Trang chủ Tết Việt Du xuân Tết xa quê của Tăng Ni du học

Tết xa quê của Tăng Ni du học

59

Cái Tết Tây ở xứ người đã khép lại, trên các trang web, các blog cá nhân lưu lại những tin nhắn ấm nồng sắc xuân; những lời chúc đầy ý nghĩa, khởi đầu cho không khí đón Tết cổ truyền Việt Nam. Trong những ngày này, Tăng Ni lưu học khắp nơi chuẩn bị hành lý về nước, trong số đó có không ít Tăng Ni  vì hoàn cảnh phải ở lại ăn Tết xứ người, mặc dù trong lòng họ rất muốn trở về trong vòng tay đón mừng của thầy tổ, huynh đệ và Phật tử quê nhà – một chút quay quắt lan tỏa nơi trái tim những người con Phật trong những ngày cuối năm Đinh Hợi.


Đón Tết xứ người


Sư cô Bửu Liên, du học Ni tại Trung Quốc (TQ) có thâm niên ăn Tết tại đây tâm sự: “Nhớ lại cái Tết đầu tiên, tôi một mình lủi thủi làm vài món dưa chua, mua chút ít bánh mứt để cúng bàn Phật, cho có với người ta. Gần đón giao thừa, nghe bên ngoài đốt pháo tưng bừng, tiếng pháo càng to, lòng mình càng lặng lẽ. Đến trước bàn Phật, gióng tiếng chuông gia trì trong căn phòng nhỏ này, tôi bắt đầu thời kinh sáng trong năm mới với nhiều điều ước nguyện. Năm nay, tôi muốn về thăm thầy lắm, nhưng thôi đành vậy… kinh phí học tập ở xứ người cũng hạn hẹp, luận văn vẫn chưa xong… chắc thầy tôi không nỡ trách vì chương trình học của tôi khá dài!?”.


Việc đón Tết xa quê đối với Tăng Ni du học Ấn Độ thì triền miên, và có thể nói là chuyện bình thường, bởi thời gian học tập quá bận rộn cho các kỳ thi cuối khóa nên chuyện về quê đón Tết không dễ dàng chút nào.


Sư cô Thành Liên cho biết: “Năm đầu tiên sang đây, nói thật là chẳng có cảm giác Tết nhất gì cả vì phải đối diện với bài vở chất chồng, nhưng tôi cùng vài vị đồng tu khác gói chút ít bánh tét, làm một số món ăn truyền thống để cúng dường cho nhau. Tới giờ giao thừa, huynh đệ cùng tập trung lạy vía Di Lặc rồi chúc Tết, mặc dù không ai bày tỏ hết cảm xúc của mình nhưng không khí trầm hẳn. Riêng tôi thì cứ tưởng tượng ra cái không khí đón Tết ở chùa quê, nghĩ đến việc không được đảnh lễ thầy tổ vào đêm giao thừa, cảm giác như mình mất đi một tuổi, mất đi hơi ấm của thầy trong những lời giáo huấn đầu năm”.


Vậy đó, đâu phải là tu sĩ rồi không bồi hồi cảm xúc với Tết đâu, chỉ cần nhánh mai chưng trên bàn Phật, cái ruột đỏ hồng của trái dưa hấu, vị chua chua của món dưa cải, mùi nhang trầm xông ngào ngạt khắp phòng… cùng với tứ chúng cất cao lời kinh cũng là niềm hạnh phúc giản đơn lắm rồi đối với Tăng Ni sinh đất khách.


Tăng Ni du học, Tết đến còn có nghĩa là hoàn thành bài vở, nghỉ xả hơi, mùa rảnh rang cho những giờ tụng kinh, ngồi thiền, niệm Phật… nhằm “nạp điện” cho mình nội lực tu tập.


Thầy ML, trong hành trang của một du học sinh còn gói thêm một quyển tập ghi tên cầu an cho Phật tử, hỏi lý do thầy cho biết: “Mỗi khi Tết về, ai cũng rộn ràng hành lý về nước, riêng tôi tranh thủ thời gian này để tư duy tu tập, nhằm bù lại những lúc mình bận rộn học hành. Ngày nào tôi cũng sám hối kiếm chút phước, lễ Phật kỳ nguyện hồi hướng cho Phật tử hữu duyên. Cái Tết của TQ cùng thời gian với Việt Nam nên cũng thuận tiện cho du học sinh. Tết Nguyên đán của TQ là Tết Dương lịch, Tết mừng Xuân của TQ mới chính là Tết cổ truyền Việt Nam. TQ tổ chức Tết Xuân rất lớn, đốt pháo bông, pháo dây khắp nơi (tuy nhà nước đã có lệnh cấm).


Ở đây, dân chúng còn có tục lệ “Bái niên” nghĩa là đi thăm viếng họ hàng vào ngày mùng 1, mùng 2, mùng 3 Tết, tới ngày mùng 5, một số vùng còn làm cỗ cúng thần Tài, rước giàu có vào nhà. Đến rằm tháng Giêng còn có Tết Nguyên tiêu, xem như hết tháng Giêng mới kết thúc sự ồn ào náo nhiệt”. Như vậy đó, trong không khí ồn náo đón mừng năm mới của xứ người, một Tăng sĩ Việt Nam vẫn sống một mình tu tập, vừa hồi hướng công đức cho Phật tử, vừa trau giồi nội lực cho bản thân.


Sư cô Liên Hoa lưu học tại Phúc Châu còn cho biết, “Ngày mùng một Tết, chỉ còn vài người ở lại cũng tổ chức Pháp đàm, nấu nướng “cúng Phật cập Tăng” . 


Sư cô Như Nguyệt hướng về phía Nam nói: Chắc VN ở hướng này, chắp tay cầu nguyện đất nước Tổ Tiên thanh bình thịnh vượng. Vậy là cái Tết ở xứ người kết thúc trong không khí vui vẻ, thỏa nguyện”.


Sư cô Diệu Liên đang du học tại Đài Loan cho hay: “Mình có cơ duyên được du học trong một ngôi chùa ở Cao Hùng – Đài Loan. Tết không về được cũng nao nao, nhưng cũng muốn ở lại đây để chiêm nghiệm và học tập văn hóa xứ người.


Tết ở Đài Loan cũng giống như ở VN thôi, chỉ có cái khác là nói ngôn ngữ khác nhau, tụng kinh niệm Phật khác nhau khiến mình có cảm giác xa lạ. Tết xa quê nhớ lắm những lời chúc tốt đẹp mà người người dành cho nhau, nhớ lắm những đòn bánh tét treo lủng lẳng, nhớ nhất là đêm 30, Phật tử hái lộc đầu năm, chen nhau lễ lạy ở tượng đài Quan Âm. Ăn Tết ở đây cũng náo nhiệt vậy mà hổng hiểu sao mình cảm thấy lạc lõng quá chừng!”.


Văn hóa Việt Nam trên đất Mỹ


Thầy Hạnh Hiếu đang định cư ở tiểu bang Akansas tại Mỹ thì khác: “Tôi đến đất Mỹ định cư với công việc hướng dẫn cộng đồng người Việt tu tập, nên tâm thế hoàn toàn khác hẳn các du học sinh, nhưng trong những dịp Tết cũng gợi cho tôi một chút đau đáu về mái chùa thân thương ở Sài Gòn, đặc biệt là thầy tổ, ba mẹ.


Bên này, đón Tết Việt Nam trong mùa tuyết rơi, tôi đã tổ chức rất nhiều hoạt động cho cộng đồng Phật tử vui Xuân tại chùa như: tổ chức các gian hàng hội chợ tái hiện hương vị quê hương; tổ chức chương trình thuyết pháp, hái hoa đạo, treo đèn hoa đăng, Niệm danh hiệu Phật v.v…


Tuy tổ chức Tết ta tại trời Âu, song không thiếu thứ gì, từ bánh chưng, bánh tét đến những hương vị bánh mứt ba miền Bắc Trung Nam được trưng bày đầy đủ, nhuộm thắm sắc hồng Tết Việt. Trong dịp này, cộng đồng người Việt còn có cơ hội gặp gỡ, hâm nóng lại tình đồng hương, khuyến tấn mọi người tránh ác làm lành, gìn giữ các nét văn hóa truyền thống lâu đời của ông cha ta để lại”.


Sư cô Tâm Trí dù đang trong khóa an cư kiết đông tại tu viện Bích Nham – New York cũng vừa email chúng tôi, trong thư cô viết: “Khóa an cư của Bích Nham lần này có nhiều thiền sinh từ 40 nước về tham dự, ngày lễ năm mới, chúng mình được nghe trực tiếp Pháp thoại của Sư ông Làng Mai. Sư ông nói pháp đến khuya và đề nghị mọi người nên lập cuốn sổ công phu cho riêng mình, viết vài lời ước nguyện cho một năm mới, mình cũng viết vài dòng cho giao thừa năm nay (đọc đừng cười nhé):…


“Nhìn thấy tuyết rơi ở Bích Nham, con thật vui, vui không phải vì lần đầu tiên nhìn thấy tuyết, vui vì khắp nơi phủ toàn màu trắng, màu của sự thanh khiết, của sự tu tập đức hạnh. Những vết giày của thiền sinh nối nhau khi thiền hành vẫn còn in trên nền tuyết trắng, chiếc áo tràng nâu như nổi bật hơn trong hoa tuyết rơi rơi. Giờ khắc giao thừa, phủ phục trên nền tuyết trắng, con xin nguyện mở rộng lòng, chăm sóc quan tâm tâm hồn con và mọi người quanh con, xin Phật chứng tri và gia hộ…” Những lời nguyện hết sức dễ thương của Sư cô xuất hành từ Tết Tây, và đến Tết cổ truyền Việt Nam thì tại Bích Nham sẽ mãn khóa an cư kiết đông, Sư cô lại trở về trú xứ đón xuân trong niềm hân hoan, hỷ lạc.


Lúc này, người viết mới hiểu hết nét bút của Sư ông Làng Mai khi về thăm Việt Nam dịp Tết: “Xuân đoàn tụ” sao ấm lạ quá chừng. Lật tiếp những trang nhật ký du học xứ người, chúng tôi viết tiếp: … Hai chữ quê hương nhẹ nhàng mà thâm trầm, sâu lắng; lặng lẽ mà nặng trĩu tâm hồn người con Việt xa quê. Quê hương là gì mà như lực hút khiến những tâm hồn lưu phương luôn đau đáu nhớ về, khiến người con xa quê luôn muốn tái hiện những đặc trưng quê hương trên mọi nẻo đường mà họ đi qua?!


Là người con nước Việt, không được đón Tết cổ truyền ở quê nhà là một sự thiếu vắng lớn, song dù ở nơi đâu, tâm hồn người xa quê luôn hướng về mảnh đất hình chữ S thân thương trong những ngày lễ đoàn viên của dân tộc.


Đối với người xuất gia, ở đâu có Tăng thân, có tứ chúng đồng tu là ở đó có mùa Xuân, có chí nguyện làm đẹp cho đời. Mùa Xuân ấy hiền lành như nụ cười Di Lặc, bền vững và rạt rào trong từng trái tim Tăng Ni trẻ trên vạn nẻo đường học Phật xa quê.