Trang chủ Diễn đàn Quốc lễ Phật đản 2008: Cơn mưa pháp lớn nhất trong lịch...

Quốc lễ Phật đản 2008: Cơn mưa pháp lớn nhất trong lịch sử PGVN

323

Toàn thể quốc lễ Phật Đản năm nay đã trở thành một bản đại hợp xướng thuyết pháp hùng tráng, một trường khúc hoằng pháp tráng lệ, sâu sắc, làm rung động hàng chục triệu con người, tưới mát hàng chục triệu trái tim khát khao chân thiện mỹ.


Chưa bao giờ giáo pháp vi diệu, hoàn hảo của Đức Phật Thìch Ca Mâu Ni đã có một cơ hội đựơc rao giảng rộng lớn như thế, hùng mạnh như thế, cảm động như thế. Tất cả, từ hàng triệu lá cờ Phật giáo ngũ sắc, từ lời kinh cầu nguyện, qua những bài diễn văn chính luận, những bài tham luận Phật pháp, đến những chương trình văn nghệ hoành tráng, những đoàn xe hoa, thuyền hoa, hai chục ngàn ngọn nến bừng sáng ở Mỹ Đình, 100.000 chiếc đèn hoa sen trên hồ Xuân Hương ở Đà Lạt, trên sông Hương ở Huế, trên sông Kỳ Cùng ở Lạng Sơn, ở Phú Yên và nhiều nơi khác và cả những pháo bông trên đất trời phương Nam, tại Trung Tâm Du Lịch Văn Hóa Đại Nam ở Bình Dương, và vô số những cảnh  chào mừng Phật Đản khác, vô số những điều kỳ diệu khác… tất cả đã trở thành một vũ khúc kỳ ảo, quyến rũ, hy hữu, chưa từng có, đánh thức bản tính thiện lành, giác ngộ có sẵn trong mỗi con người, đưa tâm thức dân tộc lên cao, và báo hiệu một thời kỳ thăng hoa của đất nước.


Tất cả những gì đã xẩy ra  trong quốc lễ Phật Đản, ở tất cả mọi nơi quê hương, đã trở thành một bài thuyết pháp, có lời và không lời, vô cùng rộng lớn, vô cùng hùng biện, vô cùng sâu sắc, vô cùng thuyết phục. Tiếng nói của trận mưa pháp vĩ đại này, thông điệp  trí tuệ, từ bi, đơn giản nhưng thu hút của Đức Phật, nhờ những phương tiện truyền thông đại chúng, đã hiện ra trước mặt của hàng chục triệu người Việt.


Nhân dân Việt Nam, đặc biệt là ở miền Bắc, hàng triệu người, lần đầu tiên, đã đựơc thấy, đựơc nghe, và đựơc cảm ứng bởi hình ảnh cao thượng, nhân bản của Đức Phật và  bởi giáo pháp vi diệu, hoàn hảo và cũng rất thực tế, rất dễ áp dụng trong cuộc sống hàng ngày.



Dân tộc ta đã thức dậy trong ánh đạo vàng cứu khổ, cứu nạn của Phật giáo, dân tộc ta đã được tắm gội trong dòng sông tươi mát của một giáo lý mầu nhiệm, đầy tính tự do, bình đẳng, nhân từ, khoan dung và giác ngộ của Đức Phật.


Năng lực tu tập và tấm lòng chân thành, tôn kính hướng về Đức Phật và Phật pháp vi diệu của gần 4.000 Tăng, Ni, Phật tử từ khắp nơi trên quê hương và trên thế giới đã biến tất cả những gì xẩy ra trong khung cảnh của quốc lễ Phật Đản, tại Mỹ Đình cũng như tại vô số những nơi khác của Việt Nam, thành những bài thuyết pháp hùng mạnh, cảm động.


Lá cờ Phật giáo vĩ đại, dài 26,32 mét, rộng 18 mét, bay trên khuôn viên Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình là một bài thuyết pháp đầy ấn tượng. Sáng ngày 14/5/2008, tại sân trước của Trung tâm, lễ thượng cờ Phật giáo đựơc tổ chức long trọng trước sự chứng kiến đầy cảm xúc của hàng vạn người.


Sau lời tuyên bố thượng cờ của HT. Thích Trí Quảng là một phút chào Phật kỳ. Đúng 7 giờ 40, lá cờ Phật giáo khổng lồ 473.76 mét vuông, nặng 60 ký, đựơc kéo lên bởi 18 quả khí cầu trong tiếng hát  cực kỳ hùng tráng bài  ca Phật giáo Việt Nam và bài ca Bay lên vì hạnh phúc con người của 200 sinh viên trường đại học quốc gia Hà Nội. Lá cờ này đã  rất quen thuộc, rất thân thương với dân chúng miền Nam, nhưng tại miền Bắc, đây là lần đầu tiên lá cờ Phật giáo linh thiêng đựơc tung bay một cách chính thức trong một Đại lễ lớn.


Lễ khai mạc lễ hội Phật Đản Liên hợp quốc, với nghi thức dâng hương, cúng dường Tam Bảo và vũ khúc Lục Cúng truyền thống là một bài thuyết pháp đầy âm hưởng và đầy màu sắc. Ca khúc Vesak thiêng liêng của Thượng tọa Thích Chân Quang, tự thân, đã là một bài thuyết pháp hùng hồn, lại  càng  hùng mạnh hơn, hào hứng hơn với sự hợp ca của 150 thanh niên, thiếu nữ.



Hành lễ khai mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008 theo nghi thức Bắc Tông và Nam Tông



Biểu diễn bài Vesak thiêng liêng chào mừng Lễ khai mạc


Giáo sư Lê Mạnh Thát,  chủ tịch Ủy Ban Tổ Chức quốc Tế, khai mạc Đại lễ Vesak. Chính ông và những người cộng tác thân tín là những người đã chủ động đề xuất sáng kiến tổ chức lễ Phật Đản Liên hợp quốc ở Việt Nam. Một sáng kiến lịch sử, vì nó đã làm thay đổi lịch sử của Phật giáo và lịch sử của đất nước Việt Nam.


Chỉ những tiếng nói im lặng, đến nhẹ nhàng như bước chân của chim bồ câu, thì mới có thể thay đổi đựơc thế gian“. Câu nói đầy chất thơ này của Nietzche, một triết gia Đức nổi tiếng đã từng tuyên bố “Thượng đế đã chết” từ hai thế kỷ trước, hôm nay đang đựơc thể hiện sinh động, mạnh mẽ bởi hai Phật tử Việt Nam: Giáo sư Lê Mạnh Thát và Đại đức Thích Nhật Từ.


Từ suy nghĩ Thái Lan là một quốc gia Phật giáo và đã từng bốn lần tổ chức lễ Phật đản Liên hợp quốc thì tại sao Việt Nam, cũng là một quốc gia Phật giáo, không thể tổ chức ngày lễ hội tâm linh, văn hóa đầy ý nghĩa này?


Hai nhà trí thức anh tài Phật giáo này đã chủ động khởi xướng sáng kiến này và chính quyền Việt Nam, sau thành công rất lớn của hội nghị APEC, với sự tham dự của 21 vị nguyên thủ quốc gia, đặc biệt là sự có mặt của ba nhân vật quyền lực nhất của thế giới là Tổng thống Hoa kỳ, Chủ tịch nước Trung Quốc và Tổng thống Nga, đã đồng ý đứng ra đăng cai tổ chức ngày Phật đản Liên hợp quốc 2008.


Từ đó, một lễ hội Phật Đản huy hoàng bừng nở trên khắp nước Việt Nam, và mở ra một giai đọan mới cho Phật giáo Việt Nam và đất nước Việt Nam.


Trong năng lực vi diệu và hùng hầu của đại tăng, đại chúng tại hội trường, và trông không khí thời đại đượm nồng hương sắc Phật giáo, các bài diễn văn chính luận, cũng đựơc cảm hóa và trở thành những bài thuyết pháp đầy ý nghĩa.


Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã phát biểu chào mừng các đại biểu và ông đã nói, một cách xuất thần, đến một “Niết bàn trong thế giới hiện thực“. Một cõi cực lạc giữa trần gian, một cõi thiên đàng trên dương thế là giấc mơ của tất cả những người làm chính trị trên thế giới từ xưa đến nay.



Chủ tịch nước phát biểu tại Lễ khai mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc


Bài diễn văn của ông là bài diễn văn rất thành công và có sức thu phục lòng người. Vì đây là tiếng nói chân thành, xuất phát từ trái tim, của một người Việt Nam yêu nước, có tinh thần dân tộc rất cao và có hiểu biết rất sâu sắc về lịch sử và văn hóa nước nhà. Đây cũng là bài diễn văn cảm động, mạnh mẽ, rất hiếm có, để tôn vinh Phật giáo, trong lịch sử chính trị Việt Nam.


Ông thuyết giảng rằng: “Đại lễ Phật Đản đựơc tổ chức với sự cổ súy của Liên hợp quốc nhằm tôn vinh những giá trị tư tưởng sâu sắc của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni về hòa bình, hòa hợp, hòa giải, vị tha, nhân ái vốn đã có từ hơn 2.500 năm trước và vẫn còn nguyên giá trị trong thế giới ngày nay.


Đại lễ Phật đản LHQ… là nhịp cầu giúp cho tất cả những người anh em có tín ngưỡng Phật giáo đựơc gặp gỡ nhau để tưởng niệm, tôn vinh Đức Phật…,đồng thời chia sẻ và động viên nhau toàn tâm học tập, làm việc để đưa những tư tưởng tiến bộ của Đức Phật vào cuộc sống


Tôi hy vọng rằng Đại lễ Phật Đản LHQ năm nay sẽ là cơ hội tốt để chúng ta tăng cường sự hiểu biết, đòan kết, cùng nhau hợp tác xây dựng xã hội tốt đẹp, một Niết Bàn trong thế giới hiện thực, góp phần ngăn chặn sự xung đột, hóa giải các cuộc chiến tranh và đẩy lùi các nguy cơ nghèo đói, khổ đau trong đời sống xã hội, đưa con người đến cuộc sống an vui….


Tôi hy vọng mỗi người hãy là một sứ giả của thiện chí, của hòa bình, từ Đại lễ này sẽ đựơc tiếp thêm sức mạnh, sự quyết tâm để tiếp tục nêu cao chính pháp của Đức Phật trong đời sống xã hội, vì tương lai tươi sáng và tốt đẹp của toàn nhân lọai….


Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm và tôn trọng những giá trị đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo mang lại cho đời sống xã hội, trong đó có Phật giáo. Việt Nam là đất nước đa tôn giáo mà đạo Phật là tôn giáo có mặt rất sớm từ gần 2.000 năm trước.


Ngay từ buổi đầu tiên, với tư tưởng Từ bi, Hỷ xả, Phật giáo đã đựơc nhân dân Việt Nam đón nhận, luôn đồng hành cùng dân tộc với phương châm nhập thế, gắn bó giữa Đạo và Đời, phấn đấu vì hạnh phúc và an vui cho con người. Trong các thời đại, thời nào lịch sử Việt Nam cũng ghi nhận những nhà Sư đại đức, đại trí đứng ra giúp đời hộ quốc an dân.


Đặc biệt, lịch sử Việt Nam mãi mãi ghi nhớ công ơn của vị vua anh minh Trần Nhân Tông có công lãnh đạo nhân dân bảo vệ tổ quốc. Khi đất nước thái bình, Người nhường ngôi, từ bỏ giàu sang, quyền quý tìm đến nơi non cao Yên Tử để học Phật, tu hành, sáng lập nên thiền phái Trúc Lâm – một dòng thiền riêng của Việt Nam tồn tại mãi tới ngày nay.


Nối dòng chảy và truyền thống gần 2.000 năm qua, Phật giáo Việt Nam hôm nay đã làm đựơc nhiều việc lợi đạo, ích đời, thực hiện cứu khổ độ sinh, thông qua hoằng dương Phật pháp vận động Tăng Ni, Phật tử cả nước sống trong chánh tín…tích cực tham gia các hoạt động xã hội nhân đạo, giúp đỡ người già cả, neo đơn, trẻ tàn tật, mồ côi, người gặp hòan cảnh khó khăn, thực hiện xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuốc sống mới văn minh, tiến bộ….những việc làm cao cả ấy ngày càng rõ nét và đạt thành quả lớn lao, khẳng định Phật giáo Việt Nam luôn gắn Đạo với Đời, là một Tôn giáo có truyền thống yêu nước, gắn bó với dân tộc.


Việt Nam chủ trương bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống….luôn tôn trọng các giá trị đạo đức tốt đẹp của tôn giáo đóng góp cho đời sống xã hội, hướng con người tới Chân-Thiện-Mỹ nhất là những giá trị phù hợp với truyền thống văn hóa, đạo đức, lối sống hướng thiện của con người Việt Nam…..Chúc Qúy vị sức khỏe, an lạc trong ánh từ quang của Đức Phật và trong niềm tin vào tương lai tốt đẹp của nhân lọai“.


Thông điệp của Đức Pháp Chủ GHPGVN – Hòa Thượng Thích Phổ Tuệ, người gọi Phật Đản Vesak là “một phúc duyên lớn“, “một vinh dự to lớn và là thuận duyên đối với đất nước và Phật giáo Việt Nam”,  là một bài thuyết pháp về thông điệp của Đức Phật: “Trải qua quá trình tu tập, hoằng pháp và độ sinh, Đức giáo chủ đã để lại cho nhân lọai một hệ thống tư tưởng giáo lý vô ngã về trí tuệ, lòng từ bi, tình thương, hòa bình, hòp hợp và phát triển“.


Diễn văn của Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN – Hòa thượng Thích Trí Tịnh là một bài thuyết pháp ngợi ca Đức Phật và giáo pháp siêu việt của Ngài “một con người vĩ đại, một đấng Tối Thắng đã trực tiếp gởi thông điệp Cứu Khổ, thông điệp của Hòa Bình, An Lạc đến lòai người, và suốt 45 năm, đã thuyết giảng, triển khai thông điệp ấy, đồng thời dìu dắt mọi người dấn thân trên con đựơng đưa đến giải thóat tối hậu.


Đức Phật, giáo pháp của Ngài và tác dụng của giáo pháp ấy xứng đáng đựơc lòai người tôn vinh . Cho nên đáp ứng đề nghị của Hội Nghị Phật Giáo Quốc Tế ở Sri Lanka  vào tháng 11 năm 1998, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào ngày 15 tháng 12 năm 1998 đã quyết định công nhận ngày Lễ Tam Hợp, Phật Đản sinh, Thành đạo và Nhập Niết bàn là ngày lễ Vesak Liên Hiệp Quốc.”


Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Ban Ki-moon, một Phật tử nhiệt thành, đã thuyết pháp bằng Thông điệp Chúc mừng ngắn gọn nhưng nói lên đầy đủ tinh hoa, bản chất và con đường dấn thân của Phật giáo, lấy con người làm trung tâm và phụng sự con người làm lý tưởng “…hàng triệu Phật tử và quần chúng trên khắp năm châu hân hoan đón chào thông điệp của tình thương và trí tuệ. Nhân dịp đại lễ thiêng liêng, cao qúy này, mọi người trong chúng ta nên hòai tưởng lại cuộc đời sống động của Đức Phật Thích Ca, chiêm nghiệm lời dạy đầy ý nghĩa của Ngài, đồng thời cũng nên nguyện sống theo tinh thần cao cả , theo giáo pháp tuyệt vời ấy để kiến tạo cho mình những hạnh phúc an lạc….


Trong thế giới hiện nay, những lời dạy của Đức Phật vì hòa bình, từ bi, tình thương đối với vạn lòai chúng sinh cần phải đựơc thực hiện ngay bây giờ. Ngài dạy chúng ta mở rộng lòng từ bi, giang rộng vòng tay nhân ái đối với mọi người, và nhất là những người đang lâm vào cảnh khổ. Điều đó nói lên rằng chúng ta cần tự nhận biết  bản chất đồng nhất trong mỗi người, mỗi lòai, và đặt hạnh phúc chung của nhân lọai lên trên hạnh phúc riêng mình“.



Đại diện Liên hợp quốc đọc Thông điệp của Tổng thư ký Liên hợp quốc


Đây chính là con đường cứu khổ, cứu nạn của Bồ tát Quán Thế Âm, của lý tưởng nhập thế cứu người, cứu đời, là kim chỉ nam hành động của người Phật tử chúng ta.


500 tăng, ni và cư sĩ Phật tử của Làng Mai xuất hiện, làm đầy sân khấu mênh mông và niệm danh hiệu Phật, Bồ tát, hát thiền ca  vang rền hội trường là một bài thuyết pháp hùng tráng và đầy ấn tượng. Và sau đó 500 người ngồi thiền, im lặng, cũng là một bài thuyết pháp đẹp đẽ, hoàn mỹ khác.



Thiền sinh Làng Mai cúng dàng Đại lễ


Sự xuất hiện hùng hậu, nhẹ nhàng, thảnh thơi của phái đoàn Làng Mai đã cống hiến cho mọi người một năng lượng an lạc kỳ diệu, biến hội trường thành cõi Tịnh độ, một “niết bàn trong thế giới hiện thực”.


Thầy Nhất Hạnh bắt đầu thuyết pháp về chủ đề ngăn chặn chiến tranh, xây đắp hòa bình. Chiến tranh hay hòa bình, tất cả bắt đầu từ mỗi người, từ tâm thức, từ cách suy nghĩ, ăn nói, sinh sống. Thay đổi tư tưởng, lời nói, hành động theo hướng thiện lành, từ bi của đạo Phật là đóng góp tích cực nhất cho việc  ngăn ngừa chiến tranh, xây dựng hòa bình.


Đêm nghệ thuật chào mừng khai mạc Vesak, dưới sự chỉ đạo một một vị sư trẻ tuổi, tài ba, là Đại đức Thích Minh Hiền, trụ trì chùa Hương lịch sử (năm nay đã có 1.500.000 người hành hương ở chùa Hương) là một bài thuyết pháp hoàn mỹ, đầy âm thanh và màu sắc, hội tụ những tinh hoa của âm nhạc Việt truyền thống cùng chất liệu âm nhạc Tây phương.


Lục cúng hoa đăng biến ảo của những ngọn đèn sen hồng, Hoa khai kiến Phật, một vũ khúc hiện đại, điệu nhạc Lưu thủy của dàn nhạc cung đình Huế, kết hợp với dàn trống của Xuân Sơn…Những nghệ sĩ hàng đầu của Việt Nam đã thuyết pháp bằng lời ca điêu luyện, quyến rũ, Thanh Hoài với Hương Sơn phong cảnh ca, lời thơ Chu Mạnh Trinh, Mỹ Linh với Chắp tay hoa, nhạc Phạm Duy, thơ Phạm Thiên Thư, Trọng Tấn với bài Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật của Thẩm Oánh, Khánh Linh với bài Lạy Phật con về của Lê Mạnh Cương, ca khúc Ca mừng Vesak của Anh Quân cao vút mở màn và kết thúc chương trình văn nghệ, một buổi tiệc huy hoàng của âm nhạc Phật giáo.


Một lời thuyết pháp không lời, huyền bí, của Mật tông bế mạc chương trình: một lá cờ lớn tung bay mang theo chữ Om – biểu tượng cho Chân như, và cũng là câu thần chú của Bồ tát Quán Thế Âm của truyền thống Tây Tạng, và cũng là âm thành mở đầu của câu thần chú hiển linh nhất: Om mani padme hum. Mani là viên ngọc, là trí tuệ, padme là hoa sen, là lòng từ bi, hum là âm thanh của sự giác ngộ tối thượng.


Trong buổi chiều bế mạc, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo và 500 nhạc công, nghệ sĩ và tăng, ni của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội đã thuyết pháp bằng một bản hợp tấu và hợp xướng vĩ đại, mang tên Khai giác. 4.000 đại biểu của  Phật giáo Việt Nam và Phật giáo thế giới đựơc mời gọi, khám phá cuộc hành trình hùng tráng, bằng âm nhạc về cuộc đời của Đức Phật, về con đường chứng ngộ và về giáo pháp vi diệu của Ngài.



500 nhạc công, vũ công, ca sĩ và Tăng sinh tham gia bản giao hưởng Khai Giác của Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo


Đặc biệt là suốt trong ba ngày đại lễ, công ty thực phẩm chay Âu Lạc ở Sài Gòn đã rao giảng một bài thuyết pháp tuyệt vời, công đức vô lượng. Đó là sự cúng dường những buổi tiệc chay, rất ngon lành và hoàn toàn miễn phí, tương đương với hàng chục ngàn phần ăn, trị giá đến 10 tỷ đồng, cho tất cả đại biểu và Phật tử.


Một món ăn chay đơn giản là một bài thuyết pháp về lòng từ bi, hòa bình và bảo vệ môi sinh, tôn trọng mọi sự sống. Hàng chục ngàn phần ăn chay là hàng chục ngàn thông điệp của tình thương đối với muôn loài và với trái đất, một hành tinh tuyệt đẹp và rất cô đơn, rất mong manh trong vũ trụ.


Tuyên bố Hà Nội về Hội thảo Phật giáo quốc tế Vesak 2008 là một bài thuyết pháp can đảm, mạnh mẽ khi cất cao tiếng nói lương tri của thời đại trong ánh sáng siêu việt của Đức Phật: “Thúc dục cộng đồng thế giới….đề cao đối thọai, tôn trọng, tin tưởng nhau trong việc bảo hộ phẩm giá con người tại các quốc gia và tôn giáo khác nhau, dưới ánh sáng từ bi và trí tuệ của Phật giáo….


Thừa nhận sự phát triển kinh tế và xã hội không thể đựơc bảo đảm một cách bền vững khi thiếu vắng hòa bình và sự tôn trọng các quyền con người và các tự do căn bản…Nhận diện và đáp ứng nhu cầu đạo đức, tâm linh của từng cá nhân, gia đình và cộng đồng…



Giáo sư, Tiến sĩ Lê Mạnh Thát đọc Tuyên bố Hà Nội và tuyên bố bế mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008


Cảm động nhất là đêm cuối của Quốc lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008 đã chứng kiến sự kiện hi hữu trong lịch sử Phật giáo Việt Nam: 20.000 ngọn nến đựơc thắp lên bởi 10.000 sinh viên, học sinh, Phật tử mặc cùng đồng phục áo màu vàng, với sự hội tụ tâm linh cầu nguyện cho hòa bình thế giới của 30.000 người tham dự.


Đây là bài thuyết pháp sâu sắc nhất, thành công nhất, ảnh hưởng rộng lớn nhất, với một sự cảm ứng trên toàn nước Việt Nam và trên toàn quốc dân Việt Nam, vì đựơc trực tiếp truyền hình trên đài VTV1. 10.000 người không những được nghe thuyết pháp và chính các em, khi ngồi yên, chắp tay, cầu nguyện, cũng đã ban cho hàng triệu người một bài thuyết pháp không lời. Nói rằng, với sự hưng thịnh của Phật giáo, đất nước này sẽ có một tương lai tươi sáng.



20 nghìn ngọn nến được thắp quanh chữ vạn, giữa là tượng Đức Bản sư Thích Ca Mâu Ni để cầu nguyện thế giới hòa bình


Trong không khí yên lắng, linh thiêng, dưới lá cờ Phật giáo vĩ đại bay lững lờ, một tượng Phật thật lớn, thật đẹp, uy nghi ngự trị  giữa trời, hàng trăm thanh niên thiếu nữ hát vang bài ca Bay lên vì hạnh phúc của con người, 20.000 ngàn ngọn nến đựơc thắp lên, trong những lời niệm danh hiệu Phật và Bồ tát Quán Thế Âm, và những lời giảng thật dễ hiểu, thật nhẹ nhàng về giáo pháp từ bi của Đức Phật, nhưng vô cùng cảm động, nhiều người đã khóc, và khóc không thể ngừng đựơc, vì quá hạnh phúc.


Quốc lễ Phật Đản năm nay đã đánh thức hồn thiêng sông núi, đã khai mở tiềm lực phi thường của cả dân tộc, đã trang bị cho nhân dân Việt Nam một nội lực vô biên, vô hạn, một niềm tự hào cao ngất về truyền thống tâm linh và văn hóa hơn 2.000 năm của mình, và hôm nay đựơc cả thế giới văn minh, tiến bộ, tỉnh thức tôn vinh, ca ngợi như một đỉnh cao của văn hóa thế giới, như một lý tưởng nhân lọai hướng về, như một mô hình kiểu mẫu của một thế giới hài hòa, an lạc.


Quốc Lễ Phật Đản đã  đóng một dấu ấn không thế phai mờ trong tâm thức dân tộc và đã mở ra một giai đọan mới đầy triển vọng, đầy niềm tin, đầy sức sống cho Phật giáo Việt Nam và cho quốc gia Việt Nam.


Một ngàn năm trước sư Vạn Hạnh và Phật tử Lý Công Uẩn, cùng với thế hệ tăng ni, Phật tử  đầu thế kỷ thứ 11, đã mở ra thời đại Thăng Long vinh quang, thời đại Rồng Bay với đôi cánh Phật giáo. 


Hôm nay, Quốc Lễ Phật Đản 2008 đang báo hiệu một sự bắt đầu của một thời đại mới cho tổ quốc, thời đại Rồng Việt, với chủ đạo văn hóa – chính trị Phật giáo, tung bay trong kỷ nguyên lập quốc mới, kỷ nguyên hiện đại hóa đất nước trên nền tảng của quốc đạo truyền thống.


Xem thêm: