Trang chủ Thời đại Phật giáo trước những vấn đề của thời đại mới

Phật giáo trước những vấn đề của thời đại mới

72

Phật Giáo có thể cung cấp được nhân sinh quan và động lực cần thiết để đề cập đến những vấn đề khó khăn và phức tạp của thế giới bên ngoài chứa đựng những vấn đề về môi trường và xã hội, cũng như thế giới bên trong chứa đựng những mâu thuẫn cá nhân mà mỗi sinh vật đều gặp phải. Điều này đã đuợc ghi nhận bởi nhiều nhà lãnh đạo nổi tiếng trong lịch sử tri thức của thế giới Tây phương hiện đại.


1. Albert Einstein – một nhân vật khá nổi tiếng và có ảnh hưởng lớn trong giới khoa học, khi đề cập đến sự cần thiết phải có một tôn giáo chung trên toàn cầu để hỗ trợ cho việc tìm hiểu thấu đáo về khoa học hiện đại, Einstein đã phát biểu:  “Phật Giáo có những đặc trưng của một tôn giáo mang tính toàn cầu trong tương lai mà mọi người mong đợi. Nó vượt xa hơn giới hạn của việc thờ cúng cá nhân một vị thần hay thánh, và tránh được chủ nghĩa giáo điều hay thần học; nó bao hàm cả lĩnh vực tự nhiên và siêu nhiên, và nó dựa trên một cảm nhận về tâm linh xuất phát từ kinh nghiệm tiếp xúc với mọi vật, dù mang tính tự nhiên hay siêu nhiên, như một tổng thể có ‎ý nghĩa. Nếu có được một tôn giáo nào có khả năng đáp ứng được những nhu cầu của khoa học hiện đại, thì đó chính là Phật Giáo.” 


Einstein đã tìm thấy ở Phật Giáo một quan điểm về thế giới phù hợp với những quan điểm của khoa học, tuy nhiên ông đã thêm vào đó một chiều sâu tôn giáo cần thiết để có thể hợp nhất giữa tự nhiên và siêu nhiên.


Chiều sâu tôn giáo này không thể giải thích được bằng quan điểm khoa học thuần túy, tuy nhiên nó có thể diễn tả một cách chính xác những vấn đề cần thiết về môi trường và xã hội hiện đang là nguy cơ cho trái đất. Đó là một tầm nhìn có thể “kết hợp tất cả mọi vật – tự nhiên hay siêu nhiên – thành một thể thống nhất có ý nghĩa.”


Triết lý Phật Giáo đem lại một cách nhìn sự vật theo một phương thức có thể thống nhất tất cả sự vật và sinh vật vào một tổng thể có liên quan hỗ tương với nhau. Bất cứ ai chấp nhận quan điểm này đều sẽ chấm dứt việc làm hại bất cứ sinh vật sống nào, hay hủy hoại môi trường đang hỗ trợ cho sự sống của tất cả các sinh vật. 


Những lời phát biểu của Einstein về khoa học và tôn giáo đã phản ánh sự thán phục của ông về việc Phật Giáo làm cách nào để có thể đem đến cho mọi người lòng từ bi và đạo đức – hai yếu tố rất quan trọng trong nền văn hóa Do Thái, cũng như một quan điểm logic mang tính phân tích tuyệt đối – nền tảng của những ý tưởng khoa học.


Ông đã tìm thấy ở Phật Giáo một hệ thống duy nhất kết hợp được logic, từ bi, và đạo đức theo một phương cách có thể mang đến một quan điểm thống nhất về thế giới và vũ trụ, và phát huy quyền lợi cho tất cả mọi người. Einstein đã phát hiện ra rằng Phật Giáo rất phù hợp với khoa học hiện đại.


Tuy nhiên, không giống như khoa học, Phật Giáo lại là một nguồn lợi ích và hạnh phúc đáng tin cậy cho tất cả mọi người. Vì quan điểm này xuất phát từ một nhà khoa học nổi tiếng nhất, nó đã là một động lực đáng kể trong việc thúc đẩy các trí thức Tây Phương nghiên cứu và thực hành đạo Phật.


2. J. Robert Oppenheimer: Một nhà khoa học gốc Do Thái nổi tiếng khác, J. Robert Oppenheimer, cũng đã nêu ra một vài lĩnh vực rất tương đồng giữa quan điểm của Phật Giáo và quan điểm của khoa học hiện đại.


Ví dụ như vì sao những thực tiễn cơ bản không thể lý giải được bằng những thuật ngữ hay quy cách phân loại theo đúng như quy ước:  “Ví dụ như, nếu chúng ta đưa ra câu hỏi là vị trí của một electron có cố định không, câu trả lời sẽ là ‘không’. Nếu chúng ta đưa ra câu hỏi là vị trí của electron có thay đổi theo thời gian không, câu trả lời sẽ là ‘không’. Nếu chúng ta đưa ra câu hỏi là electron có ngừng chuyển động hay không, câu trả lời sẽ là ‘không’. Nếu chúng ta đưa ra câu hỏi là electron có đang chuyển động không, câu trả lời sẽ là ‘không’. Đức Phật đã đưa ra những câu trả lời như vậy khi có người hỏi Ngài về những trạng thái của cái “Ngã” của một người sau khi người ấy qua đời, nhưng đó không phải là những câu trả lời quen thuộc đối với khoa học ở thế kỷ XVII và XVIII.


3. Albert Schweitzer: Vì Einstein và Oppeinheimer đã nêu ra rằng học thuyết Phật Giáo luôn luôn phù hợp với những quan điểm nội tại cao nhất của khoa học hiện đại, nên nhà tư tưởng nhân đạo vĩ đại Albert Schweitzer có thể phát biểu một cách mạnh mẽ về quan điểm đặc sắc của Phật Giáo về Tứ Diệu Đế và các pháp giới.


Việc xuất phát từ quan điểm đạo đức Phật Giáo có thể giúp tìm ra được nền tảng cho những giải pháp đối với những vấn đề của thế giới hiện đại. Nếu tuân thủ những giới luật căn bản do  Đức Phật đề ra, thì xã hội sẽ được hòa hợp và sẽ khiến cho mọi người tự nhiên sẽ có trách nhiệm đối với môi trường sinh sống. 


Schweitzer đã phát biểu về Đức Phật Thích Ca Mâu Ni như sau: “Người đã đưa ra những lời diễn giải cho những sự thật có tính xác đáng tuyệt đối, và đã thúc đẩy sự phát triển của những nền tảng đạo đức không những cho đất nuớc Ấn Độ mà còn cho cả nhân loại. Đức Phật là một trong những nhà tư tưởng tài ba lỗi lạc nhất đã từng hiện tiền trên thế giới này.”


Nếu Einstein và Oppenhemmer là hai nhà tư tưởng vĩ đại của giới khoa học gia Tây phương, thì Albert Schweitzer lại là một người anh hùng văn hóa Tây phương trong lĩnh vực nền tảng đạo đức và các hoạt động từ thiện. Việc mỗi nhân vật nổi tiếng như đã nêu trên tỏ lòng thán phục Đức Phật với những quan điểm riêng xuất phát từ kinh nghiệm sinh sống và làm việc của mình là minh chứng cho ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Phật Giáo đối với những nhân vật xuất sắc trong nền văn hóa Tây phương.


4. Sigmund Freud: Freud đã từng phát biểu: “Không điều gì có thể ngăn cản việc chúng ta quán sát bản ngã, hoặc sử dụng tri thức của mình vào việc tự phê phán bản thân. Trong lĩnh vực này, đã có một số nghiên cứu được thực hiện – với những kết quả dù chưa thể khắng định chắc chắn nhưng có thể làm nền tảng cho việc xây dựng một Weltanschauung???”     


Mặc dù Freud không tỏ ý thán phục trực tiếp giáo lý của Đức Phật, những lời phát biểu của ông luôn phản ánh những ý tưởng của Bậc Hiền Triết dòng họ Shakyas. Ông luôn luôn đề nghị việc xây dựng một quan điểm mang tính toàn cầu dựa trên việc quán sát không ngừng những hoạt động, những ý tưởng và những quá trình tâm linh của từng cá nhân.


Ông đòi hỏi mỗi người đều phải tự có trách nhiệm với bản thân, và ông không thừa nhận những khuôn mẫu mang nặng tính giáo điều hay ép buộc về hành vi hay ý ‎thức. Việc kiên định trong quá trình quán sát bản ngã là điều cần thiết để giúp tìm ra được ánh sáng nội tâm dẫn dắt đến hòa hợp trong xã hội và cứu chữa những vết thương của môi trường sống.


Khi một cá nhân còn chấp nhặt vào những nguồn kiến thức hay chỉ dẫn từ bên ngoài, người đó sẽ rất dễ dàng chịu những ảnh hưởng tác động bên ngoài, đưa đến những hành động đi ngược lại đạo lý, làm thương tổn những người khác và môi trường sống. Một cá nhân thường quán sát nội tâm sẽ là một cá nhân nhận thức được mối liên hệ mang tính nhân quả giữa hành động và hậu quả, và sẽ cảm thấy sợ hãi không muốn làm thương tổn các sinh vật hay sự vật, vì biết rằng việc làm thương tổn như thế sẽ đem lại một sự trả thù.


5. Carl Jung: Cũng như Freud, Carl Jung cũng mong muốn tìm ra sự thật thông qua việc quán sát nội tâm và phân tích. Tuy nhiên, những nghiên cứu của ông lại trực tiếp dẫn dắt ông đến với Phật Giáo nhiểu hơn.


Jung đã phát biểu như sau:  “Là một nhà nghiên cứu tôn giáo so sánh, tôi tin tưởng rằng Phật Giáo chính là tôn giáo hoàn hảo nhất mà thế giới đã từng có được. Triết lý về Thuyết tiến hóa và Luật Nhân Quả (Định Nghiệp) đã vượt bậc rất xa so với bất kỳ tín ngưỡng tôn giáo nào. Căn duyên dẫn dắt tôi đến với thế giới tư tưởng Phật Giáo không phải là lịch sử tôn giáo hay những nghiên cứu triết học, mà lại là công việc ưa thích của tôi- bác sĩ trị liệu.


Công việc của tôi là chữa trị những vết thương về tinh thần, và chính công việc này đã thúc đẩy tôi đến việc quen thuộc với những quan điểm và phương pháp của Bậc Đại Sư về lòng nhân đạo, với đề tài chính là chuỗi nối tiếp Khổ- Lão- Bệnh- Tử.


Jung đã viết rất nhiều về Phật Giáo, và những tác phẩm của ông đã dẫn dắt rất nhiều thế hệ người Tây phương vào con đường học hỏi và thực hành đạo Phật. Jung đã tìm thấy ở Phật Giáo một nguồn tài nguyên chân thực trợ giúp cho việc nhìn lại nội tâm nhằm tiêu diệt tận gốc rễ những căn nguyên nỗi khổ đau của con người.


Ông đã tìm ra từ triết lý ‎Phật Giáo một học thuyết tiến hóa hoàn toàn phù hợp với học thuyết tiến hóa của Darwin, nhưng đã có mặt trước học thuyết Darwin khoảng 25 thế kỷ. Từ những học thuyết Phật Giáo, Jung không chỉ thấy được quá trình tiến hóa, mà còn cả một tầm nhìn rộng lớn hơn về một vũ trụ có liên quan và hỗ tương lẫn nhau, trong đó bất kỳ một hành động nào của một cá nhân làm gây tổn thương cho một cá nhân khác hay cho môi trường sống đều sẽ là tác nhân trực tiếp dẫn đến việc cá nhân đó sẽ chịu khổ đau.


Jung chịu ảnh hưởng sâu sắc từ những lời dạy của Đức Phật khi ông tuyên bố rằng hạnh phúc thực sự được tìm thấy không phải là từ việc theo đuổi và đạt được những của cải vật chất hay cảm giác dục lạc, mà là từ việc nhận biết được một sự thật tiên nghiệm. Sự chữa trị những vết thương gây ra do những khủng hoảng về xã hội và môi trường trong thời đại của chúng ta chỉ có thể xuất phát từ quan điểm này mà thôi.


Vấn đề khoa học


Phật Giáo nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc giải thích bản thể của tâm bằng thiền định. Trải qua nhiều thế kỷ, các Phật tử đã tìm ra cách tiếp cận thật nghiêm chỉnh việc tìm hiểu các trạng thái tinh thần và bản thể rốt ráo của tâm.


Tâm đứng đằng sau mọi hoạt động trong đời sống, là cửa sổ giúp ta cảm nhận thế giới. Chỉ cần một thay đổi nhỏ trung tâm thì thế gian này sẽ hoàn toàn đảo lộn. Dù những khám phá của Phật Giáo có sâu sắc đến đâu đi chăng nữa, chúng ta cũng nên luôn luôn nhớ rằng giáo lý Phật Giáo không hề có tính cách giáo điều. Nó gần như một bản đồ chỉ đường để chúng ta đi theo người hướng dẫn.


Phật Giáo sẵn sàng sửa sai nếu biết mình lầm lỗi. Không phải vì nó nghi ngờ tính chân thật của những khám phá đó được công khai nhìn nhận, nhưng vì chúng đã thực sự được trải nghiệm. Trong việc đi tìm kiến thức, Phật Giáo không trốn tránh sự mâu thuẫn, trái lại còn nuôi dưỡng nó. Trong những cuộc hội thảo siêu hình mà Phật Giáo tham dự trải qua nhiều thế kỷ với các triết gia Ấn độ cũng như với khoa học và các Tôn giáo khác, Phật Giáo đã có cơ hội tu chỉnh, mở rộng các quan điểm Triết học, luân lý của mình trong việc tìm hiểu thế gian.


Nhưng thái độ cởi mở của Phật Giáo không phải là một thái độ cơ hội rẻ tiền. Những đóng góp lớn lao cho Triết học, những thảo luận về thiền định sâu sắc và gợi cảm và việc thực hành thiền định đòi hỏi một quyết tâm cao với một sự kiên nhẫn không gì lay chuyển được. “Không nên hy vọng một thành tựu mau chóng, nhưng cứ tiếp tục thiền định đến hơi thở cuối cùng” đó là lời của Tổ Milarepa. Sự chuyển hoá nội tâm dẫn đến giác ngộ, thuộc về một lĩnh vực hoàn toàn khác hẳn với công việc tìm tòi Triết học hay khám phá của Khoa học.


Phật Giáo cơ bản là một Khoa học của sự tỉnh thức. Những cuộc đối thoại sau đây không nhằm mục đích mang lại cho Khoa học một dáng vẻ thần bí cũng như bênh vực cho Phật Giáo dựa vào các khám phá khoa học. Thật ra là để đặt lại vị trí của Khoa học trong bối cảnh một quan điểm rộng rãi hơn về đời sống mà kinh nghiệm về đời sống tâm linh đóng một vai trò thiết yếu. Cũng là để nối kết cách nhìn các hiện tượng xuất hiện cũng như thực chất của chúng, để có thể chỉ ra là Phật Giáo có thể giải quyết được sự đối kháng giữa thực tại, chủ trương rằng các hiện tượng là có thực và các khám phá vật lý đi ngược lại cách nhìn này.


Vấn đề xã hội học  


Có người nghĩ rằng Phật giáo chỉ thuyết về những lý tưởng xa vời, những đạo hạnh tuyệt đối và các tư tưởng triết học cao siêu, mà bỏ qua những vấn đề xã hội, kinh tế của con người, là sai lầm. Đức Phật rất quan tâm đến hạnh phúc của con người. Đối với đức Phật, hạnh phúc không thể có được nếu không dựa vào một cuộc sống trong sạch, có đạo đức và giới luật. Nhưng đức Phật cũng hiểu rằng sống một cuộc đời như thế rất khó trong những điều kiện vật chất và xã hội không ổn định.


Phật giáo không cho rằng của cải vật chất là cứu cánh của cuộc đời, nhưng Phật giáo công nhận rằng con người cần phải có các điều kiện vật chất tối thiểu để có thể thành công trong đời sống tâm linh. Đức Phật không tách rời cuộc sống ra khỏi những khía cạnh về xã hội, kinh tế, chính trị. Các pháp của đức Phật về các vấn đề đạo đức, tâm linh và triết học được nhiều người biết đến.


Nhưng ít người biết đến, nhất là ở phương Tây, các pháp của đức Phật về những vấn đề xã hội, kinh tế, chính trị. Tuy nhiên, có rất nhiều bài giảng về các đề tài này rải rác trong các kinh điển của Phật. Hãy lấy vài thí dụ. Trong kinh Chuyển Luân Thánh Vương (Cakkavattishihanada, Trường Bộ, 26) có nói rõ rằng cái nghèo (daliddiya) là nguồn gốc của thói vô đạo đức và tội lỗi như trộm cắp, dối trá, bạo động, hằn thù, độc ác, vân vân.


Vua chúa thời xa xưa, cũng như chính quyền ngày nay, cố gắng dẹp trừ các tội ác bằng hình phạt. Kinh Kutadanta (Trường Bộ, 5) nói rằng phương pháp này sẽ không bao giờ thành công. Thay vào đó, đức Phật dạy rằng, muốn xóa bỏ các tệ nạn xã hội, thì các điều kiện kinh tế của người dân cần phải được cải thiện.


Đức Phật dạy rằng có bốn điều có thể giúp hành giả được sống hạnh phúc trên thế gian này: 1. Đức tin (Saddha): Hành giả cần phải có đức tin, tin vào các giá trị đạo đức, tâm linh và trí tuệ 2. Giới (Sila): Hành giả phải tránh giết hại các sinh vật, không trộm cắp, dối gạt, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu  3. Bố thí (Caga): Hành giả cần thực hành bố thí rộng rãi, không bám víu và tham muốn của cải.   4. Trí tuệ (Panna): Hành giả cần phát triển trí tuệ đưa đến giải thoát khỏi khổ đau, để đạt được Niết bàn.


Phật giáo nhằm tạo nên một xã hội nơi đó mọi sự tranh chấp quyền lợi nguy hiểm bị lên án; nơi sự yên lành, hòa bình chế ngự sự hơn, thua; nơi sự vu cáo, kết án người vô tội bị phản đối kịch liệt; nơi người tự chiến thắng chính mình được tôn vinh nhiều hơn kẻ đã thắng triệu người khác bằng chiến tranh vũ khí hay kinh tế; nơi tình thương chế ngự hằn thù, sự tử tế chế ngự ác độc; nơi hận thù, ghen ghét, ác ý và lòng tham không ô uế lòng người; nơi mọi hành động xuất phát từ lòng từ bi; nơi mọi chúng sinh, kể cả những loại nhỏ mọn nhất, đều được đối xử công bằng, tế nhị và thương yêu; nơi cuộc sống an bình, hòa thuận, trong một thế giới đầy đủ vật chất, được hướng đến mục đích cao thượng nhất: sự giác ngộ Niết bàn, chân lý.
   
Vấn đề đạo đức học Phật Giáo


Đạo đức học là một bộ phận của triết học nhằm dựa vào lý trí mà thiết lập một sự phân biệt giữa thiện và ác, giữa điều được làm và điều bị cấm làm, nhằm nêu ra một nguyên tắc tổng quát để xếp loại và đánh giá các hành động. Đạo đức học nhằm nêu định cứu cánh của mọi hành động hợp lý mà con người cố vươn tới, tức mục đích, lý tưởng của cuộc đời và tìm các phương cách giúp con người tiến tới mục đích lý tưởng ấy.


Đức Phật dạy: “Ví như nước biển chỉ có một vị là vị mặn, cũng vậy, này Pahàrada, Pháp và luật của ta chỉ có một vị là vị giải thoát“. Ngài còn dạy: “Này các Tỳ kheo, xưa cũng như nay ta chỉ nói lên sự khổ và diệt khổ“.


Trong lần chuyển pháp luân đầu tiên tại Benares, giảng về Tứ Đế Đức Phật xác định đây là khổ, nêu nguyên nhân của khổ, nói đến sự chấm dứt khổ (giải thoát, Niết bàn) và con đường diệt khổ. Thế là Ngài đã tuyên bố mục đích của mọi hành động của con người và của giáo lý của Ngài là nhằm giải thoát khỏi khổ đau.


Đối chiếu ý nghĩa này với định nghĩa chung về đạo đức học đã nêu, ta có thể nói toàn bộ giáo lý của Đức Phật là một giáo lý đạo đức, hay Phật học là đạo đức học, một đạo đức học xây dựng trên giải thoát, do một người đã giải thoát truyền dạy, lấy giải thoát làm cứu cánh, lấy giải thoát làm chuẩn tắc để đánh giá các hành động.


Xác định nền tảng của đạo đức học Phật giáo là giải thoát, ta có thể dễ dàng giải đáp câu hỏi cơ bản đã nêu trên: Giải thoát là nguồn gốc của các nguyên tắc đạo đức. Thực ra mệnh đề này là kết quả của sự lập luận rằng: Do khổ, do kinh nghiệm khổ mà nảy sinh ra cái nguyên tắc đạo đức cơ bản là sự diệt khổ, thoát khổ, đẩy đưa đến sự diệt khổ tuyệt đối, cứu cánh, đấy là giải thoát tối hậu, Niết bàn.


Giải thoát là mặt bên kia (mặt tích cực trong ý nghĩa đạo đức) của khổ đau, giải thoát và khổ đau là hai mặt của một thực tại đang hiện hữu tại đây, giờ đây. Vậy thay vì bảo giải thoát là nguồn gốc của các nguyên tắc đạo đức, ta có thể bảo khổ cũng là nguồn gốc ấy. Từ đây vế thứ hai của câu hỏi cũng được dễ dàng giải đáp : “Giải thoát là giá trị tối hậu đích thực của các nguyên tắc đạo đức.


Dù Phật giáo không hề muốn bị xếp như một triết thuyết như duy nghiệm, duy lý, duy cảm v.v… nhưng Phật giáo, đạo đức học Phật giáo, không thể không là đối tượng nghiên cứu cho các nhà triết học và không thể tránh khỏi sự sắp xếp phân loại của các nhà nghiên cứu đạo đức. Thế thì hãy tạm gọi đạo đức học Phật giáo là đạo đức học  Trí giải thoát, lại còn được xem là nguồn gốc của lương tâm, của ý thức đạo đức tức là của chính nó, hiểu theo lập luận của E.Kant khi ông gọi nguồn gốc ấy là lý trí thuần túy thực tiễn, cái nhân tố phát khởi những mệnh lệnh quyết định.


Nếu Descartes đẩy ý thức đạo đức lên thành các tác phẩm của thượng đế, nếu Spencer đẩy lùi nó vào cái thói quen do di truyền thì đạo đức học Phật giáo gọi nó là dư y của ý thức giải thoát, một thiện nghiệp trong quá khứ và có thể được vun đắp thêm trong hiện tại.


Nói đến giải thoát là nói đến tự do. Thông thường giải thoát được hiểu là trạng thái được sau khi thoát khỏi sự ràng buộc, sự trở ngại, khổ đau, mất tự do; tự do là trạng thái thoải mái, có thể tự mình quyết định hành động của mình, tự mình chọn lựa…


Như vậy giải thoát và tự do có thể được xem là đồng nghĩa, nhất là khi ở bình diện tuyệt đối, Giải thoát và Tự do đồng nghĩa với Niết Bàn, là Niết bàn là Phật. Ở bình diện tương đối của thế gian, giải thoát và tự do chỉ có thể được thực hiện trong giới hạn.


Một hành động như tìm nước uống để thỏa mãn cơn khát, làm một việc thiện để đạt được niềm vui tự nội… đều có giá trị giải thoát tương đối. Tự do chọn nghề, tự do nghỉ ngơi… là những tự do tương đối vì người ta không thể tự do lấy của cải của người khác, không thể tự do vượt khỏi những hạn chế của cơ thể để thực hiện những điều không tưởng, không thể tự nhiên mà thoát được sinh, già, bệnh, chết… 


Vấn đề giáo dục của đức Phật


Những bài pháp của Đức Phật thường được trình bày chi tiết và tỉ mỉ. Tính rõ ràng, trong sáng và trình bày có logic đã làm nỗi bật các bài pháp dài của Ngài, những bài pháp được tuyên giảng theo chủ đích riêng.


Dù thuyết giảng cho vài người hay cho một hội chúng, Ngài cũng đều tìm cách hướng dẫn người nghe tiến dần từng bước đến ý tưởng Ngài muốn thành lập. Kinh chuyển Pháp Luân (Dhammacakkapavattana) và Kinh Niệm Xứ (Satipatthàna) là những bài kinh tiêu biểu có một vài đặc điểm dễ nhận biết, vì Ngài thường bắt đầu bài kinh bằng lời giáo huấn gợi sự chú tâm.


Chẳng hạn như: “Có hai cực đoan người tìm chân lý cần nên tránh.” Hoặc “Có một con đường thẳng tắt và đảm bảo đến đích…” v.v…  Ngài phân tích một khái niệm ra thành nhiều thành tố và trình bày tư tưởng dưới dạng thống kê, nhằm giúp trí nhớ cho người học.


Đức Phật thường sử dụng phép so sánh và phép suy diễn một cách nhuần nhuyễn, được rút ra từ nếp sống hằng ngày của quần chúng, chẳng hạn như công việc của người nông dân, người đồ tể, người bán hoa, người dân chài, người chiến sĩ và quan chức.


Ngài lập đi lập lại những khái niệm quan trọng và quay lại những khái niệm đó bất cứ khi nào quần chúng có thể chấp nhận. Sự trình bày những khái niệm như vậy hầu như phát triển đến mức trở thành những công thức tiêu chuẩn, mẫu mực và sẽ tái diễn bất cứ khi nào khái niệm được đề cập đến trong cấu trúc biểu đạt tương tự.


Bài pháp tuần tự đưa thính giả đi đến kết thúc bằng những lời cầu thỉnh tha thiết, xin được Quy Y với Ngài, để đi theo con đường giải thoát do Ngài giới thiệu.


Trong các cuộc đàm thoại với cá nhân, Ngài thường sử dụng một vài phương pháp học thuật làm cho cuộc đàm thoại trở nên sinh động: thường Ngài làm cho người tranh luận trình bày rõ quan điểm của mình và chấp nhận một lập trường tư tưởng nào đó. Nhưng đức Phật sẽ không tiến hành cuộc thảo luận, trừ khi Ngài chắc chắn đã hiểu rõ quan điểm người tranh luận.


Ngài hết sức thận trọng trong việc khai thông tiền đề vào lúc khởi đầu mỗi cuộc bàn luận. Nếu không đồng ý, Ngài không chê bai cũng không bài bác ý tưởng của đối phương, mà Ngài bắt đầu đặt câu hỏi. Những câu hỏi này luôn là những câu hỏi thăm dò, được sắp xếp cẩn thận nhằm chinh phục đối phương nhận ra những lý lẽ ngụy biện của chính mình.


Vị ấy được đưa dần đến chỗ nhượng bộ và bỏ hẳn quan điểm ban đầu của mình. Nét độc đáo nhất của đức Phật là Ngài đã khéo sắp xếp lại tiên trình suy nghĩ của người tranh luận bằng cách đặt câu hỏi nhanh và liên tục. Phép so sánh và loại suy được sử dụng trong việc làm rõ thêm chi tiết và giải thích những câu hỏi này.


Những giai thoại về truyền thuyết và lịch sử là hình ảnh nổi bật trong bài giảng của Ngài. Chỉ trong một vài trường hợp, Đức Phật mới phơi bày hết tất cả quan điểm ban đầu của người tranh luận là lố bịch và sai lầm nghiêm trọng, khi người tranh luận đã chịu từ bỏ lý lẽ của mình và sẵn sàng đồng ý với Ngài. Cho đến lúc đó, đức Phật mới bắt đầu giảng giải ý tưởng riêng của Ngài về vấn đề đang tranh luận.


Bất cứ đề tài bàn thảo nào, đức Phật cũng tuần tự hướng dẫn người tranh luận đi đến một sự phân tích tỉ mỉ về con đường giải thoát. Dù là thuyết giảng, phân tích hay đàm thoại, tranh luận, đức Phật đều sử dụng một loạt các phương pháp giáo dục thực hành tiêu chuẩn.


Ngài nhắm vào trình độ trí thức của người học và tuyên giảng cùng một ý tưởng bằng nhiều phương thức khác nhau tùy theo bản tính và thể chất của người nghe. Ngài bắt đầu bằng những điều đã hiểu biêt  và nhấn mạnh vào điều ấy như một nguyên tắc căn bản trong tất cả các lời Ngài dạy.