Trang chủ Tết Việt Phong tục Tết ấm nồng từ mâm cơm tất niên

Tết ấm nồng từ mâm cơm tất niên

94

Là con trai út trong gia đình có 5 anh chị em, ông Phương chịu trách nhiệm chăm lo cúng kiến và bảo quản nhà thờ khi bố mẹ qua đời. Bôn ba làm ăn xa, bốn người anh chị của ông đều ngầm hiểu, 30 Tết phải về Sài Gòn thắp hương cho ông bà mới trọn đạo làm con. Anh chị em cùng ăn bữa cơm truyền thống của gia đình và thông báo những ngày giỗ chạp, cưới hỏi quan trọng trong năm của gia tộc. "Truyền thống này được bố mẹ dạy từ mấy chục năm về trước. Đến bây giờ các anh chị còn nhớ, vẫn cùng nhau ngồi chung mâm cơm tiễn đưa năm cũ khiến tôi xúc động, ngỡ như ngày thân sinh còn sống", ông Phương chia sẻ.

Người chị kế của ông Phương là bà Nguyễn Thị Xuyến từ Đà Lạt về, cho biết, bữa cơm tất niên là ngày họp mặt gia đình đầy đủ nhất trong năm. Ngoại trừ người anh cả định cư ở Australia 5 năm mới về Việt Nam một lần nên thường vắng mặt, còn lại đều đông đủ. Thế nhưng trước lễ trừ tịch (cúng giao thừa), khi bữa cơm gia đình còn đang sôi nổi thì anh cả luôn điện thoại về. Bà Xuyến cho hay, bao giờ anh cả cũng nhắc: "Các chú có về đông đủ không, năm qua nhà có tin gì vui buồn? Thằng út mày thay anh thắp cho bố mẹ nén hương. Anh thèm được ngồi ăn cơm với các chú như thời bố mẹ còn sống đến sốt cả ruột".

Nỗi nhớ mâm cơm tất niên của Việt kiều càng sâu sắc và đầy ám ảnh. Đã ngoại lục tuần, hàng chục năm sống, học tập và làm việc tại Nhật, Mỹ, kiều bào Nguyễn Trí Dũng vẫn giữ thói quen về Việt Nam đón Tết cổ truyền. Ông tâm sự: "Dù bận rộn đến đâu, đến 30 Tết tôi phải có mặt ở nhà tại Sài Gòn để làm mâm cơm tất niên. Trước là cúng rước ông bà, sau là thắp nén hương cho đấng sinh thành. Có như thế lòng tôi mới thấy thanh thản".

Mùi Tết ấm áp từ bữa cơm tất niên lan tỏa là thời khắc tình cảm ấm áp tuôn trào. Với bà Trần Thùy Linh, 60 tuổi, quê ở Vĩnh Long mâm cơm cuối năm là tập tục đã ăn vào máu thịt của bà. Cứ đến 30 Tết, dù tiền đầy túi hay hầu bao hạn hẹp, bà đều gói ghém làm mâm cỗ nhỏ. Bà Linh kể, món không thể thiếu là khổ qua dồn thịt (mướp đắng) hầm, ăn vào để nuốt cái khổ của năm cũ trôi đi. Thịt kho tàu, cơm trắng, cải chua xào trứng là món truyền thống của người miền Tây Nam bộ. Khi cơm canh đã xong xuôi, bà thông báo cho con gái, con trai, dâu, rể, cháu chắt cùng về ăn chung bữa cơm. "Con tôi đứa lớn nhất cũng đã ngoài 30, thế nhưng trong lòng mẹ đứa nào cũng trẻ dại. Tôi cứ bắt chúng phải về nhà ăn cơm dịp cuối năm cốt là dạy con cháu tập tục của ông bà. Mai này tôi có "đi xa" chúng còn biết giữ lấy truyền thống tổ tiên", bà Linh thổ lộ.

Với người yêu vẻ đẹp của Tết cổ truyền như bà Hạnh, quận Gò Vấp, TP HCM, bữa cơm tất niên không chỉ trang trọng mà còn có nhiều ý nghĩa tâm linh. Theo bà Hạnh, đây là bữa cơm cuối cùng của năm để tiễn biệt năm cũ, ăn xong bỏ qua mọi muộn phiền. Mâm cơm này còn được hiểu là thủ tục rước ông Công ông Táo về lại nhà coi sóc việc bếp núc của gia chủ. Vì thế, mâm cơm chiều 30 thịnh soạn hơn hẳn ngày thường, tràn ngập không khí Tết và không thể thiếu bánh chưng, giò chả, thịt gà, chả giò, canh măng, chân giò hầm, dưa hầm…

Còn chị Phụng, quận 10, TP HCM cho biết thêm, cả gia đình ra mộ thắp hương mời ông bà tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu, rồi mới tiệc tùng ở nhà. Lúc này, nhà cửa đã dọn dẹp tươm tất, trang hoàng mai, cúc, quất, câu đối đỏ và những vật phẩm trang trí Tết lấp lánh sắc đỏ. Hơn chục người gồm nhiều thế hệ quây quần bên mâm cơm ấm cúng. Sau bữa cơm, cả nhà cùng chờ đợt thời khắc đêm giao thừa, cầu nguyện và chúc nhau những điều tốt đẹp, hạnh phúc sẽ đến trong năm mới.

Không cầu kỳ, tùy vào kinh tế của mỗi gia đình mà thực đơn mỗi nơi khác nhau, song mâm cơm cuối năm luôn mang màu sắc khác hẳn ngày thường. Bởi đây là lễ nghi, tình cảm gia đình, là dịp để con cháu bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên, đất trời. Chính vì vậy, trừ những trường hợp bất khả kháng, còn trong ý thức của mỗi người, có thể vắng nhà bất kỳ dịp nào nhưng không thể không có mặt trong bữa cơm tất niên mỗi năm chỉ có một lần.

Một năm bôn ba đất khách, lòng người khao khát thời khắc sum vầy bên mâm cơm gia đình có con cháu, anh chị em, ông bà cha mẹ. Bữa cơm tất niên ấy là mùi Tết bám sâu thành gốc rễ vào tâm hồn người Việt.