Trang chủ Tu học Pháp thoại Pháp thoại chủ đề: ”Ước mơ vô tận vô biên” tại chùa...

Pháp thoại chủ đề: ”Ước mơ vô tận vô biên” tại chùa Tương Mai

694

Bài Pháp thoại cho thấy tầm quan trọng của ước mơ trong việc định hướng, dẫn dắt cuộc đời của mỗi con người. Đồng thời, chỉ ra cách thiết lập một ước mơ đúng đắn. Trên cơ sở đó, mọi người nhìn nhận, chỉnh sửa lại ước mơ cho bản thân để mãi được hạnh phúc, an vui trong mọi kiếp luân hồi.

Mở đầu bài Pháp, Thượng tọa bày tỏ niềm tự hào về tình yêu nước thiêng liêng, cao đẹp của người Việt Nam. Càng những lúc khó khăn, tình yêu nước ấy càng được bộc lộ rõ ràng. So với thế giới, có thể chúng ta thua về kinh tế nhưng nhất định không bao giờ thua về lòng yêu nước.

Có được điều này, phải nhờ đến nền giáo dục cực kì cao đẹp của ông cha ta ngày xưa. Thế nên, trong mọi hoàn cảnh, kể cả lúc bản năng bị thử thách đến tột cùng, người Việt Nam vẫn giữ được phong cách thanh lịch, đàng hoàng, tử tế. Văn hóa này, không một nước nào bằng nước ta được.


Ngày nay, trào lưu tư tưởng hướng ngoại quá mạnh khiến nhiều người quên mất điều đó. Nhiều đất nước còn hay hơn ta, ta không phủ nhận những cái hay đó. Nơi Việt Nam cũng có cái khiến thế giới phải ngưỡng mộ nhưng ta phải kiềm chế.

Dịp này, Người nhấn mạnh, để có được lối sống văn hóa đó, trước hết ta phải có lòng yêu nước. Sau đó, ta mới nghĩ lớn, làm lớn, ước mơ lớn và vượt qua những lỗi lầm lặt vặt được.

Phải khẳng định rằng, sống trên đời, ai cũng có ước mơ. Người bắt đầu biết suy nghĩ là bắt đầu có ước mơ về tương lai của mình. Nếu có thể nghe trong trái tim, nhìn thấy được ước mơ của người khác thì ta hiểu được bản chất, đạo đức của họ ít hay nhiều. Người đạo đức kém thì ước mơ cạn cợt, tầm thường, ích kỉ, hưởng thụ. Người đạo đức, trí tuệ lớn thì ước mơ cao vời, đẹp đẽ. Tuy nhiên, ước mơ có thực hiện được hay không còn lệ thuộc vào nhiều yếu tố. Vậy nhưng, chỉ cần có ước mơ cao đẹp thì tâm hồn họ đã thay đổi rồi.

Khi đối diện với thực tế khắc nghiệt, gánh đầy trọng trách trên vai, những ước mơ thuở ban đầu gần như biến mất. Đến một ngày nào đó, khi gặp được Phật pháp, nghe những giáo lí thâm sâu, tinh thần ta bỗng nhiên mạnh mẽ lại. Lúc đó, đạo đức được hâm nóng, trí tuệ được thắp sáng, ước mơ được sống dậy.


Lúc trước, khi chưa gặp Phật, những hơn thua, bon chen trong cuộc sống cơm áo gạo tiền đã chôn vùi tuổi trẻ, niềm vui của ta. Đến khi đi qua được giai đoạn đó, sống trong đạo lí của Phật pháp, ta như có thêm sức mạnh mới, ước mơ được vực dậy. Nhưng ước mơ không còn nhỏ bé, cạn cợt nữa mà nó được trải rộng ra cả ngàn kiếp sau.

Người nhắc nhở, cuộc sống là vô hạn nên ai cũng phải định hình lại đường đi của mình trong luân hồi vô tận chứ đừng thả trôi bản thân, để cuộc sống cuốn phăng đi. Ai cũng phải chủ động tạo dựng lại cuộc sống bằng cách thông qua Luật Nhân Quả, yêu thương, tử tế với con người; cống hiến, phụng sự, hi sinh, tu tập, gánh vác trách nhiệm nhiều hơn. Dần dần, nhân quả sẽ mang lại cho ta quả báu tốt đẹp.

Thực sự, việc vào đạo giúp ta như được sinh ra một lần nữa. Nhờ đó, ta có đạo lí để chủ động tạo lập một cuộc đời mới cho mình, bắt đầu ước mơ lại cho những kiếp sau. Vậy nhưng, ta sẽ ước mơ điều gì cho kiếp sau? Đến đây, ta lại gặp phải một thử thách mới trong đạo lý, trong trí tuệ.

Cụ thể, nếu ta không khéo, ước mơ giống ngày trước thì ước mơ đi một đường, cuộc đời đẩy ta đi một nẻo. Nghĩa là tin nhân quả, luân hồi; biết làm phước nhưng không ngờ đạo đức còn kém, trí tuệ cạn cợt nên ước mơ của ta vẫn hết sức vụn vặt. Muốn thay đổi điều đó, ta chỉ còn cách tích cực đến chùa tu tập, tụng kinh, dâng lên Phật lòng tôn kính tuyệt đối; trải lòng yêu thương vô hạn vô biên đến chúng sinh; diệt trừ bản ngã, sự ích kỉ, kiêu mạn của mình cho đến khi chúng nhỏ như hạt bụi rồi bay mất.


Tức là, công đức tôn kính Phật cùng những ý niệm tốt đẹp đó giúp trí tuệ của ta vượt dần lên, mở ra không giới hạn.Bỗng nhiên, ước mơ cũng thay đổi hoàn toàn. Nên khi bước vào đạo Phật, ta bị thử thách, phải đối diện với một đạo lí vô tận vô biên. Đây cũng là điều cốt yếu mà Người muốn nói đến trong bài Pháp này.

Theo Thượng tọa, mọi chuyện trên đời đều tương đối, hữu hạn nhưng khi bước vào đạo, Đức Phật cho ta một ước mơ, một con đường đi đến vô hạn. Để hiểu rõ cái hữu hạn, cái vô hạn, ta lấy ví dụ đơn giản như một đứa bé biết vâng lời cha mẹ, chăm chỉ học hành, tôn trọng thầy cô, sống yêu thương, tử tế với mọi người, ta không biết những kiếp trước đứa bé này sống thế nào, nhưng với cách sống hiện tại, chắc chắn lớn lên bé sẽ là một người thành công.

Tuy nhiên, cái thành công đó chỉ ở một chừng mực nhất định bởi cái lối sống tử tế trong 10 hay 15 năm cũng không đủ để đứa bé đó có được sự thành công vượt bậc, phi thường. Thêm nữa, khi có gia đình, đứa bé phải xây nhà, mua xe,… tức là có sự hưởng thụ. Công đức, phước lành tích góp bao nhiêu năm theo đó mà giảm dần. Nếu may mắn, lớn lên vẫn biết làm phước thì về già, đứa trẻ được sống trong an vui, hạnh phúc. Còn nếu hưởng hết phước rồi thì cuộc sống lại luẩn quẩn trong khó khăn, khốn đốn, không thoát ra được.


Người khẳng định, không chỉ riêng đứa trẻ đó, tất cả chúng ta đều bị vướng trong vòng luẩn quẩn này. Bất hạnh nhất là những người hưởng hết phúc rồi lại không biết làm phước trở lại. Lúc đó, họ bị rơi luôn xuống tầng của chúng sinh ở đẳng cấp thấp. Ngược lại, may mắn thay cho những người gặp được Phật pháp để khi hết phước, họ biết vươn lên, làm phước trở lại, không bị đọa súc sinh.

Nói vậy để chúng ta biết rằng “phúc hữu lậu” có rồi lại mất chứ không phải là mãi mãi. Chính điều này khiến cho những người trí tuệ rất khó chịu, đau khổ. Chúng ta chưa phải người trí tuệ thì vẫn thỏa mãn với lối sống hiện tại. Sống một cuộc sống bình thường, không vi phạm pháp luật, không vi phạm đạo đức, rồi tự cho đó là đủ, là đàng hoàng rồi. Nhưng với đạo Phật, cái phúc hữu hạn, chưa bao giờ là đủ.

Có một thực tại cay đắng là khi thành công, lúc ta đang hưởng phúc thì cũng chính là lúc cái bản ngã, sự kiêu mạn trỗi dậy. Cái quy luật khắc nghiệt này khiến chúng sinh không bay lên được. Nếu bản ngã được cái “dân chủ tập thể” kiềm chế, may ra ta mới giữ được phong cách khiêm hạ, từ tốn.

Ngày xưa, một vị quan có thể kiêm nhiệm một lúc nhiều quyền hành thì bản ngã rất khó kiềm chế. Nhưng ngày nay, khi cơ chế dân chủ phát triển, quyền lực được đem phân chia ra nhiều hướng, mọi quyết định đều phải có sự đồng thuận của nhiều người thì các vị lãnh đạo lúc nào cũng phải biết giữ cái khiêm hạ cho mình. Cho nên, dù là ai cũng phải nhớ rằng có 2 điều làm ta tổn phước. Một là lối sống hưởng thụ, hai là sự kiêu mạn trong tâm hồn. Chúng khiến ta không thể bay lên bầu trời vô tận được.


Theo Thượng tọa, người không có trí tuệ sẽ mãn nguyện với cuộc sống ở một chừng mực nào đó. Nhưng người trí tuệ lại không bao giờ mãn nguyện với sự vinh quang ngắn ngủi, tạm bợ. Họ hiểu rằng mọi điều trong cuộc sống đều vô thường, trước sau gì cũng mất đi. Từ đó, họ bắt đầu ước mơ xa hơn, vượt ngoài cả kiếp này. Vậy mới thấy rõ sự khác nhau giữa người có trí tuệ với người không có trí tuệ.

Có thể, bài Pháp này không dễ nghe, cũng không dễ hiểu nhưng sau bài Pháp, mọi người phải buộc trí tuệ mình lên một cấp độ khác, ép bản thân phải có cái nhìn vô hạn, vô biên, chứ đừng gói mình trong những điều tầm thường, ngắn ngủi. Cho nên, bài Pháp này không dành cho những người an phận mà dành cho những người biết bức phá, biết rũ bỏ để vượt lên.

Giờ nhìn lại bản thân, ai nghe bài Pháp này mà thấy mơ hồ, buồn ngủ, không tập trung được thì biết mình là người trí tuệ thấp, dễ thỏa mãn. Chỉ những người đi tìm quả Thánh cao siêu trong vô lượng kiếp mới hiểu được các đạo lí cao siêu này. Do đó, ai có thể mở lòng ra để tôn kính Phật tuyệt đối, để yêu thương chúng sinh vô hạn và đi tìm sự giác ngộ cao siêu vô tận ở thì hãy tiếp tục lắng nghe.

Thật vậy, tâm hồn của chúng ta vốn hữu hạn, giờ phải đi tìm cái vô hạn. Chỉ có vậy, ta mới đập vỡ cái hữu hạn để bước vào chân trời của đạo Phật. Trước khi đến với đạo, có thể mỗi người chúng ta đi trên một con đường khác nhau nhưng nếu đã tu tập đạo Pháp, là con của Phật thì ta phải đi con đường chung này, chỉ một con đường này chứ không còn con đường nào khác. Tu đến khi nào thấy mọi điều trên thế gian đều vô thường, tạm bợ thì ta biết trí tuệ mình đã mở ra rồi.


Khi trí tuệ mở ra buộc tâm ta phải ước mơ một điều bất tử. Giờ mà thấy một người dù không nói về mơ ước vô hạn vô biên nhưng hay nói về vô thường là ta biết trong tâm họ đã mưu tính những điều đó rồi. Còn vô tận, vô biên là gì thì tùy theo trí tuệ tu tập của họ.

Có thể khẳng định, người thấy mọi thứ đều là tạm bợ, vô thường thì họ sẽ không mưu tìm danh vọng nữa. Không phải họ né tránh bởi khi biết đạo, họ buộc phải làm phước rất nhiều. Dù không chịu hưởng hay hưởng rất ít thì trên con đường tu tập để chứng Thánh, quả báo vinh quang, giàu sang vẫn đến với họ.

Dễ thấy nhất như trường hợp của vua Trần Thái Tông. Ngài vừa làm vua, vừa là thiền sư đắc đạo. Mục đích chính của Ngài là tu tập tâm linh giác ngộ nhưng cái vinh quang vẫn đến với Ngài. Lí do là phước từ kiếp xưa của Ngài quá nhiều.

Khác với những người không biết đạo, khi có phúc thì bị hai cái là hưởng thụ và kiêu mạn đeo bám. Còn một vị Bồ tát được hưởng phước nhưng cố gắng không hưởng, không kiêu mạn, và trước hết phải mở ước mơ của mình đến vô biên, vì đây là nhân quả đầu tiên của sự vô tận. Tuy ước mơ vô tận mà không hão huyền. Tâm và trí của Bồ tát không cho phép mình có giới hạn. Nhờ đó, họ mới tích lũy phúc để đi được đến vô tận. Nghĩa là các vị phải gieo rất nhiều nhân mới có quả báo vô biên được. Nhưng nhân vô biên ở đâu để cho ta gieo?


Người khẳng định, một trong những cái nhân vô biên là cúng dường, bố thí. Tuy nhiên, không phải cứ mang hết của cải, tài sản của mình đi làm phúc đã là đúng bởi chúng ta không sống một mình và ai cũng phải gánh trách nhiệm với gia đình trên vai. Làm như thế chẳng khác nào là ta đang cướp của người này rồi đưa cho người khác. Cho nên, dù có bố thí nhiều ta cũng không có phước.

Với một người hiểu đạo, khi muốn cúng dường, bố thí, họ phải cân đối tài chính rất kĩ lưỡng, làm sao mang tiền đi làm phúc mà gia đình vẫn an vui. Đồng nghĩa với nó là ta không mang tất cả tiền bạc đi bố thí. Vậy đó cũng không phải là bố thí vô hạn. Cho nên, ta phải đợi rất nhiều kiếp, mỗi kiếp ta lại giàu hơn, vinh quang hơn. Trong mỗi kiếp đó, nhờ trí tuệ mang theo mà ta không hưởng, và lại tiếp tục làm phước. Thế thì phước kiếp sau của ta lại được nhiều hơn kiếp này.

Bồ tát cũng vậy, việc làm công đức của các Ngài là không giới hạn nên đến khi thành Phật, phước của các vị bao trùm cả vũ trụ. Điều này đã được Kinh Hoa Nghiêm – phẩm Phổ Hiền hạnh nguyện ghi rõ “ta dùng đạo nhãn của ta để xem khắp tam thiên, đại thiên thế giới này, không chỗ nào mà Bồ tát không xả thân, bỏ mạng vì chúng sinh”. Tức là các vị Bồ tát trong vô lượng kiếp luân hồi đã đi hết cõi này đến cõi kia để phụng sự, cống hiến, giáo hóa chúng sinh mà không biết mệt mỏi. Bồ tát Phổ Hiền kể lại công hạnh của Phật như vậy nghĩa là một vị khi đắc đạo thành Phật, cả vũ trụ phải nghiêng mình, bao nhiêu Chư Thiên cũng đều chắp tay kính lễ. Thậm chí, phước của các vị lớn đến nỗi hôm nay ta phải tiếp tục xin phước của Phật để sống.


Người khẳng định, bản thân mình cũng đang sống nhờ phật tử. Tiền phật tử cúng dường vừa để nuôi thân mạng, vừa nuôi đệ tử, vừa để làm các công việc Phật sự. Giả sử nếu mình không phải con của Phật, chắc chắn sẽ không nhận được những sự cúng dường đó. Nhờ cái phước bao trùm cả vũ trụ của Phật mà Người cùng các đệ tử chưa bữa nào bị đói.

Các phật tử cũng vậy. Những lúc túng quẫn, bần cùng trong cuộc sống, chúng ta chỉ còn con đường duy nhất là quỳ trước Phật để cầu nguyện. Và thông thường, 99,99% lời khấn cầu đó đều được thành tựu viên mãn, chỉ 0,01% là không có kết quả. Có trường hợp một là do ta chỉ cầu Phật khi khổ, hết khổ rồi thì quên Phật, không làm phúc. Thế nên, Phật cho ta chịu quả báo để hiểu nhân quả. Hai là do ta cầu xin những điều vô lí. Còn những điều khác, nếu có làm phúc, có tu tập thì ta sẽ được hưởng phước của Phật.

Ngoài cái phước vật chất, Phật còn cho ta phước tâm linh. Nghĩa là ta tu tập, tâm loạn động, mê mờ. Nhờ công đức lễ Phật, sám hối, phát nguyện hàng ngày, tâm linh ta bắt đầu được khai mở. Nhờ đó, ta có sự giác ngộ ban đầu.

Tâm linh khai mở, ta bắt đầu bước vào thiền, làm chủ được tâm hồn mình. Đây chính là phước về tâm linh mà Phật cho ta.


Nhìn rõ những điều trên, ta mới thấy phước của Phật là vô tận, dù đã nhập niết bàn nhưng chúng sinh vẫn có thể hưởng phước, nương tựa vào Ngài. Nhưng Phật không cho ta mãi bởi nếu thế nó sẽ trở thành thần quyền. Ngài cho ta vay thôi (một người cho vay vĩ đại nhất thế giới). Nếu không hiểu điều này, cứ nghĩ Phật cho rồi quên trả nợ Ngài thì đến lúc vinh quang, ta lại bị rơi xuống.

Ngược lại, nếu biết nhận phước của Phật là bản thân đang chịu nợ thì họ sẽ siêng năng làm phúc, sao cho cái phúc đó lớn hơn cái phúc Phật cho. Vậy sau này, ta mới đi lên mà không bị rơi vào tù túng.

Thêm nữa, khi mơ ước về điều bất diệt, ta cần phải có đôi cánh để bay vào bầu trời bất diệt. Trong đôi cánh đó thì một cánh là phước, một cánh là trí tuệ. Ta có câu “phước tuệ song tu” là vì thế.

Như phân tích trên, ta thấy phước là làm lợi cho chúng sinh, công đức này phải kéo dài đến vô tận, đừng bao giờ ngừng. Dù bị thử thách trong nghịch cảnh nào, ta vẫn mãi hy sinh, phụng sự, cống hiến đến vô tận. Có thế, chiếc cánh đầu tiên của ta mới hoàn thiện, vững chắc.


Để có cái cánh tuệ, ta phải tu tập thiền định, đi tìm vô ngã. Cho đến tận bây giờ, vô ngã là mục tiêu kì lạ nhất trong vũ trụ. Mọi tôn giáo đều đưa ra một mục đích để vỗ về, tô điểm cho bản ngã, chỉ riêng đạo Phật chỉ cho chúng sinh một con đường làm bản ngã tan biến. Nhìn vào hai mục đích này, ta có thể phân biệt được đạo Phật và ngoại đạo.

Tuy nhiên, nếu tu để được lên cõi này, cõi kia; tu để được hưởng hạnh phúc thì chẳng phải là có động cơ hay sao? Nhưng ở góc độ khác, nếu tu mà không có mục tiêu thì ta sẽ mất phương hướng. Cuối cùng, ta tu để là gì? Lại một lần nữa trí tuệ của ta bị thử thách.

Chúng ta ở đây chưa ai đạt được vô ngã bởi đạt được thì ta đã chứng A La Hán – quả vị Thánh cao tột rồi. Nhưng trong Pháp hội này, rất nhiều người vì tôn kính Phật, tin vào mục tiêu vô ngã nên phấn đấu tu hành. Quyết lòng theo Phật để tìm vô ngã, vì ta tin đó là một điều cao siêu chứ không phải tầm thường. Nghĩ được vậy là ta đã gieo một cái nhân cao quý, vĩ đại vào tâm mình rồi. Còn ai nghe mục tiêu vô ngã mà thấy hoang mang, vô định là đang mất phương hướng.

Hôm nay, nói về những điều vô hạn, vượt khỏi kiến thức khoa học thì ta cần có tinh thần chứ không lệ thuộc vào khoa học. Hai trạng thái này hoàn toàn khác nhau.


Như ta thấy, những kiến thức khoa học mà địa cầu có rất ít. Nói theo Niuton, những điều đó chỉ là một giọt nước, trong khi những cái ta chưa biết là cả một đại dương. Là Trí tuệ không dùng niềm tin để hiểu, để kết luận. Thế nên, tinh thần khoa học ở đây là lí trí, logic, hợp lí.

Ví dụ, ta bước vào đạo mà ai nói gì cũng tin thì đó gọi là mê tín, thiếu khoa học. Ai biết cân nhắc, suy xét, chứng minh rồi mới chấp nhận thì cái chấp nhận này giống niềm tin nhưng lại không phải niềm tin vì nó phải qua sàng lọc, trải nghiệm, suy luận. Cái này mới gọi là tinh thần khoa học.

Tương tự vậy, ta có Luật Nhân Quả là nền tảng cho mọi đạo lí khác ở trong đạo Phật. Theo Luật Nhân Quả, ta gieo nhân gì thì gặt quả nấy. Nếu gieo điều thiện lành thì buộc ta phải vượt lên một tầm cao, gieo nhân ác thì ngày ta càng rơi xuống đẳng cấp thấp. Đó là sự công bằng.


Từ trước đến nay, không ai chứng minh được Luật Nhân Quả bởi nó là quy luật căn bản của mọi quy luật khác. Nó là nền tảng, gốc rễ chứ không phải cái ngọn trên cao. Chấp nhận, tin tưởng nó, ta mới hiểu được vô số điều trong vũ trụ này.

Cũng giống tiên đề Ơ- clit trong toán học. Nó là nền tảng để chứng minh cho những định lí khác. Ta không chứng minh được nó nhưng phải chấp nhận nó. Nhờ đó, ta mới có một nền khoa học thống nhất như hiện nay.

Suy cho cùng, khi đến với đạo Phật, ta buộc phải tìm thấy một ước mơ vô hạn vô biên. Làm được điều đó, ta mới thật sự là đệ tử Phật. Nơi vô biên, vô tận đó, ta phải làm hai việc là tạo phước đến vô tận và tu tập thiền cho đến khi vô ngã. Đây là hai chiếc cánh giúp ta bay lượn trên bầu trời. Dẫu biết việc nào cũng khó khăn nhưng ta phải ráng làm tốt cả hai việc đó. Nhớ rằng, không con chim nào có thể bay lượn được bằng một cánh.

Bước chân vào đạo, ta sẽ thấy mọi đạo lí trong đạo Phật đều bắt nguồn từ sự thật và thực tế. Theo đó, Phật nói mọi thứ đều tạm bợ; nhân quả, nghiệp báo công bằng hay cái vô lượng vô biên,… thì tất cả đều đúng. Chỉ có điều, ta không đủ trí tuệ để hiểu chúng một cách rõ ràng, đầy đủ mà thôi. Chứ còn Đức Phật, từ sự tu hành cho đến những đạo lí của Ngài đều là những chân lí vô lượng, vô biên rồi. Theo Ngài, ta sẽ tìm thấy mục tiêu đi đến vô hạn.


Có thể nói, đây là một bài Pháp thoại khá dài và cao siêu. Thượng tọa đã khéo léo diễn giải bằng ngôn ngữ thật đơn giản, trích dẫn nhiều ví dụ, dẫn dắt mọi người đi từ khái niệm này đến khái niệm khác, nhưng cũng chưa thể giúp các phật tử hiểu một cách chỉn chu, thấu đáo được hết. Đó cũng bởi trí tuệ của mọi người còn hạn hẹp, tâm hồn nhiều khi cũng chưa sẵn sàng. Do đó, mọi người cần thúc ép, xây dựng cho bản thân mình một lộ trình tu tập cho khoa học, nghiêm túc. Đồng thời, tích cực lễ kính Phật, làm nhiều việc thiện, sống tử tế, yêu thương, siêng năng phụng sự … Dần dần, những công đức đó giúp ta khai mở trí tuệ. Lúc đó, mọi người mới có thể hiểu hết sự cao siêu trong các đạo lí này. Chúng ta làm được việc này chính là sự tri ân Tam bảo đúng nghĩa và thiết thực nhất, mà cũng là mục đích mà Thượng tọa Giảng sư muốn trao truyền cho mọi người qua bài giảng này.


Thêm nữa, trong thời đại ngày nay, con người chạy theo lối sống hưởng thụ, bất chấp tất cả để thỏa mãn nhu cầu của bản thân mà quên rằng vật chất chỉ là phù du, nay có mai mất, chỉ những điều tốt đẹp trong tâm hồn mới tồn tại mãi mãi. Qua đây, mọi người cần nghiêm khắc nhìn lại bản thân mình; phải yêu thương, tử tế, làm việc thiện nhiều hơn để cái tâm tốt đẹp đó trải dài đến vô tận. Vậy mới thực sự là ta đang đi và tiếp tục đi trên lộ trình giác ngộ giải thoát./.