Trang chủ Văn học Sự chuyển động kỳ diệu của Nguyện lực, phần 2

Sự chuyển động kỳ diệu của Nguyện lực, phần 2

147

Bởi vì nhân trong kỳ Đại Lễ nầy, Thầy cũng muốn thực hiện Đại Lễ quan trọng khác, đó là Đại Trai Đàn Chẩn tế Giải Oan Bạt Độ, do lòng Từ Bi và nguyện lớn …, vì Trai Đàn Chẩn tế là thể hiện đuợc yếu nghĩa, tinh túy siêu việt của lòng Từ Bi, Trí Tuệ và Đại nguyện của Mật giáo, và vì Trai Đàn Chẩn tế bắt nguồn từ Mật giáo.

Chỉ có lửa Tam muội mới thiêu đốt được phiền não. Chỉ có ngọn đèn Nhiên Đăng mới soi sáng được tăm tối vô minh, đếu vì mục đích duy nhất là giải thoát khỏi khổ đau do tham sân si chi phối…

Như chúng ta đều biết, đạo Phật là tôn giáo sống, sinh động, đi vào đời vì khổ đau, bất hạnh của con người. Cho nên, Đức Phật vì lòng thương muôn loài, sau khi đắc Đạo quả Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, suốt hơn 49 năm, đã không quản ngại đến những khó khăn về thời tiết, địa dư, lòng người đầy kiến chấp… Ngài đã đi từ nơi nầy đến nơi khác, để đem giáo Pháp An vui, Giải thoát truyền bá và dẫn dắt cho người hữu duyên thoát ra khỏi vòng trầm luân.  Những ai đã từng đi Hành hương và Chiêm bái Thánh Tích tại Ấn độ, nhìn đến quảng đường dài mênh mông, mà Đấng Cha Lành đã đi qua, có lẽ không ai là không rơi nước mắt vì cảm xúc, tri ân đến lòng Từ bi vô hạn của đức Phật.

Sở dĩ đạo Phật có nhiều Pháp môn bởi vì căn cơ của con người sai biệt, và để tùy theo căn cơ đó, đem những giáo lý thiết thực, tương ưng để cho người hành giả chọn lựa, áp dụng, tu học.

“Mật giáo cũng là một trong mười Tông phái của Phật giáo. Mật giáo lấy phương pháp Tam mật gia trì làm căn bản. Đây là pháp của Đức Như Lai Đại Nhật hay Tỳ-lô-giá-na (Vairocana), là Pháp thân của Đức Phật- có nghĩa là phương pháp được xướng khởi trên mặt Quả hay là trên sự chứng nghiệm rồi. Tam mật gia trì, đó là thân-khẩu-ý.

   *  Thân: Ngồi kiết già hay bán già, còn gọi là Thân Kim Cang- tương ứng với Pháp thân.
   *  Khẩu: Miệng tụng trì Thần chú, còn gọi là Khẩu Kim Cang, ứng với Ứng Thân.
   * Ý: Quán tưởng chủng tự hoặc Bổn Tôn, còn gọi là Ý Kim Cang, tương ưng với Hóa Thân.  

Khi Tam mật tương ưng, chính là ngay trong khoảng sát na đó đã thể hiện trọn vẹn hình ảnh Bổn tôn hoặc Đức Phật. Liên tục gia công hạnh pháp tức liên tục thể nhập hình ảnh đó,t ức tâm, tức ngay thân nầy phá trừ nội ngoại chướng, thành Phật.

Mật giáo lại chia ra làm 2 loại:

1-Kim Cang giới tức Không, còn gọi là Trí tuệ Bát nhã, Đại Viên Cảnh Trí.
     a. Trí đức bền vững không hư hoại.
     b.  Năng dung phá tan tất cả phiền não.

2- Thai tạng giới tức Hữu, còn gọi là Đại Bi Tâm, tức Diệu Quán Sát Trí.
     a.  Ẩn phú : Lý thể ẩn trong phiền não.
     b. Hàm tàng : Lý thể đầy đủ công đức, ví như thai mẹ hàm tàng thân con.
         Thai tạng giới như cái bào thai, tiêu biểu Bi Trí tánh đầy đủ. Thai nhi còn là biểu tượng cho chính hành giả tu trì chân ngôn.
         
Thai tạng giới còn bao gồm 3 Bộ:

1- Phật Bộ : Do Đức Như Lai Đại Nhật làm chủ, nghĩa Bi Trí đầy đủ, giáo đại viên mãn.

2- Liên Hoa Bộ : Do Đức Bồ Tát Quán Thế Âm  làm chủ, có nghĩa là Đại Bi Tâm hay trụ tướng pháp lành, ví như hoa sen tươi đẹp trong bùn.

3- Kim Cang Bộ : Do Bồ Tát Kim Cang Thủ làm chủ, là Trí tuệ và Lục dụng của Như Lai, hay phá tan mọi nghiệp khổ, dụ rắn chắc như  Kim Cang.
  – Hiện tượng giới: thuộc phương Đông, mùa Xuân. Phong đại, đàn vuông.
  – Trong Cơ thể: chủ Can (Gan), Cân (Gân).
  – Mùi vị và màu sắc: vị chua, màu xanh.
  – Tâm học: Thức uẩn, Đại viên cảnh trí.
  – Chủ Bộ: Như Lai A-súc-bệ (Aksobhya), Bồ tát Kim cang Thủ hay Bồ tát Phổ Hiền.

Theo Đại Trí Độ Luận viết: “Mọi hiện tương đều gồm trong 2 phạm trù Vật lý và Tâm lý, ngoài ra không còn gì khác. Trên phương diện phân biệt, ta nhận thấy Tâm và Vật khác nhau, nhưng trên bình diện Giác ngộ, mọi hiện tựơng đều từ Tâm. Tâm mầu nhiệm mà Vật cũng mầu nhiệm ( Diệu Sắc Diệu Tâm ). Tâm là Vật, mà Vật cũng là Tâm, ngoài Tâm không Vật, ngoài Vật không Tâm. Cả 2 tương nhiếp lẫn nhau, nên gọi là bất nhị”.

Vì để thể nhập với Bổn tôn, hay đức Phật, cần phải thiết lập Đàn tràng, gọi là Mandala với những thiết kế, nghi quỹ, cúng dường, hộ ma v.v…tương ưng với Bổn Tôn mà người hành giả thọ trì. Mandala có thể ví như một phòng thí nghiệm của nhà bác học khi nghiên cứu về một vấn đề gì đó hoặc tạm ví như một công án thiền.

Vì thế, mandala của Mật giáo được định nghĩa là :

1- Đàn tràng, đạo tràng.
2- Vô thượng, không gì hơn.
3- Pháp vị vô tỷ.
4- Phát sanh chư Phật.
5- Luân viên cụ túc

nên đàn tràng được biết là nơi hiển lộ Pháp thân Phật hoặc Đại Tỳ-lô-giá-na (Mahavairocana) hoặc Như-Lai Đại Nhật. Đàn cũng là biểu tượng của vũ trụ sum la vạn tượng, của cuộc đời hoặc thân ngũ uẩn của con người và trong một ý nghĩa nào đó, cũng có nghĩa tượng trưng cho sự Hóa hiện và Điều phục do chư Phật và Bồ-tát vì Từ tâm muốn hóa độ chúng sanh nên phương tiện quyền Hóa hiện ra các hình tướng của các Thần của ngoại giáo, ví dụ đức Quán Thế Âm hóa hiện ra 33 thân như Phạm Thiên, trời Đế Thích v.v…hoặc khởi Bi mẩn thể hiện uy lực để Điều phục các Thần đó quay về Chánh Pháp.

Đàn còn được chia ra làm 5 Pháp mandala hoặc Mạn tướng mandala:

   1- Trung ương: Phật bộ, Địa đại, Pháp giới thể tánh trí, chủ bộ: Như-Lai Đại Nhật, Sắc uẩn.
   2- Phương Đông: Kim cang bộ, Phong đại, Đại viên cảnh trí, chủ bộ: Như Lai A-súc-bệ, Thức uẩn. Đàn vuông.
   3- Phương Tây: Liên hoa bộ, Phong đại, Diệu quán sát trí, chủ bộ: Như Lai A-di-đà, Tưởng uẩn. Đàn bán nguyệt.
   4- Phương Nam: Bảo bộ, Hỏa đại, Bình đẳng tánh trí, chủ bộ: Như Lai Bảo   
Sanh, Thọ uẩn. Đàn tam giác.
   5- Phương Bắc: Yết ma bộ, Thủy hoặc Không đại, Thành sở tác trí, chủ bộ: Như Lai Bất Không Thành Tựu, Hành uẩn. Đàn tròn.

Trong vòng sinh hóa bất tận, đó là một phức hợp gồm ngũ uẩn hoặc đều do 6 Đại biến hiện thành tựu.

Như chúng ta được biết, trong suốt cuộc đời của đức Phật, vì lòng từ bi vô hạn đối với chúng sanh, nên Ngài đã dùng biết bao nhiêu là phương tiện thiện xảo để mà hóa độ, nào hóa thành dụ, nào tam thừa, nhị thừa và cuối cùng, chỉ rõ một thừa duy nhất –đó là Phật thừa. Phật thừa không đến từ ngoài, mà chứng được trong tự thân nầy vì trong thân tâm có đầy đủ viên mãn tự tánh thanh tịnh như Phật.

Tuy nhiên, thân tâm phàm phu chúng ta khác xa Phật. Vì, tâm Phật thì an trú trong Nội-Ngoại không và trang nghiêm bằng phước huệ, và ứng thân Ngài cũng là thân ngũ uẩn, nhưng đầy đủ 5 tướng như: 1- Thông đạt tâm bồ-đề. 2- Tu tâm bồ-đề. 3- Thành tâm kim-cang. 4- Chứng thân kim-cang. 5- Thân Phật viên mãn. Do đó, nên tạo thành thân Phật cụ túc, còn thân chúng ta thì cấu tạo bởi tứ đại và tâm thì được nuôi dưỡng bởi ngũ thủ uẩn.

Đi từ những nguyên nhân cấu thành vũ trụ vạn hữu như lục đại duyên khởi:

   1- Địa (Prthividhàtuh ) : Đất, sức ép, tiết xuất.
   2- Thủy (Abodhàtuh ) : Nước, tính chất tàng trữ.
   3- Hỏa (Tejodhàtuh) : Lửa, sức ấm nóng.
   4- Phong (Vajudhàtuh) : Gió, sức rung động.
   5- Không (Sũnyatà) : Không gian
   6- Thức (Vijnãna) : Cảm giác, tư tưởng..

những tính chất trên rất tinh tế và tự có đủ năng lực tiến hóa, phát triển cũng như không thể phân tích được như những nguyên tử, điện tử…Chúng dung hòa lẫn nhau và tạo ra sự hiện hữu của vũ trụ, vạn vật.

Trong Dịch lý, phần học thuyết ngũ hành, ta thấy: Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ cũng vậy, là những khí chất phổ biến, chứ không phải là 5 chất cơ bản của vạn vật theo học thuyết duy vật, chúng cũng không thể đứng độc lập, mà nương dựa nhau để mà tồn tại.

Trên cơ sở phạm trù nhân quả đó, mọi hiện tượng xẩy ra luôn luôn có 2 nguyên nhân: Ức chế một hiện tượng và Hưng phấn một hiện tượng khác. Nói theo xưa: “ Trong vạn vật, hễ có Ta, thì có cái Sinh Ta và có cái Khắc Ta; khi có Ta thì phải có cái Ta Sinh và cái Ta Khắc.” Tạo thành một hệ thống tự điều chỉnh, thống nhất hài hòa. Đó cũng là nguyên lý Âm Dương: “Âm Dương tương phản tương thành” Trong mọi bản chất của hiện tượng và sự vật, luôn luôn có sự mâu thuẫn nội tại để thành hình và duy trì lẽ sống.

Bước qua phần cấu tạo thân người với tứ đại: Đất như phần da thịt, nước như lượng máu lưu thông, gió như những cử động của các cơ năng và lửa như hơi ấm làm cho một cơ thể sinh tồn. Tuy nhiên, tứ đại đều nương tựa lẫn nhau, không có gì độc lập vì trong mỗi đại đều hàm chứa các đại kia. Từ đó, đưa ta đến luật duyên sanh duyên khởi:

“Cái nầy hiện hữu thì cái kia hiện hữu,
Cái nầy sinh khởi thì cái kia sinh khởi
Cái nầy không thì cái kia không
Cái nầy hủy diệt thì cái kia hủy diệt“    Kinh Majjhimanikayà.

hoặc “ Tất cả toàn thể vũ trụ tạo thành một vật, và một vật ảnh hưởng đến toàn thể”.

Cho đến phần ngũ thủ uẩn cũng vậy. Ngũ uẩn bao gồm Danh và Sắc:

1- Sắc (Rũpa) hay là ấm: Hình tướng vật thể.
2-Thọ (Vedana): Cảm giác thọ vui hay buồn khi đối cảnh.
3-Tưởng (Sanjnã): Tưởng tượng ra sự sai biệt khi tiếp xúc với cảnh..
4- Hành (Sankhãrã): Hướng động lực tạo nghiệp.
5-Thức (Vijnãnã): Phân biệt sự vật rồi bám chặt vào tùy theo sự yêu ghét.

Lấy một hữu tình mà xét, thì Sắc uẩn là Thân, còn 4 uẩn kia là Tâm. Trong Tâm có Thọ Tưởng Hành mỗi thứ đều là một loại tác dụng đặc biệt của tâm tính, nên gọi là pháp sở hữu của Tâm hay Tâm sở. Còn một mình Thức là tự tính của Tâm, nên gọi là Tâm vương. Cho nên, năm uẩn là hai pháp Thân và Tâm”. Mỗi uẩn đều bao hàm các uẩn khác và hòa hợp lẫn nhau để hiện hữu. Chúng có tính chất khát khao tồn tại mãi, nên chấp thủ, bám víu vào sự sống một cách kiên trì.

Nhưng chúng được cấu tạo bởi những yếu tố không bền vững, luôn thay đổi, nên không có thực thể hay bản ngã cố định. Ở đây, cũng cần nhấn mạnh: Phật giáo quan niệm một sinh mạng do nhiều nguyên nhân hòa hợp, chứ không do một nguyên nhân sáng tạo đặc thù nào, như căn nguyên hay đẳng lưu nhân quả của một sinh mạng là nhân, còn những điều kiện cần thiết giúp cho một sinh mạng tồn tại, phát triển hay tăng thượng duyên là duyên.

Hình dáng thân xác của ta, bề ngoài thấy như ổn cố, nhưng chúng luôn biến đổi: từ sơ sanh, biết đi, biết nói, thanh niên, cho đến lão niên đều khác biệt nhau. Nếu quan sát tâm, ta cũng thấy từ cái cảm giác, tư tưởng…khi 6 căn (Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) tiếp xúc với 6 trần (Sắc, thanh, huong, vị, xúc, pháp) thường thay đổi trong chớp nhoáng hay trong mỗi chập tư tưởng.

Dòng suối tâm liên tục chảy, cuốn theo tất cả đủ loại tư tưởng xấu tốt, khiến ta có cảm giác rằng có một cái ta cố định, trường cửu, làm chủ thân. Nhưng tất cả đều không cố định, vô thường, rỗng không, nương tựa nhau mà hiện hữu nên không có thực thể, vô ngã. Tính chất vô thường, rỗng không và vô ngã hiện hữu trong tất cả các pháp.

Đứng về mặt tương đối luận, nếu nói: “Hữu thân hữu khổ”, ta cũng có thể nói: “Có nghiệp mới có thân và có khổ.” Nghiệp do vô minh mà ra và xuất hiện đồng thời với vũ trụ vạn hữu. Nghiệp hay vô minh là một phần của bản thể và hữu chung vì là động. Những gì có tác động thì có sinh và có diệt và vai trò của vô minh sẽ biến mất, vô tác dụng hay trở thành phương tiện diệu dụng khi một vị đã giác ngộ.

Sự bám víu vào những gì sinh diệt sẽ đưa đến khổ đau vì trói buộc con người trong sự tham đắm và gìn giữ. Mười sợi dây làm khổ lụy, sai khiến con người là Thập kiết sử: 1-Tham dục, 2-Sân nhuế, 3- Si, 4- Kiêu mạn, 5- Nghi, 6- Thân kiến, 7- Biên kiến, 8- Tà kiến, 9- Kiến thủ kiến, 11- Giới thủ kiến. Đó là do gốc vô minh, thiếu chánh kiến nên đưa đến không nhìn thấu được bản chất của mọi sự vật đều giả hợp.

Con người của quá khứ, của những ngàn năm năm về trước và những con người của hiện tại đều giống nhau, cùng những đau khổ, cùng những suy tư và đều cùng bị ràng buộc trong những duyên hợp đó. Do thấy sai (Kiến thủ) nên tạo thành vô số nghiệp tích lũy từ vô lượng kiếp và tăng dần thêm trong cuộc sống hiện tại, những nghiệp thức nầy che lấp bản tâm nên thường y theo biến kế sở chấp (Parikalpita) nhận giả là chân, nhận vô thường là thường, nhận có một cái ngã thường hằng, nên sợ hãi bị mất và tham đắm (Dục ái thủ) rồi tạo thành nghiệp luân hồi”*

Sở dĩ, chúng tôi xin nhắc lại những đặc thù, cùng tư tưởng nền tảng trong Mật giáo cùng những nghi quỹ, sở chứng, ấn quyết, chân ngôn, ngũ phương Phật v.v… cũng vì sự thiết lập Đại Trai Đàn Chẩn Tế Giải Oan Bạt Độ và trong Đàn tràng, hình ảnh của Ngài Đại sĩ Tiêu Diện cũng là Hoá thân của Bồ Tát Quán Thế Âm, quyền biến, tương ứng để độ chúng sanh.

Theo Đạo Phật, sự có mặt của con người trên cõi Ta bà nầy là do nghiệp, và sự tái sanh sau khi chết của con người cũng do nghiệp lực chi phối, trừ trường người liễu nghiệp, có tu tập, có chuyển hoá, đắc quả, giải thoát v.v.., thì sự tác động của nghiêp lực không còn giá trị..

Nghiệp là một qui luật tự nhiên, không bị tác động bởi Thần linh, hay một Đấng Vô Hình nào đó chi phối, thưởng phạt hoặc ban phước, giáng hoạ …. Hiểu được dòng nghiệp lực, chúng ta có thể giải thích và liễu ngộ được tất cả mọi hiện tượng dù là tâm hay vật trên thế gian nầy.

Trong Kinh Tăng A-hàm viết:”Tác ý tức nghiệp” hay như Kinh Kim Cang: “Ứng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”.

Vì lẽ, đạo Phật quan niệm rằng, do vì bị chi phối bởi nghiệp, nên sau khi quá vãng, rời khỏi trần gian, con người do đời sống trên cõi đời nầy sống như thế nào, tạo nhân như thế nào thì sẽ theo nghiệp mà đi tái sanh, có thể rơi vào trong sáu nẻo như: trời, người, A tu la, địa ngục, ngạ quỉ hay súc sanh. Còn những người có tu tập, có phước đức, trí tuệ sẽ đạt được phần chứng hoặc có thể cao hơn, tùy theo sự sở chứng.

Cho nên, có biết bao nhiêu là vong linh, cô hồn vẫn còn đang lẩn vẩn, vất va vất vưởng, chưa biết ngả đi, đường về hay đang ở thân trung ấm.
Trong Văn Tế Thập Loại Chúng Sanh của Nguyễn Du đề cập đến 10 loại cô hồn, nhưng trong Khoa Thí Thực thì lại nói có 12 loại cô hồn ( Pháp giới lục đạo, thập nhị loại cô hồn…).

Trên mảnh đất mà chúng ta đang sinh sống, mỗi bước chân của chúng ta, phải chăng đã dẫm lên vô số xương cốt, vong linh của biết bao nhiêu tiền nhân, những người trước đó.

Chiến tranh gây nên bao nhiêu oan khiên, đau thương, bất hạnh, chết thảm và cũng đã nhiều người chết không được toàn thây.
Những người chết sông chết biển, núi rừng, hay chết bất cứ vì lý do gì, nhưng vì nghiệp tạo khi còn sống, chưa đi tái sanh.
Hương linh của các vị chiến sĩ trận vong, những người hy sinh vì đất nước, vì quê hương.
Hương linh của các thai nhi, những đúa bé còn trong bụng mẹ, vì lý do gì đó, không được sanh ra, mở mắt chào đời như bao nhiêu đứa trẻ bình thường khác.
Hương linh của những người chết oan ức, chết bờ chết bụi, chết không người thừa nhận..

Và để Tuởng nhớ, cùng tri ân những Hương linh của những vị Phật tử đã từng ủng hộ, góp công góp của, đóng góp cho Đạo Pháp, cho ngôi Chùa, Hộ trì Tam Bảo đã quá vãng……và qua Nghi quỹ của Trai Đàn Chẩn tế, thì sự ích lợi không chỉ cho người chết, mà quan trọng hơn, cũng còn tác động đến người còn sống, để chuyển tâm sống đời hướng thiện, biết Nhân Quả, làm lành lánh dữ, tạo ích lợi cho xã hội.

Trong Bộ Mật tông của Đại sư Hoằng Pháp, Phần Lập Đàn, tr. 45 nói rằng:"Những vị tu hạnh Du già, muốn thành tựu Pháp Thế gian và Xuất thế gian, trước nhất cần phải phát tâm Bồ-đề, vào Hải hội Mạn-đà-la của chư Phật, giữ giới thanh tịnh, xa lìa vọng duyên, nghiệp thân-khẩu-ý thường như thật, hiểu rõ lý tánh tướng. Những vị như thế, mới có thể kiến lập Mạn-đà-la để làm lợi ích cho mình và người"

Điều nầy cũng đồng với tư tưởng trong Kinh Pháp Hoa:" Vào Như Lai, mặc áo Như Lai v.v…". Pháp xuất thế gian hay thế gian là hạnh nguyện của Bồ tát, từ tâm phát Bồ-đề và nhập vào Thể Tánh của chư Phật và hiểu rõ tường tận thực tướng, thực tánh của các Pháp, xa lìa vọng duyên v.v…mới kiến lập được Mạn-đà-la hay cõi Tâm, cõi Phật. Cõi Tịnh độ nầy được tạo thành do và bởi chúng sanh. Trong Kinh Duy Ma Cật: "Do tâm thanh tịnh nên quốc độ thanh tịnh, do tâm bình đẳng, không cấu uế nên các cõi báu trang nghiêm".

Trong Chùa vào mỗi buổi chiều, đều có thời khoá cúng Thí Thực cho các Cô hồn vì lòng từ bi thương xót, khai mở tâm cúng thí thực..nhưng, đó chỉ là riêng biệt.
Chúng tôi không dám đi sâu vào chi tiết của cách Thiết Trí Trai Đàn, cùng bày biện Đàn tràng, Ngôi vị ra sao…..mà chỉ xin phác thảo qua ý nghĩa của Mật giáo ảnh hưởng đến trai Đàn Chẩn Tế ra sao, vì người Chủ Đàn khi nhập Đàn tràng sẽ thể nhập vào hay trở thành chính là Bổn Tôn hay vị Phật, nên cần có đầy đủ Giới Hạnh, Oai Nghi, Đức độ v.v… thì diệu dụng của Khoa nghi Thủy Lục nầy mới thật là vi diệu và tác động sâu xa.

Theo Abhidharma :”Sự sanh và sự chết bất cứ lúc nào cũng xuất hiện đồng thời”. Ngài Điều Ngự Giác Hoàng nói: “Nhất hồi niêm xuất, nhất hồi xuân “. Con người mới, con người của vô ngã, của cái tâm bao dung, là con người giải thoát tự tại, và là tấm lòng cao thượng, nghĩ đến sinh linh của những vị Chân tu. Đó cũng là một biểu tượng cực đẹp, sống động ban vui cứu khổ, là cứu cánh của Mật giáo.

Nay, điều nầy được thể hiện vì hạnh nguyện lớn của Thầy Nguyên Hạnh- vị Tôn túc của Chùa Việt Nam, đã đem tâm thành và ước muốn thiết lập Đại Trai Đàn Chẩn Tế- Giải Oan Bạt Độ, được thực hiện trên mảnh đất Già lam Trung tâm Phật Giáo Chùa Việt Nam, quả là một sự kiện hy hũu, hiếm có tại đất nước Mỹ nầy, vì điều nầy sẽ lợi lạc rất nhiều cho người chết lẫn người sống. Từ Trai Đàn Giải Oan Bạt Độ, sẽ nhờ Phật Lực, nhờ Oai Thần Lực của Đàn Tràng, nhờ Chú lực, sự gia trì cùng Đức độ tu hành của chư Tôn Đức Tăng Ni chú nguyện để giải những nghiệp oan cho vô số hương linh quá vãng… để được về nơi An lạc.
Đạo Phật mang tấm lòng yêu thương con người, vì đức Phật là con người và Giác ngộ, nên Ngài nhìn rõ được vòng sanh tử cùng những tác động nghiệp đến con người, đã được trải nghiệm qua bản thân Ngài trong vô lượng kiếp.

Những con người mang chiếc áo cô đơn, chiếc y ruộng phước điền, y bá nạp…sau khi tu tập, chuyển hoá tâm, đạt được Hạnh phúc An lạc, đều khởi lên lòng Từ, tấm lòng yêu thương, quán chiếu sự khổ đau, bất hạnh của con người, nên đều dấn thân vào cuộc đời, chỉ dẫn đường trở về với tánh Phật để thoát khỏi khổ đau và vì đó là lý tưởng “phụng sự chúng sanh tức là cúng dường chư Phật” .

Vâng, Tình thương phải chăng làm cho cuộc sống có ý nghĩa và sống dậy. Chúng ta đã có bài học yêu thương đầu đời bằng tình thương của cha mẹ và khi lớn lên, với thiên nhiên, với mọi sự vật chung quanh. Sự hiện hữu của một người là do tình thương của bao nhiêu ngưòi khác, tương tức tương nhập và ngược lại. Sự dau khổ, sự vô thường, sự chia cách, được thua, vinh nhục, giàu nghèo v.v..đã không làm cho chúng ta trưởng thành và nhiều tình thương hơn sao?

Cho nên, tình thương chính là sự sống. Sự sống vươn mình hiển hiện khắp mọi nơi, thì Đại bi Quán Thế Âm trong Lễ Hội hằng năm, Cung Nghinh chiêm bái Phật Ngọc Hoà bình Thế Giới, thiết lập Đàn tràng Giải Oan Bạc Độ v.v…cũng chỉ là thể hiện, phân hình khắp nơi chốn cần cầu. Tình thương- đó là Phật giáo, vì đến từ cái tâm trưởng thành. Tình thương không thể có trong một con ngưòi nhiều thành kiến, đố kỵ, hận thù…

Tình thương chỉ có thật khi con người thông cảm lẫn nhau do sự hiểu biết chân thành và nhận ra nhau là những vị Phật sẽ thành. Những lớp phủ bề ngoài chỉ là những nghiệp lực tác động đến, còn Tâm Phật vẫn luôn ngời sáng.

Đời sống cuồn cuộn trôi như nước chảy qua cầu, có ai bắt được dòng nuớc vừa trôi qua. Mọi sự luôn biến dịch trong từng sát na một, nhưng mỗi lúc lại chứa đựng cả thiên thu. Trong nhà thiền gọi là: “Nhất niệm vạn niên “.

Chúng ta đang đứng trước một nền văn minh vật chất cực thịnh, quay cuồng mọi người trong những mắt xích, mà mỗi người là một mắt trong đó. Chúng ta chạy theo thời gian, dù thời gian vật lý một ngày chỉ có 24 giờ, ta vẫn cảm thấy thiếu, vì tâm luôn bất an. Chúng ta nhận lầm tiến bộ vật chất là tiến bộ tâm linh và vô tình, lại đang bán linh hồn cho những tiện nghi đó.

Cho nên, tấm lòng Đại bi thể hiện trong lúc nầy là cùng nhau làm cho vật chất có ý nghĩa tiến bộ thực sự là để phục vụ con người đúng nghĩa. Và chung quanh chúng ta, bao hoàn cảnh đau khổ đã đang có mặt, trong ta hay trong những người thân, bạn bè, người xa lạ…Chiến tranh, thiên tai, nạn tại và là nổi bức xúc thường trực ảnh hưởng đến mọi thân phận con người, bất kể địa phương, giai cấp, màu da chủng tộc, tôn giáo, văn hoá v.v..Hình ảnh “sự chuyển động kỳ diệu của sức nguyện lớn” đến từ Từ Bi Tâm, Tuệ Giác và tâm Bồ Đề của Quý Thầy rất cần thiết được thể hiện, trở nên cần thiết hơn bao giờ hết, để Chánh báo chuyển hoá Y báo, để cảnh khổ được dập tắt, lò lửa hận thù biến thành lò sen thanh khiết, diệu hiền.

Thực sự, cuộc sống không có gì mâu thuẩn; mâu thuẫn hay không là do chúng ta đem đến cho nó với ý niệm vị kỷ, đặt định, ưa ghét, khen chê v.v…Con người là một cái gì vô tận (Phật tánh), cuộc sống cũng vô tận (Pháp giới sum la vạn tượng, trùng trùng duyên khởi). Đem cái vô tận ở bên trong mà ứng với cái vô tận ở bên ngoài, đó gọi là Đại bi Tâm.

Làm sống lại hình ảnh của Bồ tát Quán Thế Âm, tạo cho chime bái Phật ngọc, thiết lập Trai Đàn Giải Oan Bạt Độ trong Mât giáo, phải chăng Quý Thầy có chủ đích là mong ước rằng tất cả chúng ta hãy trở về với Quán Thế Âm của tự tánh mà mọi người đều có đủ, để cứu khổ ban vui cho mình, cho tất cả mọi người, mà chính ta cũng là một thành phần của sự sống trong đó.

Trước những khó khăn đang đối diện của hoàn cảnh chung quanh, với bao Phật sự nặng nề dồn dập, nhưng quý Thầy đã vì Tâm nguyện lớn đó mà thực hiện những điều kỳ diệu, vô cùng ích lợi cho tất cả mọi người, dù là người sống hay người đã quá vãng.

Thưa vâng, con là một người Phật tử sơ cơ, học hạnh yếu kém, tu tập chưa đến đâu, giáo lý còn non nớt, nhưng vì kính cảm, tri ân đến tấm lòng cao quí, vị tha với tâm vô lượng Từ bi vì lợi ích chúng sanh, đã làm những kỳ công nầy. Con xin ghi lại những dòng chữ mộc mạc nầy, dù là lời văn thô thiển, không có chiều sâu, nhưng như tấm lòng kính dâng và đê đầu đảnh lễ tri ân lên quý Thầy Nguyên Hạnh, Thầy Nguyên Đạt, Thầy Minh Tân cùng Quý Thầy, Quý Sư Cô khác trong bổn tự, cùng toàn thể Phật tử hữu tâm đóng góp cho sự hoàn thành những Đại Lễ quan trọng nầy, để tạo phước duyên vô cùng quí giá cho tất cả mọi người tại địa phương, hoặc các nơi khác…đều được hưởng lợi lạc.  

Khi rời xa quê mẹ
mang theo mình mảnh đất quê hương
có hồn dân tộc
có giáo pháp Phật đà
Ôm ấp trong chiếc y vàng bạc
đến xứ người tạo dựng
chiếc hài xưa mòn, rách
áo già lam chở nắng che mưa
ngày ngày lau chút bụi trần
cho tâm thường an tỉnh
vỗ bụng nhìn trời
ngoáy tai rời xa danh lợi
là người con Phật
mang chí xuất trần
có gì làm vướng bận
chỉ sợ tử sanh chưa rõ
sợ thân người có được vội lãng quên
ngày hai bữa muối dưa đạm bạc
tối nằm ngủ, mộng chẳng bám tâm
lặng lẽ nhìn đức Phật mặt hiền
nghe tiếng chuông, mỉm cười, im lặng
nhưng đâu đó,
người người kêu khổ
tâm mê mờ chạy đuổi vô thường
nầy vinh, nầy nhục
nầy phú quí vinh hoa
nầy bần cùng khốn khổ
đời nếu vui, sao mặt u buồn
vật chất đủ, sao chảy dài nước mắt
tình có cao, sao tâm vẫn lao đao
đời có thật, sao khổ vì người còn kẻ mất
lạy đức Phật, ngàn xưa đã dạy
theo hạnh Ngài, con vẫn bước đi
là con Ngài, nên học hạnh Từ bi
đem tâm bồ đề, di vào trần thế
đem lời đúng, làm quà tâm chia sẻ
nói Pháp mầu, lợi lạc hữu duyên
vì cùng chung thân phận con người
mình an lạc, nên muốn người an lạc
đạo Phật là thế
người theo Phật là thế
đi bên đời để chỉ rõ khổ mê
để muôn người cùng cười trong hạnh phúc….

Với lòng thành kính đảnh lễ và kính dâng.

Viết xong lúc 0:20 sáng ngày 26.03.2010

1.    Kinh Pháp Bảo Đàn
2.    Kinh Lăng nghiêm
3.    Kinh Địa Tạng
4.    Kinh Duy Ma Cật, tr. 16 – 18 , Liên hoa Tịnh huệ dịch.
*    Trích từ các Bộ Tiểu Luận Mật giáo, Cư sĩ Liên Hoa.