Trang chủ Diễn đàn Phúc đáp 1 vị Thượng tọa ở Úc – Bài 3: Hậu...

Phúc đáp 1 vị Thượng tọa ở Úc – Bài 3: Hậu quả của không có thực quyền

98

1)    Vấn đề sơn môn pháp phái

Hiện nay, cả trong nước lẫn ngoài nước, vẫn có những tiếng nói hướng Phật giáo về lại hình thức sơn môn pháp phái, mà theo chỗ tôi hiểu, là trở về với hình thái tổ chức Phật giáo duy nhất trước thời kỳ chấn hưng Phật giáo, tức là vào khoảng trước thế kỷ XX.

Chúng tôi nghĩ rằng đây là một dạng tư duy thụt lùi, có tính chất tiêu cực, và tất nhiên có hại cho sự đoàn kết Phật giáo.

Trong Phật giáo luôn có 2 xu hướng ly giáo và hợp giáo song hành. Tùy thời kỳ mà có ly, có hợp. Nhưng về cơ bản, ly giáo, tức phân mảnh quyền lực, chia tách hệ phái, vẫn là xu thế tiêu cực, không có lợi cho sự đoàn kết Phật giáo.

Hiện tượng ly giáo có ngay từ thời Đức Phật, với hành động của Đề Bà Đạt Đa. Đề Bà Đạt Đa đã tiến hành ly giáo đến đỉnh điểm, lập tăng đoàn, phân phái riêng, phủ nhận quyền lãnh đạo của Đức Phật và đưa hành vi này tiến đến cực điểm: nhiều lần tổ chức ám sát Đức Phật để lên làm Phật nhưng bất thành.

Cách giải quyết của Đức Phật khi đó là tái thống nhất tăng chúng làm một, coi ly giáo là phi pháp, đã thể hiện rõ quan điểm của Đức Phật về ly giáo. Trước sau như một, Đức Phật không chấp nhận sự chia rẽ trong tứ chúng, dù là bất cứ hình thức nào.

Như vậy, nói phân phái Phật giáo, dù bắt nguồn từ nguyên nhân nào đi nữa, có đem lại lợi ích nào đi nữa trong thực tế, khi tham chiếu quan điểm của Đức Phật về sự ly giáo, phân phái trong lúc ngài hiện tiền, thì vẫn là một việc đáng tiếc và trái với ý Phật.

Như vậy, căn cứ vào kinh điển, tôi cho rằng không phải  xây dựng một giáo hội có thật quyền, đoàn kết, thống nhất là chống trái với ý Phật, mà trái lại ly giáo, phân phái, chia rẽ mới trái với ý Phật. Điều căn cứ vào kinh điển này là rõ ràng, hiển nhiên không thể tranh cãi.

Thời Phật tại thế, người ta còn tổ chức được việc ly giáo, phân mảnh tăng đoàn, mưu toan ám sát giáo chủ, lật đổ Đức Phật thì sau khi Đức Phật viên tịch, việc ly giáo, phân phái sẽ là điều không tránh khỏi, thậm chí các sơn môn pháp phái tự viện mâu thuẫn, bài xích xung đột với nhau.

Không biết thực hư ra sao mà đã có tác giả ngoại đạo nhạo báng việc này. Giám mục Nguyễn Thái Hợp, trong quyển “Đường vào thần học về tôn giáo”, Bản do Định hướng tùng thư phổ biến trên internet, phần “Thái độ bất bao dung”, trang 21, viết: “Ngoài ra, cũng không thiếu cảnh các tăng sĩ xách thiền trượng đánh bể đầu, nát xác môn sinh của các giáo phái đối lập! Nếu như chưa thể kiểm chứng được câu chuyện các tăng sĩ Thiếu Lâm tự đi hành hiệp giang hồ, thì ở Nhật chuyện Phật giáo vũ trang là một thực tại lịch sử. Thật vậy, ở thời trung cổ, tại Nhật Bản, tăng sĩ chia thành nhiều phe phái, võ trang đầy đủ y hệt như các vị Samourai. “Đạo tăng binh của các chùa lớn có thể lên tới một hay nhiều trung đoàn, bởi thế họ tung quân đánh nhau, chùa này đánh chùa kia, và dĩ nhiên vị shogun địa phương nào không khéo hòa giải với chùa, cũng bị đạo binh này đánh cho thất điên bát đảo (…). Hiện tượng tăng binh này chỉ chấm dứt khi một chùa nọ mạnh đến độ mang quân về uy hiếp thủ đô Kyoto, mưu sự nghiệp bá vương. Các lãnh chúa phàm tục khác phải đi một đường bát quốc liên quân mới dẹp yên dần dần các đạo tăng binh này”.

Cho dù ngày nay không có cấp độ xung đột đỉnh cao, nhưng sự ly giáo, phân phái Phật giáo thể hiện ở cấp khác biệt ý kiến, thậm chí phê phán lẫn nhau, vẫn là một điều đáng tiếc trong Phật giáo.

Theo chúng tôi, sự ly giáo, phân phái Phật giáo nếu không do hoàn cảnh khách quan chi phối, thì một trong những nguyên nhân quan trọng là do sự khủng hoảng trong tăng bảo. Các nhà lãnh đạo Phật giáo đã không đủ năng lực nhiếp phục tuyệt đối tăng đoàn thì một trong những hệ quả tất yếu là ly giáo, phân phái.

Mà hễ xảy ra ly giáo phân phái thì có nghĩa là sự phân mảnh thật quyền. Phân mảnh thật quyền lãnh đạo Phật giáo tác động ngay trở lại các nhà lãnh đạo Phật giáo. Đó là sự giải quyền lực, suy giảm quyền lực trong cương vị lãnh đạo.

Đối với Phật giáo Việt Nam, sự phân chia sơn môn pháp phái đã hiện rõ những tiêu cực vào đầu thế kỷ XX, khi Phật giáo Việt Nam rơi xuống tận đáy cuộc khủng hoảng suy thoái.

Khi đó, những mối liên kết bên trong của Phật giáo Việt Nam đã xuống đến mức thấp nhất, cắt rời các tự viện, tu sĩ và tín đồ bằng những lát cắt sơn môn pháp phái chồng chéo lên nhau. Thực tế, đó là từng mảnh Phật giáo chia rẽ.

Những tu sĩ và tín đồ khởi xướng chấn hưng Phật giáo đều nhận thức rằng nếu không có được phương thức tổ chức liên kết thích hợp, vượt lên trên liên kết sơn môn pháp phái đã có, thì không hy vọng gì chấn hưng Phật giáo.

Vì vậy, các tổ chức Phật giáo theo hình thức liên kết mới, hiệp hội rồi giáo hội tăng già, bên cạnh liên kết sơn môn pháp phái đã lần lượt ra đời ở cả 3 miền. Thực chất, đó là một tiến trình tập quyền mới trong Phật giáo Việt Nam. Tiến trình đó hình thành từ đầu thế kỷ XX, đạt được kết quả đầu tiên vào khoảng thập niên 1930-1940, và đạt đỉnh cao ở miền Nam từ giữa năm 1963 với Ủy ban Liên phái, đến tháng 1/1964, với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Quá trình này là quá trình tập quyền nối tiếp các tầng nấc liên tục lên cao của Phật giáo Việt Nam. Đây cũng là quá trình từng bước xóa nhòa sự chia cắt theo ranh giới sơn môn pháp phái. Trong quá trình này của Phật giáo Việt Nam, mức độ tập quyền gia tăng tỷ lệ thuận với mức độ đoàn kết.

2)    Giải tập quyền và chia rẽ trong Phật giáo miền Nam Việt Nam

Sau đỉnh cao đoàn kết và tập quyền vào năm 1964, Phật giáo miền Nam Việt Nam đã lún sâu vào con đường chia rẽ, và đồng hành với chia rẽ là giải tập quyền, là phi thực quyền. Diễn tiến hiện trạng này là một thực tế lịch sử cũng rất hiển nhiên, không thể tranh cãi. Giải tập quyền và chia rẽ trong Phật giáo miền Nam tác động tương hỗ với nhau.

Đó là khi các nhà lãnh đạo Phật giáo miền Nam Việt Nam không thấy được giá trị của tập quyền, của quyền chung, mà chỉ thấy giá trị của quyền cục bộ, quyền riêng rẽ, quyền phân mảnh. Không còn thấy giá trị của tập quyền, không thể thực hiện thực chất tập quyền, nhưng không thể phủ nhận hoàn toàn lẫn nhau, điều đó đã đưa đến sự phân mảnh liên kết mong manh Phật giáo miền Nam Việt Nam. Một quá trình đại phân hóa, đại tùng xẻo bắt đầu với sự ly khai của Hội Phật học Nam Việt, sự phân hóa Ấn Quang/Việt Nam Quốc Tự, sự tách rời của Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam.

Sự tan vỡ tập quyền, phân mảnh thực quyền trong nội bộ Phật giáo miền Nam Việt Nam diễn tiến tiêu cực theo hướng không chỉ theo hướng phân hóa, cắt rời, mà còn là mâu thuẫn xung đột, thậm chí đổ máu. Đây là bài học xương máu của sự phân quyền, phá vỡ tập quyền. Nếu đâu đó người ngoại đạo có sự bình phẩm như kiểu ở trên nhằm vào Phật giáo miền Nam Việt Nam hiện đại thì cũng phải chấp nhận sự thật đó. Quá trình phân hóa phá vỡ tập quyền 1965 -1975 của Phật giáo miền Nam Việt Nam quả là có màu sắc sơn môn pháp phái bên cạnh màu sắc chính trị.

Đặc biệt, thảm cảnh nồi da xáo thịt Ấn Quang/Việt Nam Quốc Tự vẫn còn là bài học lớn cho kiểu tư duy sẵn sàng hy sinh tập quyền và đoàn kết cho những giá trị cục bộ. Đúng là trong cuộc phân ly đó của Phật giáo miền Nam Việt Nam, thật quyền do sự đoàn kết mà có được đã bị phá vỡ tan nát. Vì vậy, khi kêu gọi giải thật quyền đối với Phật giáo Việt Nam trước hết nên nghĩ đến bài học lịch sử này.

Đã dự vào cuộc đại triệt quyền đó của Phật giáo miền Nam Việt Nam thì không thể nói có ai là đúng cả. Không có bên nào là không sai! Nếu có ai đó, bên nào đó được lợi, thì thiệt hại lớn nhất Phật giáo Việt Nam vẫn phải gánh lấy. Những giáo hội Phật giáo dù là bên nào, cũng teo tóp lại, như một thiết kế từ những tôn giáo nào đó. Phật giáo miền Nam Việt Nam lùi lại một đoạn đường khá dài sau đỉnh cao tháng 1/1964.

Như một lời phúc đáp gửi đến vị thượng tọa ở Úc, tôi đề nghị thầy bình luận quá trình lịch sử này bằng tư duy tự triệt thật quyền của Phật giáo Việt Nam, đưa Phật giáo Việt Nam về về lằn ranh sơn môn pháp phái.

MT

Thông tin riêng: [email protected] hoặc www.facebook.com/cusiminhthanh