Trang chủ Diễn đàn Phúc đáp 1 vị Thượng tọa ở Úc – Bài 1: Bàn...

Phúc đáp 1 vị Thượng tọa ở Úc – Bài 1: Bàn về giáo hội thực quyền

91

1. Vừa qua, trên hộp thư điện tử email, tôi có nhận được một bức thư rất dài của một vị thượng tọa ở Úc gửi cho tôi, với tên tôi được ghi rõ trên phần đầu bức thư, ở vị trí người nhận. Tuy nhiên, đây không phải thư riêng, vì đồng thời được gởi đến các địa chỉ email khác, như một bài viết phổ biến rộng rãi.

Do bức thư đề cập đến nhiều vấn đề khá quan trọng của Phật giáo Việt Nam, liên hệ đến nội dung các bài viết của tôi, và được phổ biến rộng rãi, nên tôi xin phép được kính trả lời thượng tọa bằng hình thức bài viết. Tôi xin đề cập đến những vấn đề mà thượng tọa nêu trong thư ở các bài viết riêng rẽ nối tiếp. Vì lý do tế nhị, tôi cũng xin không trực tiếp nêu pháp danh thượng tọa. Kính mong thượng tọa chia sẻ.

2.    Tôi cũng xin bày tỏ lời cảm ơn, vì thượng tọa có quan tâm xem đến những bài viết của tôi, và thẳng thắn có ý kiến trao đổi lại. Thực sự, đối với tôi đó là sự khích lệ quý báu. Tôi kính mong được thượng tọa tiếp tục đọc bài viết, gửi thư hay viết bài thể hiện ý kiến nói rõ đồng tình hay phản bác, đi sâu vào nội dung chi tiết. Tôi nghĩ là cùng nhau trao đổi ý kiến về những vấn đề Phật pháp, cũng như việc ứng dụng Phật pháp trong cuộc sống, luôn là điều bổ ích, có lợi cho sự nghiệp hoằng pháp.

3.    Trong thư này tôi xin trao đổi ý kiến về ý chính trong lá thư của thượng tọa “Muốn xây dựng một GH có thật quyền: chống trái lại giáo lý PP…”.
Hai từ viết tắt “GH” và “PP”, tôi hiểu là “giáo hội” và “Phật pháp”. Đây quả thực là một vấn đề quan trọng liên hệ đến việc phát triển, thậm chí tồn vong của Phật pháp.

4.    Tôi xin phép có ý kiến khác biệt với thượng tọa ngay trong tiêu đề bức thư. Nếu nói rằng “Muốn xây dựng một GH có thật quyền: chống trái lại giáo lý PP…”.

Như vậy, lẽ nào đúng với giáo lý Phật giáo, thì phải xây dựng một giáo hội không có thật quyền? Có nghĩa là tìm kiếm một giáo hội suy yếu, bạc nhược. Quyền ở đây hiểu là quyền lực (power) hay sức mạnh (strength). Một tổ chức tôn giáo không có quyền lực, không có sức mạnh, thì tôn giáo đó ắt không thể là một tôn giáo mạnh mẽ, phát triển hưng thịnh, mà chỉ có thể là một tôn giáo suy nhược, yếu kém, tiêu vong, không còn sức sống.

Không thể hình dung một tôn giáo mạnh phát triển, mà tổ chức tôn giáo không có thật quyền, nói vắn tắt là không có quyền, mà nếu có chỉ là quyền giả, quyền ảo (không có thật).

Một tôn giáo mạnh mẽ, hưng thịnh luôn tiến triển phải là tôn giáo có tổ chức mạnh, có thức quyền, dù là có thể có nhiều hình thức tổ chức giáo hội. Nhưng dù với hình thức tổ chức nào, thì tổ chức đó cũng phải mạnh. Mưu tìm một tổ chức tôn giáo không thật quyền suy nhược, yếu kém, là tư duy tự sát tôn giáo.

5.    Phật giáo có hình thức giáo hội mẫu, là tổ tức giáo hội thời Đức Phật. Giá trị của tổ chức Phật giáo thời Đức Phật là hiển nhiên. Không thể nói đạo Phật là một tôn giáo không tổ chức, ngay từ thời đức Phật không có giáo hội. Tổ chức Phật giáo thời Đức Phật là một tổ chức tập quyền rất mạnh, trong đó Đức Phật nắm thật quyền lãnh đạo tối cao. Đức Phật đồng thời nắm các quyền:

–    Lãnh đạo, điều hành tổ chức gồm nhân sự 4 thành phần xác định (có thể coi là nắm hành pháp).

–    Đề ra giáo pháp, lề luật sinh hoạt, những điều ngăn cấm đối với 4 thành phần trong tổ chức (có thể coi là quyền lập pháp).

–    Có ý kiến quyết định và sau cùng trong việc phân xử những lỗi vi phạm, những tranh chấp (có thể coi là quyền tư pháp).

Như vậy, tổ chức Phật giáo đầu tiên thời Đức Phật hiện tiền là một tổ chức tập quyền cao độ, với thật quyền tập trung vào Đức Phật. Đức Phật là lãnh đạo tối cao của hội chúng “Pháp vương vô thượng tôn”. Tất nhiên, hội chúng tập quyền tuyệt đối vào người lãnh đạo cao nhất “vô thượng tôn”, “pháp vương” cũng phải là một hội chúng có thật quyền, một tổ chức mạnh, có nhiều ảnh hưởng đối nội, đối ngoại.

Mô hình giáo hội này kết thúc khi người lãnh đạo có quyền lực tối cao từ trần, để lại một lỗ hỏng quyền lực lớn. Thời gian kể từ khi Đức Phật nhập diệt là thời kỳ Phật giáo mất dần quyền lực, là thời kỳ bắt đầu sự phân hóa, chia rẽ, tức là thời kỳ suy yếu (đối lập với thời kỳ có thật quyền).

Từ đó, phát sinh ra nhiều hình thức tổ chức Phật giáo khác nhau liên kết tu sĩ và tín đồ. Trong đó, có hình thức nhà lãnh đạo Phật giáo nắm luôn quyền lãnh đạo nhà nước, như ở Tây Tạng, và phần nào ở Mông Cổ. Đó là một hình thức tổ chức Phật giáo tập quyền rất mạnh.

Sơn môn, pháp phái là một hình thức tổ chức Phật giáo, liên kết tu sĩ, tín đồ nghĩa là Phật giáo vẫn có giáo hội dưới những hình thức riêng, phân tán. Đó vẫn là những tổ chức có thật quyền, có sức mạnh, có ảnh hưởng.

Quyền lực có thể được hiểu là có ảnh hưởng, có tác động. Có ảnh hưởng, có tác động đối với thành viên, đối với xã hội, là có thật quyền. Ảnh hưởng của một tập thể, hay một cá nhân đối với một tập thể hay một cá nhân khác là việc có mặt, việc tính đến cá nhân hay tập thể tạo ảnh hưởng (tức có quyền lực) trên tư duy và quyết định của các cá nhân và tập thể chịu ảnh hưởng, chịu tác tác động của quyền lực.

Phật giáo có thể có nhiều hình thức tổ chức, nhưng nhất định phải có thật quyền, có quyền lực, có ảnh hưởng. Nếu không có thật quyền, không có ảnh hưởng, thì Phật giáo với nhiều hình thức tổ chức, liên kết tu sĩ, tín đồ không còn tồn tại tới ngày nay, hay chỉ là những dạng tồn tại suy yếu, què quặt, kiệt quệ, không có sức sống, không còn khả năng sống.

Trong lịch sử Việt Nam, ảnh hưởng của thiền phái Trúc Lâm thực chất là ảnh hưởng của một tập thể liên kết có thật quyền lên toàn xã hội Việt Nam thời bấy giờ. Bỏ đi thật quyền, Phật giáo thiền phái Trúc Lâm (một hình thức giáo hội) còn có vai trò gì, ảnh hưởng gì trong lịch sử Việt Nam.

Vì vậy, xây dựng các tổ chức Phật giáo có thật quyền là một mục tiêu khách quan và đương nhiên, phù hợp với giáo lý Phật giáo, và điều đã diễn ra từ thời đức Phật tại thế. Chỉ có thật quyền thì các tập thể Phật giáo mới tạo được ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội, mới có thể hoằng pháp lợi sinh. Tập thể, tổ chức Phật giáo, dù dưới hình thức nào, mà không có thật quyền, tất yếu sẽ rơi vào tình trạng suy sụp, thoái hóa, yếu kém, kiệt quệ, diễn biến đến tiêu vong.

6.    Vấn đề đặt ra ở đây là nhận thức đúng đắn về thật quyền, về nhu cầu của thật quyền. Không có thật quyền, thì bất kỳ một tập thể hay cá nhân nào, cũng bị bỏ ra bên lề xã hội, không ảnh hưởng được tới ai, không đáng được nói đến, là một dạng của sự không tồn tại

(còn tiếp)

MT

Thông tin riêng: [email protected] hoặc www.facebook.com/cusiminhthanh