Trang chủ Tết Việt Phong tục Tết nguyên đán ở Hà Nội xưa và nay

Tết nguyên đán ở Hà Nội xưa và nay

59

Các ông lên Hàng Ngang, Hàng Đường mua vài củ thuỷ tiên để về tự tay hoặc cho các cô con gái rượu gọt, tỉa, chăm sóc cho nở hoa đúng đêm giao thừa. Nếu không tự viết lấy câu đối thì lên Hàng Bồ mua mấy câu của các ông đồ già viết và bày la liệt trên vỉa hè. Tất nhiên là câu đối đỏ, nhưng nếu nhà nào có tang thì dùng màu vàng hay màu xanh lục.


 


Rồi lên Hàng Lược, đã trở thành chợ hoa từ những năm 20 của thế kỷ XX, để mua hoa, cành đào, cành mai, chậu trà, chậu cúc bạt ngàn.


 


Các bà đến hàng Đường mua bánh, mứt, sang Hàng Hương (bây giờ là Hàng Đậu) mua hương, đủ loại hương trầm, hương xạ, hương bạch đàn, hương thẻ, hương vòng, sang Hàng Buồm, Hàng Cân mua miến, mua măng, mua nấm, không ít bà đến phố Hàng Quạt (nay là Lương Văn Can) lấy áo gấm, áo đoạn may đo từ dạo tháng 10 ở các cửa hàng đến các ông phó may quê làng Trạch Xá (Ứng Hoà- Hà Tây) nổi tiếng một thời.


 


Và thế nào các bà cũng không quên đến Hàng Bạc để mà “tắm” lại các đồ trang sức bằng vàng cho đỏ lên, cho đẹp sáng ra.


 









Việc đầu tiên là phải nghĩ đến nồi bánh chưng. Ảnh: Nguyên Vũ


Nhưng đối với mọi nhà thì việc đầu tiên là phải nghĩ đến nồi bánh chưng. Gói bánh, nấu bánh, trông nồi bánh tới lúc bóc chiếc bánh đầu tiên ăn thử, đối với nhiều mái nhà đã là sự hiện hình của hạnh phúc.


 


Tiếp đó là công việc gói giò, cầu kỳ thì tự giã lấy giò lụa, cầu kỳ hơn thì cho cắt trứng gà luộc xếp thành hình hoa chanh giữa lòng cây giờ trước khi luộc. Khi cắt ra mỗi lát giò như một bông hoa.


 


Nếu không thế thì mua giò Ước Lễ bán ở khắp các chợ, chỉ còn phải gói giò thủ, giò chân, rồi kho khô một nồi cá, nấu một nồi thịt đông. Ngoài ra còn phải lo mua nguyên liệu để làm cỗ, cố thì dù nhà nghèo cũng phải đủ giò, nem, ninh, mọc. Sang trọng thì có thêm bóng cá dưa, cá thủ, vây cá, bào ngư, long tu, tổ yến.


 


Ngoài cỗ mặn lại còn cỗ ngọt. Phải có nồi chè kho, chõ bánh bao, bánh bẻ, chảo bánh vẽ, bánh khoai… và các loại mứt gừng, mứt quất, mứt sen…


 


Nhà nghèo thì cũng có chút lo lắng. Có nồi bánh chưng phải tính gạo, tính đậu, tính thịt. Các thức cúng trong 3 ngày Tết. Rồi quần áo mới cho các con nhỏ. Lại vẫn phải quà Tết bên nội bên ngoại, tết cho chủ thuê nhà, tết các chủ nợ… Song như câu ca dao cổ đã nói: “Nhà ông dù giàu hay nghèo/ Tối bà mươi tết thịt treo trong nhà”.  Và nữa, dù giàu dù nghèo, mọi người vẫn có bộ quần áo lành lặn để mặc Tết.


 


Còn khâu “ăn Tết” thì dù Hà Nội hay tỉnh huyện nào cũng theo phong tục chung. Đêm 30 cúng giao thừa, sáng mùng một thì các ông đi xông đất các nhà thân quyến bạn bè. Con cháu về mừng tuổi ông bà bố mẹ. Thân bằng cố hữu mừng tuổi nhau. Sau khi các ông về rồi thì đến lượt các bà lại đi mừng tuổi. Bữa cơm đầu năm dù giàu hay nghèo, nhà nào cũng vui vì “đói ngày giỗ cha, no ba ngày tết”…


 









Và thế là ba ngày Tết trôi qua sau những cuộc qua lại mừng tuổi, trong tiếng pháo nổ ran, trong các trò chơi công cộng quanh hồ Hoàn Kiếm và các thú vui trong khuôn khổ gia đình như đánh bài, thường là bài tam cúc, cao hơn một tí thì tổ tôm, chắn, hoặc bài tây, mạt chược (một cách đánh bài của người Hoa).


 


Nhà giàu mở kèn hát (máy quay đĩa) nghe đào Tửu, đào Tam hát chèo, đào Nam Phỉ, Phùng Há hát cải lương… thế mà mệt.


 


Chỉ có trẻ em tất cả đều mừng vui, vì có manh áo mới, có tiền mừng tuổi. Còn người lớn thì lại đi vào công việc hàng ngày.


 


Ấy vậy mà phong tục tết Nguyên đán cổ truyền ở Hà Nội từ dăm chục năm nay cũng đã đổi thay. Đó là thời chiến tranh chống Mỹ (quen gọi là thời bao cấp), rồi thời hoà bình thống nhất (quen gọi là thời kinh tế thị trường).


 


Trong thời chiến tranh rất khó khăn, song Nhà nước vẫn lo cho dân ăn tết theo phong tục cổ truyền. Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.


 


Các văn hoá vật thế đó Nhà nước lo hết, dù theo tiêu chuẩn ngặt nghèo xong có đủ. Lo tăng thêm cho dân vài lạng thịt, vài cân gạo nếp, đậu xanh; cung ứng từ gói chè, hộp mứt, gói thuốc lá, bánh pháo đến miếng bóng bì; từ sợi lạt giang đến chiếc lá dong xanh chở từ rừng về. Lại thêm cả tiêu chuẩn chất đốt. Rồi in cả câu đối Tết, cho dân đón xuân.


 


Nghĩ lại, Nhà nước khi đó dù có nhiều khó khăn vẫn lo toan cho hạnh phúc (dù đơn sơ) của toàn dân. Thật là một Nhà nước vì dân, do dân và của dân.


 


Nay, kinh tế thị trường, dân khá lên nhiều. Ăn uống không thành vấn đề. Bánh chưng có các nhà hàng gói, mà quanh năm lúc nào chẳng có bánh chưng! Y phục, trang sức tràn trề đường phố. Cho nên dân thành thị Hà Nội chủ yếu dùng ba ngày tết vào việc thăm viếng bạn bè, vui chơi giải trí và đi du lịch.


 


Các tục lệ cũ chỉ chỉ giữ lại có lệ đi mừng tuổi và cúng cơm gia tiên vào sáng mùng Một và “hoá vàng” kết thúc tết vào mùng Ba hoặc mùng Bốn. Một điều đáng chú ý là khoảng chục năm nay cấm sản xuất và đốt pháo. Nhân dân hoan nghênh và chấp hành lệnh này.


 


Cũng phải nhắc đến một phong tục mới nảy sinh ở Hà Nội là từ sau năm 1955 và đã trở thành truyền thống. Đó là tục đón giao thừa quanh Hồ Gươm.


 


Nguyên từ 1955, cán bộ và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc, một số lớn ở Hà Nội và vùng phụ cận. Nhiều khi hai người cùng làng nhưng ra Bắc họ được phân về hai tỉnh khác nhau. Nói chung đồng bào tập kết có nguyện vọng muốn có một địa điểm ở Hà Nội để gặp nhau cuối tuần.


 


Thế là nhà Khai trí tiến đức ở bên bờ Hồ Gươm được tổ chức thành Câu lạc bộ Thống Nhất. Đó là nới biểu diễn văn nghệ, có các thú vui giải trí lành mạnh, có chút ít ẩm thực và cơ bản là nơi để đồng bào tập kết từ tất cả các tỉnh miền Nam, vào các ngày nghỉ lễ và chủ nhật tới đây gặp gỡ, giao lưu.


 


Đặc biệt từ đó các đêm giao thừa đồng bào xa xứ, xa gia đình, cư ngụ ở Hà Nội và phụ cận đều về đây tu hội. Người cứ ngan ngát dạo quanh Hồ Gươm đón chào Xuân mới đang tới. Thấy vui, người Hà Nội cũng rủ nhau đến ven hồ chia sẻ niềm vui.


 


Rồi đến thời kỳ có bắn pháo hoa bên hồ, nhân dân nghe xong Thư chúc mừng năm mới của Chủ tịch nước thì đêm giao thừa ở bên Hồ Gươm đúng là một lễ hội của toàn dân Thành phố.


 


Chính do có sự kiện này mà Hà Nội hình thành một phong tục mới và đẹp là từ bấy đến nay, cứ đêm giao thừa mọi người lại đổ ra Hồ Gươm đón xuân náo nhiệt, tưng bừng, chứ trước năm 1955 thì mấy ai ra khỏi nhà đêm 30 tết.