Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Thăm chùa Địa Tạng Phi lai

Thăm chùa Địa Tạng Phi lai

1212
Chùa Địa Tạng phi lai tự nằm ở vị trí đắc địa, trên một quả đồi với thế lưng tựa núi, phía sau là đồi thông, rừng cây. Vào chùa như bước vào thảnh thơi với hương thơm, tiếng chuông gió leng keng…


Chùa Địa Tạng Phi Lai Tự (còn gọi là chùa Đùng) ở Hà Nam, cách Hà Nội khoảng 70 km là chốn dừng chân an lành, thanh tịnh.

Chùa nằm ở vị trí đắc địa, trên một quả đồi với thế lưng tựa núi, phía sau là đồi thông, rừng cây, tách biệt khu dân cư. Vào chùa như bước vào thảnh thơi, những hương thơm ấn tượng cộng hưởng với tiếng chuông gió leng keng, nước chảy róc rách, tiếng chim líu lo.

Cuối tháng 10 vừa qua đã diễn ra Lễ giỗ tổ chùa Địa Tạng phi lai, đặc biệt nghi lễ Húy kỵ chư vị Tổ sư chùa sau 300 năm mới được tái hiện lại. Dịp này, chùa cũng thiết lễ trai tăng và chẩn tế cô hồn, cầu siêu chiến sỹ, liệt sỹ trận vong, nguyện quốc thái dân an.

Theo chia sẻ của Đại đức trụ trì bản tự, nhiều đời về trước, nơi đây mỗi dịp giỗ Tổ con cháu, Phật tử thường về dâng phẩm vật do tự tay mình làm. Đêm đêm các nhà háo hức đồ xôi, giã bánh dày, bánh cốm, cắt chuối xanh hay các loại hoa quả trong vườn vào để dâng cúng Phật, cúng Tổ… Phẩm vật không phân biệt giàu nghèo sang hèn, mà quý nhất ở việc tự mình làm.

Theo lời kể của dân làng và qua tìm hiểu, chùa Đùng được xây dựng khoảng thế kỷ 10 với 120 gian chùa cổ, rất nhiều đời vua chúa đã đến đây. Khoảng thế kỷ thứ 17, vua Tự Đức có về cầu con và khi xuống chân núi có nói: Phi Lai. Nghĩa của từ này khá rộng, có thể hiểu là sẽ quay trở lại, cũng có thể sẽ không bao giờ quay trở lại nữa. Chùa được đặt tên mới là Địa Tạng phi lai tự – có nghĩa là Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát luôn luôn đến nơi này, cũng có thể Đức Địa Tạng không bao giờ đến nơi này. Mà nơi nào Đức Địa Tạng không về thì nơi đó thành Phật rồi.

Trong chùa còn lưu lại nhiều cổ vật và linh vật phát lộ tự nhiên mang tính lịch sử được tìm thấy trong quá trình xây dựng như: ngói mũi hài, chân tảng hoa sen, gạch hình rồng, bia khắc đá viền công phượng và nhiều đồ gốm sứ khác…

Đến với Địa Tạng phi lai tự, hãy thử trải nghiệm leo núi. Men theo triền núi bên phải của chùa với phong cảnh hữu tình để đến Phi Lai cốc, nơi có những mái nhà tranh vách đất theo kiến trúc vùng quê Bắc Bộ, là nơi để thầy thuốc bắt bệnh, hay nhà của các vị sư trong chùa dùng đọc kinh, nghỉ ngơi. Cuộc sống của các sư thầy trên núi thật giản dị với ngô, lúa, rau củ…/.


Xuân Mai (Vietnam+)