Trang chủ Thời đại Xã hội Suy nghĩ về tôn giáo và sự ổn định: Sự bất hòa...

Suy nghĩ về tôn giáo và sự ổn định: Sự bất hòa hay ổn định xã hội?

115

Do các nhóm này chân thành trong đức tin của mình, họ phục vụ cộng đồng xung quanh bằng nhiều chương trình khác nhau. Do đó, người nghèo, người mồ côi, các góa phụ, v.v… tất thảy đều có đời sống tốt hơn. Điều có lợi cho nhà nước đó là những nhóm có đức tin này cung cấp những dịch vụ mà chính phủ không phải trả tiền. Trong khi đó – bởi thái độ làm việc và đạo đức của họ – những nhóm có đức tin này giúp xây dựng nền kinh tế, đồng thời giữ vai trò những người chống lại sự suy thoái.


Nói tóm lại, những người có đức tin và trách nhiệm biết cách sống một đời sống tâm linh tốt, và nhờ đó hiểu được cách góp phần tích cực cho sự phát triển trong cộng đồng(1).


Giả định thứ hai của tôi đó là sự phát triển không thể diễn ra nếu không có sự ổn định và an toàn xã hội, vốn là điều trên thực tế không thể đạt được nếu những người lãnh đạo không lên kế hoạch cho những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Điều đó có nghĩa là nếu nhà nước không hiểu rằng việc biến tôn giáo thành kẻ thù của nhà nước là việc rất dễ dàng, thì có thể họ đã làm việc đó rồi. Chiều kích này của mối quan hệ hỗ tương giữa tôn giáo và xã hội chưa được các học giả quan tâm ghi nhận nhiều, và vì lí do đó, đây là trọng tâm cho bài viết của tôi.


Nhưng trước hết tôi muốn chia sẻ ngắn về bối cảnh của cá nhân tôi về vấn đề này, vì tất cả chúng ta đều là tù nhân của kinh nghiệm bản thân. Tôi tiếp cận vấn đề này từ góc độ một học giả. IGE (Viện Can dự toàn cầu) và tôi đã suy nghĩ về vấn đề này sáu năm rồi. Chúng tôi đã xuất bản cuốn sách duy nhất viết về chủ đề này –Religion & Security: The New Nexus in International Affairs (Rowman & Littlefield, 2004) – và chúng tôi xuất bản tờ tạp chí duy nhất trong lĩnh vực đang nổi lên là: The Review of Faith & International Affairs. (Tạp chí Đức tin và những vụ việc quốc tế).


Tôi đã từng làm việc với nhiều nhóm và nhiều dự án khác nhau tại Washington  D.C. về tương lai an ninh quốc gia Hoa Kỳ. Kể từ sau ngày 11 tháng 9 năm 2001, tôi đã từng đi lại rất nhiều nơi, nhìn thấy nhiều nền văn hóa và các nhà nước  khác nhau đối diện với tôn giáo như thế nào.


Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng những quan sát của tôi hôm nay – có mục đích cụ thể là để khuyến khích những người đề ra và thi hành các chính sách tại chính đất nước mà tôi mới xem xét để khích lệ đức tin tốt nhất trên khắp thế giới nhằm đánh bại tôn giáo tệ hại nhất.


*


*             *


Sự đứt quãng căn bản giữa tôn giáo và nhà nước là ở chỗ: những người theo tôn giáo thờ phụng một điều gì đó vĩ đại hơn chính họ, tức là, theo định nghĩa, vĩ đại hơn các nhà nước. Ví dụ, là một tín đồ Kitô giáo, trong tâm trí tôi không hề có một chút gì nghi ngờ rằng Đức Chúa Trời vĩ đại hơn cả Chính phủ Hoa Kỳ.


Do đó, đối với nhà nước, vấn đề chính sách rất đơn giản: Làm thế nào để nhà nước đem lại sự ổn định và trật tự cho các công dân – vốn là chức năng chính của nhà nước – khi mà một số trong số những công dân đó lại có lòng trung thành đối với một điều gì đó khác hơn là chính nhà nước?


Có hai lối tiếp cận tình thế tiến thoái lưỡng nan này: đàn áp tôn giáo hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho đức tin. Nếu không hiểu rõ và chính xác hai sự lựa chọn này, để đưa năm bước vào mỗi lối tiếp cận, thì chúng ta đặt tất cả những hi vọng cá nhân mình và nhiều chính sách khác nhau – ở mức độ toàn cầu, quốc gia, và địa phương – trong mối hiểm họa khôn lường.


Đàn áp tôn giáo: Năm bước đem lại sự bất hòa xã hội


Khi có một ai đó hoặc một điều gì đó khác hơn điều chúng ta hiểu, thì lẽ tự nhiên là chúng ta đặt vấn đề, thậm chí sợ nó. Điều này đúng đối với các nhà nước và tôn giáo (và cũng đúng giữa các tôn giáo). Khi một nhà nước không hiểu hoặc đàn áp tôn giáo, thường thì họ làm việc đó theo năm bước. Khi thực hiện những bước này, dẫu là không cố ý, nhà nước ngăn trở sự ổn định xã hội và vì thế mà cản trở sự phát triển. Nói cách khác, mọi sự hết sức dễ dàng cho các nhà nước, và những đồng minh của họ, trượt dài từ sự ổn định sang tình trạng hỗn loạn. Tất cả bắt đầu bằng sự sợ hãi.


Bước 1: Truy lùng điều chưa biết. Hãy xem ví dụ của Trung á và Nam á trước ngày 11 tháng 09 năm 2001. Trong suốt thời kì Taliban cai trị ở Afghanistan, thế giới chứng kiến một chế độ có động cơ tôn giáo mà lại không khoan dung cho các tôn giáo khác. Phe Taliban phá nổ những tượng Phật cổ, gắn sao vàng cho người theo ấn giáo, và xây cất thánh đường cho các nhóm Islam giáo cực đoan khác. Cuối cùng, những kẻ khủng bố/li khai bắt đầu khuấy động Trung á (tới phía bắc Afghanistan), dùng thuật hùng biện và bạo lực để lật đổ nhiều chính phủ.


Khi thế giới không làm gì cả, những chính phủ mới của Trung á, đặc biệt là Uzbekistan, đã hành động. Sợ nhất là một cuộc nội chiến – như những gì đã xảy ra tại Tajikistan từ 1992 đến 1997, khi mà các lực lượng Islam giáo đánh nhau với chính phủ cho tới khi bế tắc – những chính phủ này bắt đầu ngăn cản các quyền công dân của họ, ngăn trở họ thờ phụng tự do, và thực hành đức tin của họ. Trong trường hợp Uzbekistan, trong khi tất cả những niềm tin đều bị quấy rối, thì những người Islam giáo chính thống đã bị bắt bớ. Chắc chắn nhiều tên khủng bố cũng đã bị bắt. Thế nhưng nhiều người dân vô tội tình cờ là những người mộ đạo thật sự – lại vô tình bị hiểu lầm là những kẻ khủng bố bởi các thói quen tôn giáo của họ (ví dụ như giữ trọn năm điều của Islam giáo) – cũng bị bắt và tra tấn. Những biến cố này tạo nên sự căm phẫn lớn trong cộng đồng dân chúng nói chung, bao gồm các tín đồ tôn giáo và cả những người không phải là tín đồ tôn giáo. Hơn nữa, dân chúng bắt đầu cảm thông hơn với những tên khủng bố thật sự, vì những kẻ khủng bố, thoạt nhìn, là những tên duy nhất đứng lên chống lại một nhà nước áp bức(2). Mối hiểm họa thật sự phát sinh từ phản ứng sai lầm của nhà nước là loại hiểm họa tệ hại nhất trên khắp thế giới. Sự đàn áp tạo nên những điều kiện mà những kẻ khủng bố/li khai cần để tồn tại. Trong một môi trường không có sự tự do báo chí và ngôn luận, những kẻ khủng bố/li khai có thể lợi dụng thông tin và thần học, điều khiển những người ít hiểu biết, cũng như các nhóm đức tin tôn trọng luật pháp.


Bước 2: Đẩy họ đến chỗ thầm lặng. Khi gặp sự quấy rối và bắt bớ, phản ứng tự nhiên và ngay lập tức của các nhóm tôn giáo là chuyển sang dạng hiện hữu ngày càng bí mật, nơi họ có thể thờ phụng và thực hành đức tin một cách kín đáo. Trước đây còn công khai, bây giờ những công dân tuân thủ luật pháp này lại chấp nhận lối sống thầm lặng để thực hành những đức tin của họ. Càng ngày họ càng lẩn tránh một cách có chủ tâm hơn, khiến cho các lực lượng an ninh tìm kiếm họ khó hơn. Nếu lúc đầu họ không bị quấy rối hoặc bắt bớ, thì những nhóm tuân thủ luật pháp này có thể có một mối quan hệ rõ ràng với nhà nước, để cho các lực lượng an ninh được tự do tập trung vào các nhóm khác vốn là một hiểm họa thật sự.


Bước 3: Dùng bạo lực đối với một mạng lưới có tổ chức và phức tạp. Theo thời gian, một cộng đồng đức tin hoạt động bí mật và các thành viên tiếp tục bị bắt bớ, một bầu không khí mờ đục, đầy rẫy những lời đồn đại xuất hiện. Khi các công dân không thể dựa vào nhà nước để có thông tin chính xác – chứ đừng nói đến chuyện mong đợi nhà nước bảo vệ – họ học được những kĩ năng sinh tồn của riêng họ, mở rộng và đa dạng hóa các mạng lưới tổ chức của họ thông qua các mối quan hệ bí mật. Một khi đã ra đời, những mạng lưới này tạo nên cơ hội đa diện. Một số tín hữu mộ đạo nhưng thiếu kiên nhẫn có thể kích động bạo lực chống lại nhà nước, hoặc những chính trị gia trung gian bên ngoài có thể lợi dụng tôn giáo để biến nó thành một lí tưởng thúc đẩy tấn công nhà nước.


Bước 4: Tạo nên một lí tưởng mở rộng. Khi nhà nước nỗ lực theo đuổi và tiêu diệt các tổ chức tôn giáo thầm lặng, những phong trào này thường lớn lên và ngày càng lan rộng ra vì lòng trung thành càng thêm mạnh mẽ. Vì sao? Tôn giáo giải thích và công nhận sự khốn khổ. Vì cớ “người ta xem điều có giá trị nhất là điều họ phải chịu khổ nhiều nhất”(3), những người có đạo sẽ chịu khổ vì những gì họ tin, cho đến độ phải chết. Và, như Philip Jenkins đã nói, nếu một cộng đồng bị áp bức nhìn chính họ như một cộng đồng tuẫn đạo, thì rất có thể bạo lực vì lí do tôn giáo sẽ trở nên lớn hơn nhiều(4). Ví dụ, lí tưởng về sự tuẫn đạo và lập tức được lên Thiên Đường đã tạo nên một khuôn khổ tôn giáo bào chữa cho những âm mưu đánh bom tự sát hiện nay.


Trong bầu không khí lí tưởng, những người có quan điểm tôn giáo cực đoan quá khích thường nắm giữ vai trò lãnh đạo và thường xuyên lợi dụng sự đàn áp của một nhóm để khích động họ gây mâu thuẫn. Các cộng đồng thiểu số sẵn sàng sử dụng những thủ đoạn bạo lực để thu hút sự chú ý đến động cơ của họ, và cố tình làm nhà nước bất ổn. Kế đến họ dùng sự đàn áp của nhà nước như là “bằng chứng” cho thấy rằng động cơ của họ là đúng, và rằng bạo lực là phương tiện duy nhất có thể đem lại thay đổi thực sự. Nhà nước càng cố gắng đàn áp những truyền thống tôn giáo bao nhiêu, thì các tín hữu càng giải thích kinh nghiệm của họ qua ngôn ngữ nạn nhân và tuẫn đạo – là điều dẫn tới lòng trung thành càng mạnh mẽ hơn với những người lãnh đạo cực đoan.


Điều vốn chỉ bắt đầu như một cơ chế hòa nhập lí tưởng giúp một nhóm thiểu số bị bắt bớ hiểu được duyên cớ sự chịu khổ của họ, có thể phát triển thành một sự kháng cự tích cực và một lòng quyết tâm gây bất ổn cho nhà nước ngay từ bên trong.


Bước 5: Đẩy mạnh một phong trào. Một khi người ta sẵn sàng giết vì tôn giáo của họ, và chết vì đức tin của họ, thì thật không thể nào thay đổi thái độ của cộng đồng này (chứ đừng nói đến việc họ truyền đạt lại những giá trị đó cho con cháu mình). Và điều đó không dừng lại ở thế hệ con cháu. Một khi người ta tin rằng động cơ của họ là đúng – được xác chứng bởi sự đàn áp càng gia tăng – thì động cơ đó sẽ thu hút những người nào cảm thấy bị loại trừ, đặc biệt là những người đang tìm kiếm ý nghĩa trong thời điểm dịch chuyển tâm linh vì toàn cầu hóa này.


Ví dụ, Hoa Kỳ đã làm tổn thương nghiêm trọng cấu trúc và hàng lãnh đạo của al Qaeda. Tuy nhiên, vì thất bại trong việc theo đuổi các chiến lược đối đầu khác, Hoa Kỳ đã làm tổn thương một tổ chức chỉ để tạo cảm hứng cho cả một phong trào. Al Qaeda không phải là một nhóm tôn giáo, nhưng họ tự xem mình là một nhóm tôn giáo. “Sự bắt bớ” họ chỉ thu hút thêm những người tìm kiếm ý nghĩa, như những tổ chức mới làm theo mô hình al Qaeda mà không hề có chút liên hệ nào với al Qaeda.


Tóm lại, phản ứng của các nhóm tôn giáo bị bắt bớ có thể dễ dàng tạo nên một loạt các bước dần dần lan rộng ra như những vòng tròn đồng tâm. Trước tiên, sự đàn áp khiến cho có sự bất đồng ý kiến ngay trong bộ máy nhà nước và dẫn tới nhiều khó khăn cho các lực lượng an ninh khi họ cố gắng theo đuổi những nhóm tôn giáo thầm lặng đang ngày một gia tăng. Theo thời gian, những người bị áp bức lợi dụng các lí tưởng tôn giáo để có thể bào chữa cho bạo lực như là một sự đáp trả thích hợp với sự chịu khổ của họ. Trong khi đó, với bản chất năng động và toàn cầu của nhiều hệ thống đức tin, các đồng minh trong khu vực và trên thế giới có thể hợp nhau lại dưới cùng một động cơ. Sự đàn áp nuôi dưỡng những ý tưởng và cấu trúc khai sinh sự phản kháng và bạo lực, và sự phản kháng cũng như bạo lực lại dẫn tới sự đàn áp dữ dội hơn nữa.


Tạo điều kiện thuận lợi cho đức tin: Năm bước dẫn tới sự hòa hợp xã hội


Vòng tròn các bước trên không nhất thiết phải xảy ra. Mỗi nhà nước có thể lựa chọn một loạt các lối tiếp cận khác nhau để tiếp cận tôn giáo một cách thực tiễn. Những nhà nước này tìm cách tạo điều kiện thuận lợi cho đức tin bằng cách công khai hóa những hoạt động có trách nhiệm của đức tin đó. Dưới đây là năm bước, cùng với những chính sách áp dụng thực tiễn, để một nhà nước xem xét khi đối diện với tôn giáo.


Bước 1: Nhìn nhận tôn giáo là một phần của nan đề, và vì thế cũng là một phần của giải pháp. Bước này là bước khó khăn nhất, đặc biệt là cho những xã hội thế tục, bao gồm cả những xã hội ở phương Tây. Kể từ Phong trào Khai Sáng Châu Âu, với bước chuyển mình chính trong việc tách rời triết học khỏi thần học và hướng tới chủ nghĩa duy lí và khoa học, thế giới phương Tây đã nỗ lực tách rời những vấn đề của nhà nước khỏi những vấn đề của tôn giáo nhân danh sự quản lí tốt. Theo nguyên tắc này, sự tách rời giáo hội và nhà nước đã trở thành một tiêu chí nền tảng cho hầu hết các nước Tây phương, và trên nhiều phương diện, kết quả đạt được khá tích cực.


Tuy nhiên, tổn thất từ sự chia tách này chưa được phân tích kĩ lưỡng. Việc không nắm được vai trò của tôn giáo trong xã hội và đời sống chính trị có thể dẫn tới một sự hiểu lầm sâu sắc về các trào lưu, sự kiện và các xã hội toàn cầu, bao gồm cả xã hội của chính nước Mỹ. Do không hiểu được vai trò của tôn giáo trong thế giới, những nền dân chủ phương Tây dễ dàng đàn áp tôn giáo thông qua sự thờ ơ và đối xử với tôn giáo bằng thái độ “chịu đựng” (tức là không tôn trọng).


Điều trớ trêu của phương Tây, và đặc biệt là Hoa Kỳ, đó là chúng ta đã học bài học này từ trước rồi. Hoa Kỳ được thành lập bởi những người chạy trốn sự bắt bớ, là những người thiết lập nên các thuộc địa để rồi họ bắt bớ bất cứ ai không tin điều mà họ tin. Kiểu mẫu này đã được nhìn thấy và phá vỡ từ sớm (khi Roger Williams chạy khỏi nền thần trị Massachusetts để thiết lập thuộc địa ở Rhode Island), và về sau thì được đưa vào hiến pháp bởi William Penn, James Madison và Thomas Jefferson. Những ông tổ lập quốc này nhìn thấy hiểm họa của việc không trao cho tôn giáo vị trí đúng đắn của tôn giáo một cách công khai.


Tuy nhiên, vẫn rất khó cho người Mỹ, và đặc biệt là cho chính phủ của họ, hiểu rằng nếu tôn giáo là một phần của Ngài, thì tôn giáo phải là một phần của giải pháp. Sau hết, người Mỹ được dạy từ thuở nhỏ rằng để cho lịch sự, thì không được nói đến hai điều là tôn giáo và chính trị.


Nếu các nhà nước không thể nói chuyện một cách có ý nghĩa với tôn giáo, thì Samuel Huntington đã đúng – sự rập khuôn trong cuộc xung đột của các nền văn minh là điều không thể tránh khỏi. Mặt khác, nếu các nhà nước và công dân của họ cho phép các tôn giáo và những người có tôn giáo, có thể và sẽ giữ những vai trò tích cực trong việc ngăn ngừa và giải quyết các xung đột, thì họ tiến gần hơn nhiều tới chỗ bảo vệ an ninh quốc gia thông qua một cuộc đối thoại giữa các nền văn minh. Tuy nhiên, qua nhiều cách khác nhau, các nhà nước thế tục của phương Tây vẫn chưa được trang bị để tiếp cận một thế giới quan đặt cơ sở vào tôn giáo – là một thế giới quan mà chúng ta có thể làm việc và thúc đẩy cái tốt nhất để giúp đánh bại cái tệ nhất(5).


Quan điểm hoạt động thực tiễn: Điều quan trọng đối với các nhà nước đó là xem xét tất cả những mô hình có liên quan về các mối quan hệ tôn giáo-nhà nước để lựa chọn một hệ thống phục vụ các công dân tốt nhất mà lại đem đến sự an ninh.


Bước 2: Trao cho tôn giáo một vị trí chính đáng tại bàn quan hệ quốc tế. Do việc nắm bắt vai trò toàn cầu của tôn giáo là điều hết sức khó khăn từ góc độ nhà nước, sự suy nghĩ phân tích gặp nhiều ảnh hưởng. Có quá nhiều chuyên gia quan hệ quốc tế thờ phụng tại bức tường than khóc của cái gọi là “tách rời giáo hội và nhà nước” – thường thì hoàn toàn phớt lờ tôn giáo – gây thiệt hại cho chính họ và cho những người làm chính sách mà họ tư vấn. Kết quả sản sinh ra một loại “trào lưu chính thống” thế tục, không dành cho tôn giáo một vị trí như một thành phần của chính sách thực dụng. Trở lại với ví dụ nước Mỹ, Douglas Johnston đã nêu đích danh vấn đề này năm 1994: “Bởi mức độ người Mỹ chúng ta tách rời đời sống tâm linh của mình khỏi đời sống công cộng, chúng ta đối diện với một khó khăn trong việc hiểu biết chiều sâu mà tôn giáo và chính trị tương tác với nhau trong việc định hình nhận thức cũng như động cơ của các cá nhân xuất thân từ những xã hội khác. Chúng ta cũng không đánh giá đúng những khả năng biến đổi khi các đảng phái liên quan trong một cuộc xung đột có thể lắng nghe trên căn bản những đức tin hoặc giá trị tâm linh chung. Ngầm chứa bên trong những giá trị đó là triển vọng, dưới các điều kiện đúng, các bên có thể hoạt động ở mức độ tin cậy cao hơn trong lĩnh vực chính sách thực dụng”(6).


Không có gì ngạc nhiên khi Gran Ayatollah Sistani, lãnh đạo của nhóm thiểu số Iraq Shi’a, đưa ra một sắc lệnh tôn giáo vào ngày 28 tháng 06 năm 2003 về những kế hoạch của Mỹ trong việc chuyển giao quyền cai trị cho người Iraq, đã không được lắng nghe. Khi viên chức Hoa Kỳ cao niên (Paul Bremer) tại Iraq được gọi về nước để tư vấn khẩn cấp vào tháng 11 năm 2003, bàn về việc chuyển giao, một lãnh đạo người Iraq, người đã được Hoa Kỳ sắp đặt, đã lập tức nói ngay sau cuộc xâm lược: “Chúng tôi đã chờ đợi bốn tháng, nhờ Bremer. Chúng tôi đã có thể tổ chức [cuộc chuyển giao] bây giờ nếu chúng tôi bắt đầu từ khi Sistani công bố sắc lệnh của ông ta. Tuy nhiên người Mỹ phản đối”(7).


Thật không có gì lạ khi một tác giả về vấn đề an ninh quốc gia từ lâu đã nhận định: “Người Mỹ bị trở ngại bởi Iraq vì chúng ta đã dành ba thế kỉ rưỡi trong trong một thế giới hậu Westphalian, giai đoạn mà chính phủ trấn át đức tin và dân tộc… Trước khi chúng ta có thể hiểu được những kẻ thù hoặc những đồng minh của chúng ta tại Trung Đông, chúng ta đã có 350 năm của những giả định phải gạt bỏ”(8). Khi nhìn lại, chúng ta thấy rằng thời kì này là lúc nhiều nhóm phái khác nhau được tổ chức; một phần là vì Hoa Kỳ không biết cách đối diện với tôn giáo như một phần của chính sách thực dụng, chưa nói tới một lãnh đạo Shi’a với 60 phần trăm dân số mà ông ta đại diện.


Quan điểm hoạt động thực tiễn: Nếu họ tìm kiếm sự ổn định có thể duy trì được, thì những nhà nước thế tục tuyệt đối cần con người và các tổ chức biết cách hoạt động trong giao điểm tôn giáo và chính sách thực dụng. Những sứ giả “hai ngôn ngữ” này thực sự hiện hữu; và thế giới cần họ hơn bao giờ hết.


Bước 3: Nhìn nhận rằng chỉ có thần học tốt mới thắng thần học xấu. Tiếp tục với ví dụ về Hoa Kỳ, chúng ta hãy xem việc Hoa Kỳ đối đầu với thế giới Islam giáo từ sau 11 tháng 9 năm 2001. Hoa Kỳ đã đối đầu với sự kiện này trong năm năm qua bằng cách tập trung vào những cánh cổng, súng và bảo vệ. Lẽ tự nhiên sau khi bị tấn công một cách kinh hoàng, mục đích rõ ràng là không cho “họ” vào và giữ cho “ta” được bảo vệ.


Tuy nhiên, vấn đề của cách tiếp cận này chỉ nhắm vào người Mỹ. Người Mỹ không nỗ lực để hiểu “họ.” Và nếu người Mỹ không thể bắt đầu nắm bắt được thế giới quan Islam giáo một cách khái quát – bao gồm cả những biểu hiện lịch sử và văn hóa tại những địa điểm cụ thể trên khắp thế giới – thì người Mỹ sẽ không bao giờ có thể giao tiếp được.


Để có thể giao tiếp, người Mỹ và chính phủ của họ phải hiểu rằng thế giới quan Islam giáo đâm rễ từ trong “thần học”. (Đây là một thuật ngữ của Kitô giáo, nhưng tôi dùng nó để truyền tải ý tưởng đơn giản rằng người Islam giáo suy nghĩ và nghiên cứu Đức Chúa Trời cũng nhiều như các Kitô hữu). Đáng tiếc là lối tiếp cận này đã không được đem ra áp dụng.


Dĩ nhiên Islam giáo nằm trong danh sách của mọi chuyên viên an ninh, nhưng những chiều kích lí tưởng của quân sự Islam giáo hầu như không được quan tâm tới. Ví dụ, một thuật ngữ mới ra đời là “Phát xít Islam giáo.” Bởi việc đặt tên cho một thuật ngữ mới vốn xuất phát từ một quan niệm của thế kỉ hai mươi được bắt rễ từ chủ nghĩa yêu nước cực đoan và chế độ độc tài, nên bằng cách nào đó chúng ta phải hiểu những cội rễ thần học của một nhóm phi chính phủ tự nhận mình là một nhóm tôn giáo. Trong khi đó, cụm từ này thực sự không phân biệt rõ ràng giữa  Islam giáo và phát xít, làm xúc phạm người Islam giáo ở khắp nơi.


Hoặc hãy xem cách dùng chữ “thánh chiến.” Thánh chiến là một khái niệm thiêng liêng đối với người Islam giáo, được xem là cuộc chiến thanh tẩy bên trong. Khi mô tả những kẻ khủng bố như là những “lính thánh chiến,” truyền hình Mỹ và các viên chức chính phủ thừa nhận nhận thức của những kẻ khủng bố về chính họ như một tôn giáo ngay cả khi người Mỹ xúc phạm những người Islam giáo mộ đạo.


Ví dụ này cho thấy một điểm đơn giản: Nếu một nhà nước không có khả năng hiểu về thần học gắn liền với các thành viên của các nhóm tôn giáo của mình – và những tôn giáo khác trên thế giới – thì nhà nước đó sẽ làm cho tình hình tồi tệ hơn. Trái lại, trách nhiệm của các nhà nước là tìm hiểu những hệ thống đức tin của các công dân của mình dù chỉ là để khích lệ họ giữ trật tự trong khuôn viên của họ, nhân danh đức tin của họ. Nếu nhà nước có thể làm điều này thường xuyên, thì dễ đạt được sự ổn định hơn.


Quan điểm hoạt động thực tiễn: Trước hết, nhà nước cần phải làm việc với những tiếng nói có thẩm quyền từ trong cộng đồng đức tin để nói về điều tốt nhất trong đức tin của họ cho cộng đồng.


Thứ hai, nhà nước cần phải khuyến khích nói lên những tiếng nói chân thật thông qua việc huấn luyện thần học. Càng có nhiều lãnh đạo tôn giáo được huấn luyện bao nhiêu – tức là càng có nhiều tu sĩ hiểu rõ về đức tin của họ – thì càng ít có chuyện đức tin sẽ bị những chính trị gia lợi dụng. Khi viết về những cuộc xung đột Balkan thập niên 1990, một tác giả nổi tiếng, Scott Appleby, đã kết luận: “Sự mù mờ về tôn giáo làm yếu tôn giáo, và những nhà giải nghĩa có học thức lợi dụng đặc quyền, đề cao và cụ thể hóa khả năng bạo lực của tôn giáo cũng vậy”(9). Để có được sự ổn định và phát triển của các xã hội trên khắp thế giới, điều quan trọng là các nhà nước phải khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho những nhà lãnh đạo tôn giáo hiểu biết về đức tin của họ. Chủng viện là an ninh.


Bước 4: Học hỏi giá trị hoàn vũ của những nguyên tắc chung. Thường thì người thuộc một nền văn hóa và khu vực này hay giả định rằng người thuộc một nền văn hóa và khu vực khác cũng suy nghĩ giống như họ. Hiện tượng này khoác lên người ta cái vẻ ngoài của cái mà phương Tây cổ xúy: “những giá trị hoàn vũ”. Tuy giả thuyết và sự trình bày của họ có ý nghĩa rõ ràng đối với người phương Tây, nhưng tuyên bố của họ thường được những người không ở phương Tây xem là “chủ nghĩa đế quốc văn hóa”. Cũng phải thôi; phương pháp bao giờ cũng quan trọng hơn sứ điệp khi đụng đến một nền văn hóa khác.


Có những nguyên tắc chung mà mọi nền văn hóa đều có, vì mọi nền văn hóa đều có một điểm chung: nhân loại. Và, cuối cùng, tôi tin chắc rằng con người muốn được yêu thương và tôn trọng. (Là một Cơ Đốc nhân, tôi tin rằng khao khát này là sự phản ảnh chính Đức Chúa Trời, trong ảnh tượng mà Ngài đã tạo dựng chúng ta). Hạnh phúc sẽ đến nếu có tình yêu và lòng tôn trọng chân thành. Như Hồ Chí Minh đã nói năm 1949:


“Học thuyết của Khổng Tử có một ưu điểm; đó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giê-su có ưu điểm là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm của nó, chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Giê-su, Mác và Tôn Dật Tiên chẳng có những điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội. Nếu hôm nay họ còn sống trên đời này,  nếu họ hợp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mĩ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy” (Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo tín ngưỡng. Nxb. KHXH, Hà Nội, 1998, tr. 27).


Do đó, điều quan trọng cho mỗi chúng ta – bất luận thuộc văn hóa nào – đó là tìm kiếm sợi dây cột chặt, tìm kiếm những phương cách để yêu thương và tôn trọng nhau trong một ngôn ngữ và luận lí mà người khác hiểu được.


Để làm ví dụ, hãy xem xét những nỗ lực mới đây của IGE trong quan hệ ngoại giao với khu vực phía tây – bắc Pakistan. (Đây là nơi ẩn nấp của Taliban, al Qaeda và Usama bin Laden). Trong hơn mười tháng qua, IGE đã cẩn thận làm việc theo nguyên tắc với Bộ trưởng của khu này nhằm đề cao công bằng và thương cảm – những khái niệm quen thuộc trong cả Kitô giáo lẫn Islam giáo – bằng cách mở rộng cơ hội giáo dục và kinh tế xã hội cho mọi người thuộc mọi đức tin trong khu vực địa lí chiến lược quan trọng này.


Quan điểm hoạt động thực tiễn: Các nhà nước cần phải khích lệ và trang bị cho những người lãnh đạo và các tổ chức của họ, để thường xuyên tham gia vào công tác ngoại giao (chính phủ với chính phủ); ngoại giao công cộng (chính phủ với xã hội) và ngoại giao người với người  (xã hội với xã hội)(10).


Bước 5: Xem sự tự do tôn giáo như một công cụ chống khủng bố, chứ không chỉ là quyền con người. Quá nhiều sự chịu đựng có thể dẫn tới khủng bố. Hãy xem Aum Shinryko tại Nhật Bản. Vì địa vị tôn giáo của mình, tổ chức này được Hiến pháp Nhật Bản bảo vệ khỏi sự điều tra trước biến cố ngày 20 tháng 03 năm 1995, lúc xảy ra cuộc tấn công khí sarin trong tàu điện ngầm ở Tokyo. Chúng ta đã nhìn thấy sự việc y hệt như vậy vào ngày “7/7” năm 2005, các vụ đánh bom Luân Đôn, trong số đó có một cựu thành viên của nhóm cực đoan bất bạo động Hizb ut-Tahrir (HT). HT bị cấm tại Đức, nơi họ từng trải kinh nghiệm lịch sử với lời nói thù hận, nhưng không bị cấm tại Anh. Có một ranh giới mong manh giữa sự chịu đựng và khủng bố. Tuy nhiên, đây vẫn không phải là nan đề thực sự.


Sự chịu đựng thôi không đủ – chúng ta cần sự tôn trọng. Mọi nền văn hóa đều có một cơ chế mà bởi đó người ta đối xử thân thiện và bày tỏ lòng tôn trọng các vị khách cũng như những người thiểu số. Nếu nhà nước khuyến khích các cơ chế văn hóa này – thông qua sự cai trị của luật pháp – thì nhà nước sẽ được người dân chấp thuận, đặc biệt là khi nhà nước phải hành động chống lại những tên khủng bố hoặc li khai thực sự.


“Lập trường của nhà nước trong việc tuân thủ luật pháp và không phản ứng quá đáng trước những khiêu khích khủng bố cho thấy nhà nước tuân theo các giá trị đạo đức”(11). Hoặc như Gerard Powers đã giải thích: “Cách tốt nhất để đối diện với sự cực đoan hay lạm dụng tôn giáo là một tôn giáo chân thật hơn, vững mạnh hơn, chứ không phải một tôn giáo bị làm cho yếu đi. Thách thức cho những người lãnh đạo tôn giáo… là phải chứng tỏ rằng tôn giáo có thể là một sự đối đầu cho chủ nghĩa yêu nước cực đoan và là một nguồn cội của sự hòa bình vì tôn giáo có mối liên hệ gần gũi với văn hóa và bản sắc dân tộc”(12).


Quan điểm hoạt động thực tiễn: Thi hành một cách đúng đắn – thông qua những quy tắc văn hóa và pháp quyền – sự tự do tôn giáo là một công cụ hiệu quả và ưu tiên để duy trì sự ổn định xã hội.


Kết luận


Xã hội dân sự là sự cân bằng giữa “tự do để làm” một điều gì đó (sự tự do) và “tự do rời khỏi” một điều gì đó (an ninh). Điểm tựa sẽ thay đổi tùy theo bối cảnh lịch sử và văn hóa, nhưng thách thức thật sự đối với hành động đúng đắn của bất cứ xã hội nào cũng sẽ luôn là cách xã hội đó tôn trọng nhóm thiểu số xung quanh mình.


Nếu duy trì được sự cân bằng này, thì sự an ninh và ổn định là kết quả tất yếu. Trong bối cảnh đó, tôn giáo sẽ góp phần vào sự phát triển của xã hội khi những người có đức tin thực hành những giá trị cao đẹp nhất của họ bằng cách phục vụ cộng đồng của họ.


*. Bài tham luận tại Hội nghị khoa học quốc tế: “Bước đầu trao đổi: Tôn giáo và Pháp quyền ở Đông Nam á”, tổ chức tại Hà Nội ngày 8-9 tháng 9 năm 2006.


**. Chủ tịch Viện Can dự toàn cầu (IGE), Hoa Kỳ.


1. Để tham khảo thêm về vấn đề này, xin hãy tìm đọc: Max Weber. The Protestant Ethic and the Spirit of Capitalism (London: Routledge, 1997; xuất bản lần đầu tại Đức vào năm 1905, bản tiếng Anh năm 1926); Sydney Verba, et al., Voice and Equality: Civic Voluntarism in American Politics (Cambridge: Harvard University Press, 1995);  John Wilson và Thomas Janoski. The Contribution of Religion to Volunteer Work, Sociology of Religion  56 (1995): 137-152; Robert Putnam. Bowling Alone: The Collapse and Revival of American Community (New York: Simon and Schuster, 2000); Roland Hoksbergen và Lowell M. Ewert, ed. Local Ownership Global Change: Will Civil Society Save the World? (World Vision International, 2002); Corwin Smidt. Religion as Social Capital: Producing the Common Good (Waco, TX: Baylor University Press, 2003);  Scott Thomas. Building Communities of Character: Foreign Aid Policy and Faith-Based Organizations, SAIS Review – Volume 24, Number 2 (Summer-Fall 2004): 133-148; Robert D. Woodberry. Researching Spiritual Capital: Promises and Pitfalls” viết cho The Spiritual Capital Research Program, The Metanexus Institute (October 2003), hiện có tại: http://www.metanexus.net/spiritual_capital/research_articles.asp; Peter L. Berger và Robert W. Hefner. Spiritual Capital in Comparative Perspective, viết cho The Spiritual Capital Research Program, The Metanexus Institute (October 2003), hiện có tại: http://www.metanexus.net/spiritual_capital/research_articles.asp; Robert Wuthnow. Saving America? Faith-Based Services and the Future of Civil Society (Princeton University Press, 2004); và Daniel John Stevens. Conceptual Travels Along the Silk Road: On Civil Society Aid in Uzbekistan, Unpublished Ph.D. Thesis, School of Oriental and African Studies, University of London, 2004.


2. Tìm đọc: Chris Seiple. Implications of Terrorism in Uzbekistan, 12 tháng 04 năm 2004; hiện có tại http://www.fpri.org/enotes/20040412.americawar.seiple.terroruzbekistan.html


3. Philip Jenkins. Religion & Security: The New Nexus in International Relations (Lanham, MD: Rowman & Littlefield, 2004), p. 27.


4. Sđd, tr. 28-29.


5. Xem Chris Seiple. Religion and the New Global Counterinsurgency, 2 tháng 09 năm 2003; hiện có tại http://www.globalengagement.org/issues/2003/09/religion.htm


6. Douglas Johnston và Cynthia Sampson, ed. Religion, The Missing Dimension of Statecraft (Oxford: Oxford University Press, 1994), p. 5.


7. Email của tác giả với quan sát viên cuộc đối thoại.


8. Rajiv Chandrasekaran. How Cleric Trumped U.S. Plan for Iraq. Washington Post, November 26, 2003, A1.


9. R. Scott Appleby. The Ambivalence of the Sacred: Religion, Violence, and Reconciliation (Lanham, MD: Rowman & Littlefield, 2000), p. 77.


10. Tìm đọc: Scott Appleby. Building Sustainable Peace: The Roles of Local and Transnational Religious Actors. The New Religious Pluralism and Democracy Conference, Georgetown University, Washington, DC, 21 April 2005; và Scott Appleby và David Little. A Moment of Opportunity? The Promise of Religious Peacebuilding in an Era of Religious and Ethnic Conflict, in Harold Coward and Gordon S. Smith, eds. Religion and Peacebuilding, (Albany: State University of New York Press, 2004), pp. 1-23.


11. Mark Juergensmeyer. The Mind of God (Berkeley: University of California Press, 2003), p. 244.


12. Scott Appleby. The Ambivalence of the Sacred: Religion, Violence, and Reconciliation (Lanham, MD: Rowman & Littlefield, 2000), p. 76.