Trang chủ Văn học Truyện Phật ở Kyong-Ju

Phật ở Kyong-Ju

263

Mai cháu đi Kyong-Ju". Tôi nói, không nhìn Kim. Tránh vẻ mặt bất bình của người đàn ông, mắt tôi loay hoay một lát rồi vô tình đậu lại trên cuốn lịch tờ mầu trắng trên vách. Bức tranh cuối cùng của cuốn lịch đã được lật lên rồi, tháng mười hai sắp hết. Thế là thêm một năm tôi đã sống đời sinh viên tha hương trên đất Hàn Quốc.

"Em điên sao? Đi Kyong-Ju giữa lúc trời đổ tuyết". Tay Kim ôm một mớ lỉnh kỉnh, đó là những thứ để cho tôi đón Tết. Cũng như năm trước, trong những món quà của ông có một cuốn lịch mới. Tôi cau mặt:

– Cháu không nhận đâu.

– Sao thế?

– Đầu năm mà treo cuốn lịch trắng toát, tức là cầu cho vận số cả năm sẽ bạc như vôi. Người Việt Nam tin thế.

– Với chúng tôi, mầu trắng là mầu tốt đẹp, mầu sinh ra mọi mầu. Tại sao…

Kim không nói tiếp nhưng tôi biết ông đang nghĩ: "Tại sao trước đây em không nói như thế?".

Hai năm trước, khi đến đây tôi còn là một cô bé liều lĩnh và cả tin. Mẹ tôi khóc hết nước mắt, không muốn tôi một thân một mình đi xa như thế. Nhưng tôi khăng khăng đòi đi Seoul học với suất học bổng chỉ đủ đóng tiền học phí. Ở tuổi mười tám, người ta luôn nghĩ: "Muốn là phải được".

Một ngày tháng mười, tôi bước chân xuống sân bay Incheon. Vừa ra khỏi cánh cửa kính của phi trường, tôi chới với như một con mèo ướt. Một thứ khí lạnh cả đời chưa bao giờ cảm thấy làm tôi co người lại run rẩy, môi sưng lên, mười đầu ngón tay tím lại.

Đúng vào lúc đó một người đàn ông cao lớn xách va-li từ bên trong bước ngang qua. Thấy tôi, ông chợt dừng lại nhìn chằm chặp một lúc, rồi hỏi:

– Cô từ đâu đến?

– Việt Nam – Tôi ấp úng trả lời.

– Không chuẩn bị áo rét sao?

– Có chứ.

Tôi nhìn xuống chiếc áo len của mình, nhưng chợt thấy nó mỏng manh làm sao. Người đàn ông mở áo dạ ra, khoác lên vai tôi. "Đi. Lên ta-xi ngay, trong xe có máy sưởi. Cô sẽ dễ chịu hơn".

Ngồi trên xe, ông hỏi tên tôi. Tôi quen Kim từ đó.

Thực ra, trước khi đi tôi đã chuẩn bị rất nhiều, nhưng tôi không biết rằng chỉ có áo da mới chống nổi cái rét mùa đông ở Seoul. Tôi không biết rằng những bộ quần áo có pha nylon mà mẹ tôi sắm đến lúc này cứ như bị hút chặt, đeo dính vào da thịt. Tôi không biết rằng những chiếc khăn lụa tơ tằm quắt queo lại trong giá lạnh, không biết rằng ống chân tôi sẽ phồng rộp lên vì bị dị ứng thời tiết, và những đôi giày từ Việt Nam sang vừa chạm phải khí hậu lạ đã co chặt lại, bóp nghiến vào đôi chân tôi như những cái cùm sắt.

Kim đến thăm tôi. Ông bước vào trong khi tôi đang ngồi bệt trên sàn gỗ, bóp những ngón chân đau nhức. Ông ngồi xuống, nâng bàn chân tôi lên, nhìn những chỗ sưng, rồi đưa cho tôi những chiếc giày da mềm mà ông vừa đem đến. Đấy là đôi giày đầu tiên đã đưa tôi đến trường Đại học Seoul. Chưa bao giờ tôi biết Kim sống ở đâu, vợ con như thế nào. Cũng thật buồn cười, tôi chẳng hề thắc mắc khi bỗng dưng một người đàn ông lại chăm lo ân cần cho mình như thế. Có lẽ tôi cứ nghĩ mình còn nhỏ lắm; mà có lẽ cũng vì lúc ấy tôi cô đơn, vất vả quá, bỗng gặp một bàn tay đưa ra cho mình dựa thì dễ chịu biết bao, còn sức đâu mà băn khoăn nghĩ ngợi.

Cứ thế, Kim càng lúc càng thân thiết với tôi hơn, tuần nào Kim cũng đến. Có hôm thấy tôi buồn nhớ nhà, Kim dẫn tôi vào chơi ở Trang Tất Cung, cho tôi xem cung điện của Triều Tiên thuở trước. Trong vườn Ngự Uyển ngày xưa, giờ đây là một rừng mênh mông lá đỏ, tôi cầm sách đi lui đi tới, lẩm nhẩm học bài – Những bài học đầu tiên mới khó làm sao! Kim thì lặng lẽ lấy cọ và giấy ra vẽ. Tôi tò mò ghé mắt nhìn: Chỉ có những nét đen mộc mạc trên nền trắng.
"Chú là họa sĩ phải không, chú Kim?’. Tôi hỏi. Kim lắc đầu: "Khi nào tâm tôi xao xuyến, tôi lại vẽ bức hình này". "Tại sao lại xao xuyến hở chú?". Kim không đáp, tay chỉ vào một chữ Hàn ngoằn ngoèo bên góc. Tôi không hiểu. Thấy bức vẽ hay hay, tôi đem về treo trên vách. Ít lâu sau tờ giấy rơi xuống, lạc đi đâu mất. Tôi quên bẵng nó đi.

Hai năm qua. Tôi đã là một sinh viên chững chạc, nói giỏi tiếng Hàn, thuộc lòng giá cả những món hàng ở chợ Nam Daemun, ăn quen những món ăn ướp lá kim và nghiện uống trà sâm mỗi sáng.

Đã từ lâu tôi nghe các bạn nói về cố đô Kyong-Ju, nơi có ngôi chùa cổ đã xây từ hơn nghìn năm trước. Mải vùi đầu vào việc học, rồi lại lu bù đi làm thêm, tôi chẳng để ý chuyện đó. Nhưng cuối năm nay, bỗng nhiên lòng tôi nung nấu ý nghĩ phải hành hương đến Kyong-Ju.

Trong khu nhà trọ có nhiều nữ sinh từ các tỉnh về Seoul học. Dù rất lịch sự không nhòm ngó đời tư của ai, nhưng các bạn gái thỉnh thoảng cũng đưa mắt nhìn nhau khi thấy tuần nào tôi cũng có một người đàn ông lái ô tô đến thăm và đem theo nhiều quà tặng. Young Soo hỏi tôi: "Học xong bạn ở lại Hàn Quốc chứ?". Nụ cười trên môi Young Soo làm tôi đỏ mặt. "Bậy nào. Ông ta bằng tuổi chú bác mình". "Ở tuổi nào người đàn ông không là đàn ông?". Tôi hết sức giải thích cho Young Soo hiểu rằng, không bao giờ tôi cảnh giác với Kim cả, vì tôi vẫn nhớ rằng, khi gặp Kim, tôi là một con bé nhỏ thó, yếu ớt trên sân bay Incheon, mắt sưng lên vì dị ứng với khí lạnh; tôi không nghĩ rằng tôi lại có vẻ gì hấp dẫn để thu hút được ai. Young Soo cười thành tiếng: "Bạn khờ lắm. Bạn không thấy bạn còn rất trẻ sao? Những nhà đầu tư tài giỏi bao giờ cũng biết nhìn từ xa".

Tối hôm ấy tôi soi mình trong gương – cái việc làm tôi thêm bận rộn, mỗi ngày tôi chỉ làm một cách qua quýt trước khi đến lớp hoặc đến nhà hàng Se-Sil, nơi tôi phục vụ bàn một tuần ba tối. Tự ngắm nhìn, tôi nhận ra dù vẫn mảnh mai, nhưng tôi đã là một thiếu nữ nẩy nở và cân đối. Đưa hai ngón tay lên miết nhẹ vào má, cảm giác mịn màng như thấm vào tay tôi. Tôi thầm nghĩ: "Nếu mình mà hồng hào hơn, thêm một chút phấn chẳng hạn, mới có thể gọi là xinh". Ừ, nhưng mà Kim biết vẽ. Biết đâu ông ấy đã nghĩ đến cách tô mầu cho con bé nhợt nhạt này…

Bỗng nhiên tôi lo sợ. Ngày ra đi, tôi mới mười tám tuổi. Mẹ tôi thấp thỏm lo âu. "Thân gái dặm trường…" chưa biết nhớ thương gì, nhưng tôi vẫn biết có một đôi mắt rất buồn nhìn theo từ cổng nhà hàng xóm. Năm này qua năm khác trên xứ tuyết, tôi vẫn luôn tự nhắc: sẽ giữ mình nguyên vẹn để quay về…
Nỗi lo lắng làm tim tôi bồn chồn, hồi hộp. Trời ơi, nhìn quanh phòng đâu đâu cũng có những đồ dùng mà Kim mang tới. Sao tôi lại vô tư như đứa trẻ con, chỉ biết nhận mà không bao giờ nghĩ đến ngày phải trả.

Tôi đi đi lại lại quanh phòng, chợt nhớ nhà, nhớ quê vô kể. Mình đã đi xa lâu lắm rồi, hơn hai năm trời không về lại ngôi nhà bên bờ sông Hội An. Ngày ấy, cứ cuối năm đến trước ngày giỗ ông bà tôi, mẹ lại dẫn tôi ra Huế, lên chùa Linh Mụ dâng hương. Cứ mỗi lần thấy hai mẹ con sửa soạn ra đi, hàng xóm lại trêu:

– Ở ngoài Huế mới có Phật, trong này không có sao?

Mẹ tôi thường chỉ cười lặng lẽ. Không phải sự linh hiển dành riêng cho ngôi chùa nào, nhưng những chuyến hành hương là những dịp dọn mình: đoạn đường càng dài, càng gian khó thì lời nguyện cầu càng lắng sâu và trọn vẹ hơn.
Giờ đây, Kim cũng đang nói với tôi cái câu mà tôi đã nghe hồi ấy:

– Ở Kyong-Ju mới có Phật sao? Tôi không để cho em đi đâu.

Bỗng nhiên tôi thấy nóng ở tai và mũi. Ông ta nhân danh cái gì mà nói với tôi như thế. Nghĩ thế tôi sa sầm mặt, lặng thinh.

Kim đặt mấy gói thức ăn xuống bàn rồi ngồi xệp bên tôi trên sàn gỗ bóng. Ông ta cầm bàn tay tôi lên.

– Tay của em đỏ lên cả vì xà phòng. Từ mai em đừng đi làm ở nhà hàng Se-Sil nữa. Tôi sẽ lo cho em đầy đủ. Hai năm cuối đại học vất vả lắm, không đủ sức mà làm việc nặng nhọc như thế này đâu. Tôi bất giác rụt tay lại. Đúng là tôi đuối sức vì công việc. Đúng là tôi cần có tiền. Nhưng làm sao có thể để ông ta "bao" tôi như thế. Kim xem tôi là hạng người gì?

– Sáng mai My ở nhà đợi, tôi sẽ đến đón em.

Tôi vẫn sa sầm, đầy vẻ chống đối. Trong tình thân, đã từ lâu tôi càng ngày càng lệ thuộc vào Kim. Giờ đây, muốn bứt ra, tôi phải lên gân một chút.

– Mai cháu hành hương đến Kyong-Ju, cháu đã nói rồi mà.

Mặt tôi vênh lên đầy vẻ khiêu khích, Kim vẫn không tỏ vẻ phật lòng, hình như ông ta không để ý thái độ của tôi:

– Kyong-Ju sẽ đi sau, khi mùa xuân tới.

– Không, nhất định là ngày mai. Tôi bướng bỉnh nói, cố tình không chịu giải thích.
– My này, ngày mai nhất thiết em phải đi với tôi. Trong các bạn bè tôi, nhiều người đang cần học tiếng Việt. Tôi đã giới thiệu em với họ. Không tồi đâu nhé, tôi đã tính rồi, em có thể thu nhập thêm năm trăm đô một tháng. Khỏi phải đi rửa bát ở Se-Sil nữa.

Cái tin này khiến vẻ nặng nề trên mặt tôi biến mất. Tôi reo lên, suýt nữa nhảy đến bá cổ Kim. Năm trăm đô, khoản tiền đó sẽ giúp tôi thoát khỏi cảnh sống giật gấu vá vai như bây giờ. Tối hôm ấy, Kim dẫn tôi vào bách hóa lotte mua quần áo và cặp da để chuẩn bị đi làm cô giáo. Tôi vui quá, ngồi ăn sườn nướng với Kim trên tầng năm siêu thị. Trong lúc tôi ăn và nói cười, thì Kim vẫn lầm lì, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn tôi.

Khi chia tay, Kim dặn: "Sáng mai tám giờ em chờ tôi, nhớ nhé".

Về phòng, khi niềm vui đã lắng xuống, bỗng một nỗi day dứt như cắn xé lòng tôi. Có lúc một tiếng nói ranh ma thì thầm bên tai tôi: "Thây kệ, ta cứ nhận, nhận mà không trả, dẫu có đòi cũng không trả, hỏi làm gì được nhau. Mình là con gái, cũng phải lợi dụng chút lợi thế chứ". Rồi bỗng tôi nghĩ tới mẹ, nghĩ tới những lời khấn nguyện của người; tôi đấm ngực, bứt tóc, tiếc rẻ và đau đớn. Đưa tay nhận tiền của Kim hay nhận lấy cơ hội kiếm tiền mà Kim đưa đến thì có khác gì nhau? Tôi đang muốn bứt mình khỏi Kim thì không thể nhận thêm gì của ông ta nữa; nếu không, tôi sẽ tự hóa mình thành con nợ của ông để rồi không thể hẹn trả sang kiếp sau…

Nghiến răng, tôi vứt số tiền năm trăm đô mỗi tháng ra khỏi tâm trí. Sự cố sức làm tôi mệt mỏi, bức bối đến nỗi tôi oà ra khóc, rồi cuối cùng thiếp đi trong cơn nức nở.

Tàu đến ga Kyong-Ju lúc giữa trưa. Thêm hai tiếng đồng hồ nữa tôi mới đến được khu vực có ngôi chùa cổ. Tuyết rơi lấm tấm những hạt nhỏ trong không trung. Những cây phong lá đỏ, những cây ngân hàn lá vàng vào mùa thu giờ đây cũng rụng hết lá, phơi những cành trơ trong cơn mưa bụi tuyết.

Tôi loay hoay mãi muốn tìm gặp ai đó để hỏi đường lên chùa, nhưng chẳng thấy một bóng ai. "Xin Phật tổ và vong linh ông bà phù hộ, hôm nay nếu con kịp đến dâng hương trước bệ Phật, con sẽ thoát khỏi sức cám dỗ của Kim, sẽ không còn bị Kim chi phối nữa, và…" lời nguyền của tôi thầm thì kéo dài, con đường trước mặt cũng càng lúc càng dài ra, dài ra mãi. Tôi càng đi, trời càng chiều, gió rít lạnh trên nền trời ngả xám. Mình liều thật. Tôi nhủ thầm, cố nghiêng người nhìn xuống chân dốc cố tìm có lối đi nào khác không.

"Sạt" một tiếng, viên sỏi nằm dưới tuyết chợt trượt đi dưới chân tôi, sức nặng chiếc ba lô làm tôi chao nghiêng rồi ngã chúi xuống. Bàn chân trái nhói đau, tôi cố đứng dậy, nhưng không sao gượng nổi.

Bỗng nhiên có tiếng còi ô tô, rồi một chiếc xe dừng lại. Tôi quay nhìn, bỗng hét lên một tiếng như thấy ma hiện hình. Chính là Kim! Ông ta không buông tha tôi, vẫn bám riết theo tôi cho đến tận nơi này. Nơi đây, trong hoang vắng, chỉ mỗi mình tôi với ông ta, mà chân tôi lại đang đau như thế này… Tôi thu hết sức bình sinh đứng vụt dậy, chạy đi. Nhưng bàn tay hộ pháp của Kim đã thộp lấy cổ áo tôi. Tôi quay lại, mặt Kim gần sát mặt tôi. Tôi co rúm lại như con cắt nhỏ đang rơi vào móng vuốt con cú mèo hung dữ.

Tôi rẫy mạnh người, chao đi trên triền dốc, Kim lao tới ôm lấy tôi. Tôi nghe tiếng hét của mình nghẹn ngào, kinh hoảng và tuyệt vọng, trước khi thấy trời sập xuống trên thân thể và trên mắt tôi, tối mịt.

Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm trong chăn nệm. Hơi ấm của máy sưởi lan tỏa khắp căn phòng. Một bàn chân tôi bị bó bột cứng đờ không thể nào nhúc nhích. Ở chân giường, Kim đang ngồi. Ông ta vẽ trên xấp giấy trắng.

– Ngốc nghếch. Em đã đi lạc đường. Nếu tôi không cẩn thận lấy ô tô đuổi theo thì em đi đến một năm sau cũng không đến được.

Tôi chưa hết lo âu, nhìn quanh căn phòng. Như hiểu ý, Kim bảo:

– Đây là một bệnh xá ở Kyong-Ju – Ông ta cười, những nếp nhăn đuôi mắt cũng cười theo – Hôm nay tôi đã làm cho em điều tốt thứ một trăm.

Tôi nhớ lại những gì Kim đã làm cho tôi trong hai năm qua. Điều đầu tiên là phủ lên vai tôi một chiếc áo ấm. Điều thứ hai là đem cho tôi một đôi giày để tôi đi vào chặng đời mới ở Seoul. Điều chín mươi chín, một công việc trị giá năm trăm đô một tháng. Điều thứ một trăm, đưa tôi về từ khu rừng sập tối… Có gì mờ ám ẩn náu sau lòng tốt của ông ta?

"Năm ấy tôi đang dạy vẽ ở một trường trung học thì bị đưa sang Việt Nam. Tôi đã ở đó hai năm. Khi nghe tên em, tôi nhớ lại một ngôi làng, tôi đã từng hành quân qua đó".

"Cháu biết. Làng Hà My, quê ngoại của cháu".

Những nếp nhăn ở đuôi mắt Kim lại hiện lên.

"Đó là một kỷ niệm khủng khiếp trong đời tôi. Trong đêm, đạn cứ bắn vãi ra và sáng mai vào làng, tôi thấy những người già và những trẻ em nằm chết. Hơn một trăm người, tất cả đều mở mắt. Ngày hôm sau tôi bỏ về Seoul, ngồi tù hai năm về tội đào ngũ. Tôi chấp nhận vì không muốn làm người lính đánh thuê, chém giết đồng loại. Đầu tôi đau nhức triền miên, không thuốc nào chữa được. Tôi ăn chay và hành thiền từ ngày ấy. Chiến tranh, thật điên rồ, khi người ta ấn vào tay người này một khẩu súng để đem lại cái chết cho người kia và bằng cách đó, hủy hoại cuộc đời cả hai".

Toàn thân tôi run dưới lớp chăn.

"Khi tôi gặp em, một cảm giác gì tràn ngập lòng tôi, như là ý nguyện xám hối. Tôi tự nhủ sẽ làm cho em một trăm việc tốt. Ngày hôm nay xem như tôi đã lần đến hạt thứ một trăm trong chuỗi bồ đề. Thật may, vì chỉ còn hơn mười hôm nữa tôi đã phải sang Anh làm việc. Tôi đã ký một hợp đồng hội họa, giờ thì không thể trì hoãn được nữa".

"Chú Kim, chú sắp rời xa cháu rồi ư?". Tôi cố chống tay nhấc người lên, mắt tôi rớm lệ. Kim dịu dàng: "Đừng khóc, con gái. Hãy vui cho tôi đi, hôm nay lòng tôi thoáng thấy nhẹ nhàng. Tôi vẽ cho em đây này, hãy giữ để nhớ tôi".

Tôi nhìn vào bức vẽ trên tay Kim. Những nét đen mộc mạc mà linh hoạt trên nền trắng. Cũng một chữ quen quen nằm ngay ngắn phía dưới. Giờ đây tôi đã đọc rành chữ Hàn, đủ để nhận ra là chữ "Phật". Nhưng khi nhìn sâu vào bức tranh, tôi ngạc nhiên không thấy Kim vẽ chân dung Phật tổ mà chỉ thấy hình ảnh rừng Kyong-Ju mênh mông, với những hoa cỏ mộc hồn nhiên bên nhau không oán thù.