Trang chủ Người thời nay Tay vợt tìm đến cõi Phật

Tay vợt tìm đến cõi Phật

75

Không tranh giành địa vị

Được xem là “hậu duệ” của huyền thoại Võ Văn Bảy, Ôn Tấn Lực được kỳ vọng và biết đến nhiều ở thập niên 90 bởi anh là người có chuyên môn lẫn đạo đức tốt. Chính cha anh là tay vợt kỳ cựu Ôn Văn Năng đã hướng con mình vào con đường quần vợt chuyên nghiệp. Khi quần vợt VN trở lại với đấu trường SEA Games, chính Ôn Tấn Lực cùng với Nguyễn Thị Kim Trang đã mang lại nhiều niềm tự hào cho quần vợt VN. Sau đó, người hâm mộ tiếc nuối khi Lực phải giã từ sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp vì chấn thương đầu gối. Dù không còn thi đấu, nhưng anh vẫn tâm huyết với bộ môn này và trở thành HLV tuyến trẻ cho TP.HCM. Những tay vợt trẻ dưới sự dẫn dắt và đào tạo của anh thời đó đều đã trở thành những trụ cột của quần vợt VN sau này như Đỗ Minh Quân, Ngô Quang Huy, Huỳnh Mai Huỳnh…

Tuy nhiên, do những bất đồng với lãnh đạo và ban huấn luyện vào năm 2007, Ôn Tấn Lực rút lui khỏi vị trí HLV tuyển TP.HCM để quay về làm công tác đào tạo tuyến nhi đồng. Cho dù anh đã vài lần được Liên đoàn Quần vợt VN mời vào ban huấn luyện đội tuyển quốc gia, nhưng anh nói “Tính tôi không tranh giành vị trí với ai mà chỉ mong làm đúng chuyên môn của mình. Nhưng ở đời lại không đơn giản như vậy. Mình làm tốt sẽ không tránh khỏi có kẻ gièm pha, đố kỵ, tranh giành chỗ đó. Tôi đã từng trải qua những lần gặp sóng gió như vậy nên khi được mời, tôi thấy nơi nào nhiều tranh giành thì tốt nhất mình né ra”.

Anh đang phụ trách mảng mini tennis dành cho các em nhỏ U.10 của Sở VH-TT-DL TP.HCM. Dường như Ôn Tấn Lực có duyên với các em nhỏ nhiều hơn. Đầu tiên, anh tự tìm đến liên hệ với Trường tiểu học Dương Minh Châu và Võ Trường Toản (Q.11, TP.HCM) để chiêu sinh và phổ cập bộ môn này như là môn thể dục ngoại khóa. Qua sàng lọc, dần dần anh tuyển chọn được các em có năng khiếu, yêu thích và có cả sự ủng hộ của gia đình để tiếp tục đào tạo nâng cao. Với hàng trăm em ở lớp ban đầu, anh đã chọn được khoảng 10 em có năng khiếu và tập luyện 5 ngày/tuần tại CLB quần vợt Phú Thọ. Anh dành cả sự thương yêu của mình cho các em trong tập luyện và cả hướng dẫn các em trong vấn đề đạo đức làm người. Anh tâm sự: “Hiện tại tuyến kế thừa của quần vợt TP.HCM đang rất cạn kiệt. Tôi muốn tạo đầu vào cho bộ môn này và hướng các em biết đến quần vợt nhiều hơn”. Bên cạnh đó là những buổi dạy thêm bên ngoài, bởi với đồng lương 7 triệu đồng một tháng, anh không thể lo cho gia đình được. Tuy nhiên, số giờ dạy thêm bên ngoài của anh cũng không phải là quá nhiều.

Thiền trong quần vợt

Giống như nghiệp thể thao, chuyện gia đình của anh cũng khá lận đận. Ôn Tấn Lực lập gia đình vào năm 2003 và có một bé gái. Nhưng chỉ hai năm sau, do hai vợ chồng Lực kinh doanh không thành công dẫn đến gia đình anh phải bán ngôi nhà thân yêu của mình ở đường Chu Văn An (Q.Bình Thạnh) và đổ vỡ. Anh cũng đã có gia đình mới và sống ở Thủ Đức. Khác với vẻ bề ngoài cao to và cái đầu trọc khá ngầu, Ôn Tấn Lực có giọng nói khá hiền. Tâm sự với anh mới biết được, anh đã quy y với pháp danh “Pháp đạo” và đã ăn chay trường hơn 10 năm nay. Anh kể: “Năm 2001, khi mẹ tôi mất, tôi bắt đầu tìm đến cõi Phật và đến năm 2003 được các thầy ở chùa Ấn Quang làm lễ quy y. Lúc đó, tôi phải theo mấy thầy đi hàng trăm cây số lên chùa Thị Vải để làm lễ chứ không phải dễ dàng như bây giờ”. Ôn Tấn Lực cũng cho biết anh rất nhiều lần theo các thầy đi hành hương tại các nước Myanmar, Nepal hay Ấn Độ. Trước đây mỗi buổi sáng, Lực thường dành thời gian để ngồi thiền và tụng kinh. Tuy nhiên, giờ đây anh áp dụng thiền vào quần vợt. Anh cho biết: “Thiền trong quần vợt cũng cực kỳ hay, không phải ai cũng có thể làm được. Chỉ có những người biết thiền mới hiểu được. Đôi khi người khác thấy cứ tưởng mình khùng (cười). Thiền trong quần vợt chính là mình đưa sự tập trung vào trái bóng và cũng cảm nhận được mình tiếp xúc trái bóng ở vị trí nào, độ xoáy ra sao”.

 

Ôn Tấn Lực sinh ngày 16.2.1974, khoác áo đội tuyển TP.HCM và VN từ năm 1990 đến 1997, đoạt HCB đôi nam nữ SEA Games 19 tại Jakarta 1997, 5 HCĐ liên tiếp tại các kỳ SEA Games 1993 đến 1997.

Minh Tân