Trang chủ Thời đại Xã hội Phật hóa gia đình – con đường vươn tới hạnh phúc

Phật hóa gia đình – con đường vươn tới hạnh phúc

166

I. Ý NGHĨA CỦA HÔN NHÂN


Hôn nhân, hiểu theo nghĩa thông thường, là việc nam nữ lấy nhau, để cùng gánh vác, thực hiện bổn phận, trách nhiệm và nghĩa vụ với nhau. Đó là bổn phận và nghĩa vụ thiêng liêng không chỉ của riêng hai người mà với con cái của họ sau này nữa. Thế nhưng, nhiều người chưa kết hôn vẫn thường nghĩ rằng mình còn tự do, họ không lo nghĩ nhiều đến cuộc sống tuổi già của cha mẹ, thậm chí có người còn để cho cha mẹ chu cấp cho mình nữa. Sau khi có gia đình riêng và nhất là sau khi sinh con, họ mới thật sự cảm nhận được công lao của cha mẹ và trách nhiệm đối với gia đình. Do vậy, người chưa kết hôn và người đã kết hôn có nhiều khác biệt. Hôn nhân vốn là sự khởi đầu khẳng định trách nhiệm của bản thân.


Như chúng ta đã biết, Phật giáo rất chú trọng việc hôn nhân và nhấn mạnh vấn đề vợ chồng phải biết giữ chữ tín và tiết hạnh. Theo quan điểm của Phật giáo, giới không tà dâm vợ chồng đều cùng tuân giữ, phải được mọi người cùng xem trọng, vì đây là nền tảng của hạnh phúc gia đình và sự ổn định, hòa hợp trong xã hội. Đừng nghĩ chỉ vui chơi trong chốc lát mà xem thường, không giữ gìn sự thủy chung, bởi nó sẽ là nguyên nhân làm tan vỡ gia đình. Do vậy, không thể xem thường trách nhiệm xã hội trong hôn nhân được.


Kết hôn cũng là sự kết hợp giữa hai gia đình, từ đó mối quan hệ trong xã hội càng mở rộng và thay đổi; cần lấy tinh thần từ bi để đối đãi nhau. Đối mặt với hoàn cảnh và cuộc sống mới đó, hãy lấy trí tuệ để xử lý, lấy tình thương và đạo lý để dạy dỗ con cái. Đây là nghĩa vụ và thái độ cần phải có trong quá trình hôn nhân.


II. Ý NGHĨA CỦA VIỆC XÂY DỰNG PHẬT HÓA GIA ĐÌNH


1. Lấy tín ngưỡng tôn giáo thúc đẩy xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc mỹ mãn


Kết hôn chỉ là một việc đơn giản, nhưng cuộc sống gia đình mới là chặng đường dài phải đi ở tương lai. Nếu gia đình có chung một tín ngưỡng, hãy lấy niềm tin làm tiêu chuẩn để xây dựng hạnh phúc gia đình. Học theo hạnh từ bi của Bồ tát Quan Âm, vợ chồng sẽ thương yêu và tương kính lẫn nhau, tin tưởng và trung thành với nhau; con cái có trách nhiệm với cha mẹ già, giữ tròn chữ hiếu, không bao giờ bỏ mặc cha mẹ mà không hề chăm sóc. Có cùng niềm tin tôn giáo, khi gặp khó khăn rắc rối trong cuộc sống chung, hai người cùng cầu nguyện Bồ tát Quan Âm gia hộ để có được trí tuệ và nghị lực đối mặt và giải quyết khó khăn. Hai người vốn xuất thân từ hai gia đình, hai hoàn cảnh khác nhau, nên khi về sống chung phải biết bao dung lẫn nhau, hoàn thiện nhân cách cho nhau, bằng không, người ta chỉ làm khổ cho nhau!


2. Lấy việc tịnh hóa gia đình để nâng cao nhân cách và Tịnh độ hóa nhân gian


Tịnh hóa nhân gian phải bắt đầu từ tịnh hóa gia đình, cũng có nghĩa là phải bắt đầu từ việc xây dựng Phật hóa gia đình, lấy trí tuệ và lòng tư bi của chư Phật, Bồ tát làm đối tượng học tập trong xử lý việc gia đình, nâng cao phẩm cách của chính mình, từ đó hoàn thành việc tịnh hóa gia đình, ảnh hưởng đến người thân, bạn bè và xã hội, xây dựng Tịnh độ tại trần gian.


III. LÀM THẾ NÀO ĐỂ XÂY DỰNG PHẬT HÓA GIA ĐÌNH?


1. Xây dựng nhận thức chung về hôn nhân


Chúng ta nói đến việc xây dựng Phật hóa gia đình là hy vọng bắt đầu từ việc kết hôn của đôi trẻ, từ một gia đình để đi đến việc xây dựng Phật hóa gia đình trong xã hội. Làm thế nào để xây dựng Phật hóa gia đình? Đầu tiên là phải xây dựng nhận thức chung về hôn nhân. Nhận thức chung về hôn nhân chính là sự quan tâm lẫn nhau, kính trọng lẫn nhau, nhường nhịn nhau, xem nhau là bạn cùng tu, là thiện hữu tri thức của nhau, nâng đỡ dắt dìu nhau để cùng nhau trưởng thành và tiến bộ.


Khi người kia tiêu cực, buồn chán, cô đơn đến cùng cực thì phải biết động viên an ủi – “chỉ cần núi kia tồn tại, sợ gì tìm không ra củi đốt. Khó khăn trước mắt chỉ là tạm thời, chúng ta hãy cùng nhau cố gắng. Mình không nên chán nản, tôi luôn ở bên mình để cùng mình vượt qua khó khăn này; hơn nữa, con chúng ta rất cần sự chăm sóc của mình”. Hãy thường xuyên gởi cho nhau mối cảm thông, niềm an ủi, sẻ chia ấy.


Đức Phật dạy, mỗi chúng sinh đều có Phật tính, nghĩa là mọi chúng sinh đều tiềm ẩn khả năng thành Phật, mọi người đều sẽ là Đức Phật ở tương lai. Vì thế, chúng ta phải biết tôn trọng đối tượng của mình, cho dù họ không tôn trọng chúng ta đi nữa, thậm chí họ có đối xử không tốt với mình cũng tập xem đó là nghịch tăng thượng duyên, là cơ hội luyện tập đối với sự tu dưỡng của chúng ta. “Núi không chuyển thì đường chuyển, đường không chuyển thì người chuyển”. Nếu đối phương không thể thay đổi trong nhất thời thì tự mình phải biết điều chỉnh để giữ được thái độ tôn trọng, tôn kính, cùng sống chung với người ấy, và xem họ là Phật, là Bồ tát ở tương lai. Suy nghĩ, thái độ đó đã tạo nên cái tâm luôn luôn tôn trọng lẫn nhau.


Sự hòa thuận trong gia đình rất quan trọng. Nhiều gia đình đổ vỡ bắt đầu từ việc vợ chồng không kính nhượng lẫn nhau, đặc biệt chồng phải biết tập nhường vợ vì điều này khó làm hơn là ngược lại.


2. Giáo dục từ khi còn trong bụng mẹ


Kết hôn nhưng không muốn sinh con là hành vi thiếu trách nhiệm, cũng là từ chối cơ hội trưởng thành đối với mình. Tuy vậy, sinh con thật nhiều cũng là điều không tròn bổn phận; có con, chúng ta mới có thể hiểu được sự khó nhọc của cha mẹ đối với chúng ta, từ khi mang thai, đến sinh con, nuôi con ăn học, dựng vợ gả chồng cho con rồi giúp con tạo dựng cơ nghiệp. Nếu không có con, làm sao hiểu được trách nhiệm và nỗi khổ của người làm cha mẹ. Ngày nay, những đôi vợ chồng trẻ ở xã hội phương Đông lẫn phương Tây thường quên đi trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ già của mình, thậm chí khi sinh con đẻ cái, mình không chăm sóc đã đành, còn đem con cái giao cho cha mẹ già “hiếu thuận” nó nữa. Đây là điều cần phải nên suy nghĩ.


Trong lúc mang thai phải nghĩ rằng mình đang mang trong mình vị “tiểu Bồ tát”, không nên nghĩ rằng trong bụng mình đang mang là “tiểu quỷ”. Trong khi mang thai phải thường niệm Quan Âm, thường chiêm ngưỡng Quan Âm, thường nghĩ đến lòng từ bi và công hạnh cứu thế của Bồ tát Quan Âm, như vậy sẽ rất tốt cho thai nhi. Mặt khác, còn phải biết giữ cho tâm khí luôn an hòa, không nên bực tức, giận dữ lúc mang thai, cũng không được tham ăn, tham uống, phải giữ cho cuộc sống của mình thật quy củ, vì mọi ý niệm, cử chỉ, hành động và lời nói của mình đều sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Trong lúc này, người chồng đừng nghĩ rằng mình không có nghĩa vụ gì trong việc giáo dục thai nhi, vì sự đối xử, ngôn ngữ, hành động của mình sẽ ảnh hưởng đến vợ và như vậy sẽ ảnh hưởng đến con, nên giáo dục thai nhi là việc làm của cả vợ lẫn chồng.


3. Giáo dục từ nhỏ


Khi con mới biết bò, phải dạy cho con biết lễ Phật, tiếp đến phải cho con xem những sách truyện nói về sự yêu thương động vật, cây cỏ và tâm từ bi cứu độ chúng sinh của chư Phật, Bồ tát để hun đúc cho con lòng thương yêu người và vạn vật ngay từ tấm bé. Nhiều người cho rằng để cho con cái tự chọn niềm tin tôn giáo sau khi nó lớn khôn. Điều này không thật đúng hoàn toàn. Chúng ta phải biết xây dựng niềm tin, tín ngưỡng cho con mình ngay từ trong bụng, ngay lúc còn nhỏ, nếu không như vậy thì cha mẹ chưa làm hết bổn phận và nghĩa vụ của mình. Cha mẹ phải biết dành cho con càng nhiều thời gian càng tốt, bởi như vậy con nhỏ mới có thể trưởng thành khỏe khoắn về cả thể xác lẫn tâm hồn.


4. Cuộc sống vợ chồng


“Hãy biết tha thứ cho người ấy” – câu nói ấy nghe thì dễ nhưng thực hiện lại khó. Vợ chồng sống chung phải biết bao dung lẫn nhau, tha thứ cho nhau; những lỗi lầm, trái ý sửa được thì tốt, không sửa được thì phải tập biết coi đó là chuyện nhỏ, đừng làm chuyện bé xé ra to. Có như vậy mới chồng hòa vợ thuận, trong ấm ngoài êm được. Bằng không, hai người cứ “thêm mắm dặm muối” hoài thì làm sao có thể xây dựng được một đời sống hạnh phúc?


Ngoài ra, vợ chồng còn phải biết tha thứ cho nhau, tin tưởng và thương yêu nhau hết mình, cho dù người ấy lỡ có ngoại tình đi chăng nữa, nếu mình tin tưởng hết lòng và nhẹ nhàng khuyên nhau thì đến lúc họ cũng phải hối hận mà quay về. Vợ chồng phải tuyệt đối tin tưởng nhau, phải hiểu để tha thứ cho nhau. Là người Phật tử, càng phải tin tưởng, tha thứ và bao dung người mình yêu hơn những người khác. Bởi đây là một trong những điều kiện quan trọng trong việc xây dựng đời sống hôn nhân tốt đẹp theo mô hình Phật hóa gia đình vậy.