Trang chủ Tết Việt Phong tục Tết – Cầu mong và Chúc tụng

Tết – Cầu mong và Chúc tụng

72

Tết là thời điểm bắt đầu   của một chu kỳ đổi thay    thời tiết – gọi là “ tứ thời bát tiết” (4 mùa 8 tiết). Đó là sự vận hành có tính quy luật của vũ trụ. Con người khi chưa làm chủ hoàn toàn được tự nhiên thì cuộc sống cứ như thực hiện cái ý đồ của vũ trụ. Tết/Năm mới/Xuân là điểm khởi phát quan trọng của năm, do đó, ở thời điểm này người ta nhiều cầu mong và hy vọng: hy vọng cuộc sống trong năm tới tốt đẹp hơn, khỏe mạnh hơn, an bình hơn, no ấm hơn, hạnh phúc hơn. Cái mình mong cầu đó cũng chính là điều mong cầu của mọi người, bởi vậy, người ta chúc nhau những điều tốt đẹp để cùng nhau xác tín rằng năm tới vạn sự như ý, được những việc cát tường… Tập tục này trước hết thể hiện qua lời nói: Chúc năm mới an khang thịnh vượng, vạn sự như ý, phát tài… Ấy thế, ngoài ngôn từ còn có những hình thức biểu đạt như câu đối, thiệp, và những biểu hiện khác: mượn giấy để viết chữ, mượn hình vẽ thành tranh khánh chúc, vẽ trên bao lì xì và gởi gắm lời cầu mong và chúc tụng trên các đồ trang trí ngày Tết.


Theo lệ cổ, Tết dựng cây nêu. Nêu là bày biện cái gì đó ra cho người ta thấy. Cây nêu là một trụ thiêng có công năng trấn giữ sự an toàn cho gia đình: bùa “Tứ tung ngũ hoành”, bùa Thái cực (bát quái) để trừ ma quỷ. Đó là sự mong cầu thần linh che chở trước những thế lực hắc ám luôn rình rập.


Từ những thập kỷ 50 của thế kỷ XX, tập tục dựng nêu đã suy tàn và người ta mua bộ đồ “Bùa nêu Ông Cọp” để dán trước cửa cũng cốt mong cầu sự an toàn cho gia quyến. Loại hàng là tranh mộc bản, bản gỗ thường được các nhà sản xuất giấy tiền, vàng mã đặt khắc và giữ như công cụ sản xuất. Mặt khác, rất nhiều chùa làng cũng có các bản khắc gỗ này. Đến gần Tết thì in ra để đáp ứng nhu cầu của dân chúng trong vùng. Nay một số chùa làng vẫn còn bảo lưu tập tục này và trên thị trường lại có thêm bùa nêu công nghiệp đẹp và sang trọng.


Xin câu đối Tết là một tục lệ nay đã phôi pha. Tuy nhiên, đến Tết, ở Chợ Lớn tại đường Nguyễn Trãi, Phùng Hưng, Hải Thượng Lãn Ông… vẫn còn cảnh viết câu đối. Những câu chữ chúc mừng Tết gồm chúc việc làm ăn buôn bán phát đạt, chúc thọ, chúc sức khỏe, chúc mọi việc cát tường như ý.


Gần đây, miếu Thành Hoàng, góc đường Điện Biên Phủ – Cao Thắng, hàng năm cứ đến ngày ông Táo chầu trời lại mở cuộc viết câu đối miễn phí. Người đến xin chữ đông như hội. Một số đền miếu cũng tái lập lệ này. Lại nữa, nay là phong trào thư pháp chữ Quốc ngữ đang thịnh phát. Bởi vậy có nhiều “ông đồ mới” có chữ đẹp cũng được nhiều người đến xin chữ. Lề đường Trương Định (bên hông Trường Phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai) trong mấy năm qua tự nhiên đã trở thành “phố thư pháp “ vào mỗi dịp cuối năm.


Giới trẻ thích thư pháp Quốc ngữ bởi họ có thể tự đề ra nội dung mới tặng cho cha mẹ, người thân, bạn bè và ý trung nhân theo tình cảm, ý tưởng riêng chứ không quá trang nghiêm có tính khuôn mẫu như thư pháp Hán tự. Đó là sự khác biệt về thị hiếu của hai giới trẻ – già.


Người lớn tuổi tìm thấy ý vị thâm thúy của chữ Hán tượng hình – loại văn tự đã được coi là chữ nghĩa thánh hiền. Họ tìm đến với các ông đồ Nho. Người sành điệu giờ đây tìm đến các thư pháp gia danh tiếng, những bậc Hán học tinh thông để xin chữ. Ở các bức thư pháp, câu đối này không chỉ là hàm chứa ý nghĩa sâu xa mà còn là vẻ đẹp nghệ thuật thư pháp. Tụ điểm các danh gia thư pháp hiện nay là Câu lạc bộ Nghệ thuật người Hoa, thuộc Nhà Văn hóa quận 5: Lý Tùng Niên, Trương Lộ, Tuần Bá, Hán Thành, Trương Hán Minh… Cũng có những thư pháp gia tài tử viết chơi những câu chữ rất có hoa tay thiên phú thuộc loại độc chiêu!


Thời đại công nghệ ngày nay, trên máy vi tính có đủ các font chữ Hán: chân, thảo, triện, lệ – phồn thể có, giản thể có. Viết câu đối, câu khánh chúc chữ Hán buộc phải viết theo phồn thể. Lại có các font thư pháp chữ Quốc ngữ đa dạng. Như vậy là chúng ta có thể tự làm lấy các sản phẩm chúc Tết cho người thân, bè bạn cũng như những sản phẩm văn tự nói lên sự mong cầu của mình.


Ngày nay, trên thị trường cũng xuất hiện các loại sản phẩm mỹ nghệ đáp ứng nhu cầu chúc tụng và mong cầu của thế nhân: những câu đối, những bức thư pháp khánh chúc in sẵn, nền đỏ tươi, hoa văn ngũ sắc, chữ trang kim rực rỡ, bắt mắt.


Những đồ mỹ nghệ thiếp vàng son, gắn tua đa chủng loại: từ thần tài, đến Phước-Lộc-Thọ, “Xuất nhập bình an”, “Hợp gia bình an”, “Niên niên hữu dư”… Loại đồ mỹ nghệ này nhiều đến mức kể không hết. Tết đến chúng được trang trí ở bàn thờ tổ tiên, khánh thờ thần bản gia, treo ở cửa, ở phòng khách… Tất cả tạo nên sắc xuân hồng thắm.


Vào dịp Tết, các đồ vật, con vật có ý nghĩa biểu trưng cho điều tốt lành, tài lộc và thăng tiến được sử dụng khá nhiều trên thiệp chúc xuân, bao lì xì, giấy gói quà Tết, lịch,… Một danh mục giản lược sau sẽ giúp cho chúng ta hiểu được ý nghĩa chúc tụng ngoài các biểu trưng kiết tường, như ý.


1. Các đồ án thường gặp có: Trẻ con (con cháu đông), vàng thoi, san hô, sừng tê giác, ngọc châu đựng trong bồn (tụ bảo tồn: tài lộc), tiền điếu (giàu có), hai  đồng tiền điếu chồng lên nhau (song tiền, song toàn, song tuyền biểu trưng phúc lộc song toàn). Dơi (phúc), nai (lộc), đào tiên (thọ), pháo (phát, thịnh vượng), bướm (hồ điệp: thọ), tùng (thọ), hạc (thọ), mèo (sống lâu đến 80, 90 tuổi), sen và cái hộp (hòa hợp), trái thị-gậy như ý/hình nấm linh chi (bách sự đại cát, sự sự như ý)…


2. Năm mới chúc nhau trường thọ, theo truyền thống, người ta coi việc sống lâu (trường thọ) là thiên tước (tước vị của trời ban cho) khác với chức vị do con người, vua chúa phong tặng. Việc sống lâu đến 70, 80 đối với thời xưa là rất hiếm. Do đó, việc chúc thọ cũng hướng đến mức thượng thọ, thiên thọ này để bày tỏ lòng tôn kính cao nhất của mình với đối tượng được chúc tụng. Ở trường hợp này các tranh chúc thọ thường sử dụng hình tướng của mèo và bướm, các bức tranh chúc thọ thường vẽ bướm và chùm hoa nở rộ để biểu hiện trường thọ và vẻ đẹp tinh khiết. Lại có bức vẽ cả bướm và mèo để thể hiện lời chúc tụng tôn kính hơn. Nói chung, chúc thọ là một tập tục lâu đời, biểu thị hai mặt của một mong muốn vô vọng: xóa bỏ dấu vết tàn phá của thời gian và đưa vào thế giới chúng ta chút vĩnh cửu. Đây là kỳ vọng để vui sống, mặc dù rốt ráo đó là kỳ vọng bất thành.


3. Bên cạnh chúc trường thọ, chữ Phúc cũng gặp ở khắp mọi nơi: trên quả dưa hấu, trên ổ bánh, hộp mứt, trên đủ các loại bao gói quà… và trước cửa nhà người ta cũng dán chữ Phúc. Có mỗi chữ Phúc được biểu hiện ra nhiều dạng thức và được cộng thêm các biểu tượng khác để chúc tụng nhau trong dịp lễ tết “Ngũ phúc lâm môn” (phước, lộc, thọ, khang, ninh) và “bách phúc” (trăm chữ phúc). Lại có tục dán hoặc treo chữ Phúc ngược gọi là “đảo phúc”, cốt mong cho điều phúc thay đổi không giống như những gì của năm cũ.


Trong tiếng Hoa, dơi còn gọi là “phúc thử”, do vậy dơi cũng được dùng làm biểu trưng cho phúc được biểu hiện trong các đồ án trang trí kiến trúc cũng như trên các thiệp, bao lì xì… Dơi trong các đồ án chúc phúc thường là một con, hai con (song phúc) hoặc năm con (ngũ phúc). Phổ biến nhất là chúc phúc và thọ “Phúc thọ song toàn” biểu thị lời cầu mong quan yếu của mỗi con người. Trong các biểu tượng ta thường gặp dơi (phúc), hai đồng tiền (song tiền, song toàn), và trái đào tiên (trường thọ). Cũng có trường hợp dơi và chữ thọ, gọi là phúc hàm thọ. Nếu có năm con dơi thì gọi là ngũ phúc phụng thọ. Lại có khi thọ được biểu thị bởi chim hạc – một loài chim sống lâu như rùa. Cũng có những đồ án cấu tạo gồm dơi và đồng tiền, nhưng lại biểu thị lời cầu chúc khác “Phúc tại nhân tiền”. Đây là sự mong cầu nhấn mạnh đến “tốc độ” của sự việc sẽ diễn ra: điều tốt lành hãy nhanh đến ngay… kẻo phải ngóng cổ trông chờ.


4. Lời chúc mừng bao quát nhất là chúc “Tam đa” (đa thọ, đa nam, đa phúc), sau này lời chúc tam đa được thay thế bởi lời chúc phúc, lộc, thọ. Bộ ba phúc, lộc, thọ vốn là ba vì sao chủ quản các việc quan yếu của con người ở thế gian. Đến nay tranh vẽ, tượng bộ ba phổ biến hầu như khắp mọi nhà nhằm cầu mong hạnh phúc đến với mọi nhà. Thời đại kim tiền nên ba vị tinh quân này cũng được thế nhân tích hợp thêm cái thoi vàng xuồng thời thượng. Tất thảy cứ y như rằng có tiền vàng… là có tất cả. Thậm chí tượng Di Lặc-Bố Đại cũng ngồi trên/bưng/bợ/cầm thoi vàng to tướng. Đó là một trong những biện sự… bất khả tư nghị.


Một thứ vật phẩm đắc dụng vào ngày Tết là bao lì xì. Lì xì tiếng Quảng Đông, đọc theo âm Hán Việt là “Lợi thị”. Tập tục biếu một món tiền vào dịp Tết là gởi một lời chúc: Năm mới được điều lợi, nói rộng ra là chúc công việc làm ăn buôn bán phát đạt, thịnh vượng.


Điều cần lưu ý là lì xì là phần vật thể biểu đạt cho điều cầu chúc tốt đẹp vào dịp Tết, thời điểm cái cũ qua cái mới lại, nên tự nó có tàng ẩn điều thiêng liêng: đầu năm được lợi thì quanh năm ắt cũng sẽ được như thế. Tín lý thiêng liêng của thứ tiền bạc “lợi thị” này, hầu như nay còn tồn tại trong tập tục vay tiền ở các đền miếu, từ các đấng thần thánh tôn kính như Bà Chúa Xứ ở Núi Sam (Châu Đốc) hay Bà Thiên Hậu ở Thủ Dầu Một… Giống như tiền mở hàng đầu năm, loại tiền này thiêng liêng, có công năng sinh sôi nảy nở, nhất bản vạn lợi… nên không lấy ra tiêu dùng, mà cất đi, để trên bàn thờ…


Xưa kia, tập tục người lớn biếu tiền cho trẻ con vào dịp đầu năm gọi là mừng tuổi cốt gửi gắm lời cầu mong trẻ hay ăn chóng lớn, học hành giỏi giang, khỏe mạnh… Đây là hình thức biếu tặng, nhân dịp đứa bé được thêm một tuổi – bước trưởng thành về thể chất và nhân cách – một sự kiện trọng đại hàng năm của trẻ. Xưa tập tục xứ ta không tổ chức sinh nhật như bây giờ mà tính tuổi tròn theo năm tháng của trời đất. Việc biếu tiền này hàm chứa ý nghĩa là món quà thưởng về sự chăm ngoan trong năm cũ và khuyến khích việc chăm ngoan hơn nữa trong năm tới – đã lớn hơn một tuổi. Đồng thời, xét về mặt thực tế, đây là cách chi tiền cho con cháu để chúng chi dụng cho các nhu cầu vui chơi trong lễ Tết.  Món quà thiêng quả là hàm chứa ý nghĩa khen thưởng đậm tính chất khuyến thiện và giàu ý nghĩa giáo dục.


Bao đựng tiền lì xì xưa, sang trọng là chiếc túi gấm hoặc bình dân hơn là túi may bằng lụa, vải và về sau là phong giấy đỏ, hồng đơn. Cái phong giấy hồng đơn, màu đỏ, tự nó là màu chúc phúc. Về sau, cái bao giấy đó lại tích hợp cả hình họa, đồ án trang trí khánh chúc và những dòng thư pháp chúc tụng cát tường như ý. Ở đây chúng ta thấy bao lì xì đã gộp thêm chức năng của thiệp chúc Tết. Chính vì thế nhân càng lúc càng đa cầu nên nội dung thư họa trên phong của bao lì xì là một tập đại thành cực kỳ phong phú cả câu chữ khánh chúc lẫn đồ án hình họa. Công việc thiết kế tạo mẫu cùng với sự tiến bộ của công nghệ in ấn đã làm cho loại văn hóa phẩm này ngày càng đạt chất lượng mỹ thuật và tân kỳ hơn bội phần. Tuy nhiên, do đây là sản phẩm phục vụ cho một tập tục truyền thống nên về cơ bản đề tài vẫn luôn bảo thủ.


Đến nay, tập tục lì xì vào dịp Tết đã thành phổ biến, thậm chí phổ biến đến mức trở thành tệ tục nhũng nhiễu: đòi “tiền lì xì” quanh năm suốt tháng, bất kể xuân hạ hay thu đông. Nói cách khác, mỗi tập tục phong hóa nếu vô tâm một chút thôi thì ý nghĩa tốt đẹp vốn có của nó liền bị biến chất. Bởi vậy, đối với các bậc phụ huynh không chỉ phải biết lì xì mà quan trọng hơn, là phải chú ý đến cách lì xì và đặc biệt là phải chỉ vẽ cho con cháu cách nhận lì xì sao cho phải phép, đúng nghĩa.


Chúc tụng là một hình thức xã giao phổ biến và đặc biệt rầm rộ vào dịp Tết. Có hình thức diễn xướng hoàn chỉnh để thực hành việc chúc tụng vào dịp năm cũ bước qua năm mới bước lại như hát sắc bùa, múa lân, múa rồng, múa sư tử cũng như các điệu múa cung đình Huế thời xưa đều có chức năng chúc tụng. Nhìn lại lịch sử, tranh Gà, tranh Lợn, tranh Chúc thọ, tranh Trạng vinh quy (gọi là Đám cưới chuột), tranh Cưỡi trâu thổi sáo… của dòng tranh Đông Hồ, đa phần đều có nội dung mong cầu và chúc tụng.


Tranh Gà , âm Hán là “kê” , đồng âm với “cát/ kiết” tức điềm lành. Gà gáy mặt trời mọc. Gà biểu trưng cho dương khí, cho sự xán lạn, hanh thông. Tranh gà đàn lại chúc cho sự phát đạt, sinh sôi, nảy nở.


Tranh Lợn lại biểu thị rõ hơn cho sự mong cầu thịnh vượng, bắt nguồn từ tín lý phồn thực: cầu mong việc trồng trọt, chăn nuôi có kết quả. Tranh lợn đàn cũng vậy. Nhà nông nào mà không mong cầu nuôi lợn đẻ sai, một mẹ đẻ hàng chục lợn con chẳng khác nào kẻ đi buôn bỏ một đồng vốn được lãi vạn đồng.


Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột,
Om sòm trên vách bức tranh gà.


(Tú Xương)


Câu thơ trên miêu tả cảnh Tết quê hồi đầu thế kỷ XX. Từ đó, đã thay đổi nhiều. Tết đến trên vách không chỉ có tranh Gà, tranh Lợn – tranh Tết Đông Hồ nói chung, mà còn là đủ thứ rực rỡ, mới mẻ khác. Cái cũ mất đi đã đành là tiếc, nhưng cái mới không phải là không đáng mừng. Phong hóa luôn thay đổi theo đà đổi mới của thời gian.