Trang chủ Quốc tế Sự du nhập và Phát triển của Phật giáo ở Cộng hòa...

Sự du nhập và Phát triển của Phật giáo ở Cộng hòa Liên bang Nga

139

Hiện nay, tổ chức Phật giáo lớn nhất tại Liên bang Nga có tên gọi chính thức là Giáo hội (Sangha) Phật giáo cổ truyền Nga, một tổ chức thống nhất các tự viện trên lãnh thổ toàn Nga. Người đứng đầu Giáo hội Phật giáo cổ truyền Nga hiện nay (năm 2003) là Đamba Aiusheev với giáo phẩm Panđiđô Khambô – Lạt Ma. Đamba Aiusheev sinh năm 1962 tại tỉnh Trichinskaia. Ông tốt nghiệp trường Trung cấp Sư phạm và sau đó làm giáo viên tiểu học. Năm 1983, ông theo học tại Trường Đại học Phật giáo Zanabazar ở thành phố Ulan Bator, Mông Cổ và tốt nghiệp trường này năm 1988. Ông chuyên sâu về y học cổ truyền Tây Tạng. Sau khi tốt nghiệp, Đamba Aiusheev làm người hướng dẫn cho các sinh viên Nga học tại trường này trong vòng một năm và trở về nước tới tu hành tại tự viện Ivôlginski. Năm 1991, ông trụ trì tự viện Murôtrinski. Năm 1995, Đamba Aiusheev được bầu làm người đứng đầu Giáo hội Phật giáo cổ truyền Nga và giữ vị trí này từ đó đến nay.

1. Sự xuất hiện Phật giáo ở nước Nga thế kỉ XVII – XVIII

Phật giáo bắt đầu du nhập vào Nga từ thế kỉ XVII – XVIII, khi những bộ tộc Mông Cổ: người Oirat (Kalmưk) và người Buriat tới định cư tại vùng hạ lưu sông Volga và vùng Zabaikalie (ngoại Baican). Sau này, vào năm 1914, khi vùng Tuva được sáp nhập vào tỉnh Enisêi thì một số dân tộc ở đây cũng theo đạo Phật.

Năm 1741, Nữ hoàng Nga Elizabeta Petrôvna đã ban bố sắc lệnh công nhận Phật giáo là một trong những tôn giáo chính thức của Đế quốc Nga.

Những bàn thờ Phật đầu tiên của người Buriat được dựng trong các lều trại và cùng nay đây mai đó với các tín đồ Phật giáo là cư dân du mục trên các thảo nguyên. Mãi đến những năm 1753-1758, tự viện Xongolski (sau này là tự viện Khilgantuiski) mới được xây dựng. Đây là tự viện Phật giáo được xây dựng bằng gỗ đầu tiên ở Nga. Tiếp sau đó, một tự viện khác cũng được xây dựng bằng gỗ – tự viện Gusinoozerski.

Trung tâm Phật giáo thứ ba ở Zabaikalie là vùng Khorinski. Tại đây, năm 1752, nhà sư Tây Tạng là Luvsan Shirab đã cùng với 33 nhà sư của vùng này xây dựng tự viện, truyền bá và phát triển Phật giáo. Lạt Ma Luvsan Shirab được bầu làm người đứng đầu, cai quản các tự viện vùng Khorinski. Năm 1778, tự viện Khorinski bị cháy và được chuyển sang xây dựng ở Kuđun.

Cũng trong thời gian này, Phật giáo đã xuất hiện ở phần lãnh thổ Châu Âu của Nga, vùng Kalmưkia. Vào đầu thế kỉ XVII, được phép của Chính phủ Nga hoàng, từ Đgiungaria (nay là vùng lãnh thổ Tây Bắc của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa) các bộ tộc Oirat du cư vào Sibiri. Đến thế kỉ XVII, trên đường du cư sang phía tây, họ đã tới vùng hạ lưu sông Volga và sông Đôn. Tại Nga, người Oirat được gọi với cái tên Kalmưk (có nghĩa là “những người bị tách ra”). Vào nửa sau thế kỉ XVII, tại vùng này đã thành lập lãnh địa phong kiến riêng của người Kalmưk (Kalmưkskoe Khanstvo), mà tôn giáo chính thức của họ là Phật giáo. Ngay từ thế kỉ XIII, người Oirat đã biết tới Phật giáo, song Phật giáo chỉ được truyền bá rộng rãi trong cộng đồng này vào đầu thế kỉ XVII. Năm 1771, do sự o ép của chính quyền Nga hoàng, phần đông người Kalmưk du cư quay trở lại Trung Quốc và phần lãnh địa phong kiến của họ bị xoá bỏ. Ở Nga lúc đó chỉ còn lại 13.000 gia đình người Kalmưk và họ di cư sang lưu vực sông Uran, sông Terek và sông Kuma. Khi du cư tới lãnh thổ Nga, người Kalmưk mang theo những tự viện Phật giáo du mục của mình, gọi là Khurula. Tự viện được cấu thành từ 3 xe chuyên dụng trở lên. Các xe này đều có mái che, gọi là Kibitka. Đây là các Phật điện di động của họ. Sau đó, các tự viện Phật giáo đã được xây dựng thành các toà nhà, vật liệu chủ yếu là gỗ, thí dụ tự viện Đarkhan – Đorgin – kit (“Bảy điện”) được xây dựng trước năm 1616 tại vùng Semipalatinsk ngày nay. Cho tới cuối thế kỉ XVIII, người Kalmưk ở Nga đã có 14 tự viện Phật giáo.

Ngoài Phật giáo, ở người Kalmưk, người Buriat cũng như người Tuvin (vùng Tuva) vẫn tiếp tục tồn tại tín ngưỡng cổ xưa của mình là Saman giáo. Năm 1640, Đại hội các lãnh chúa Mông Cổ và Oirat thế tục (Noion) đã thông qua bộ luật chính thức cấm Saman giáo. Tuy ở tất cả các khu vực của Sibiri, Phật giáo đã được phổ biến rộng rãi, song Saman giáo vẫn tiếp tục tồn tại và đôi khi còn tạo ra những sự kết hợp kì quặc với các nghi lễ của Phật giáo Đại thừa.

2. Phật giáo ở nước Nga thế kỷ XIX – Đầu thế kỉ XX

Vào cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX, Chính phủ Nga hoàng tiến hành cải cách ruộng đất và cải cách hành chính ở Buratia. Về ý nghĩa, cuộc cải cách này ngang tầm với sự xóa bỏ chế độ nông nô ở Nga. Cải cách đã dấy lên làn sóng quần chúng ở Zabaikalie và chia rẽ xã hội Buratia thành hai phái đối lập nhau: những lãnh chúa phong kiến chống cải cách và những người ủng hộ cải cách. Trong số “những người tiến bộ” có các phú nông (culắc) và trí thức Buratia.

Sự chia rẽ xã hội Buratia cũng diễn ra trong tăng đoàn Phật giáo. Điều kiện vật chất của tăng đoàn lớp dưới ngày càng xấu đi dẫn đến sự gia tăng số lượng “Lạt Ma thảo nguyên”, những người từ bỏ đời sống tu hành trong các tự viện ra sống ở các làng quê gần những nơi thờ tự của dân du mục.

Trong hoàn cảnh đó, những người đứng đầu Phật giáo ở đây như Agvan Đôrgiev cùng với Khambô – Lạt Ma Irôltuev và các nhà khai sáng Buratia Giamxaranô, Barađin bắt đầu chiến dịch “đổi mới” các tự viện Phật giáo và quay về với những lí tưởng đạo đức của Phật giáo nguyên thuỷ.

Phật giáo ở Kalmưkia giai đoạn này cũng có lịch sử riêng của mình. Sau khi xoá bỏ lãnh địa phong kiến của người Kalmưk (Kalmưkskoe Khanstvo) “Thảo nguyên Kalmưk” đã trở thành một trong những đơn vị hành chính thuộc lãnh thổ của nước Nga Sa hoàng, trực thuộc chính quyền quân sự tỉnh Astrakhan. Tuân theo Quy chế quản lí dân tộc Kalmưk, được thông qua năm 1834, các tự viện Phật giáo hoàn toàn nằm dưới quyền kiểm soát của chính quyền Nga hoàng.

Trước Cách mạng Tháng Mười năm 1917 không lâu, các tín đồ Phật giáo miền Nam Sibiri – người Tuvin –  một trong những bộ tộc người Tuyếc (Tiurki) duy nhất theo đạo Phật đã gia nhập tổ chức Các tín đồ Phật giáo Nga.

Tuva là vùng đất nằm ở thượng lưu sông Enisei, tiếp giáp với Mông Cổ. Trong các thế kỉ từ XVII đến XIX, Phật giáo phát triển mạnh trong cộng đồng người Tuvin ở đây, mặc dù ngay từ thế kỉ XIII, họ đã bắt đầu tiếp xúc với tôn giáo này. Vào năm 1914, với tên gọi vùng Uriankhaiski, Tuva được đặt dưới quyền bảo hộ của nước Nga.

Tuy Phật giáo không thể gạt bỏ hoàn toàn Saman giáo, tôn giáo cổ xưa của người Tuvin, ra khỏi đời sống tín ngưỡng của cư dân vùng này, nhưng từ khi vùng Uriankhaiski trở thành một bộ phận của Đế quốc Nga, trên lãnh thổ Tuva đã có tới 22 tự viện Phật giáo với khoảng 4.000 Lạt Ma và tăng ni sinh.

Đến đầu thế kỉ XX, ở Tuva có khoảng 2.000 thầy cúng Saman giáo sống rất hoà hợp với các Lạt Ma Phật giáo. Không ít trường hợp, các thầy cúng Saman giáo là phụ nữ và họ lại là vợ của các Lạt Ma Phật giáo. Đôi khi, một người làm cả hai chức năng của Phật giáo và của Saman giáo: vừa là thầy Saman vừa là Lạt Ma (vừa là thầy phù thuỷ vừa là nhà sư).

Nhằm mục đích phát triển các mối quan hệ quốc tế của nước Nga với các nước Phương Đông, trong đó có việc thiết lập các quan hệ trực tiếp của Chính phủ Nga hoàng với các chính phủ thần quyền ở Mông Cổ và Tây Tạng, năm 1915, tại Sankt Peterburg, đã xây dựng một tự viện Phật giáo, tự viện Gunzetroinei, bằng tiền của người đứng đầu Phật giáo Tây Tạng Đạt Lai Lạt Ma XIII và tiền lạc quyên của phật tử ở Buratia và Kalmưkia(1). Bôgđôgegen, người đứng đầu Phật giáo Mông Cổ, cũng quyên góp một lượng tiền đáng kể cho công trình xây dựng này. Agvan Đôrgiev, người đại diện của Phật giáo Tây Tạng, một Lạt Ma nổi tiếng của Phật giáo Buratia, đã chỉ đạo xây dựng và hoạt động của tự viện này. Ông là sư trụ trì đầu tiên ở đây.

3. Phật giáo ở nước Nga giai đoạn sau Cách mạng Tháng Mười năm 1917

Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã mở ra một giai đoạn phát triển mới không chỉ đối với nước Nga, mà còn đối với sự phát triển của cả nhân loại. Đối với Phật giáo ở nước Nga, đây cũng là một giai đoạn mới trong lịch sử phát triển thăng trầm của mình. Vào giai đoạn cuối của cuộc nội chiến, những người lãnh đạo Giáo hội Phật giáo ở nước Nga, đứng đầu là Khambô – Lạt Ma Agvan Đôrgiev, đã công nhận Chính quyền Xô Viết. Họ cố gắng nhấn mạnh sự tương đồng giữa các lí tưởng của chủ nghĩa Cộng sản với các lí tưởng của Phật giáo và kêu gọi tăng ni, phật tử quay trở lại với những lí tưởng cổ xưa của Phật giáo: sự trong sạch của đạo đức và lối sống không vụ lợi.

Trong các tự viện Phật giáo Nga bắt đầu cuộc đấu tranh quyết liệt giữa “những người đổi mới” muốn tổ chức lại tăng đoàn để có thể sống được dưới chính quyền Xô Viết với “những người bảo thủ” cố bám lấy sự giàu sang và những đặc quyền đặc lợi trước đây.

Đại hội toàn Liên bang các Phật tử Liên xô lần thứ nhất đã diễn ra trong các ngày từ 20 đến 29 tháng 1 năm 1927. Đại hội đã ghi nhận thắng lợi của những người đổi mới trong hầu hết các vấn đề được đặt ra tại đại hội. Những người bảo thủ chỉ giành được thắng lợi duy nhất là bác bỏ dự định thành lập Giáo hội Phật giáo toàn Liên bang do sự chia rẽ trong tăng đoàn Phật giáo Nga lúc bấy giờ và thay vào đó là “Cơ quan đại diện” lâm thời của tăng đoàn Phật giáo Nga. Trong thành phần của “Cơ quan đại diện” này có hai thành viên là Aragva Nasankiev và Đagđan Đambaev. Trụ sở của “Cơ quan đại diện” đặt tại tự viện Gunzetroinei, thành phố Sankt  Peterburg.

Kết quả Đại hội toàn Liên bang các Phật tử Liên xô lần thứ nhất đã được sự tán đồng của Đại hội các phật tử Buratia lần thứ ba diễn ra từ ngày 21 đến 24 tháng 8 năm 1928 tại Verkhneuđinsk. Mặc dù Đại hội toàn Liên bang các Phật tử Liên xô lần thứ nhất đã ra nghị quyết ủng hộ chính quyền Xô Viết nhưng số phận của Phật giáo Nga đã được định đoạt. Vào thời gian đó, cả nước Nga bắt đầu cuộc đấu tranh văn hoá – tư tưởng mà trước hết là nhằm vào tôn giáo. Do vậy, vấn đề đặt ra lúc này không phải là phát triển Phật giáo, mà là cứu vãn sự tồn tại của nó.

Cũng trong giai đoạn này, cùng với công cuộc tập thể hoá ở nông thôn nước Nga nhiều tự viện, chùa chiền của Phật giáo đã bị phá dỡ hoặc bị chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác. Tính đến năm 1935, có tới 1/3 số tự viện Phật giáo ở nước Nga đã bị bỏ trống do không có Lạt Ma và tăng ni, phật tử. Những người này, hoặc đã bị chính quyền trấn áp, hoặc đã chạy trốn sang các vùng khác. Năm 1936, với lí do có khoảng từ 22 đến 29 tự viện Phật giáo còn hoạt động đang nằm trên vùng biên giới, chính quyền đã ra lệnh đóng cửa tất cả số tự viện này, còn các Lạt Ma thì bị trục xuất đi nơi khác vì bị coi là “kẻ thù của nhân dân” và ” gián điệp của Nhật Bản”. Tình hình tương tự cũng diễn ra ở Kalmưkia và Tuva, mặc dù về hình thức Tuva lúc đó là một khu vực có chính quyền độc lập. Chùa chiền, tự viện ở Tuva và Kalmưkia đều bị đốt trụi. Ở Kalmưkia chỉ còn lại duy nhất một toà nhà được xây bằng đá thuộc tự viện Khosheutovski của các hầu tước Tiumen, còn ở Tuva chỉ sót lại một bức tường dày một mét của tự viện Trađanski.

Sau Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, chính quyền Liên Xô đã có chính sách mềm mỏng hơn đối với tôn giáo, trong đó có Phật giáo. Trong cuộc chiến tranh này, phật tử Buratia đã tỏ rõ lập trường yêu nước của mình, đóng góp vào quỹ quốc phòng 353.100 rúp. Chính quyền đã cho phép các phật tử khôi phục lại tự viện của mình.

Một năm sau chiến tranh, theo sáng kiến của một nhóm các Lạt Ma và các tín đồ Phật giáo, đứng đầu là A. Galsanov, Lạt Ma trụ trì tự viện Aginski, cựu uỷ viên Hội đồng Trung ương Giáo hội Phật giáo miền Đông Sibiri, từ ngày 21 đến 23 tháng 5 năm 1946, tại thành phố Ulan Uđe, đã diễn ra Hội nghị các nhà hoạt động Phật giáo của nước Cộng hoà tự trị Buriát – Môngôlia (tên gọi của nước Cộng hoà tự trị Buratia thuộc Liên Xô giai đoạn 1923-1958). Hội nghị đã thông qua Điều lệ của Giáo hội Phật giáo và Quy chế về giới tu hành Phật giáo Liên Xô, trong đó quy định các Lạt Ma “Tôn trọng tổ quốc của những người lao động ngang với sự tôn trọng tín ngưỡng Phật giáo thiêng liêng của mình, ra sức góp phần củng cố và làm cho tổ quốc phồn vinh”.

Cơ quan tối cao của Giáo hội Phật giáo Liên Xô là Hội đồng Trung ương Giáo hội Phật giáo Liên Xô (Hội đồng TWGHPG Liên Xô). Người đứng đầu cơ quan này là một vị chủ tịch với giáo phẩm Panđiđô Khambô – Lạt Ma. Trụ sở của Hội đồng TWGHPG Liên Xô là một ngôi chùa mới được xây dựng ở vùng đầm lầy, cách thành phố Ulan Uđe 30 km, chùa Khambin Sume, nay là tự viện Ivôlginski. Panđiđô Khambô – Lạt Ma đầu tiên được bầu là Lôbsan – Nima Đarmaev. Ngay sau đó tự viện Phật giáo thứ hai được phép mở tại tỉnh Trichinski, tự viện Aginski. Mặc dù bị sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước, trong nhiều năm, hai tự viện này vẫn duy trì sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng nghi lễ của Phật giáo cổ truyền cho tới khi bắt đầu “công cuộc cải tổ” của Gorbatrev. Tại hai trung tâm Phật giáo này chỉ có khoảng 20 nhà tu hành được phép hoạt động. Còn ở các vùng Phật giáo khác, hàng trăm Lạt Ma trước đây bị tập trung đi các trại cải tạo, nay được trở về và tiếp tục tham gia các sinh hoạt Phật giáo, tuy hoạt động của họ không công khai. Thông thường, những Lạt Ma này thực hiện các lễ nghi Phật giáo cho những người cùng làng và đôi khi cho cả những người từ nơi khác đến. Ngoài ra, họ còn hành nghề y học cổ truyền Tây Tạng. Một số Lạt Ma đã tự động tuyển chọn các tăng ni sinh vượt ra khỏi phạm vi các vùng có truyền thống Phật giáo. Tiêu biểu là nhóm tăng ni sinh của Lạt Ma Biđia Đanđarôvich Đanđarôn ở Buratia. Tham gia nhóm này không chỉ có các tín đồ Phật giáo ở Buratia, mà còn cả các tín đồ đến từ phần lãnh thổ Châu Âu của Nga, Ucraina, Pribaltika. Năm 1972, Lạt Ma Đanđarôn bị bắt vì tội tổ chức “giáo phái Phật giáo”, hai năm sau Lạt Ma này đã chết trong trại cải tạo.

Tại Buratia, các Lạt Ma vẫn tiếp tục bí mật tổ chức các hoạt động phật sự ở tất cả các khu vực của nước cộng hoà tự trị này. Tính đến cuối những năm 70 thế kỉ XX, ở Kalmưkia và Tuva số Lạt Ma còn lại có thể đếm trên đầu ngón tay. Cuối cùng, do các Lạt Ma ở Tuva đã tích cực hoạt động trở lại nên Lạt Ma Genđen Xeren đã rời Tuva đến tự viện Ivolginski và ông đã mất tại đây năm 1985.

Vào giữa những năm 50 thế kỉ XX, Phật giáo hợp pháp(2) ở Liên Xô bắt đầu được sử dụng tích cực cho chính sách “tự do tín ngưỡng” và chính sách đối ngoại của nước này ở Châu Á. Năm 1956, Hội đồng TWGHPG Liên Xô đã gia nhập Hội Phật giáo Thế giới. Năm 1969, “Hội nghị Phật giáo Châu Á” được triệu tập, trong đó đóng vai trò chủ đạo là Phật giáo các nước có quan hệ hữu nghị với Liên Xô lúc đó.

Trong thời kì này, nhiều đoàn đại biểu Phật giáo nước ngoài bắt đầu tới thăm Liên Xô. Các giảng sư Phật giáo nổi tiếng của các nước đã tới nước Nga thăm và giảng dạy tại hai tự viện lớn đang hoạt động ở Zabaikalie. Điều này đã làm cho các phật tử Nga có thể cảm nhận được một cách trực tiếp sự phát triển của Phật giáo ở nước mình.

Toàn bộ hoạt động của Phật giáo cổ truyền ở nước Nga nói riêng và Liên Xô nói chung thời kì này chủ yếu dựa vào các trung tâm Phật giáo ở Cộng hoà tự trị Buratia và dựa vào những chức sắc Phật giáo được đào tạo trong hệ thống các tự viện cũ đã bị phá huỷ từ những năm 30 thế kỉ XX và hiện nay không có người thay thế. Để khắc phục tình trạng thiếu hụt chức sắc Phật giáo, vào năm 1970, trường Đại học Phật giáo được thành lập để đào tạo các nhà tu hành đáp ứng cho nhu cầu của Buratia và Mông Cổ.

Trường đại học này được xây dựng tại thành phố Ulan Bator (thủ đô Mông Cổ). Một chương trình giảng dạy và học tập 5 năm đã bắt đầu được soạn thảo. Ngoài các môn học về Phật giáo cổ truyền, tiếng Tây Tạng và tiếng Anh còn có bộ môn Cơ sở chủ nghĩa Mác. Tiếng Mông Cổ được dùng làm ngôn ngữ giảng dạy và người Buriat có thể hiểu được ngôn ngữ này. Chỉ những người đã tốt nghiệp phổ thông trung học, có phẩm chất chính trị “đáng tin cậy” mới có thể đến Ulan Bator theo học trường này. Tuy nhiên, chương trình học tập này còn xa mới đạt tới chương trình chuẩn 20 năm được áp dụng trước đây. Hơn thế nữa, khi nhập trường, tăng ni sinh mới bắt đầu học tiếng Tây Tạng – ngôn ngữ bắt buộc đối với mọi tăng ni sinh. Mặc dù vậy, trường cũng đã đào tạo được một số lượng đáng kể các Lạt Ma nắm được các kiến thức cơ bản về Phật giáo và biết thực hiện các nghi lễ tôn giáo cần thiết thường ngày.

Năm 1993, giáo phẩm Khambô – Lạt Ma do Troi Đorgie Buđaev đảm nhận, còn từ năm 1995 đến nay giáo phẩm này thuộc về Đamba Aiusheev.

4. Tình hình Phật giáo nước Nga giai đoạn hiện nay

Ngay sau khi Liên Xô tiến hành công cuộc cải tổ, quá trình phục hưng Phật giáo diễn ra rất nhanh chóng. Năm 1988, các tự viện Phật giáo đầu tiên ở Tuva và Kalmưkia đã đăng kí hoạt động. Sau đó, việc đăng kí hoạt động của Hội Phật giáo Lêningrađ đã bị hoãn lại một năm. Năm 1989, Kushok Bakula Rinpotre đã làm lễ tại nhà riêng cho tự viện Phật giáo đầu tiên của Elista, thủ đô Cộng hoà tự trị Kalmưkia. Ông cũng làm lễ cho tự viện Phật giáo Sankt Peterburg, khi nó được trả lại cho phật tử thành phố này năm 1990. Hiện nay, trên toàn lãnh thổ Liên bang Nga có hơn 200 tổ chức Phật giáo đang hoạt động. Trong đó, ngoài Phật giáo cổ truyền Tây Tạng, đã bắt đầu có những tông phái Phật giáo khác truyền bá vào nước Nga, trong đó có những nhóm tín đồ theo Phật giáo Theravada (Phật giáo Nam tông) và không ít các tổ chức Phật giáo Trung Quốc, Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Thiền tông Nhật Bản. Trong số này có cả các nhóm đã đăng kí hoạt động cũng như các nhóm không đăng kí hoạt động.

Phật giáo cổ truyền Tây Tạng hoạt động ở nước Nga hiện nay cũng không phải chỉ có một Tông phái Gelugpa (Tông phái Mũ vàng Mông Cổ) như trong giai đoạn trước Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Đặc biệt, trong giai đoạn “hậu cải tổ”, ở nước Nga đã xuất hiện hầu hết các tông phái còn lại của Phật giáo Tây Tạng như: Ningma và Kagiu. Cả hai khuynh hướng Phật giáo hiện đại theo đường hướng của Karm Kagiu và Shangp Kagiu đã xuất hiện ở Nga sau cuộc viếng thăm nước này năm 1995 của người đứng đầu tông phái là Lạt Ma Tretsang Rinpotre. Những người lập ra các tông phái này ở Nga là một môn sinh người Pháp của Kalu Rinpotre Lạt Ma Đêni và Đrigun Kagiu. Tông phái Sakia cũng đã xuất hiện ở Moskva, Elista và Sankt Peterburg sau cuộc thăm viếng nước Nga năm 1996 của người đứng đầu tông phái này Lạt Ma Sakia Trizin. Ngoài ra, còn xuất hiện nhiều nhóm Phật giáo theo các khuynh hướng khác ngoài Phật giáo cổ truyền Tây Tạng.

Trong những năm gần đây, khuynh hướng bí truyền Tây Tạng “Sự hoàn thiện vĩ đại” (theo tiếng Tây Tạng là Đzogtren) được truyền bá rộng rãi, nhất là trong giới trí thức quan tâm tới Phật giáo. Hiện tại, nhóm người theo khuynh hướng này có số lượng đông nhất trong số các tổ chức Phật giáo mới ở nước Nga.

Trong giai đoạn này, một số tự viện Phật giáo ở Nga có xu hướng hợp nhất thành những tổ chức lớn có tính chất tập trung. Thí dụ, năm 1991, thành lập Hội Liên hiệp Phật tử Kalmưkia dưới sự lãnh đạo của một người Kalmưk trẻ tuổi gốc Mỹ là Telo Rinpotre, được đào tạo về Phật giáo Tây Tạng tại tự viện Goman ở ấn Độ. Hơn 20 tự viện Phật giáo Tạng truyền thuộc Tông phái Kagiu do nhà sư Đan Mạch thành lập đã hợp nhất thành Hội Phật tử tông phái Karm. Tại Tuva, năm 1997, đã hình thành một tự viện Phật giáo độc lập với tên gọi “Giáo hội Kambu – Lạt Ma Tuva”.

Mặc dù hiện nay có rất nhiều tông phái Phật giáo đang cùng hoạt động ở Nga, song mối quan hệ giữa Giáo hội Phật giáo cổ truyền Nga với các tông phái Phật giáo hiện đại hầu như không có. Theo người đứng đầu Giáo hội Phật giáo cổ truyền Nga Panđiđô Khambô – Lạt Ma Đamba Aiusheev, nguyên nhân của việc Giáo hội Phật giáo cổ truyền Nga không có quan hệ với các tông phái Phật giáo mới là do các tông phái này đều không sẵn sàng đối thoại một cách chân thành. Nhiều tông phái mới còn chưa thấu hiểu nội dung cốt yếu của giáo phái. Các nhà truyền giáo nước ngoài đến Nga, sau một vài tháng họ về nước và để lại một số môn đồ. Những người này trên thực tế chưa quen với các hoạt động của Phật giáo và cũng không thực sự nghiêm túc trong việc truyền bá Phật giáo vào Nga(3).

Còn trong quan hệ của Giáo hội Phật giáo cổ truyền Nga với các tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống khác ở Nga như Chính Thống giáo, Islam giáo, v.v…  mọi việc diễn ra tương đối bình thường. Tín đồ các tôn giáo cùng chung sống, làm việc, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau trong cộng đồng các dân tộc trên lãnh thổ Cộng hoà Liên bang Nga. Nhưng theo đánh giá của người đứng đầu Giáo hội Phật giáo cổ truyền Nga, quan hệ giữa các tín đồ bình thường của các tôn giáo tốt hơn quan hệ giữa những người đứng đầu các tôn giáo. Tuy nhiên, thái độ thù địch đối với Phật giáo từ phía tín đồ của các tôn giáo khác hoàn toàn bị loại trừ, bởi vì không thể có chuyện hai người xung đột với nhau, một người hoàn toàn đúng, còn người kia hoàn toàn sai. Khi hai bên xung đột hiểu được cái sai của mình thì xung đột sẽ bị loại trừ(4).

Ở cả ba nước cộng hoà tự trị có truyền thống Phật giáo là Buratia, Kalmưkia và Tuva, sự phục hưng Phật giáo gắn liền với văn hoá dân tộc, một nền văn hoá không bị Nga hoá và điều này được sự ủng hộ của chính quyền nhà nước ở địa phương. Ở Kalmưkia, Phật giáo (cùng với Chính Thống giáo) được công nhận là quốc đạo. Tuy nhiên, điều này lại trái với Hiến pháp của Liên bang Nga. Mặc dù các dân tộc ở các khu vực nói trên của Liên bang Nga rất nhiệt thành với Phật giáo, nhưng để phục hưng Phật giáo ở đây không phải là công việc một sớm một chiều. Một trong những nguyên nhân là sự thiếu hụt tăng ni, những người có thể hướng dẫn quần chúng tín đồ trong các sinh hoạt tôn giáo của mình. Trong giai đoạn trước đó, ở ba khu vực Phật giáo này đã “mất đi” gần 20.000 nhà sư và không dễ gì bù đắp sự thiếu hụt này trong một thời gian ngắn. Hơn thế nữa, kinh phí dành cho việc đào tạo tăng ni sinh cũng quá ít ỏi. Bước đi quan trọng hiện nay để khắc phục hiện trạng này là việc gửi tăng ni sinh người Buratia, người Kalmưk và người Tuva đi đào tạo nhiều năm trong các trường Phật giáo Tạng truyền ở ấn Độ. Đến nay, đã có vài chục người, chủ yếu là lớp trẻ, được gửi đi học ở nước ngoài. Kinh sách Phật giáo và tài liệu học tập cũng rất thiếu thốn, đặc biệt là kinh sách và tài liệu bằng tiếng các dân tộc. Ngoài ra, với mục đích lợi dụng các tư tưởng Phật giáo để xuất bản các ấn phẩm mang tính thương mại, một số giáo phái, cùng những kẻ làm ăn gian lận đủ loại thậm chí cả các băng nhóm tội phạm, đã in ra những loại sách mang tính “bí truyền” và thần bí, làm cho những người thế tục có quan niệm không đúng về tôn giáo thế giới này.

Học viện Phật học được xây dựng ở Buratia không thể phát triển một cách bình thường do thiếu kinh phí, thiếu giảng sư có trình độ chuyên môn cao và thiếu cả phiên dịch giỏi tiếng Tây Tạng, bởi vì giảng dạy Phật học ở đó chủ yếu là người nước ngoài, mà phần lớn là các giảng sư Phật giáo Tạng truyền tới từ ấn Độ. Phân viện của Học viện Phật học Karmapa tại thành phố Elista cũng gặp phải những vấn đề tương tự. Hiện nay, các giảng sư Tây Tạng đang thuyết giảng tại tất cả các khu vực có Phật giáo cổ truyền ở nước Nga, trong đó có cả thành phố Moskva và Sankt Peterburg.

Nhiều tổ chức tôn giáo khác ở Nga cũng gặp phải vấn đề thiếu hụt chức sắc tôn giáo. Riêng đối với Phật giáo, theo Panđiđô Khambô – Lạt Ma Đamba Aiusheev, vấn đề này đang dần được cải thiện. Nếu như trước đây, các giảng sư chủ yếu được mời từ ấn Độ và Mông Cổ, thì ngày nay, Phật giáo Nga đã có được đội ngũ giảng sư riêng của mình. Đã có những nhà sư trẻ biết nhiều ngoại ngữ, có kiến thức chuyên sâu về triết học Phật giáo, hiểu biết y học cổ truyền Tây Tạng, nắm được cơ sở của chiêm tinh học và yoga, v.v… Đamba Aiusheev cũng phủ nhận ý kiến cho rằng, những nhà Phật học được đào tạo từ các trung tâm Phật học của nước ngoài không đáng tin cậy về mặt chính trị đối với nước Nga. Người đứng đầu Giáo hội Phật giáo cổ truyền Nga cho rằng, con người càng đắm mình vào học thuyết của Đức Phật bao nhiêu, thì càng xa rời chính trị bấy nhiêu. Khi đã định tâm, tham thiền người ta sẽ thoát khỏi mọi ham muốn vật chất trần tục(5).

Năm 1991, lần đầu tiên Đạt Lai Lạt Ma XIV đã có chuyến viếng thăm chính thức các vùng Phật giáo cổ truyền của nước Nga. Ở tất cả những nơi tới thăm, Đạt Lai Lạt Ma XIV đã có các buổi thuyết giáo về đạo Phật và dâng lễ Phật. Tất cả được tổ chức chu đáo, không một ai ngăn cản tín đồ biểu lộ tình cảm của mình với người đứng đầu tông phái Phật giáo mà họ đang theo. Tại Kalmưkia, trên đường Đạt Lai Lạt Ma đi qua, người ta đã trải hoa hồng tươi. Còn tại Tuva, trên suốt chặng đường từ sân bay về khách sạn, hàng đoàn phật tử quỳ trước xe đưa rước Ngài. Khoảng gần 30.000 người từ khắp mọi vùng ở các nước cộng hoà có Phật giáo của Liên bang Nga đã tới dự các buổi thuyết giáo của Đạt Lai Lạt Ma. Song, trong những năm gần đây, do tình hình chính trị thay đổi, chính quyền nước Nga đã hai lần từ chối cấp thị thực vào Nga cho Đạt Lai Lạt Ma, xuất phát từ việc bình ổn và tăng cường mối quan hệ Nga – Trung. Nhận xét về điều này, Panđiđô Khambô – Lạt Ma Đamba Aiusheev cho rằng, gắn tôn giáo với chính trị là một việc làm không đúng. Các nhà chính trị cần phải hoạt động chính trị, còn các lãnh tụ tôn giáo thì hoạt động tôn giáo. Nếu các nhà hoạt động tôn giáo mà chuyển sang lĩnh vực hoạt động chính trị thì chỉ đem lại tổn thất cho tôn giáo. Theo Đamba Aiusheev, người dân và tín đồ Phật giáo nước Nga sẽ rất biết ơn chính quyền nếu chính quyền cho phép lãnh tụ Phật giáo của họ tới thăm nước Nga(6). 

Từ những điều trình bày trên, dù rất sơ lược, cũng có thể thấy rằng, mặc dù đã trải qua một chặng đường lịch sử thăng trầm trên dưới 400 năm và còn gặp nhiều vấn đề đang cần tiếp tục giải quyết, Phật giáo ở nước Nga hiện nay đang phát triển theo xu hướng tích cực vì lợi ích của tín đồ Phật giáo nói riêng, vì lợi ích của nước Nga và hạnh phúc của tất cả chúng sinh nói chung./.