Trang chủ PGVN Cửa thiền Tấm lòng của những người mẹ – Ni cô

Tấm lòng của những người mẹ – Ni cô

71

Đích thân ông chủ doanh nghiệp Tám Tiền lái chiếc xe 16 chỗ đưa bà chủ cùng khách đi cho yên tâm. Xe đến Long Thành mà không ai biết chính xác đường vào chùa, ông chủ gọi điện thoại hỏi bác tài từng đi lần trước chỉ dẫn từng chi tiết đường đi vào chùa.


Xe vừa đến, nhận biết khách quen, ni cô chủ trì và các cháu vui vẻ ra chào. Trước hết, khách trao cho ni cô xấp hình chụp hôm 15 Tháng Tám, 2006, khi Hoa Hậu Jennifer Phạm, đại diện cho Help The Poor, đến thăm chùa và phát quà cho các cháu. Ni cô chưa kịp giở ra coi, các cháu dành lấy chia nhau cùng xem rất thích thú. Rồi khi ni cô mời khách ngồi trao đổi công việc thì các cháu lớn lại bu quanh sau lưng ni cô để nghe. Hai hình ảnh đầu tiên đó dĩ nhiên làm cho khách cảm thấy đôi chút khó chịu vì có cảm tưởng như đây là một tập thể không có kỷ luật. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn quan sát kỹ lối sinh hoạt của các cháu và nói chuyện với ni cô trụ trì, khách sẽ “ngộ” ra được điều khá thú vị. Ðây không phải là một trại mồ côi như trường nội trú có nề nếp mà là một gia đình lớn đông đúc theo kiểu thôn quê miền Nam mà người mẹ có thể là một bà già trầu chỉ biết lấy tình thương mà lo lắng nuôi dạy các cháu, theo lương tri cũng như truyền thống Phật Giáo và gia đình.


Từ khi lập tịnh thất trên “rẻo” đất gần một công rưởi (1,500m2) do Phật tử cúng dường, cách đây tám năm, con số trẻ mồ côi nhận nuôi, trong đó có cháu được mẹ đem đến gửi khi còn đỏ hỏn, cứ tăng dần cho đến hôm nay đúng 30 cháu từ 6 đến 17 tuổi, từ tiểu học đến cấp 3, cháu lớn nhất mới đến lớp 11.


Một chi tiết dễ thương đáng ghi nhận. Khi cháu lớn nhất gọi một em bé đến hỏi tên để ghi vào danh sách trao cho phái đoàn, thì bé không nhớ phải chạy tới hỏi ni cô và cách trả lời của ni cô thể hiện thái độ của một bà mẹ biết rõ từng đứa con trong gia đình này. Vì thế có thể nói dưới cái lớp bên ngoài luộm thuộm, đó là một mái ấm đầy tình yêu thương. Hai ni cô mang thiên chức làm mẹ trong tim, chứ không qua một trường lớp tâm lý sư phạm nào: Ni Cô Minh Nhật ở nhà cai quản gia đình và Ni Cô Minh Hải lo bương chải bên ngoài để đem về chút gì cho nhu cầu hằng ngày của các con, có lúc thiếu hụt phải ra chợ xin rau quả.


Trong đoàn chưa ai có dịp gặp Ni Cô Minh Hải, nhưng qua những gì được kể lại thì có thể mường tượng đây là một bà mẹ lanh lợi tảo tần làm đủ thứ dịch vụ, kể cả dịch vụ làm ma chay miễn sao kiếm được tiền nuôi “gia đình.” Còn giữa các cháu có sự đùm bọc, các cháu lớn chẳng những chăm sóc cho em nhỏ mà còn tham gia vào việc quản lý, chia sẻ những lo toan của hai “bà mẹ.”


Cũng như các bà mẹ quê nghèo khác, nhiều lúc các ni cô phải cố giấu những khó khăn để các con yên tâm học hành. Lúc đoàn Help The Poor đến lại đúng tuần lễ tựu trường bắt đầu năm học mới, các ni cô không sao giấu được sự lo âu tìm đâu ra số tiền đóng đủ thứ học phí cho từng này cháu cùng một lúc, mà các trường ở đây lại không dành một sự ưu ái nào cho các học sinh hoàn cảnh đặc biệt này. Ni Cô Minh Nhật tiết lộ đến nay mới có được ba cháu đóng được tiền học nhờ một người hảo tâm giúp riêng và hình như có một thầy ở chùa gần đó hứa giúp cho vài em nữa nhưng chưa có.


Nói đến gia đình mồ côi, thiết nghĩ cũng nên nhắc tới “làng-gia đình” SOS do một luật sư người Áo khởi xướng sau Thế Chiến Thứ II như một mô hình tâm lý sư phạm mới nhằm duy trì bầu khí gia đình giúp các bé mồ côi phát huy tốt nhất nhân cách của mình, tránh được những thiếu thốn tình cảm mà các bé gặp phải trong một trại mồ côi thông thường. Nếu phải so sánh một cách sơ lược thì vị trí của Tịnh Thất Từ Ân đáp ứng được điều kiện của làng SOS là ở gần nông thôn để các em hưởng được không khí trong lành. Nhưng về tổ chức thì làng SOS qui mô và khoa học, từng nhóm 10-12 trẻ mồ côi thuộc nhiều độ tuổi cả nam lẫn nữ được sống trong một căn hộ riêng đầy đủ tiện nghi như một gia đình do một bà mẹ được tuyển chọn và đào tạo rất bài bản trông nom. Tuy nhiên, điều mà làng SOS mong muốn đạt được thì nhà mồ côi Từ Ân dường như có đầy đủ.


Ðó là tình yêu thương của một gia đình. Có thể nói gia đình mồ côi như Tịnh Thất Từ Ân rất thích hợp với hoàn cảnh nghèo khó của đất nước hiện nay và dễ nhân rộng ra, trước mắt là cho vùng Long Thành và Bà Rịa là nơi tập trung rất nhiều loại chùa như thế này.


Ðể bù đắp phần nào những hạn chế trước mắt của gia đình mồ côi Từ Ân, thiết nghĩ các thành viên nữ của Help The Poor ở Biên Hòa có thể trở thành thứ “Má Hai,” “Má Ba,” “Má Tư,”à nói theo kiểu gia đình miền Nam, năng lui tới tiếp tay với các ni cô trong việc quản lý và vui chơi với các cháu, vì từ Tam Hiệp đến đây chỉ khoảng 50 km. Và tốt hơn nữa như làng SOS chủ trương, tìm thêm một hai người đàn ông lớn tuổi có lòng ở trong vùng, thầy giáo Phật tử càng hay, lâu lâu đem đến một giỏ trái cây hay một bịch kẹo thăm các cháu như người chú, người cậu thủ vai trò “hình ảnh người cha” (imago paternel), một biểu hiện của quyền uy mà các cháu có hoàn cảnh đặc biệt này rất cần.


Sau khi được ni cô chủ trì dẫn di quan sát căn nhà lá xiêu vẹo, lợp lá trống hốc, vách đổ, tường xiêu… nơi đây, dự kiến xây dựng một căn nhà chừng 60 mét vuông sẽ do Help The Poor tài trợ để có thêm phòng ốc cho các cháu ăn ở, sinh hoạt. Các cộng sự viên của Hội cũng hứa sẽ trình lên Hội để trong tương lai, xin Hội cấp dưỡng thường xuyên cho các nhu cầu sinh sống của các cháu, bên cạnh việc Help The Poor đã cấp thời giúp cho chùa có đủ ngân sách để lo học phí cho các cháu đi học cho kịp đầu năm học mới.Trong số 30 cháu đang được nuôi dưỡng tại chùa, có nhiều cháu vì nhà chùa không chạy đủ tiền đóng học phí, hoặc vì nhiều hoàn cảnh khó khăn khác nhau, mà đã bị học chậm một, hai năm, có em, chậm lại cả 3 năm.


Nhìn các cháu, quây quần bên khách, vui sướng ăn những chiếc bánh nhỏ một cách ngon lành, không khỏi chạnh lòng nhớ đến những bữa ăn dư thừa. những đồng tiền được tiêu pha phí phạm… mà ước ao giá có được thêm nhiều những tấm lòng vàng, đến để chia sẻ cho những đứa trẻ đáng thương này dù chỉ là một chút thôi, chắc chắn sẽ giúp cho đời sống các cháu tươi sáng hơn và mang rất nhiều niềm vui và hạnh phúc cho các cháu.


Việc làm âm thầm của hai Ni Cô Minh Nhật và Minh Hải có thể quá nhỏ bé ở tầm mức xã hội nhưng lại rất đáng trân trọng và ủng hộ, bởi vì ở Tịnh Thất Từ Ân nhiều đứa trẻ bị bỏ rơi đang được yêu thương đùm bọc để chuẩn bị bước vào đời.