Trang chủ PGVN Nhân vật Phật hoàng Trần Nhân Tông và hoạt động phá trừ các "dâm...

Phật hoàng Trần Nhân Tông và hoạt động phá trừ các "dâm từ": Một PGVN tích cực

109

Chúng ta đều biết đến một trong những hoạt động tôn giáo của Phật hoàng Trần Nhân Tông là phá trừ các “dâm từ”.

Bài viết này sẽ đi sâu tìm hiểu bàn luận về hoạt nói trên của Phật hoàng Trần Nhân Tông, xem xét các ý nghĩa của nó.

Trước nay, người ta vẫn cho rằng Phật Giáo Việt Nam dễ dung nhập những hình thức tín ngưỡng bản địa, kể cả những loại hình mê tín dị đoan. Trong thực tế cũng có những hiện tượng như vậy và nó kéo dài cho đến tận ngày nay. Đây phần nào có thể coi là một mặt tiêu cực của Phật Giáo Việt Nam. Tuy nhiên, mọi việc cũng không hoàn toàn diễn ra theo hướng như vậy. Nhà lãnh đạo kiệt xuất của Phật Giáo Việt Nam, đã có một hành động hết sức tích cực, là đối lập Phật Giáo với các hoạt động mê tín dị đoan, tín ngưỡng sai trái, mà đỉnh cao của hoạt động đó được sử sách ghi lại, là hành động phá hủy các dâm từ.

Dâm từ ở đây là các nơi thờ tự dị đoan, những tín ngưỡng tiêu cực (bản tiếng Anh quyển Vai trò chính trị của các tăng sĩ Phật giáo ở thời đại Lý- Trần của tác giả Thích Đồng Bổn dịch “to destroy false doctrines and heresies”)
Một hoạt động như vậy gần như là duy nhất trong lịch sử Việt Nam và có thể nói rằng không tưởng tượng nổi việc có thể lặp lại lần thứ hai.

Hoạt động bài trừ mê tín dị đoan nhằm xiển dương Phật pháp có thể diễn ra dưới nhiều hình thức, nhưng phá trừ các điểm thờ tự mê tín dị đoan là đỉnh điểm của một hoạt động như vậy. Phật hoàng Trần Nhân Tông đã thực hiện một hành vi triệt để nhất, tích cực nhất: Phá trừ

Đó là chiều sâu của hoạt động trên, còn về bề rộng thì nó diễn ra khắp làng quê Việt Nam. Sách dẫn trên viết: Trần Nhân Tông đi khắp thôn quê phá trừ các dâm từ, bản tiếng Anh dịch “wandered all the villages”. Thật là một hoạt động đạt đỉnh cao quy mô diện rộng.

Với một hoạt động bài trừ mê tín dị đoan rộng lớn và lên đến cao điểm như vậy, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã để lại cho chúng ta một bài học lớn, có tính chất quan điểm.

Một nền Phật Giáo Việt Nam chân chính không thể dung nhập vào nó những hoạt động mê tín dị đoan, tín ngưỡng sai trái. Quan điểm coi Phật giáo sẵn lòng đón nhận, thỏa hiệp với các hình thức mê tín dị đoan, coi như là “phương tiện” quả là điều ngộ nhận. Chẳng những không thể dung nhập, mà Phật Giáo Việt Nam, qua hành động của Phật hoàng Trần Nhân Tông, cũng không thể chấp nhận việc cùng song song tồn tại, vừa thờ Phật, vừa đốt nhang cho các dâm từ.

Mà phải phá trừ nó.

Quan điểm của Phật hoàng Trần Nhân Tông là rõ ràng, dứt khoát và quyết liệt. Nó thể hiện Chính pháp ở mức độ tích cực nhất.

Vì sao mà Phật hoàng Trần Nhân Tông có quan điểm như vậy là điều dễ dàng lý giải. Đoạn trừ tà kiến luôn luôn là một mục tiêu của Phật Giáo. Đối với Phật Giáo Việt Nam đời Lý- Trần, một nền Phật Giáo nhập thế và tích cực, thì mục tiêu đó được cụ thể hóa bằng một hoạt động như vậy là điều không có gì khó để lý giải.

Vấn đề là cần tìm hiểu vì sao điều đó có thể thực hiện được. Ngày nay các nhà lãnh đạo Phật Giáo có thể nghĩ đến một hoạt động như vậy, nhưng rất khó thực hiện trong thực tế, nếu không muốn nói là hầu như không thể.

Phật hoàng Trần Nhân Tông có thể làm được điều đó vì ở Ngài là sự thống nhất đến mức tuyệt vời giữa Phật Giáo và quyền lực Nhà nước.

Một đức vua xuất gia đi tu, lãnh đạo giáo hội đó là sự hòa quyện tuyệt diệu giữa Phật giáo và nhà nước. Ở đây, không là việc Phật giáo dựa dẫm vào nhà cầm quyền để triệt phá các hình thức dị đoan, trái với tín điều của mình, mà triều đình và Phật Giáo thống nhật tuyệt đối với nhau trong mục tiêu. Biểu hiện của sự thống nhất đó chính là ở ngay Đức vua- Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Ở đây, cũng cần bàn luận về chiều sâu của sự thống nhất đó.

Sự thống nhất trong mục tiêu của nhà nước với tôn giáo không phải không phải chỉ có ở riêng Phật Giáo và Phật giáo Việt nam. Sự thống nhất như vậy vẫn có ở các tôn giáo khác. Tuy nhiên, nó thường diễn ra theo hướng ngược lại. Đó là khi nhà lãnh đạo tôn giáo làm vua, hoặc vua trên vua, vua của vua, là quyền lực mà nhà vua phải thuần phục.

Còn trong Phật Giáo, đặc biệt là Phật Giáo Việt Nam, những trường hợp ngược lại, nhà vua đi tu, không phải là cá biệt.

Do đó, sự thống nhất giữa nhà nước và Phật Giáo Việt Nam thời đại Lý- Trần hoàn toàn khác với sự thống nhất tương tự ở các tôn giáo khác. Ở Việt Nam, với Đức vua- Phật hoàng Trần Nhân Tông, sự thống nhất đó là triệt để tích cực và tiến bộ, thể hiện qua hoạt động phá trừ “dâm từ” mà chúng ta đang tìm hiểu.

Hoạt động tôn giáo mang tính chất xã hội này của Phật hoàng Trần Nhân Tông không chỉ tích cực ở mặt “phá”, mà mà còn gắn liền với mặt “xây”. Chúng ta đều biết là song song với hoạt động phá trừ dâm từ, Phật hoàng Trần Nhân Tông còn khuyến hóa dân chúng tu thập thiện.

Một bài học nữa chúng ta có thể rút ra từ hoạt động như trên của Phật hoàng Trần Nhân Tông là không chấp nhận việc lấy sự thấp kém về trình độ dân trí để biện hộ cho mê tín dị đoan.

Địa bàn hoạt động ở đây của Phật hoàng Trần Nhân Tông là khắp các vùng thôn quê. Đối tượng tác động, giáo hóa của Ngài là người dân quê. Không thể để cho đông đảo người dân nông thôn chìm đắm vào dị đoan, mê tín trong khi Phật Giáo chỉ thỏa thỏa mãn đời sống tinh thần cho một thiểu số trí thức, quan lại và cư dân thành thị.

Cho nên, có thể nói, hoạt động Phật Giáo của Phật hoàng Trần Nhân Tông là hoạt động “Phật Giáo nhân dân”.

Phật hoàng có thể xuất gia tu giải thoát cho riêng Ngài.

Phật hoàng có thể yên tâm khi Phật Giáo đã là quốc giáo tôn giáo của triều đình và trí thức.

Nhưng Phật hoàng vẫn coi đa số nông dân là đối tượng chính của hoạt động tôn giáo của Ngài.

Phá dâm từ, phá các đền miếu dị đoan là chạm đến vực thờ cúng là điều rất khó làm, rất “nóng”, rất “nhạy cảm” nói theo từ ngữ đời nay. Nhưng Phật hoàng Trần Nhân Tông đã chọn hoạt động mũi nhọn này như một hoạt động hoằng hóa chính yếu.

Hoạt động của Ngài là biểu trưng cho một Phật Giáo Việt Nam tích cực.