Trang chủ PGVN GHPGVN Phật giáo tỉnh Bình Dương

Phật giáo tỉnh Bình Dương

1029

1. Vài nét về lịch sử Phật giáo tỉnh Bình Dương


Từ sau năm 1698, với sự thiết lập cơ cấu hành chính của Nguyễn  Hữu Cảnh, vùng đất Đàng Trong, mà Đồng Nai, Gia Định là hai khu vực lớn, đón nhận di dân từ miền Trung vào Nam khai phá, chùa chiền cũng theo sự có mặt của di dân mà hiện diện rộng khắp. Dinh Trấn Biên thuộc huyện Phước Long xưa vốn bao gồm 3 trung tâm thị tứ của Bình Dương ngày nay: Tân Uyên, Lái Thiêu, Thủ Dầu Một. Dọc theo hai bờ sông Đồng Nai và lan sang các tỉnh như Bình Dương, Tây Ninh… khu vực Đông Nam Bộ bấy giờ đã là nơi đầu tiên, là bàn đạp đưa Phật giáo từ miền Trung du nhập vào Nam Bộ.


Phật giáo là tôn giáo có số lượng tín đồ đông nhất trong tỉnh, được du nhập vào Bình Dương khá sớm, cuối thế kỉ XVII. Theo lời kể lại của các vị tổ, thì ngôi chùa đầu tiên, đón nhận và đặt nền móng cho Phật giáo phát triển tại Tỉnh là chùa Núi Châu Thới, xưa có tên là chùa Hội Sơn.


Hoà thượng Huệ Thông, trụ trì chùa Núi Châu Thới kể lại rằng vào khoảng năm 1612 thiền sư Khánh Long, trên đường vân du hoằng đạo của mình, đã dừng chân  trên sườn núi, dựng lên một thảo am nhỏ, sau này là chùa Hội Sơn và nay là chùa Núi Châu Thới(1).


Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí có nói đến cảnh quan của “NúiChiêu Thới, cách phía Nam Trấn 11 dặm rưởi: từng núi cao xanh, cây cối lâu đời rậm tốt (…) ở đuôi hòn núi này về phía Bắc nứt ra một chi chạy đến địa phận thôn Long  Tuy, rồi nổi lên gò cao bằng thẳng, rộng rãi; ở bên núi có hang hố và khe nước, dân núi ở quanh theo, trên có chùa Hội Sơn là chỗ thiền sư Long Khánh sáng tạo để tu hành, ngó xuống đại giang, hành khách leo lên du ngoạn có cảm tưởng tiêu dao ra ngoài cõi tục(2).


Theo hai nguồn tư liệu trên cho thấy rằng Trịnh Hoài Đức đề cập đến tên thiền sư Long Khánh (chứ không phải là Khánh Long – THL chú) và chùa Hội Sơn mà Hòa thượng Huệ Thông đề cập có thể là chùa Hội Sơn (thuộc xã Long Bình – huyện Thủ Đức). Vì vậy, theo nhận định của Thượng toạ Huệ Thông (Chùa Hội Khánh) thì chùa núi Châu Thới của Bình Dương thuộc xã Bình An, huyện Dĩ An là ngôi chùa xưa nhất trong tỉnh, hoà thượng khai sơn là ai chưa rõ, sau đó có thiền sư Thành Nhạc ẩn Sơn đến đây sống tu vào cuối thế kỉ XVII (1681). Trước chùa còn có tấm biển chữ Hán ghi: Châu Thới Sơn tự, Tân Dậu niên, chánh ngoạt, sơ kiết nhật (chùa núi Châu Thới, năm Tân Dậu, tháng Giêng, ngày tốt). Thiền sư Thành Nhạc thuộc thế hệ thứ  34 của dòng Lâm Tế Gia Phổ. Vì vậy, có thể thấy trong số những dòng phái truyền thừa vào tỉnh Bình Dương khá sớm có dòng Lâm Tế, một trong 5 dòng chủ yếu từ Trung Quốc truyền sang Việt Nam. Hiện nay chùa đã truyền thừa các thế hệ trụ trì đến đời thứ 42.


Năm 1695, tại xã Thạnh Phước huyện Tân Uyên có ngôi chùa dân lập được xây dựng, dân gian gọi chùa Bà Khai, tên Hưng Long Tự. Pho tượng A Di Đà được đúc vào năm 1802, trở thành pho tượng có niên đại cổ nhất trong tỉnh, dưới thời thiền sư Quảng Cơ và Bảo Châu trụ trì.


Vào năm 1741, năm Cảnh Hưng thứ hai đời vua Lê Hiển Tôn, thiền sư Đại Ngạn, thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 37, đã đến lập am tranh tại vùng đất Thủ Dầu Một, dựng chùa Hội Khánh.


 Có thể cho rằng ba ngôi chùa cổ: Chùa Núi Châu Thới, Hưng Long và Hội Khánh là ba ngôi chùa đã đặt nền móng đầu tiên cho Phật giáo có điều kiện du nhập và phát triển vào tỉnh Bình Dương.


Theo dòng phát triển ấy, nhiều ngôi chùa khác cũng lần lượt được xây dựng như chùa Long Thọ (Thủ Dầu Một) được thành lập vào năm 1756; chùa Thiên Tôn (Thuận An) vào năm 1773; chùa  Đức Sơn vào năm 1775; chùa An Ninh vào năm 1779; chùa Tân Hưng vào năm 1847…(3) là những ngôi chùa cổ còn tồn tại đến ngày nay, đã ra đời trong thế kỉ XVIII và XIX.


Cùng lúc với sự hình thành nhiều ngôi chùa cổ trong hai thế kỉ XVII và XVIII tại tỉnh Tây Ninh, thiền sư Đạo Trung Thiện Hiếu cũng xây dựng Linh Sơn Tiên Thạch tự trên núi Bà Đen, rồi hướng hoằng pháp cũng toả ra Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương để hình thành thêm nhiều chùa khác như Long Hưng. Chùa Tân Hưng (Dĩ An) vào năm 1847 cũng được Hoà thượng Tiên Giác Hải Tịnh, là một trong những tăng cang có tiếng ở Nam Bộ, đã từng trụ trì nhiều ngôi chùa khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, xây dựng. Điều này cho thấy, ngay từ khi có sự hiện diện của Phật giáo trong tỉnh Bình Dương, nơi đây đã trở thành một trung tâm Phật giáo quan trọng, có mối quan hệ với nhiều vùng, nhiều nơi khác và cũng đã đón nhận nhiều vị cao tăng từ các nơi đến đây hoằng pháp, dựng chùa để góp phần đặt nền móng cho Phật giáo trong tỉnh vào những giai đoạn sau này.


Cho đến giữa thế kỉ XIX, Phật giáo Bình Dương, với trung tâm là Thủ Dầu Một, đã có những khởi sắc về tổ chức và sinh hoạt Phật giáo. Khá nhiều bộ kinh đã được in ấn và phát hành tại chùa Hội Khánh, do Hoà thượng ấn Long chủ trương, như kinh A Di Đà, Hồng Danh, Địa Tạng, Phổ Môn, Vu Lan, Bát Dương… Bên cạnh việc in ấn kinh sách, việc đúc chuông, tô tượng cũng được đẩy mạnh. Liên tiếp qua các năm, nhiều đại hồng chung ở các chùa sắc tứ Thiên Tôn (1888), chùa Phước Long (1893) chùa Phước Tường (1894), chùa Long Minh (1895), chùa Long Thọ (1898)… đã được hoàn thành. Cũng từ chùa Hội Khánh, nhiều lớp giảng dạy giáo lí và khoá luật đã  được  khai  mở  trong  giai  đoạn chấn hưng Phật giáo cả nước còn chưa được phổ biến rộng rãi như vào những thập niên 20 – 30 của thế kỉ XX. Ngoài ra, Phật giáo Thủ Dầu Một trong giai đoạn này còn trang bị cho tu sĩ kiến thức về phương minh, qua các lớp tập huấn về kinh mạch, bốc thuốc, nghiên cứu về y học, địa lí(4).


Sự kiện Hoà thượng Từ Văn được mời sang Pháp, mang theo mô hình chùa và tượng Việt Nam triển lãm tại Marseilles đã tạo thêm uy tín cho Phật giáo và tăng sĩ Bình Dương. Mối quan hệ giữa Hoà thượng với các cao tăng khác ở Gia Định như với trụ trì các chùa Giác Viên, chùa Giác Lâm, Long Thạnh, Kim Cang, Tư Ân… và cả các chùa ở đồng bằng sông Cửu Long cũng qua đó được củng cố, tăng cường.


Văn học Phật giáo trong giai đoạn đầu thế kỉ XX đã khởi sắc qua tác phẩm Lưu Hương diễn nghĩa bảo quyển, là truyện cổ Phật giáo dạng thơ lục bát, viết bằng chữ Hán Nôm, gồm 3.042 câu. Ngoài ra còn có tác phẩm mang tính khuyến thiện như Hương Sơn Bảo Quyển và Lưu Hương nữ bảo quyển… đã được lưu giữ tại chùa Hội Khánh. Sách cũng bộc lộ tính chất tam giáo đồng nguyên, được lưu hành rộng rãi trong giai đoạn này tại các chùa ở Thủ Dầu Một.


Từ những hoạt động Phật giáo nổi bật, vừa mang tính dân gian vừa được hệ thống thành văn bản, Phật giáo Bình Dương giai đoạn này còn cho thấy mức độ ảnh hưởng của hình thức nghi lễ Phật giáo ứng phú đạo tràng, đặc biệt là tại Thủ Dầu Một, với hoạt động của các hoà thượng Thới Thiền, Thới Đạt… đã tạo được ảnh hưởng khắp miền Đông và Tây Nam Bộ(5). Bên cạnh sự phát triển của khoa ứng phú, còn có các ban Nhạc lễ và các kinh sư nổi tiếng như Sáu Thiệt, Bảy Ngọt, Huệ Viên, Ba Tăng…(6)


Qua các sinh hoạt, nghi lễ và sự phát triển của Phật giáo dân gian tại đây, cho thấy vai trò và công lao đóng góp của các thiền sư trong tỉnh chiếm một vị trí quan trọng. Danh tiếng của các vị hoà thượng không chỉ được nhắc đến tại tỉnh nhà, mà còn được nhiều chùa nhiều nơi khác ở Nam Bộ biết đến như các hoà thượng Từ Chất, Từ Lương, Bửu Thạnh, Quảng Lý, Quảng Hoà, Thới Liên, Thới Thiền…


Trong hoạt động của Phật giáo Bình Dương đầu thế kỉ, không thể không nhắc đến một số điều luật của nhà cầm quyền Pháp quy định hoạt động Phật giáo trong hạt. Bên cạnh 6 điều luật được đưa ra nhằm hạn chế về mặt đạo đức và giới luật của chư tăng, chính quyền Pháp cũng tạo điều kiện cho các quan địa phương cho phép tu sĩ lập gia đình. Tình hình này đưa đến hiện tượng một số chùa ở Thủ Dầu Một có tu sĩ lập gia đình là chuyện bình thường.


Từ những sinh hoạt mang tính dân gian, tu sĩ tham gia cúng cầu an, cầu siêu cho người dân qua các ứng phú đạo tràng, Phật giáo từng bước tham gia dần vào những  tập tục có trong dân gian như tham gia các nghi thức cúng đình, miếu… Tất cả những hoạt động này đã góp phần đưa Phật giáo Miền Nam đi vào suy thoái trên nhiều lĩnh vực và đã tạo tiền đề cho công cuộc chấn hưng Phật giáo những năm đầu thế kỉ XX.


Trong công cuộc chấn hưng Phật giáo, Bình Dương đã đón nhận tinh thần yêu nước qua quan hệ giữa Hoà thượng trụ trì chùa Hội Khánh và cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của lãnh tụ Nguyễn ái Quốc. Nhiều hội kín ở Thủ Dầu Một như Thiên Địa Hội của Phan Xích Long, Nguyễn An Ninh, hội ái Hữu, Vạn Cày… đã có quan hệ với các chùa ở vùng này. Tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội cũng đã chỉ đạo từ nước ngoài về cho phong trào yêu nước Bình Dương vào năm 1929 tại Đề bô xe lửa Dĩ An…(7) Đặc biệt Hội Danh dự yêu nước ra đời ở Thủ Dầu Một năm 1923 tại chùa Hội Khánh đã tạo tiền đề, hạt nhân cho các phong trào yêu nước sau này ở Bình Dương.


Vào năm 1935, Thiền sư Minh Tịnh, tu tại chùa ở Bình Dương, đã một mình đi sang ấn Độ  và Tây Tạng để học hiểu thêm đạo Phật. Sau khi về nước, đã đổi tên chùa của mình thành chùa Tây Tạng. Như vậy, cùng với sự hiện diện của một số chùa Bắc tông, Nam tông và Khất sĩ trong tỉnh, Phật giáo Bình Dương còn có điều kiện mang thêm những yếu tố của Mật tông Phật giáo từ Tây Tạng truyền vào được thể hiện qua kiến trúc và bài trí tượng thờ ở chùa Tây Tạng.


Từ sự ra đời của các hội mang tính chất yêu nước đầu thế kỉ XX, qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Phật giáo Bình Dương, trong đó có cả tăng ni và phật tử đã hưởng ứng, tham gia vào Hội Phật giáo Cứu Quốc (1947) ở Thủ Dầu Một với hơn 40 ngôi chùa trong tỉnh do thiền sư Minh Tịnh làm chủ tịch. Nhiều hoà thượng tham gia kháng chiến đã trở thành liệt sĩ như HT. Minh Trứ (chùa Thiên Ân ở Thuận Giao); Yết ma Chơn Thiện chùa Thiên Thắng (phường Chánh Nghĩa); HT. Thiện Tràng (chùa Long Minh); sư cô Bùi Thị Được; Phật tử Nguyễn Thị Mười…


Cho đến trước ngày giải phóng đất nước, Phật giáo Bình Dương tồn tại nhiều giáo phái thuộc 3 hệ phái Bắc tông, Nam Tông, Khất sĩ: Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hoà Tăng và Lục Hoà Phật tử; Thiên Thai Thiền giáo tông Liên Hữu Hội; Tịnh Độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam; Thiên Thai Giáo Quán Tông; Hội Phật học Việt Nam; Phật giáo Cổ Sơn Môn; Tịnh Độ Tông Việt Nam… Tất cả các giáo phái này sau năm 1964 đều đứng vào tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất.


2. Hiện trạng Phật giáo tỉnh Bình Dương


Sau ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam với đại hội năm 1981, Phật giáo Bình Dương đã tiến hành thống kê lại các cơ sở, tự viện, bao gồm:


Thị xã Thủ Dầu Một:                   37


Huyện Tân Uyên:                       28


Huyện Thuận An:                       38


Huyện Bến Cát:                         14


Huyện Dầu Tiếng:                      14


Huyện Dĩ An:                             35


Huyện Phú  Giáo:                        7


Tổng cộng có 173 cơ sở chùa, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường(8) với 440 tăng ni trong đó Bắc tông chiếm 80%; Nam tông 5% và Khất sĩ 15%.


Đến năm 2003, thống kê của Ban Tôn giáo tỉnh Bình Dương cho thấy có 175 cơ sở thờ tự, 320 chức sắc và 50.000 tín đồ (trong đó có 40.000 người đã quy y thọ giới).


Cơ cấu tổ chức Phật giáo Bình Dương: Để tiến đến ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, từ năm 1976, Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước ở Bình Dương được hình thành, làm cầu nối tiến đến thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Phật giáo Bình Dương bắt đầu thành lập ban Trị sự Phật giáo tỉnh vào tháng 1/1983. Lúc ấy Bình Dương và tỉnh Bình Phước còn nằm chung trong tỉnh Sông Bé. Buổi đầu nhiệm kì 1 chỉ thành lập được 4 ban Đại diện Phật giáo: Thị xã Thủ Dầu Một, các huyện Thuận An, Tân Uyên, Bến Cát. Qua các nhiệm kì 2 (1987); nhiệm kì 3 (1991) thành lập thêm 4 Ban đại diện ở Bình Long, Lộc Ninh, Phước Long, Bình Phú; tiếp sau đó là các nhiệm kì 4 (1994) nhiệm kì 5 ((1997) và nhiệm kì 6 (2002).


Từ những đặc thù về cơ cấu các giáo phái và có sự đa dạng của 3 hệ phái: Bắc tông, Nam tông và Khất sĩ, Phật giáo Bình Dương sau ngày tách Tỉnh (1996) đã dần ổn định được về nhân sự. Ban Tăng sự đã hoạt động nhịp nhàng cùng với Ban Trị sự Tỉnh  trong việc nắm lại số lượng tăng ni toàn tỉnh qua sổ tăng tịch, có ảnh và thông tin chi tiết của từng cá nhân tu sĩ từng chùa.


Bên cạnh hoạt động của ban Tăng sự, sinh hoạt nghi lễ cũng được đẩy mạnh qua các đại giới đàn. Từ năm 1983 đến năm 2002, đã tổ chức được 5 giới đàn truyền và thọ giới cho hàng ngàn giới tử. Các khoá an cư kiết hạ cũng được khai mở hàng năm. Tăng ni đã tham dự các lớp Phật học cơ bản, trung cấp, một số về thành phố Hồ Chí Minh  tham  dự  lớp do Học viện Phật giáo tổ chức, còn một số khác đã đi nước ngoài tham quan, học tập.


Ngoài hoạt động Phật sự, Phật giáo Bình Dương còn là một trung tâm hoạt động từ thiện – xã hội có tiếng. Các chùa thuộc Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam như Hưng Đức (Thủ Dầu Một), Hưng Mỹ (Bến Cát)… là những phòng khám chữa bệnh miễn phí hàng chục năm qua. Trung tâm khám bệnh có nhiều máy móc hiện đại như chùa Long Bửu (Thuận An) là một trong những điểm hoạt động y tế thu hút khá nhiều tăng ni phật tử các nơi khác về chữa trị. Tăng ni cũng đến nhiều vùng dân tộc thiểu số như Bình Phước và các huyện thị  thuộc Bình Dương để tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện.


Hiện nay Phật giáo Bình Dương ngày càng đẩy mạnh việc kết hợp chặt chẽ với các ban ngành hữu quan, nhằm tạo sự ổn định và đưa hoạt động Phật sự được nhịp nhàng thuận lợi. Số tăng sĩ trẻ Bình Dương có nhiều nhiệt tâm và năng lực trong việc tổ chức, điều hành các hoạt động Phật sự và có năng lực trong việc hoằng pháp, đưa hướng hoạt động của Giáo hội đi vào đời bằng những hành động cụ thể, thiết thực. Điểm nổi bật khác của Phật giáo Bình Dương còn là việc đẩy mạnh mối quan hệ học tập, trao đổi với nhiều nơi, nhiều vùng  trong tỉnh và các tỉnh khác. Phật giáo Bình Dương luôn được các ban ngành, đặc biệt là Ban Tôn giáo chính quyền ủng hộ, tạo điều kiện tốt nhất để hoạt động tôn giáo và nhân đạo, từ thiện.


______________________


*. TS., Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ.


1. Theo số liệu của Thích  Huệ Thông. Sơ thảo Phật giáo Bình Dương. Nxb. Mũi Cà  Mau – Tỉnh  hội Phật giáo tỉnh Bình Dương 2000, tr. 405 – 460.


Theo số liệu năm 2003 của Ban Tăng sự tỉnh Bình Dương thì toàn Tỉnh có 170 tự viện, niệm Phật đường.


2. Trịnh Hoài Đức. Gia Định thành thông chí. Tập Thượng. Nha Văn Hoá PQVKĐTVH, Nxb. 1972, tr. 14


3. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương. Những ngôi chùa ở Bình Dương. Nxb. Tôn giáo 2002, tr. 13 – 14.


4. Thích Hụê Thông. Sơ thảo Phật giáo Bình Dương. Nxb. Mũi Cà Mau, Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Bình Dương. 2000, tr. 228.


5. Thích Huệ Thông. Sđd., tr. 224.


6. Thích Huệ Thông. Sđd., tr. 224.


7. Xem: Thích Huệ Thông. Sđd., tr. 254.


8. Theo số liệu Thống kê của Ban Trị sự Tỉnh Hội Phật giáo Bình Dương năm 2000.