Chánh pháp.
 
3- Thế nào gọi là Yasa: Tiếng tốt lành?
 
Ân đức của Ðức Thế Tôn được lan truyền khắp tất cả mọi chúng sinh, khắp mọi nơi từ cõi người cho đến cõi long vương, đến chư thiên ở 6 cõi trời dục giới, đến chư phạm thiên ở 15 cõi trời sắc giới (trừ cõi Vô tưởng thiên). Và thậm chí ngay cả chư phạm thiên ở cõi vô sắc giới cũng niệm tưởng đến Ân Ðức Phật.
 
Ðó gọi là Yasa = Tiếng tốt lành.
 
4- Thế nào gọi là Siri: Hạnh phúc?
 
Kim thân của Ðức Thế Tôn có đầy đủ 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp của bậc thượng nhân, có hào quang mát mẻ phát ra từ kim thân của Ngài. Nên nhân loại, chư thiên, phạm thiên đến hầu đảnh lễ cúng dường đến Ðức Thế Tôn, lúc nào cũng cảm thấy hạnh phúc an lạc phát sanh hỉ lạc. Cho nên, những chúng sinh đến hầu Ðức Thế Tôn bao nhiêu lần cũng cảm thấy chưa đủ.
 
Ðó gọi là Siri – Hạnh phúc.
 
5- Thế nào gọi là Kàma: Nguyện ước thành tựu?
 
Ðức Thế Tôn khi còn là Ðức Bồ Tát Sumedha có nguyện ước:
 
"Buddho bodheyyam". Như Lai tự mình chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế trở thành Ðức Phật rồi, sẽ giáo hóa chúng sinh cùng chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế để trở thành bậc Thánh nhân (tự giác – giác tha).
 
Ðiều ước nguyện ấy đã thành tựu.
 
"Mutto moceyyam". Như Lai tự mình giải thoát khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài rồi, sẽ giáo huấn chúng sinh cũng được giải thoát cảnh khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài (tự độ – độ tha).
 
Ðiều nguyện ước ấy đã thành tựu.
 
"Tinno tareyyam". Như Lai tự mình vượt qua biển khổ luân hồi, đạt đến Niết Bàn an lạc rồi, sẽ dẫn dắt chúng sinh cùng vượt qua biển khổ luân hồi đạt đến Niết Bàn an lạc (tự đáo – đáo tha).
 
Ðiều nguyện ước ấy đã thành tựu.
 
Ðó gọi là Kàma = nguyện ước thành tựu.
 
6- Thế nào gọi là Payatta: Tinh tấn không ngừng?
 
Hằng ngày Ðức Thế Tôn có sự tinh tấn không ngừng hành 5 phận sự gọi là Buddhakicca = phận sự của Ðức Phật (Bộ Chú giải Anguttaranikàya, phần Ekakanipata…)
 
Năm phận sự của Ðức Phật.
 
1- Phận sự buổi sáng trước khi độ ngọ (pure-bhattakicca).
2- Phận sự sau khi độ ngọ (pacchàbhattakicca).
3- Phận sự canh đầu đêm (pathamayàma).
4- Phận sự canh giữa đêm (majjhimayàma).
5- Phận sự canh chót đêm (pacchimayàma).
 
Giải thích:
 
a) Phận sự buổi sáng trước khi độ ngọ như thế nào?
 
Mỗi buổi sáng đến giờ đi khất thực, đôi khi Ðức Phật ngự đi khất thực một mình để tế độ chúng sinh nào đó; đôi khi Ðức Phật cùng với chư Tỳ khưu Tăng ngự đi vào xóm, thành để khất thực. Khi Ðức Phật thọ thực xong, có số dân chúng thỉnh Ðức Phật thuyết pháp; có số xin quy y Tam bảo thọ trì ngũ giới… có số xin Ðức Phật cho phép xuất gia xong, Ðức Phật ngự trở về chùa.
 
b) Phận sự sau khi độ ngọ như thế nào?
 
Khi Ðức Phật ngự trở về chùa, rửa chân xong, đứng trên bục giảng, Ngài khuyên dạy chư Tỳ khưu:
 
"Bhikkhave appamàdena sampàdetha.
Dullabho Buddhuppàdo lokasmim.
Dullabho manussattapatilàbho.
Dullabhà khanasampatti.
Dullabhà pabbajjà
Dullabham saddhammassavanam".
 
"Này chư Tỳ khưu! Các con hãy nên cố gắng hoàn thành mọi phận sự Tứ thánh đế, bằng pháp không dễ duôi, tiến hành Tứ niệm xứ.
 
Ðức Phật xuất hiện trên thế gian là một điều khó.
Ðược sanh làm người là một điều khó.
Có được cơ hội hành phạm hạnh cao thượng là một điều khó.
Ðược xuất gia trở thành Tỳ khưu là một điều khó.
Ðược nghe chánh pháp là một điều khó".
 
Ðó là những điều khó mà Ðức Phật hằng ngày thường khuyên dạy chư Tỳ khưu chớ nên dễ duôi!
 
Ðức Phật ngự vào cốc Gandhakuti, còn chư Tỳ khưu mỗi vị, mỗi nơi để tiến hành thiền định, hoặc tiến hành thiền tuệ.
 
c) Phận sự canh đầu đêm như thế nào?
 
Canh đầu: Ðức Phật giáo huấn chư Tỳ khưu, có số hỏi pháp, luật; có số xin thọ pháp hành thiền định, pháp hành thiền tuệ; có số nghe pháp. Qua hết canh đầu, chư Tỳ khưu đảnh lễ Ðức Phật trở về chỗ ở của mình.
 
d) Phận sự canh giữa đêm như thế nào?
 
Canh giữa: Ðức Phật cho phép chư thiên, phạm thiên trong 10.000 thế giới đến hầu Ngài, đảnh lễ xong đứng một nơi hợp lẽ bạch hỏi pháp. Ðức Phật giảng giải những câu hỏi của chư thiên, phạm thiên xong, hết canh giữa, chư thiên, phạm thiên đảnh lễ Ðức Phật trở về cảnh giới của mình.
 
e) Phận sự canh chót đêm như thế nào?
 
Ðức Phật phân chia canh chót làm ba giai đoạn:
 
Giai đoạn đầu: Ðức Phật đi kinh hành.
Giai đoạn giữa: Ðức Phật ngự vào cốc Gandhakuti nghỉ ngơi, nằm nghiêng bên phải, có trí nhớ trí tuệ biết mình thức dậy.
Giai đoạn chót: Ðức Phật nhập đại bi định, khi xả định quán xét chúng sinh trong 10.000 thế giới bằng Phật nhãn tuệ, xem xét chúng sinh nào đã có gieo duyên lành với Ngài, đã từng tạo ba la mật từ chư Phật quá khứ đến kiếp hiện tại này, có khả năng chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo – 4 Thánh Quả, Ngài ngự đến để tế độ chúng sinh ấy, dầu ở gần hay xa; ở thế giới này hay thế giới khác.
 
Mỗi ngày mỗi đêm Ðức Thế Tôn hành trọn đủ 5 phận sự ròng rã suốt 45 năm, cho đến giây phút cuối cùng tịch diệt Niết Bàn.
 
Ân Ðức Bhagavà còn nhiều ý nghĩa khác.
 
Ðức Thế Tôn là bậc có trọn đủ các pháp của bậc Tôn Sư.
 
Do đó, Ngài có Ân Ðức Bhagavà = Ðức Thế Tôn.
 
Niệm Ân Ðức Bhagavà
 
Người Phật tử thường niệm tưởng đến Ân Ðức Phật, "Ân Ðức Bhagavà" này sẽ phát sanh đức tin trong sạch nơi Ðức Thế Tôn, có trí tuệ sáng suốt, phát sanh hỉ lạc, tăng trưởng tâm tôn kính nơi Ðức Thế Tôn, có lòng dũng cảm, tránh khỏi mọi điều tai hoạ, phước thiện được tăng trưởng.
 
Hành giả tiến hành đề mục niệm Ân Ðức Phật, Ân Ðức "Bhagavà…, Bhagavà…, Bhagavà…," hoặc câu Ân Ðức Bhagavà: "Itipi so Bhagavà…, Itipi so Bhagavà…, Itipi so Bhagavà…", làm đối tượng thiền định. Ðề mục Ân Ðức Phật này có ý nghĩa vô cùng sâu sắc vi tế, rộng lớn vô lượng vô biên, vì vậy định tâm không thể an trú vào một điểm nào nhất định, nên chỉ có khả năng chứng đạt đến cận định, mà không thể chứng đạt đến an định, nên không thể chứng đắc được bậc thiền hữu sắc nào. Như vậy, cận định tâm vẫn còn thuộc dục giới đại thiện tâm.
 
(Phần còn lại giống Ân Ðức Araham).
 
Ðề mục niệm 9 Ân Ðức Phật là một đề mục thiền định vô cùng sâu sắc, vi tế, rộng lớn, vô lượng vô biên, vô tận. Do đó, định tâm không thể an trú một đ?i tượng nào nhất định để đạt đến an định, nên không thể chứng đắc các bậc thiền hữu sắc, mà chỉ có thể đạt đến cận định mà thôi.
 
Tiến hành niệm Ân Ðức Phật này, hành giả tăng trưởng đức tin trong sạch nơi Ðức Phật, có lòng tôn kính sâu sắc nơi Ðức Phật, phát sanh hỉ lạc, thân tâm an tịnh, làm vắng lặng phiền não; có trí tuệ sáng suốt, phước thiện tăng trưởng, đặc biệt có thể tránh khỏi những điều rủi ro tai hại đến sanh mạng, cuộc sống thường được an lạc.
 
Hành giả thường niệm Ân Ðức Phật có cảm tưởng như gần gũi với Ðức Phật, nên tâm luôn luôn có sự hổ thẹnghê sợ mọi tội lỗi, nên giữ gìn giới hạnh trong sạch dễ dàng. Hành giả có giới hạnh trong sạch, có định tâm thường niệm tưởng đến Ân Ðức Phật, sau khi chết hy vọng chắc chắn sẽ tái sanh nơi cõi thiện giới.
 
– Nếu tái sanh làm người sẽ là người có trí tuệ, có sắc thân xinh đẹp đáng ngưỡng mộ, ở địa vị cao quý.
 
– Nếu tái sanh làm chư thiên, sẽ là một thiên nam hoặc thiên nữ có nhiều oai lực, hào quang sáng ngời, hưởng sự an lạc đặc biệt hơn các chư thiên khác.
 
Hơn thế nữa, tái sanh kiếp nào, nếu gặp Ðức Phật hoặc giáo pháp của Ðức Phật sẽ dễ dàng phát sanh đức tin trong sạch nơi Tam bảo, lắng nghe chánh pháp, thực hành theo chánh pháp, dễ dàng chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo – 4 Thánh Quả và Niết Bàn, giải thoát mọi cảnh khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài.
 
Nguồn: Buddhnet.net
Mời bạn đọc xem tiếp Pháp môn Niệm ân Đức Phật (Phần Cuối): Quả báu của đề mục niệm Ân Đức Phật