Trang chủ Tết Việt Trò chuyện Tác giả Minh Thạnh “có phải là Phật tử không?”

Tác giả Minh Thạnh “có phải là Phật tử không?”

258

 

Tg MT: Trước hết, tôi kính lời cảm ơn Trang tin Phattuvietnam.net đã tạo mọi thuận lợi cho tôi được làm việc công đức theo đúng nguyện vọng của mình.
 
Hầu như 100% bài viết của tôi đều được Phattuvietnam.net đăng tải với việc biên tập, sửa chữa không đáng kể.
 
Trong dịp kỷ niệm 5 năm thành lập trang tin Phattuvietnam.net, Ban Biên Tập trang cũng đã có những đánh giá tích cực đối với những bài viết của tôi, xem việc đóng góp bài của tôi là một trong 10 dấu ấn của Phattuvietnam.net, đề xuất Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương tặng Bằng Tuyên dương công đức cho tôi. Tôi thấy mình chưa xứng đáng với những đánh giá tốt đẹp đó từ Ban Biên tập Trang tin và thấy phải còn cố gắng nhiều hơn nữa.
 
Tôi cũng vô cùng biết ơn quý Tôn đức Tăng Ni Phật tử bạn đọc trang tin Phattuvietnam.net đã đọc nhiều bài của tôi, đóng góp nhiều ý kiến quý báu cho tôi, mà dường như, với số lượng ý kiến nhiều hơn hết. Ơn nghĩa này tôi cố gắng đền đáp trong những năm tiếp theo.
 
Nhiều bài viết của tôi cũng chưa được một số bạn đọc hài lòng, chia sẻ hoàn toàn. Tôi xin ghi nhận, và cố gắng với một mục tiêu cao hơn.
 
Tôi cũng bày tỏ lòng biết ơn đặc biệt đối với những bạn đọc đã hỗ trợ tôi rất nhiệt thành bằng nhiều hình thức đối với việc viết bài của tôi, như cung cấp sách vở, tài liệu, thông tin, sưu tầm tư liệu theo yêu cầu của tôi, phụ giúp công tác thư ký, khích lệ động viên tôi viết bài… Những gì tôi viết được đều có công sức của quý vị.
 
Tôi vẫn còn nợ nhiều bạn đọc theo lời hứa sẽ giới thiệu sách được tặng. Tôi luôn đặt những quyển sách quý vị tặng trên mặt tủ sách và kệ sách ở đầu giường để nhắc nhở công việc còn chưa làm, do áp lực ưu tiên của các đề tài khác mang tính thời sự. Xin quý vị thông cảm. Tôi vẫn coi việc phải viết bài giới thiệu là động lực cần thiết thúc đẩy tôi tinh tấn hơn trong việc viết bài và tôi cố gắng thực hiện trong thời gian tới.
 
Tôi biết ơn nhiều vị Tôn đức đã thân ái mời tôi đến chùa và tặng cho tôi kinh sách Phật giáo với số lượng, mà nhiều lần, tôi đã phải khó khăn để vận chuyển về nhà.
 
Vì vậy, trong năm 2011, việc viết bài được tôi coi là để đền đáp thâm ân và thịnh tình của chư Tôn đức Tăng Ni Phật tử.
 
Nhiều vị cũng gửi quà tặng dưới hình thức khác. Tôi xin phép được nhận lần đầu và kính mong, nếu để khích lệ tôi, xin quý Tôn đức Tăng Ni Phật tử chỉ tặng cho tôi kinh sách, băng đĩa Phật học. Có thể là sách các đề tài khác ngoài Phật học, nhưng tôi xin phép nhận sách và băng dĩa Phật học mà thôi.
 
Tôi cũng còn nợ quý bạn đọc nhiều câu hỏi trong các ý kiến phản hồi mà tôi chưa có dịp trả lời hết. Xin thứ lỗi và mong quý vị tiếp tục đọc tác bài viết của tôi, nội dung trả lời sẽ được trình bày dưới nhiều hình thức.
 
Trên đây là vài lời tôi muốn chia sẻ, bày tỏ với quý bạn đọc trang tin Phattuvietnam.net.

Phóng viên Trần Minh Tân (Pv TMT): Xin đạo hữu đánh giá về các bài viết của đạo hữu đăng tải trên trang Phattuvietnam.net trong năm 2011, so với năm 2010?

Tg MT: Chắc phóng viên và các bạn đọc cũng thấy các bài viết về đề tài cải đạo của tôi trong năm 2011 giảm số lượng. Đó là do tôi tiếp thu ý kiến đóng góp của một số bạn đọc, mong được đọc nhiều đề tài, với phân bố đề tài cân đối hơn. Do vậy, dù tôi vẫn còn nhiều suy nghĩ, trăn trở về đề tài cải đạo, nhưng một số bài viết phải để dành lại cho thời gian sau, để trải đều ra. Các bạn đọc quan tâm đến đề tài này chắc là không hài lòng so với năm 2010. Mong quý bạn đọc thông cảm. Dù sao thì chúng ta đã có được nhiều đề tài mới hơn, với một vài bất ngờ với bạn đọc, như các bài về họa sĩ Vi Vi, tác giả Duy Tuệ…
 
Tôi tiếp thu ý kiến của bạn đọc, cố viết ít đi, giảm số lượng để nâng chất lượng. Nhưng cá biệt vẫn có một số bài chất lượng không cao, vì một số bài tôi viết như một dạng ghi nhanh vào nhật ký.
 
Tôi nghĩ, viết có thay đổi trọng tâm theo năm thì mới thú vị. Chuyện cải đạo bạn đọc đều biết, đều chú ý, nên viết ít lại, đầu tư cho những đề tài khác, cho bài viết phong phú hơn.
 
Điều đó, không có nghĩa là tôi từ bỏ đề tài cải đạo hay vì việc cải đạo đã giảm bớt. Nhiều bạn đọc vẫn cung cấp thông tin cho tôi về đề tài cải đạo, đặc biệt là cải đạo sang các tôn giáo mới, các tà đạo, các xu hướng tôn giáo cực đoan, cải đạo vì những lý do khác ngoài tín ngưỡng như bị khai thác các não trạng bất mãn, hay ham vui, cải đạo nhưng vẫn giữ lại đạo Phật hình thức…
 
Tôi sẽ cố gắng đề cập đến những vấn đề này phục vụ bạn đọc trong thời gian tới, nhưng với mật độ dàn đều ra. Mong quý vị độc giả đón đọc.

Pv TMT: Đạo hữu có thấy là năm nay, số bạn đọc gửi ý kiến tranh luận với đạo hữu nhiều hơn, gay gắt hơn, không “hoan hô” mạnh mẽ như trước?
 
Tg MT: Đó mới là điều hay cho tôi, vì viết bài nào mà bạn đọc cũng khen, thì mới là chuyện lạ, và không hay ho gì. Chống cải đạo tín đồ Phật giáo là chuyện dễ thống nhất. Còn ở những đề tài khác, có thể có chuyện bất đồng, là điều đương nhiên, tất yếu.
 
Về phần tôi, có lãnh vực tôi mới tìm hiểu. Vì vậy, nảy sinh ra thảo luận, hay tranh luận gay gắt không thể tránh khỏi.
 
Tôi quan tâm đến những ý kiến phản biện, và đã đề nghị Ban Biên tập Phattuvietnam.net cứ đăng tải, đừng loại bỏ, dù cho ý kiến có gay gắt. Có như vậy, tôi mới biết được toàn thể bạn đọc nghĩ gì, nói gì về những vấn đề tôi nêu ra.
 
Như thế, thì mới có thể viết tốt hơn, đúng hơn, đáp ứng một cách đầy đủ hơn yêu cầu của bạn đọc.
 
Pv TMT: Nhưng có một số ý kiến chỉ trích quá mạnh mẽ, quá căng thẳng, chắc là anh rất khó chịu, dù anh yêu cầu đăng tải?
 
Tg MT: Khó chịu thì làm sao tu? Cũng làm sao để mà viết nữa? Tôi quan tâm, băn khoăn, nhưng không khó chịu. Có những “điểm nhọn ý kiến” như thế thì là dịp để mình rà soát lại công việc viết bài của mình. Chẳng hạn, bạn đọc phê bình tôi viết “tào lao”, thì tôi phải hỏi nhiều bạn đọc khác xem tình hình chất lượng bài viết của tôi thế nào, để điều chỉnh cho hết “tào lao” nếu cần thiết.
 
Cũng may, những ý kiến “nhọn” như thế không nhiều và về phía tôi cũng thấy có ích và cũng có một số tiếp thu nhất định.
 
Nếu bạn đọc chú ý, thì thấy một phần bài viết về sau của tôi có cách đặt vấn đề “mềm mại” hơn trước.

Pv TMT: Nhưng tôi thấy ở một vài vấn đề, ý kiến của bạn đọc và đạo hữu có khoảng cách rất xa.
 
Tg MT: Có, nhưng không nhiều. Có một số ý bạn đọc không hiểu được nghĩa hàm ẩn của bài viết, có thể là do lỗi diễn đạt của tôi, có thể là ở bạn đọc có sự khác nhau về suy nghĩ, do tuổi tác, hay do lãnh vực làm việc, tạo nên một độ chênh nào đó.
 
Chẳng hạn, tôi hiểu khái niệm tâm an của TT Thích Thanh Quyết trong ý kiến của thầy về việc đốt vàng mã khác với cách nhiều bạn đọc hiểu. Tôi hiểu tâm an trong lời thầy Thanh Quyết như là một biện pháp tự trấn tĩnh tâm theo kiểu thông thường của thế gian, một kiểu biện pháp như thuốc an thần giả dược, trong khi một số bạn đọc hiểu tâm an theo nghĩa thuần túy Phật giáo.
 
Hay nghĩa hàm ẩn trong bài Hoằng pháp tại châu Phi có thể có một vài bạn đọc không hiểu, nên cho rằng tôi nói chuyện xa vời, viễn vông. Thực ra, một trong những tầng nghĩa của bài đó là sự tiếp nối loạt bài về tài chính Phật giáo, ở đó, tôi muốn chứng minh rằng, nếu tài chính Phật giáo eo hẹp, thì việc ảnh hưởng đối với việc hoằng dương chánh pháp là vô cùng xấu, như trường hợp Phật Quang Sơn trong mục tiêu hoằng pháp tại châu Phi. Tiến trình hoằng pháp không kết quả, đại đa số người dân châu Phi không được thụ hưởng sự mầu nhiệm của chánh pháp, mà cải đạo từ tôn giáo bản địa sang các tôn giáo phương Tây, vốn rất cực đoan, là do Phật Quang Sơn thiếu tài chính.
 
Rồi sau đó, khi người châu Phi với tôn giáo phương Tây va chạm với Hồi Giáo, thì xảy ra chiến tranh, xung đột, khủng bố dai dẳng. Không có tài chính, hoằng pháp Phật giáo thất bại tại châu Phi, thì điều mà người dân châu Phi đánh mất không chỉ là những tư tưởng ưu việt từ Phật giáo, mà còn cả máu, nước mắt sinh mạng con người.
 
Những trường hợp không có một số bạn đọc không hiểu được một số tầng nghĩa trong bài viết không nhiều, nhưng cũng không phải cá biệt, và từ đó việc phê bình bài viết của tôi theo hướng đánh giá tiêu cực cũng không phải là ý kiến đơn lẻ.
 
Nhưng tôi vẫn cảm ơn vì có những ý kiến như vậy, để tôi biết chính xác về việc tiếp nhận của bạn đọc, để điều chỉnh cách viết sao cho mọi người đều hiểu tất cả tầng nghĩa của bài viết.
 
Pv TMT: Đạo hữu có thể thêm vài ví dụ về trường hợp không hiểu được các tầng nghĩa hàm ẩn như trên.
 
Tg MT: Chẳng hạn, vấn đề “thầy cúng”. Một bài viết của tôi có mục tiêu phản biện một bài viết về đề tài này đăng nhiều trên các trang Phật giáo. Tôi phản đối ý kiến kỳ thị, phân biệt, cách ly thầy cúng như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã làm trước 1975 và không thành công. Nhưng có bạn đọc hiểu là bài viết của tôi nói theo ý tác giả mà tôi phản biện.
 
Bài sau, tôi lại nói về một dạng “thầy cúng” khác, lần này là sư giả, không phải tu sĩ Phật giáo. Nhưng một số bạn đọc lại nghĩ rằng tôi tiếp tục đả kích thầy cúng Phật giáo, chính ra là tôi đả kích sư giả.
 
Pv TMT: Dường như, có một số bạn đọc thành kiến với đạo hữu. Đạo hữu nghĩ sao?

Tg MT: Mình tùy thuận thôi. Chúng ta còn đang ở thế gian mà. Trong lớp học, trong cơ quan, chỉ có chừng 50 người, sẽ có vài người là người đồng hành thân thiết, và có vài người không thích, luôn có thành kiến, luôn đối kháng với mình. Số còn lại thì tùy theo những việc cụ thể của mình trong từng thời điểm mà có những thái độ khác nhau.
 
Trên diễn đàn cũng vậy thôi. Hơn nữa, bạn đọc Phattuvietnam.net có thể lên đến nhiều triệu người, thì có chuyện như đạo hữu nói cũng không lạ. Tôi vẫn sẽ quan tâm đến những ý kiến phản biện có phần cực đoan, để sao cho ngày càng tạo được sự đồng thuận, hoan hỷ, ở mức cao nhất có thể.
 
Pv TMT: Có ý kiến khuyên anh dành nhiều thì giờ hơn để thiền định, niệm Phật, tụng kinh, hưởng Pháp lạc, hướng đến Thánh quả, nếu chỉ lo hộ pháp có khi chỉ thành… thần?
Tg MT: Thành thần thủ hộ Phật pháp, tạo duyên cho mọi người luôn gắn bó với nền đạo, góp phần giữ gìn ngôi nhà Phật giáo, thì tôi cũng xin nhận với sự hoan hỷ.
 
Tôi thích đọc kinh, nhưng thật tình không thích tụng kinh. Tôi nghĩ tụng hay đọc cũng như nhau, chỉ khác ở hình thức thực hiện. Đọc thì mình mới đọc hết Đại Tạng.
 
Còn thiền định, thì tôi chỉ học thiền theo cách của Hòa Thượng Thích Từ Thông, tức coi thiền là “tư duy tu”, thiền trong mọi hoàn cảnh.
 
Tôi vẫn tu tập, có thầy, có bạn, chứ không thể nói là không. Về Bắc Tông, tôi hâm mộ Hòa thượng Thích Từ Thông, một người tận tụy cả đời với sự nghiệp giáo dục Phật giáo, không màng chức tước danh lợi, chỉ lo cất trường cho tăng chúng, không lo cất chùa cho riêng mình, về già chỉ lập một cốc nhỏ mà tu.
 
Hòa thượng Thích Từ Thông không nhận đệ tử tại gia hay xuất gia, hiện chỉ dạy tu tập từ xa qua mạng. Tôi học ngài “từ xa” nên tôi cũng xin nhận là “đệ tử từ xa” của ngài.
 
Về Nam Tông, Hòa thượng Thích Thiện Tâm, phụ trách tăng sự Phật giáo Theravada đương nhiên là vị bổn sư trong hệ phái của tôi. Có gì không hiểu tôi vẫn thỉnh ý ngài. Tôi vẫn thường đến chùa Phật giáo Nguyên thủy Phổ Minh.
 
Tôi vẫn thụ hưởng được pháp lạc của sự tu tập, chẳng những qua thiền định và tu Bát chánh đạo, pháp tu chính của Nam Tông, mà còn hưởng được pháp lạc khi viết bài cho Phattuvietnam.net, Giác Ngộ… Khi viết, tôi chỉ nghĩ đến Tam Bảo. Khi suy nghĩ để viết, trong khi viết, sau khi viết thấy bài mình được đăng tải, tôi đều phát sinh hỷ lạc, an vui…
 
Pv TMT: Xin mạn phép hỏi đạo hữu thêm một chút về việc tu tập cá nhân. Một số bạn ở trang Phattuvietnam.net đến thăm nhà đạo hữu, thấy phòng Phật tử Minh Thạnh không có… bàn thờ Phật! Họ đã hết sức ngạc nhiên. Điều này nói ra chắc cũng làm ngạc nhiên rất nhiều bạn đọc Phattuvietnam.net. Xin anh giải đáp thắc mắc này?
 
Tg MT: Đúng vậy.
 
Thời bà ngoại tôi còn sống với cậu mợ tôi, bà làm lễ ở một phòng thờ trang nghiêm tại nhà, như một chính điện nhỏ. Bà dặn con cháu phải luôn có bàn thờ Phật và phải luôn hành lễ.
 
Mẹ tôi cũng có lập một bàn thờ Phật ở phòng khách hồi tôi còn nhỏ. Hòa thượng bổn sư thuở nhỏ của tôi là Trưởng Lão Hòa thượng Thích Thiện Hòa dạy tôi phải thắp nhang, cầu nguyện mỗi tối. Sau khi tụng kinh tối ở chùa Ấn Quang hay chùa Hưng Long, chùa Từ Nghiêm về, trước khi đi ngủ, tôi đều thắp hương bàn thờ Phật, tụng bài Bát Nhã Tâm Kinh.
 
Nhưng khi hơi đứng tuổi, tôi thấy rằng Phật trong hình tướng của một con người chỉ là một sự thị hiện nhất thời trong vô vàn hình thức cứu độ chúng sinh của Phật. Còn bản thể Phật , không hình không tướng, vô thủy vô chung, bao trùm vũ trụ. Vì vậy, tôi thôi không thờ Phật trong hình tướng một con người, và cũng thôi tụng kinh (nhưng thân mẫu tôi vẫn thờ Phật trong nhà, ở phòng của bà). Tôi chuyển sang đọc kinh. Những năm 1990, chưa có đĩa đọc Đại tạng kinh như bây giờ, tôi tự đọc ghi tiếng mình lên băng cassette rồi mở lại nghe thường xuyên. Dành thời giờ tụng kinh để đọc kinh, tôi đọc được rất nhiều kinh sách.
 
Bộ Đại Tạng kinh được tôi đặt trên tủ kiếng riêng, coi như một dạng bàn thờ Phật kiểu mới, kiểu của riêng tôi.
 
Sau này, một chùa ở Úc muốn tìm thỉnh trọn bộ Đại Tạng nhưng tìm không có, tôi vui lòng nhượng lại, vì nghĩ sẽ giúp ích cho nhiều Phật tử hải ngoại. Tôi dùng tiền của việc nhượng mà photo lại trọn bộ để đọc. Còn lại, tôi thỉnh một số kinh trong Đại Tạng còn sót ở các phòng kinh sách
 
Khi có việc cầu nguyện, tôi trịnh trọng thắp hương trước hai quyển kinh mà tôi coi là một dạng thể hiện cho Phật bảo, Pháp bảo. Thường, tôi chọn một bộ kinh Bắc Tông (Kinh Pháp Hoa) và một quyển kinh Nam Tông (Trung Bộ kinh) để lễ lạy khi cần thiết.
 
Mỗi ngày tôi dành 3 – 4 giờ để đọc kinh sách, nghe pháp, viết bài cho báo Phật và trao đổi ý kiến về Phật pháp với các quý thầy, quý Phật tử.
 
Thời giờ còn lại, phải làm việc khác, tôi cũng “tư duy tu” theo như Hòa thượng Thích Từ Thông chỉ dạy.
 
Pv TMT: Có thầy và Phật tử than phiền không thể gặp đạo hữu các buổi sinh hoạt Phật giáo. Phattuvietnam.net tổ chức kỷ niệm 5 năm thành lập mời anh cũng không dự?
 
Tg MT: Tôi thành thật cáo lỗi. Tôi chỉ thích ở một mình trong một căn phòng tĩnh lặng, hoặc trong vườn trên sân thượng, rất ít khi đi đâu, rất ngại giao tiếp. Vì vậy, xin thông cảm cho tôi.
 
Pv TMT: Nhưng nghe nói anh vẫn còn làm việc cho một cơ quan. Làm sao anh “tịnh tu” được?
 
Tg MT: Tôi có làm việc, nhưng chỉ giúp việc tư vấn cho lãnh đạo. Tôi cũng đặt điều kiện không đến cơ quan. Lãnh đạo đồng ý, làm việc chủ yếu qua mạng, điện thoại, thư tín. Ý kiến tư vấn được trình lên lãnh đạo bằng văn bản (định kỳ hay đột xuất)
 
Cũng với một cách làm việc gián tiếp như vậy, tôi đã cộng tác có hiệu quả với Phattuvietnam.netGiác Ngộ.
 
Tôi cộng tác với Phattuvietnam.net đã 4 năm, chỉ gặp trực tiếp một người trong Ban Biên Tập là anh Trần Trọng Hoàng 2 lần, mỗi lần khoảng 3 giờ.
 
Cũng với báo Giác Ngộ, cộng tác đã qua 2 năm, tôi vẫn chỉ trao đổi với quý thầy qua mạng và điện thoại. Ấy vậy mà mọi việc đều trôi chảy.
 
Tôi luôn thấy mình thiếu thời gian để đọc kinh sách, viết bài, nên rất ngại họp hành.Tuy nhiên, tôi tuyệt nhiên không dám nói là mình “nhập thất”. Hàng tuần tôi vẫn đi mua sách, lang thang ở các tiệm sách cũ, và tôi vẫn giữ liên lạc thường xuyên với một số thầy và đạo hữu. Đặc biệt là một số đạo hữu đã phụ giúp cho tôi rất nhiều trong công việc, dù chỉ liên lạc gián tiếp. Những gì tôi làm được, đạt được có công góp sức của họ, mà 100% là bạn đọc trung thành và thường xuyên của trang tin Phattuvietnam.net.
 
Pv TMT: Vậy đạo hữu có cách gì để làm cho sự ủng hộ của các bạn đọc tích cực như thế thêm phần đóng góp hiệu quả?
 
Tg MT: Thưa, có chứ. Tôi định tạo sự hợp tác viết bài cho các trang mạng và báo Phật giáo trong một bút nhóm Phật học, mà tôi dự kiến lấy tên là “Truyền Đăng”. Đây là việc hợp tác để viết bài theo sự nhân công.
Thí dụ, một bài dài có nhiều phần hay bài nhiều kỳ thì phân công ra nhiều người viết theo một đề cương chung. Bước đầu tôi sẽ phụ trách việc viết đề cương, viết phần khó nhất và kết nối các phần. Về sau, sẽ chuyển dần công việc như trên đến các bạn để phụ trách luân phiên. Những đạo hữu không viết được cũng có thể tham gia bằng các việc như tìm và xử lý tài liệu, xử lý kỹ thuật bản thảo. Sắp tới, chúng tôi sẽ giới thiệu đến bạn đọc một số bài viết cùng viết chung, mong quý bạn đọc góp ý kiến để chúng tôi làm tốt hơn công việc.
 
Hiện nay, Phật giáo chúng ta cũng đã có nhiều bút nhóm dịch thuật làm việc rất hiệu quả.
 
Pv TMT: Có bạn đọc đề nghị anh chuyển trọng tâm đề tài sang vấn đề tu học hay dịch thuật kinh sách, thay vì những vấn đề khá căng thẳng và có phần đụng chạm. Anh nghĩ sao?
 
Tg MT: Tôi biết ơn bạn đọc đã có ý kiến đó, vì đã đánh giá cao khả năng của tôi. Thực ra, tôi nghĩ mình không thể thực hiện những công việc như vậy. Tôi chỉ được đào tạo về thế học, kiến thức Phật học không qua trường lớp, mà chỉ tự học. Tôi lại không biết cổ ngữ. Hơn nữa đây là việc mà không ít quý Tăng Ni Phật tử có thể thực hiện tốt. Còn phần việc viết những bài hộ pháp, tìm hiểu những vấn đề phát sinh trong quá trình hoằng pháp, hóa đạo, tức là nói về mối quan hệ giữa đạo pháp với cuộc đời, thì số người viết không nhiều, nên những đóng góp của chúng tôi trở nên có ích hơn cho Đạo pháp với những đề tài như vậy.
 
Tuy nhiên, nếu có thầy cô hay quý cư sĩ nào cần đến tôi, thì tôi cũng mong góp phần công đức trong công tác thư ký hay góp phần hoàn chỉnh bản thảo bằng kiến thức ngữ văn.
 
Pv TMT: Riêng tôi, tôi cũng nghĩ là phong cách hành văn của anh chỉ thích hợp với các kiểu bài với những vấn đề mà anh đã quen thuộc trong thời gian qua.
 
Tg MT: Vâng, quả vậy. Tôi cố gắng mềm hóa phong cách viết văn. Nhưng không có được kết quả đáng kể. Thầy chủ nhiệm khoa tôi thời tôi học sân khấu điện ảnh có nhận xét là tôi chỉ có sở trường “bút chiến”. Vì vậy, có bạn đọc nêu câu hỏi “tác giả Minh Thạnh là ai, có phải là Phật tử không?” (bạn đọc Kim Lân, câu hỏi từ bài “Bảo vệ tín tâm người Phật tử, bảo vệ khối đại đoàn kết dân tộc”)
 
Pv TMT: Vậy, anh trả lời sao trước câu hỏi đó?
 
Tg MT: Xin quý bạn đọc hãy đọc kỹ nội dung tất cả các bài viết của tôi từ trước đến nay.
 
Pv TMT: Trong năm mới anh cũng phải có cái gì đổi mới chứ?
 
Tg MT: Xin hãy chờ xem trên Phattuvietnam.net. Tôi sẽ cố gắng làm bạn đọc ngày càng hài lòng hơn. Kính chúc bạn đọc một năm mới an lạc và nhiều ân phước chư Phật.
 
Pv TMT: Xin chúc anh và gia quyến sức khỏe và vạn sự như ý.
 Trần Minh Tân (thực hiện)