Trang chủ Thời đại Phật giáo qua nhận thức mới

Phật giáo qua nhận thức mới

75

1- Lý thuyết và thực hành


Sự thích nghi và ứng dụng mọi  triết thuyết với thời đại rất quan trọng.  Đạo Phật lý thuyết vốn là Đạo Phật lý tưởng. Quãng cách giữa lý tưởng và  vận dụng  thực tế là chuyện tất nhiên và tất yếu. Bởi lẽ, nếu không có quãng cách đó giữa Đạo Phật lý tưởng và Đạo Phật thực tế, thì mọi người chúng ta đều thành Phật cả rồi, và cõi đất nào đã là cõi Phật rồi.  Vì vậy,  phải nhấn mạnh đến ý thức về quãng cách đó và phấn đấu hết sức mình để thu hẹp quãng cách đó. Chính với tinh thần và thái độ như vậy cần có những suy nghĩ về một sự đổi mới phương pháp, hình thức và nội dung của giáo dục Phật giáo trong thời đại hiện nay.  Một trong những nguyên nhân khiến cho Đạo không truyền bá được vào đời, khiến cho giáo dục Phật giáo có hiệu quả hạn chế là vì chúng ta coi nhẹ thân giáo, tức là những người làm chức năng giáo dục Phật giáo, phải thực hành hằng ngày, hằng giây phút những giá trị cao cả của đạo Phật trong cuộc sống của mình. Cho đến nay, chúng ta thường hạn chế số người làm chức năng giáo dục trong Tăng sĩ, và giờ giáo dục Phật giáo trong các buổi thuyết pháp hay là lên lớp ở các trường Phật học cơ bản và cao cấp. Một quan điểm hẹp hòi như vậy làm giảm sút hiệu quả của giáo dục Phật giáo rất nhiều. Tất cả là những người không kể là xuất gia hay tại gia, một khi đã tin vào chân lý của những giá trị triết lý đạo đức của đạo Phật và sống theo đúng những giá trị đó, đều mặc nhiên trở thành những nhà giáo dục Phật giáo, bằng thân giáo, bằng mọi hành vi và lời nói của mình. Mọi người hãy có ý thức đầy đủ về điều này, và không nên nghe những người nói rằng truyền giáo, giáo dục thì phải nói cho hùng hồn, điệu bộ cho oai vệ. Suy nghĩ như vậy sẽ lầm to, và rất có hại cho sự nghiệp truyền bá của đạo Phật.Thái Tông, một ông vua Phật tử đời Trần, viết cuốn Khóa Hư Lục rằng:  Mạc vấn đại ẩn tiểu ẩn, hưu xuất gia tại gia, bất câu Tăng tục, chỉ yếu biện tâm, bản vô nam nữ, hà tu trước tướng?” Dịch:   Không phân biệt là sống giữa đời hay sống ẩn dậy trong rừng, không phân biệt tại gia hay xuất gia, Tăng hay tục, chỉ cốt biện tâm. Vốn không nam nữ, sao lại còn chấp tướng?”


2-  Phật tánh của chúng sanh


Có thể nói đạo lý bình đẳng của Phật không có phân biệt đối đãi xuất gia và tại gia, nam và nữ, già và trẻ. Tất cả mọi người đều sẵn có mầm giác ngộ ở trong mình, tức Phật tánh cho nên đều có thể thành Phật. Đạo lý bình đẳng này thấy rõ trong một số kinh Đại thừa như Kinh Duy Ma Cật, Kinh Thắng Man đã được dịch ra tiếng Việt. Duy Ma Cật là một trưởng lão có gia đình, nhưng trình độ giác ngộ của ông ngang hàng với Bồ tát Văn Thù. Phu nhân Thắng Man, trong kinh Thắng Man, cũng có một vị trí cao tương tự. Trong kinh Pháp Hoa ở chương 26, một Long Nữ mới 8 tuổi, nhờ nghe Ngài Văn Thù thuyết pháp mà trở thành đại Bồ tát, và trong nháy mắt, dùng phép thần thông biến ngay thành nam giới rồi thành Phật. Những truyện như vậy có thể không được Phật giáo Theravada (Nam tông) chấp nhận, nhưng đứng về tinh thần mà nói, chúng nói lên được truyền thống bình đẳng và phá chấp của đạo Phật, và truyền thống này có ngay từ thời đức Phật còn tại thế.


Phật giáo Việt Nam từng có ni sư Diệu Nhân đời Lý là một Thiền sư nổi tiếng thuộc dòng Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi, có Trần Thái Tông và Tuệ Trung đều là những cư sĩ và là nhà Phật học xuất sắc đời Trần. Học trò của hai vị này gồm cả Tăng sĩ và cư sĩ. Một học trò xuất sắc của Tuệ Trung chính là Trần Nhân Tông, là Tổ thứ nhất của phái Thiền Trúc Lâm đời Trần. Một học trò thứ hai của Tuệ Trung là Pháp Loa, là vị Tổ thứ hai của phái Thiền Trúc Lâm và là người đứng ra san định bản thảo Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục, đã được cư sĩ Trúc Thiên dịch ra Việt văn. Trong thời hiện đại, chúng ta có cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, là một nhà Phật học lớn, nhiều Tăng sĩ vốn là học trò của ông, nay giữ nhiều vị trí chủ chốt trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam.  Ở nước Phật giáo nào cũng vậy, cư sĩ bao giờ cũng chiếm số đông, họ lại là người có kiến thức thế tục khá rộng, nếu họ có thêm kiến thức nội điển nữa thì họ sẽ trở thành những nhà giáo dục Phật giáo, những nhà truyền giáo rất tốt, rất có hiệu quả. Tăng sĩ vốn số lượng ít hơn, tất nhiên cũng làm chức năng giáo dục và truyền giáo, nhưng trước hết họ là những người duy trì kỷ cương xuất thế của đạo, và điều này cũng rất là quan trọng trong cuộc sống văn minh vật chất và thế tục hiện nay. Nói tóm lại, phải thu hút rộng rãi từng lớp cư sĩ vào đội ngũ giáo dục và truyền giáo của đạo Phật. Đó là một trong những biện pháp chủ chốt để rút ngắn lại quãng cách giữa đạo Phật lý thuyết và đạo Phật trong thực tế, trong đời sống.


Về nội dung giáo dục, phải rất chú trọng môn tâm lý học Phật giáo, tức là môn Duy Thức học. Cho nên đến nay, ở các nước phát triển của phương Tây, người ta chú trọng nghiên cứu thế giới bên ngoài, hơn là nội tâm con người. Nói thế giới bên ngoài, bao gồm cả xã hội và thiên nhiên. Do đó mà các ngành khoa học tự nhiên ở phương Tây rất phát triển, tạo ra nhiều thành tựu thần kỳ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ, dẫn tới một sự tăng trưởng vũ bão của lực lượng sản xuất. Thành công đó của khoa học kỹ thuật phương Tây không thể phủ nhận được. Thế nhưng, trong các ngành khoa học xã hội thì chỉ có ngành xã hội học  là phát triển tương đối. Ngay Mác, khi dẫn chứng một điểm trong luận cương của Fueuback cũng khẳng định con người là tổng hoà các mối quan hệ xã hội. Nhưng trên thực tế, theo quan điểm của triết học và tôn giáo phương Đông, đặc biệt là Phật giáo, thì nội tâm con người là cả một thế giới mênh mông, sâu thẳm, mà mãi tới thế kỷ XX Sigmund Freud mới sơ bộ phát hiện ra, và trên cơ sở đó xây dựng môn phân tâm học nổi tiếng của ông. Chúng ta biết là để trình bày môn phân bâm học, là môn học rất mới mẻ đối với người phương Tây, Freud đã phải sáng tạo ra cả một pho ngữ vựng phân tâm học, với những danh từ, động từ và hình dung từ rất lạ tai… Thế nhưng môn tâm lý học Phật giáo, cụ thể là môn Duy Thức học Phật giáo so với môn phân tâm học của Freud, đã phân tích nội tâm của con người sâu sắc và chi tiết hơn nhiều, khiến cho những học trò danh tiếng của Freud như Fromm, Jung đã theo nghiên cứu Phật học và trở thành môn đệ của Thiền sư Nhật Bản Suzuki.


3-  Một đạo Phật ứng dụng thực tiễn


Sự mất thăng băng giữa tâm lý học (hết sức lạc hậu) và các môn khoa học tự nhiên, đặc biệt là vật lý học (hết sức phát triển) giữa nội tâm tán loạn, hôn mê vì dục vọng và ngoại cảnh đầy cám dỗ, kích thích và diễn biến cực kỳ nhanh chóng (thời đại hiện nay là thời đại của tốc độ) là nguyên nhân của bao nhiêu tai nạn khủng khiếp, bao nhiêu hiện tượng bạo lực, bạo hành, khủng bố thật không sao hiểu được, đang diễn ra hiện nay, có thể nói là hằng ngày. Những chuyện giết người hàng loạt một cách dã man, không phải chỉ xảy ra ở những nước lạc hậu, kém văn hóa như ở Campuchia thời Pôn pốt, ở Ruanda và Burundi tại Phi Châu hiện nay mà ngay ở trung tâm Châu Âu, ở nước Nam Tư cũ, ở Nga tại Tchesnia, ở Mỹ (Okalahoma) và ở Nhật trong các vụ đầu độc dưới tàu điện ngầm. Nghĩa là những nước rất văn minh. Phải chăng nên gọi họ là những nước văn minh dã man!  Đúng như Einstein dự đoán, nhân loại là con người điên. Khoa học kỹ thuật trao cho người điên đó cái búa, và bây giờ, người điên đó đang dùng cái búa đập phá lung tung.  Duy Thức và Trung Quán là hai đỉnh cao của Phật giáo Đại thừa. Hai môn học này bổ sung cho nhau, thay vì mâu thuẫn và chống đối với nhau như một vài người lầm tưởng. Nếu môn học Trung Quán chú ý nhiều tới sự phân tích lô gíc và tư duy biện chứng, do đó rất thích hợp với các phương pháp khoa học hiện đại, thì môn Duy thức học lại chú trọng phân tích nội tâm, kết hợp với tu tập thiền định. Không phải không có lý do mà tông Duy Thức còn mang tên Du Già tông. Du Già hay Yoga là một tên gọi khác của Thiền định, nhưng ý nghĩa của nó có phần rộng hơn.


Giảng môn Duy Thức học mà không biết kết hợp với tu tập Thiền định thì sẽ biến thành môn học có tính kinh viện và sách vở. Chính trong những giời phút ngồi thiền và thực hành thiền quán hay nội quán, mà hành giả quán thấy mọi sự kiện ngoại cảnh và nội tâm một cách minh bạch rõ ràng, đúng như chúng tồn tại.  Thời đại hiện nay là thời đại của khoa học và dân chủ. Phương pháp giáo dục Phật giáo, nếu đi ngược lại hai tinh thần khoa học và dân chủ, nhất định sẽ kém hiệu quả, thậm chí đem lại hậu quả ngược với ý muốn dự định của chúng ta. Nghĩa là tuyên truyền đạo Phật mà trở lại phản tuyên truyền đạo Phật, biến đạo Phật thành một trò cười cho số đông.


 4- Nhận thức quan mới trong Phật Giáo


Gần đây, có người thường nhấn mạnh tính phi lý, tính trái thường của những câu Thiền. Đúng là có một số câu Thiền hay là có những hành vi của một số Thiền sư là khó hiểu, thậm chí không hiểu được, đại loại như câu của phái Thiền Lâm Tế: “Gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ” v.v…  Giải thích câu nói nầy, thường có 2 lý giải: Một là phải tĩnh thức đúng mức và không  chần chừ; hai là phải đưa tâm với với tâm trong thể “Thân tâm nhất như”.  Đạo Phật khác với các tôn giáo thần khải, không bao giờ phủ định lý trí như là chuẩn mức đáng tin cậy của chân lý.


Con người là một động vật có lý trí. Tất nhiên, con người còn có tình cảm và ý chí. Nhưng ở nơi con người, tình cảm và ý chí phải được soi sáng và hướng dẫn bởi lý trí. Với lý trí, con người phải học lập luận một cách lô gíc chặt chẽ, sử sụng thông thạo các thao tác như suy lý, diễn dịch và quy nạp. Do đó, môn lô gích học phải được đưa vào dạy ở các trường Phật học cơ bản và cao cấp. Đó là điều hiện nay chúng ta chưa làm, thậm chí ngay cả đối với trường Phật học cao cấp, chứ đừng nói gì ở các trường Phật học cơ bản. Khi nói và viết, khi suy tư, con người phải biết lập luận một cách lô gíc chặt chẽ, nghĩa là có lý có lẽ, chứ không thể suy nghĩ lung tung, viết và nói lung tung, thậm chí cả trong khi giảng dạy.


Nhà Bác học Einstein nói: “Tôn giáo mà không có khoa học sẽ là tôn giáo mù, khoa học mà không có tôn giáo thì sẽ là khoa học què“.  Khi Einstein nói tôn giáo mà không có khoa học là tôn giáo mù, theo tôi là Einstein muốn nói tôn giáo không phải chỉ là lĩnh vực của đức tin thuần tuý, yêu cầu không được bàn cãi, suy tư, hoài nghi. Tuyệt đối không phải như vậy. Chính kiểu lập luận như vậy biến tín đồ thành một đám người mù, nhắm mắt làm theo chỉ thị của những người tự xưng là đạo sư, hay là vô thượng sư của họ, nhưng trên thực tế, đôi khi chỉ là những phần tử cơ hội, có thể không từ một tội ác nào mà không làm, như đạo sư của Giáo pháp Aum ở Nhật, đã cho đầu độc hàng loạt người vô tội, hay là như một số giáo phái ở Mỹ, tổ chức những vụ tự sát tập thể…  Đạo Phật ngay từ đầu đề cao vai trò của trí tuệ thay vì niềm tin mù quáng. Phật từng nói tiếp thu giáo pháp của Phật mà không hiểu cũng không khác gì một cái thìa đựng mật, nhưng không thể biết mùi vị của mật là gì. Phật lại nói “chớ có tiếp thu giáo pháp của Ta chỉ vì kính nể Ta, trái lại hãy thử thách nó như là lửa thử vàng vậy.  Đạo Phật không bao giờ có những lời tuyên bố vô lý như vậy: “Điều này có thể tin được vì rằng quá ư vô lý, điều này là đúng vì không có khả năng xảy ra.” Những điều đó, Lô gíc học Phật giáo tức Nhân minh học gọi là thế gian tương vi. Đạo Phật khuyến khích mọi người hãy lập luận một cách lô gíc, dựa trên những sự kiện thực tế của cuộc sống hằng ngày. Một lần, Phật nói với một người Bà-la-môn: “Có những người Bà-la-môn và Sa môn nói rằng ngày là đêm và đêm là ngày. Nhưng Ta, này Bà-la-môn, Ta nói đêm là đêm và ngày là ngày.”


 5- Hiểu vấn đề tâm linh trên quan điểm mới


Nhưng một số vấn đề khác mà đạo Phật rất nhấn mạnh, chúng sanh ở các cõi sống khác nhau, do nghiệp khác nhau, giác quan khác nhau cho nên cũng không có quan hệ trực tiếp với nhau gì (trong các cõi sống khác, có lẽ chỉ có loài vật (animal) là có quan hệ trực tiếp với cõi người hơn cả). Phúc hay hoạ đến cho con người là do con người tạo nghiệp tương xứng, chứ không phải do quỷ thần. Cho nên, điều người phải làm, không phải là cúng bái quỷ thần để được ban phước hay tránh họa. Họa hay phước đều do người chứ không phải do quỷ thần. Nếu chúng ta hằng ngày làm điều thiện, nói thiện, nghĩ thiện, nghĩa là thường xuyên làm việc thiện thì chính quỷ thần cũng kính nể ta, bảo vệ ta. Còn nếu chúng ta hằng ngày làm ác, nói ác, nghĩ ác, thì chúng ta sẽ mang họa, không chóng thì chầy, không có quỷ thần nào cứu vớt chúng ta được. Đó là thuyết nghiệp của đạo Phật, một thuyết rất khoa học và công bằng.  Theo tinh thần của đạo Phật, thì không những quỷ thần không thể can thiệp vào quy luật nghiệp báo, mà các con người đối đãi với nhau cũng vậy. Người thiện thật sự sống thiện, nay cũng như xưa thì người ác muốn hại cũng không làm gì được. Người ác, muốn hại người thiện cũng như thằng ngu ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt, hay là đi ngược gió mà tung bụi… người thiện sống giữa đời ác độc, cũng như một bàn tay không thương tích nhúng vào một bát thuốc độc, không có quan hệ gì hết.


Còn về vấn đề thần thông và quyền năng siêu nhiên, đạo Phật cho rằng đó là sản phẩm phụ của công phu thiền định, là một cái gì tự nhiên đến với người tu tập thiền định, trong đạo Phật cũng như ở các đạo khác. Thế nhưng, trong các loại thần thông, thì loại thần thông mà Phật đề cao nhất là “Giáo hóa thần thông“, hay là nếu nói theo từ ngữ thông thường là “giáo dục thần thông“. Phật nói đó mới là thần thông thật sự, biến con người ác thành con người thiện, con người ngu thành người có trí, người dữ thành người hiền…Còn các loại thần thông khác như bay trên không, đi trên nước, chui xuống đất, … đức Phật đều xem như những trò ảo thuật mà đức Phật khuyên học trò mình không nên làm.


 


6- Cuộc sống minh triết theo giáo lý


Đạo Phật vốn là dòng tư tưởng hướng con người vào hành động chân chính và bình thản, lợi tha và hạnh phúc. Vấn đề chính là bản thân coc người: thiện hay ác. Ðức Phật từng ví thân tâm người thiện như cái cây, hút toàn những chất ngọt ở trong đất và thân tâm người ác như cái cây có bộ rễ hút toàn những chất đắng ở trong đất. Vì sao cảnh ngộ của người thiện thường là an vui, may mắn, tiếng lành đồn xa. Còn cảnh ngộ của người ác thì bức xúc và đầy lo âu, gặp chuyện bất hạnh, và tiếng dữ của người này cũng đồn xa, bạn bè và người thân đều lánh mặt! Lý do nói cho cùng cũng là do một bên thì tâm nghĩ toàn điều thiện, và một bên thì tâm nghĩ toàn chuyện ác.  Ðó chính là bài học đầy minh triết của đạo Phật cũng như của nhiều đạo giáo khác. Ðó cũng là bài học của cuộc sống.


Ðối với đạo Phật, thì Phật tức là lòng. Tuệ Trung Thượng Sĩ, nhà Phật học xuất sắc nhất đời Trần, và là thầy dạy của vua Trần Nhân Tông có làm bài ca với đầu đề “Phật tâm ca” và mở đầu với hai câu: “Phật tức Tâm, Tâm tức Phật…”  Nhà đại văn hào Nguyễn Trãi đời Hậu Lê cũng viết: “Bụt ấy là lòng, Bụt há cầu”.  Nếu lòng chúng ta, tâm chúng ta trong sáng, thanh thản, nghĩ toàn điều tốt lành, thì tâm chúng ta, lòng chúng ta tức là Phật rồi, không cần cầu ông Phật ở đâu xa. Khi một người nói nhờ  Phật mà  có sức khỏe, có phải chăng ngài muốn nói về già, lòng của ngài đã trở nên thanh thản, bình lặng, trong sáng, không còn mong cầu gì nữa, ngoài mong cầu cho đất nước yên bình, xã hội giàu mạnh và công bằng, nhân dân được hạnh phúc.