Trang chủ Diễn đàn Chấn hưng Phật giáo Phục hồi chùa ở Nghệ An – Niềm vui chung của cả...

Phục hồi chùa ở Nghệ An – Niềm vui chung của cả nước

91

Mới đây, Phattuvietnam.net đưa tin chùa Ân Hậu, một ngôi chùa cổ ở thành phố Vinh, Nghệ An được phục hồi, Đại đức Thích Minh Trí, một vị tăng sĩ đã du học ở nhiều nước, đảm đương công việc trụ trì.

Thêm một ngôi chùa là thêm một niềm vui cho Phật giáo. Nhưng đối với chùa Ân Hậu, Nghệ An, ý nghĩa của sự kiện không chỉ giới hạn trong phạm vi Phật giáo.

Bản tin đăng trên Phattuvietnam.net đã nêu bật ý nghĩa của việc phục hồi ngôi chùa đối với Phật giáo Nghệ An nói riêng, Phật giáo Việt Nam nói chung.

Bài viết này tìm hiểu ý nghĩa sự kiện phục hồi chùa Ân Hậu trong mối quan hệ Phật giáo với đất nước.

Trong nhiều thế kỷ, đặc biệt là giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, sự suy yếu của Phật giáo Việt Nam, nhất là trong bối cảnh đất nước bị thực dân Pháp xâm chiếm, đã dẫn đến tình trạng ở một số địa phương Phật giáo biến mất hoàn toàn, thay vào đó là một tôn giáo được người Pháp đưa vào.

Ở những vùng không còn tín đồ Phật giáo, hoặc Phật giáo trở thành tôn giáo thiểu số, tôn giáo mới chiếm đa số tuyệt đối, hoặc có thể có nơi lên đến 100%, đã hình thành những “ốc đảo tôn giáo”. Các “ốc đảo tôn giáo” này được xác định rõ ràng bằng đơn vị phân cấp tôn giáo riêng của nội bộ tôn giáo, tách biệt với đơn vị hành chánh lúc đó hoặc theo truyền thống.

Tại Nam Bộ, một số tôn giáo bản địa mới thành lập cũng hình thành một số “ốc đảo tôn giáo” tại Đông Nam Bộ và vùng ven sông Hậu. Tất nhiên, ở những nơi này, Phật giáo cũng trở thành thiểu số.

Mặt tiêu cực của những “ốc đảo tôn giáo” như vậy tại nước ta đã bộc lộ rõ trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954). Người Pháp, vốn quen với tư duy “chia để trị”, triệt để khai thác sự tồn tại của các “ốc đảo tôn giáo” này. Nhiều “ốc đảo tôn giáo” có quân đội bảo vệ riêng, hình thành những lãnh địa cát cứ.

Tại miền Nam, mãi đến năm 1974 – 1975, vấn đề lãnh địa tôn giáo vẫn còn. Chính quyền Sài Gòn cũng đã phải vất vả liên tục giải quyết tình trạng “ốc đảo tôn giáo” này.

Trên thế giới, những “ốc đảo tôn giáo”, lãnh địa tôn giáo cũng bộc lộ mặt tiêu cực của nó, là nguyên nhân dẫn đến bất ổn, thậm chí xung đột, chiến tranh.

Tất nhiên, tránh được tình trạng “ốc đảo tôn giáo”, tín đồ các tôn giáo sống đan xen với nhau, dù có khác biệt về số lượng tín đồ, thì mặt tiêu cực của những “ốc đảo tôn giáo” sẽ được hạn chế.

Phật giáo, từ xưa đến nay, vẫn giữ truyền thống dung hòa với các tôn giáo, đặc biệt là tôn giáo bản địa có trước khi Phật giáo truyền đến. Phật giáo không hề có “chiến lược” cải đạo, giành giật tín đồ. Phật giáo Việt Nam cũng thế.

Nhưng xét về trách nhiệm đối với sự đoàn kết thống nhất đất nước, dự suy yếu của Phật giáo Việt Nam đã trực tiếp đưa đến tình trạng “ốc đảo tôn giáo”.

Để giải quyết vấn đề “ốc đảo tôn giáo”, tất yếu phải yêu cầu Phật giáo Việt Nam sự tích cực hơn nữa.

Nghệ An là tỉnh mà vai trò Phật giáo hiện nay còn mờ nhạt (cụ thể nơi đây chưa thành lập được Tỉnh hội Phật giáo, chưa có Ban Trị sự, cả tỉnh chỉ có 1-2 vị sư). Trong hoàn cảnh như vậy, việc phục hồi một ngôi chùa có truyền thống lịch sử 700 năm, được một tăng sĩ  đã từng học đạo ở Tây Tạng, Bắc Ấn…về trụ trì, thì đây thực sự là một đóng góp tích cực của Phật giáo Việt Nam.

Sự phát triển hài hóa, đoàn kết giữa các tôn giáo trong một địa bàn không chỉ là đóng góp  cho đất nước, xã hội, mà còn là lợi ích của chính các tôn giáo.

Hoạt động tu học ở nơi chùa mới được phục hồi, số Phật tử tất nhiên là thiểu số, chắc chắn là khó khăn hơn rất nhiều so với Hà Nội, nơi việc hoằng hóa đi vào ổn định, Phật tử đông đảo. Ở đây, chúng ta trân trọng ghi nhận sự cố gắng và tận tụy của đại đức trụ trì.

Sự phục hồi chùa Ân Hậu tại Nghệ An đánh dấu việc mở đầu sự phát triển tôn giáo hài hòa tại địa phương này. Một mô hình như vậy cũng rất cần thiết đối với nhiều nơi khác trên cả nước.

MT