Trang chủ PGVN Cửa thiền Sư thầy hiến thận

Sư thầy hiến thận

77

Chính gia đình cháu Nguyễn Hữu Hiệp mới là ân nhân lớn của tôi. Họ đã cho tôi cơ hội thực hiện tâm nguyện cứu người ấp ủ nhiều năm của mình.


Hiệp xuất hiện trước mắt tôi với làn da lờn lợt và xanh mệt. Thân hình Hiệp cong gập như tàu lá chuối hơ trên lửa. Bàn tay Hiệp cong vẹo, gập vào bụng như đang cố giấu đi những đau đớn.


Cuộc gặp gỡ không thể quên


Thấy tôi bước đến gần, Hiệp khoanh tay lễ phép: “Con chào sư thầy ạ!”. Tôi mỉm cười, xoa đầu Hiệp. Đôi mắt trong veo của cậu bé 15 tuổi không khác lắm với đôi mắt của tôi, cậu bé Phạm Văn Thọ ngày trước ở vùng quê nghèo Bắc Giang. Còn giờ đây, tôi đã là sư thầy Thích Đạo Tín của chùa Vĩnh Ninh, tỉnh Phú Thọ.


Bố cháu Hiệp khẽ kéo ghế mời tôi ngồi. Đôi mắt của người đàn ông 40 tuổi hằn rõ những nếp nhăn của lo toan và vất vả. Anh tên Nguyễn Văn Hưng, hiện là công nhân ở nhà máy xay Hải Dương. Vợ anh bán dưa cà ngoài chợ.


Anh Hùng đưa tôi xem hồ sơ bệnh án của cháu Hiệp. Hồ sơ ghi rõ bệnh nhân Nguyễn Hữu Hiệp, 15 tuổi, mắc chứng viêm cầu thận từ năm hai tuổi rưỡi. Bệnh hiện đã chuyển nặng sang thận hư nhiễm mỡ và suy thận.


Tôi khẽ ngước nhìn thân hình gầy gò, ốm yếu như đứa trẻ lên mười của Hiệp, lòng dấy lên sự thương xót vô hạn. Đôi mắt đỏ hoe, bố Hiệp tâm sự: “Cách đây ba năm, cháu đã được ghép thận của tôi. Sức khoẻ cháu ổn định nhưng đến tháng Chín năm nay, cháu bị nhiễm siêu vi-rút”.


“Căn bệnh khiến Hiệp sút cân, kém ăn, huyết áp tăng và phải nhập viện để lọc máu. Năm học của cháu xem như bị gián đoạn. Mẹ cháu sức khỏe yếu, không thể hiến thận cho con. Mạng sống của Hiệp chỉ biết trông chờ vào sư thầy”.


Nói chưa dứt câu, người cha thương con quỳ sụp dưới chân tôi cầu khẩn: “Cháu cần một quả thận của sư ông. Con cầu xin sư ông”.


Tôi vội đỡ anh Hùng đứng dậy và chắp tay trước ngực niệm kinh: “Nam mô a di đà phật, xin thí chủ đừng quá lời! Nhà Phật quan niệm: Người nhận là ân nhân của người cho. Chính cha con thí chủ mới là ân nhan của bần tăng”.


Ngộ ra mình có căn kiếp đường tu


Câu chuyện ấy xảy ra cách đây gần một năm nhưng với tôi, nó vẫn rõ như ngày nào. Tôi vẫn nhớ như in dáng vẻ khắc khổ của những người trong gia đình cháu Hiệp tại Bệnh viện Nhi Trung ương.


Tôi nhớ cả giây phút họ xuất viện mừng mừng tủi tủi. Ca phẫu thuật ghép thận thành công đã trả lại tuổi thơ cho cháu Hiệp. Có lẽ, đó chính là giây phút hạnh phúc nhất với một người tu hành như tôi.


Nhiều lúc ngẫm lại đời mình, tôi cảm thấy dường như mình có sẵn căn duyên đường tu. Ít ai biết tôi vốn là con trai duy nhất trong gia đình có năm chị gái.


Quê tôi nghèo lắm. Ngày ngày, mẹ tôi ra đồng chăm lúa. Bố tôi mỗi sáng vào rừng kiếm củi, gánh ra chợ bán lấy tiền đong gạo nuôi đàn con thơ.


Công việc vất vả khiến mẹ tôi bệnh tật triền miên và ra đi khi tôi mới sáu tuổi. Hai năm sau, bố tôi cũng theo mẹ về nơi chín suối. Thương tôi sống cơ cực, các chị quyết định gửi tôi sang sống nhờ nhà cậu ruột.


Lớn lên, cậu gửi tôi vào học nội trú tại trường Hoàng Đằng Miên, dành cho các con em thương binh, liệt sĩ ở thị xã Bắc Ninh. Vì miếng cơm manh áo, chị em tôi gặp gỡ thưa dần. Khoảng trống gia đình không sao bù đắp nổi.


Từ miền núi xuống đồng bằng, tôi như dòng sông nhỏ thích thú dạo chơi hết những khúc quanh. Tôi nghịch ngợm, thích đánh nhau, thích nếm trải tất cả mùi vị của cuộc đời như bao cậu con trai khác. Tôi cũng hút thuốc, uống rượu như chúng bạn.


Năm cấp III, tôi bỏ dở việc học để đi học lái xe. Năm 1990, tôi vào Lâm Đồng làm thuê kiếm sống. Những ngày ở đây, tôi tình cờ đến thăm tu viện An Lạc.


Lần đầu tiên bước vào tu viện, quang cảnh tĩnh mịch và yên ắng xung quanh không khỏi làm tôi thấy lạ lẫm. Tôi đi lang thang khắp tu viện, hít căng lồng ngực mùi nhang trầm.


Tiếng tụng kinh của các sư thầy vang lên đều đều làm lòng tôi như chững lại. Những trò nghịch ngợm, tính khí bốc đồng của tuổi trẻ… dần mờ nhạt như sương khói.


Hôm sau và hôm sau nữa, tôi lại đến tu viện. Tôi thường ngồi xếp bằng ở một góc tu viện, lẩm nhẩm theo lời kinh, cảm thấy lòng tĩnh tại như mặt hồ.


Sau hơn một tháng lui đến bầu bạn với các vị sư thầy, tôi chợt cảm thấy cuộc đời mình bấy lâu nay như bị ai đánh cắp, chỉ biết rong chơi và nghịch ngợm.


“Hình như mình sống phí hoài quá!”, tôi lẩm bẩm và nghiệm ra những ngày đến tu viện là những ngày tôi cảm thấy thanh thản nhất. Một suy nghĩ loé lên trong đầu tôi: “Hay mình đi tu?”.


Thế nhưng, suy nghĩ ấy lập tức bị dập tắt khi tôi chợt nhớ ra mình gánh trọng trách nối dõi gia đình. Dạo gần đây, cách hai ba hôm, các chị lại gọi lên giục tôi lập gia đình. “Mình không thể phụ lòng các chị được”, tôi vừa nghĩ vừa bước nhanh ra khỏi tu viện.


Tuy nhiên, chỉ được một hai hôm, nỗi nhớ tụng kinh và nhữgn giáo lý chân tu của nhà Phật lại kéo tôi trở lại. Biết mình không thể vui vẻ nếu cố ép bản thân vào cuộc sống bình thường, tôi quyết định gửi mình vào cửa Phật.


Tự rèn mình vào cuộc sống tu hành


Biết ý định của tôi, vị trụ trì của tu viện khẽ bảo: “Tu là một hành trình gian khổ, con đã suy nghĩ kỹ chưa?”. Tôi không trả lời, chỉ chắp tay trước mặt và cúi đầu. Từ sau hôm ấy, tôi trở thành sư thầy của tu viện.


Quả như sư thầy nói, cuộc sống tu hành không dễ gì vượt qua. Mỗi ngày, tôi phải dậy từ lúc ba giờ sáng để tụng kinh và ngồi thiền. Đến sáu giờ, tôi cùng các bạn đồng môn cuốc đất, tưới rau… Nhiều hôm, tôi cuốc đất mà mắt díp lại vì buồn ngủ.


Từ một thanh niên quen sống lang bạt, tôi phải tự gò mình vào khuôn khổ. Ở tu viện, mọi người đều ngủ và tầm chín giờ rưỡi tối. Tôi không quen ngủ sớm nên phải nằm trằn trọc và hơn cả tuần mới có thể ngon giấc.


Những bữa ăn ở tu viện thường chỉ có cháo trắng, muối, rau… Những công việc lao động nặng nhọc không kém bất cứ ai. Nhìn tôi gánh được đôi quang nước đã chóng mặt vì đói, sư thầy ân cần bảo: “Nếu không chịu được, con có thể trở lại cuộc sống bình thường bất cứ lúc nào”.


Ngay lập tức, tôi đặt đôi quang gánh xuống, chắp tay trước ngực: “Mô Phật, con đã quyết chí tu hành, khó khăn thế nào, con cũng sẽ vượt qua”.








suthay1.jpg

Sư thầy vui với cuộc sống thanh đạm ở chùa


Tôi như hòn sắt thô dần được mài giũa. Không chỉ quen với nếp sinh hoạt lành mạnh ở tu viện, tôi còn thấm nhuần những giáo lý nhà Phật. Cõi tu thật sự trở thành nơi nương thân của tôi.


Biết tin tôi xuất gia, các chị gái tìm đến tu viện An Lạc. Chị cả vừa khóc vừa hỏi: “Em vất vả quá à? Không chịu được nên lánh đời vào chùa tu à? Các chị đã bàn với nhau rồi, sẽ góp tiền lại cho em mở tiệm buôn bán hoặc học nghề. Em về quê đi, các anh rể và các cháu nhắc cậu nhiều lắm”.


Tôi khẩn khoản nắm tay chị: “Em tu vì căn duyên chứ không phải vì lánh đời hay vất vả. Các chị đừng lo cho em! Hãy dành thời gian chăm sóc các cháu”.


Khuyên tôi mãi không được, các chị đành bỏ về. Sau đó, tôi nhận được rất nhiều thư từ gia đình khuyên tôi bỏ tu trở về quê. Dù thương nhưng tôi đành nhắm mắt xếp thư vào hộp gỗ.


Năm 2004, tôi về chùa Đại Bi, phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì. Sau đó, Đại Đức Thích Minh Nghiêm đưa tôi về chùa Vĩnh Ninh, kế vị sư trụ trì vừa quy tiên.


Tôi trụ trì chùa Vĩnh Ninh từ đó đến nay. Một lần, tình cờ đọc bài báo về một em bé bị suy thận nặng, đang đấu tranh với cái chết, tôi bị thôi thúc phải làm một điều gì đó. Ngay lập tức, tôi bắt xe xuống bệnh viện hiến thận cho em nhưng đã muộn.


Trở về chùa, tôi bần thần như người mất hồn. “Cuộc sống còn quá nhiều người bất hạnh. Mình chỉ tụng kinh cầu an nào đã đủ cứu rỗi chúng sinh? Mình phải làm sao đây?”, tôi suy nghĩ đến khi thiếp dần vào giấc ngủ.


Ba năm mới gặp được ân nhân


Sáng hôm sau, tôi dậy sớm, ngồi vào bàn viết đơn xin hiến cơ quan nội tạng để cứu các bệnh nhân. Tôi viết cả di chúc hiến xác cho việc nghiên cứu và học tập của sinh viên ngành y. Sau khi hoàn thành, tôi gửi đơn hiến nội tạng của mình đến khắp các bệnh viện và khấp khởi chở đợi.


Thế nhưng, thời gian dần trôi qua mà những lá thư của tôi cứ bặt vô âm tín. Không chờ thêm được nữa, tôi lặn lội xuống bệnh viện để hỏi thăm.


Một vị bác sĩ nhìn tôi ngạc nhiên: “Sư thầy hiến cơ quan nội tạng thật à? Chúng tôi nhận đơn, cứ tưởng ai đó đùa dai. Sư thầy thông cảm, trước đây, có rất nhiều người xin hiện nội tạng nhưng khi có người bệnh cần, họ lại từ chối. Sư thầy cứ trở về chùa. Khi có bệnh nhân cần, chúng tôi sẽ mời sư thầy ngay”.


Tôi lại trở về chùa và đợi chờ trong vô vọng. Trong thời gian này, cũng có nhiều người tìm đến tôi nhưng sau khi gặp, họ lại quay về. Dù tôi thuyết phục thế nào, họ vẫn từ chối với lý do: “Lấy của nhà chùa, nặng tội lắm thầy ơi!”.


Một lần, nghe tin một bệnh nhi ở Hà Nội cần ghép gan, từ Lâm Đồng, tôi bắt xe đò vượt hơn 1.000km đến bệnh viện. Vậy mà khi làm các xét nghiệm, chỉ số của tôi không tương thích với cháu bé cần ghép gan. Tôi lủi thủi quay về.


Một lần khác, tôi nghe tin huấn luyện viên đội tuyển bóng đá Quốc gia Afred Riedl cần ghép thận. Tôi lại lặn lội đến nơi để làm các xét nghiệm cần thiết. Các chỉ số đều tương thích. Thế nhưng, hai chỉ số cuối không đạt và tôi lại lặng lẽ quay về.


Ba năm đằng đẵng trôi qua, tôi mới có thể thực hiện tâm nguyện. Cuối năm 2007, cha cháu Hiệp tìm đến tận chùa VĨnh Ninh để xin tôi quả thận ghép cho con trai.


Các chỉ số xét nghiệm của tôi và cháu Hiệp đều tương thích. Ngày 11- 11- 2007, Bệnh viện Nhi Trung ương đã thực hiện thành công ca ghép thận. Cháu Hiệp đã được sống và vui chơi, học hành như bao trẻ em khác.


Tết vừa rồi, gia đình cháu Hiệp nằng nặc đòi lên chùa thăm nhưng tôi từ chối. Tôi thương họ gia cảnh thiếu thốn, lặn lội đưòng xa vừa vất vả vừa tốn kém.


Hơn nữa, nếu có thăm, phải là tôi đi thăm. Chính tôi mới mang ơn họ. Tôi nhận từ họ một cơ hội để hoàn thành tâm nguyện của mình.