Trang chủ Văn hóa Phật Pháp Vân – Hiện thân của người mẹ Việt

Phật Pháp Vân – Hiện thân của người mẹ Việt

126

Trong quá trình bản địa hoá Phật giáo, nếu yếu tố thần, Bụt trong thần thoại là biểu hiện cho khát vọng hạnh phúc của con người thì yếu tố thần, Bụt trong đạo Phật là quá trình con người có thể trở thành. Khi thần bước sang giai đoạn xác nhận được giới tính (nam thần, nữ thần…) như trong thần thoại đã miêu tả thì cũng là lúc cuộc gặp gỡ đầy khoan dung trong lịch sử giữa con người và thần diễn ra. Và kể từ khi đạo Phật xuất hiện trên quê hương Việt Nam, những phẩm chất Phật được hoá thân thông qua hình tướng con người đã mang đến cho người dân bản địa cách nhìn nhận hoàn toàn mới về thế giới. Đó chính là con người có thể nỗ lực tu luyện, khắc phục những giới hạn của bản thân để trở thành Phật. Có thể nói, khi Sĩ Nhiếp cho xây chùa và tạo tượng Phật Pháp Vân là lúc cả dân tộc tôn vinh người mẹ lên ngôi vị Phật Bà.

Kể từ đó, con người đã chuyển sự chú ý từ nhiên thần sang nhân thần, đồng thời lấy con người làm trung tâm cho tất cả những khát vọng và mơ ước trong đời sống. Và vì vậy, khi tiếp thu Phật giáo, vị thế con người ngày càng được nâng cao, tạo tiền đề cho các thế kỷ theo khẳng định rõ nét hơn quan niệm “tức tâm tức Phật”. Chính vì điều này mà trong Cổ châu Pháp Vân Phật bản hạnh cho rằng Man Nương là Phật Mẫu thị hiện làm con người nên có sẵn trong mình những phẩm chất giác ngộ và quyền năng vô biên. Có thể nhận thấy, việc Man Nương thị hiện trong thân người nữ (mà sau này trở thành Phật Bà) là quan niệm không mới trong kinh điển Phật giáo nhưng rất mới với người Việt.

Và trong kỷ nguyên dân tộc đang nỗ lực đấu tranh giành độc lập, chống lại chính sách nô dịch văn hoá của nhà Hán thì sự xuất hiện của Phật Pháp Vân càng trở nên có ý nghĩa. Ý nghĩa không chỉ ở việc lý luận nhận thức mà còn từ đó quy tụ các yếu tố tín ngưỡng bản địa và địa hạt Phật giáo. Đồng thời lấy Phật giáo làm nền tảng văn hoá quan trọng để đối kháng với văn hoá Trung Hoa, cụ thể là Nho giáo và thuyết trung tâm. Bên cạnh đó, tư tưởng trọng nam khinh nữ đã đi theo tiếng vó ngựa xâm lăng tràn vào nước ta. Trong hoàn cảnh ấy, Phật giáo chính là sự lựa chọn tốt nhất của cả dân tộc. Thuyết bình đẳng mà Phật giáo mang đến đã nhanh chóng xoá đi cái mặc cảm “man di”, để người Việt có thể ngẩng cao đầu trên lộ trình sáng tạo một nền văn hoá đậm chất nhân văn và trí tuệ.

Nếu như mỗi lần chiếc trống đồng được đúc ra, phụ nữ là người vinh dự đánh tiếng trống đầu tiên ấy thì sự xuất hiện của Phật Pháp Vân là mạch nguồn trong dòng chảy ý thức sáng tạo văn hoá. Người Việt đã tôn vinh người phụ nữ bằng hình ảnh Phật Bà vừa thiêng liêng vừa gần gũi, vừa phổ độ, phù trì, vừa thiết tha yêu nước, thương dân. Do đó, sự phối hợp mầu nhiệm tất yếu phải diễn ra giữa Phật giáo và dân tộc. Suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, cả hai đã không ngừng truyền cho nhau sức sống. Lẽ dĩ nhiên, việc hình thành một nền tảng tâm linh của dân tộc là vô cùng cần thiết. Bằng nụ cười từ bi, thân thiện, Phật giáo nhanh chóng trở thành tôn giáo bản địa ngay từ cái nhìn đầu tiên của dân tộc. Giáo sư Cao Huy Đỉnh viết: “Những nữ thần thị tộc: bà Dâu, bà Đậu, bà Dàn là biểu tượng của những lực lượng thiên nhiên như mưa, gió, sấm, sét ở trong thần thoại cổ của người Việt đã trở thành Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. Nhân dân lại suy tôn một cô gái làng Dâu mà người nước ngoài hồi đó quen gọi là Man Nương đã có công chống hạn, đem nước suối vào ruộng cho dân cấy lúa, làm Phật Bà đầu tiên của đạo Phật Việt Nam. Từ đó bà mẹ Việt, cô gái Việt được coi như là hiện thân trong sáng nhất của Đấng Từ bi (…). Hội tắm Phật hay hội Mẹ Tổ mồng tám tháng Tư bắt đầu có từ đó. Và “Mẹ ta hoa Phật” chắc hẳn cũng được truyền ngôn từ đó…” (Bộ ba tác phẩm nhận giải thưởng Hồ Chí Minh, NXB Văn Hoá Thông Tin, 1996, tr.41). Nếu như nền văn hoá bản địa lúc đầu con manh mún chưa có đủ cơ sở để đối kháng với văn hoá Hán thì Phật giáo buổi ban đầu đã trở thành điểm hội tụ văn hoá, tạo nên sức mạnh trên cả hai bình diện tâm linh và lý luận nhận thức.

Cho nên, ngay từ thời Hùng Vương, các nhà lãnh đạo đã xác quyết: “Người không kể tôn ti, phải mang kinh năm giới mười lành, dùng làm chính sách của nước”, hay “Hễ bỏ nết hạnh của Phật pháp mà đi làm chuyện tà ngụy của quỷ yêu thì chuyện mất nước nhất định sẽ xảy ra”. Và cách tiếp nhận năm giới ngay từ buổi đầu Phật giáo du nhập vào nước ta đã mang đến những phương thức ứng xử mẫu mực, thể hiện đầy đủ trình độ văn hoá của dân tộc Việt: “Lấy năm giới làm trị chính, không hại nhân dân: một là nhân từ không giết, ơn tới quần sinh; hai là thanh nhường không trộm, quên mình cứu người; ba là tinh khiết không dâm, không phạm các dục; bốn là thành tín không dối, lời không hoa sức; năm là giữ hiếu không say, nết không dơ dáy” (Theo Lê Mạnh Thát, Lịh sử Phật giáo Việt Nam, tập 1, NXB Thuận Hoá, 1999, tr.90; 91).

Hệ thống Tứ Pháp ra đời là bước dung hội đầy đủ của Phật giáo và dân tộc. Vì vậy, Phật Pháp Vân không chỉ là điểm tựa tâm linh mà còn cụ thể hoá thành sức mạnh đối kháng về văn hoá và quân sự với phương Bắc. Phật Pháp Vân không ngừng giữ vị trí quan trọng trong đời sống xã hội, tâm linh của người Việt, ngài vừa là cứu tinh của mùa màng, vừa nuôi dưỡng khát vọng no đủ thuần thiện, vừa là nguồn sức mạnh vô biên để nhân dân tin tưởng chống lại kẻ thù xâm lược. Trải qua bao cuộc kháng chiến vẻ vang của dân tộc, đến tận thời Hậu Lê (thế kỷ XV), những chiến thắng oanh liệt mà quân dân nhà Lê đã lập nên cũng không làm mờ được vị thế của Phật Pháp Vân trong lòng dân tộc. Vì thế, trong Hồng Đức quốc âm thi tập, vua Lê Thánh Tông đã xưng tụng và ngợi ca Phật Pháp Vân rằng:

Dậy đức thần cơ chí mở mang,

Công thu thu vẹn chính triều cương.

Kính bày dờn dợn đồ khuê bích,

Gìn giữ khăng khăng chốn [thái?] thường.

Nhờ phúc trùng trùng so địa hậu,

Tưởng ơn dặc dặc sánh thiên trường.

Tỉnh phù thế nước dường như tại,

Thăm thẳm cao trông nữa thái dương.

Khi được bản địa hoá, Phật Pháp Vân trở thành điểm nhấn của sáng tạo trên cơ sở của nền văn hoá nông nghiệp và lòng phục vụ nhân dân. Hạn chế được tính chất “vui buồn thất thường” của hệ thống thần bản địa.

Cũng từ hình tượng Phật Pháp Vân mà càng về sau nhân dân càng đặt niềm tin vào đạo Phật, nên họ có thể mường tượng ra “Tiếng chuông kêu ba xứ, bóng tháp ngả trùm đồng”, “Đất vua chùa làng phong cảnh Bụt”…

Có thể nói, chưa lúc nào, sự khẳng định và niềm tin yêu của nhân dân trong lịch sử lại dành cho đạo Phật một vị trí cao như thế. Ngoài ra, hệ thống Tử Pháp và các lễ hội văn hoá Phật giáo còn cho ta hình dung đầy đủ về nền văn hoá, nghệ thuật dân tộc suốt nhiều thế kỷ. Và Phật Pháp Vân vẫn là điểm hội tụ tâm linh trong ý thức tôn vinh phẩm chất công hạnh của người mẹ Việt, của nền văn hoá dân tộc, nên nhân dân đã ví von một cách gần gũi, thân thương rằng: “Mẹ ta hoa Phật”. Việc tạo ra hình tưọng Phật Pháp Vân không khó, cho dù có lúc cây gỗ để tạo tượng đao búa không thể đẽo gọt. Song tạo ra hình tượng tâm linh Phật Bà Pháp Vân trong dáng dấp người mẹ Việt thì muôn đời là sáng tạo bất hủ của dân tộc Việt Nam.