Trang chủ Diễn đàn Thắng tích Phật giáo những ưu tư & trăn trở

Thắng tích Phật giáo những ưu tư & trăn trở

70

Những điều trông thấy


Điểm hành hương nổi tiếng của xứ Bắc Hà là chùa Thầy (Thiên Phúc tự, Hà Tây), được xây dựng vào thời vua Lý Nhân Tông (1072-1127), nơi lưu dấu tu hành của vị cao tăng thời Lý, Thiền sư Từ Ðạo Hạnh. Trái với cảnh trí u tịch của một ngôi danh lam cổ tự, thực tế trước mắt làm du khách không khỏi chạnh lòng. Trước cổng chùa, rất nhiều hàng quán chen nhau chiếm chật cả lối đi. Các bãi giữ xe cũng đua nhau giành khách và hét giá ngất ngưởng dù cách đó không xa, một bảng thông báo giá giữ xe do UBND tỉnh Hà Tây ban hành, quy định 500đ cho xe đạp và 1.000đ cho xe gắn máy!


Bên trong khuôn viên chùa rộng và thoáng mát nên sân chùa có nhiều nhóm học sinh, sinh viên đến từ Hà Tây, Hà Nội và các tỉnh lân cận tổ chức, cắm trại và sinh hoạt tập thể ngoài trời. Các bạn trẻ vô tư đùa giỡn, vô tư… hát hò, vô tư… dùng thức ăn mặn và xả rác bừa bãi ngay chốn thiền môn trông rất khó coi. Có em sinh viên đáp trả bằng nụ cười hời hợt trước đề nghị thu gom rác của tôi. Cũng từ sân chùa nhìn xuống hồ Long Chiểu (ao Rồng), nơi có một thủy đình nổi tiếng như biểu tượng của chùa Thầy thường diễn ra các chương trình rối nước, du khách không khỏi cau mày khó chịu khi nhìn thấy trên mặt hồ chỉ toàn… rác và rác (ảnh).


Nước trong hồ đen, bốc mùi hôi khó tả. Xung quanh hồ, các hộ dân lân cận vô tư giặt giũ và thải nước sinh hoạt vào lòng hồ. Đó là chưa kể đến việc, quanh khu vực bảo vệ của chùa, người dân đã chiếm đất xây dựng những ngôi nhà kiên cố làm mất đi vẻ mỹ quan thanh tịnh, nước non hữu tình của di tích.


Cũng trên địa phận tỉnh Hà Tây, di tích chùa Tây Phương (Sùng Phúc tự) được ví như là công trình kiến trúc tôn giáo đặc sắc tiêu biểu cho mỹ thuật Việt Nam thời Hậu Lê (thế kỷ XVII-XVIII) với bộ tượng Thập bát La hán đã đi vào những áng thơ ca bất hủ của nhiều thế hệ. Bát nháo hơn chùa Thầy, cảnh buôn bán, chèo kéo khách ở đây diễn ra khá rầm rộ.


Vừa mới gởi xe vào bãi, chúng tôi đã bị một đám đông già có, trẻ có, tay xách, nách mang mời chào những đặc sản của địa phương. Thấy chúng tôi kiên quyết không mua, nhóm người này bắt đầu giãn ra dần nhưng vẫn còn lại vài em nhỏ lẽo đẽo theo sau chúng tôi đi lên chùa. Suốt đoạn dốc lên chùa khoảng 200m, các em chỉ có một việc duy nhất nài ép chúng tôi phải mua giúp một vài món hàng mà các em giới thiệu. Khi đến cổng chính của chùa, tôi hết sức ngạc nhiên bởi hàng quán được bày la liệt chiếm hết không gian chùa, người ăn xin thì nhan nhản, thật trái với những gì mà nhà thơ Huy Cận miêu tả trong bài thơ “Các vị La hán chùa Tây Phương” 47 năm về trước.


Riêng đối với chùa Côn Sơn thuộc khu du lịch Côn Sơn, quê hương của người anh hùng Nguyễn Trãi thì việc buôn bán có phần trật tự hơn. Cũng rất nhiều hàng quán nhưng tất cả đều được xếp vào một khu vực nhất định và phần nào tạo nên cảnh quan thông thoáng cho ngôi chùa. Nhưng điều mà chúng tôi hơi bất ngờ đối với nơi đây là các gian hàng văn hóa phẩm Phật giáo, người ta bày biện luôn cả hình, tượng Chúa Jesu và Đức Mẹ Maria mà thậm chí chính người bán cũng không phân biệt đâu là Bồ tát Quán Thế Âm và đâu là Mẹ Maria. Tôi đã có dịp chứng kiến việc một Phật tử thỉnh hình Quán Thế Âm Bồ tát về phụng thờ, người bán lại lấy… hình Mẹ Maria ra gói và trao cho khách!?. Thật là… cười ra nước mắt!


“Ngài A Nan là vị đệ tử đầu tiên của Đức Phật!?”


Trong các danh lam cổ tự mà chúng tôi đến, có lẽ chỉ chùa Thầy là có nhân viên hướng dẫn tham quan và thuyết trình về thắng tích nơi đây. Nhưng việc thuyết trình của nhân viên có nhiều điều cần xem xét lại. H – một phụ nữ mặc đồng phục trạc 40 tuổi, tự xưng mình là nhân viên hướng dẫn tham quan chùa Thầy được UBND xã cấp thẻ, hăng hái nói về lịch sử chùa Thầy và dẫn chúng tôi đi hết chùa Thượng, đến chùa Trung, rồi chùa Hạ v.v…


Dù kiến thức Phật giáo còn hạn chế, tôi cũng nhận ra một số lời giải thích không đâu vào đâu. Khi chỉ vào tượng Phật sơ sinh, H nói rằng Đức Phật sinh cách đây… 5.000 năm!? Sau đó, H còn huyên thuyên cho rằng ngài A Nan là đệ tử đầu tiên của Đức Phật! Không những thế, H còn dẫn chúng tôi đến một cái đình nhỏ bên cầu Nhật Tiên nằm trong khuôn viên chùa, nơi có một chiếc bàn nhỏ bày biện văn hóa phẩm Phật giáo và mời chúng tôi mua. Vì thấy H nhiệt tình cũng như muốn lấy lộc chùa và làm quà lưu niệm nên có một số du khách đã mua các vật phẩm mà H giới thiệu. Tuy nhiên sau khi ra khỏi cổng chùa và thông qua lời mời mọc của các chủ cửa hàng ngoài này chúng tôi mới biết mình đã bị hố vì mua phải những món hàng đắt gấp 5 hoặc 6 lần so với giá trị thật của nó.


… Và những bất cập


Có một thực tế là đa số khách tham quan các cổ tự: chùa Thầy, chùa Tây Phương, v.v… đều không hài lòng với việc chính quyền địa phương lập các trạm bán vé tham quan di tích. Lấy danh nghĩa là di tích văn hóa cấp quốc gia cũng như để tạo nguồn kinh phí tôn tạo di tích, các cơ quan chức năng đã tiến hành bán vé tham quan dù đó là cơ sở Phật giáo có nhân sự của Giáo hội trông coi.


Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc bán vé tham quan này là chủ trương của chính quyền địa phương, tất cả tiền thu được đưa vào ngân quỹ của địa phương và việc quản lý, sử dụng quỹ ấy như thế nào nhà chùa cũng không được biết. Tiếp chúng tôi tại phòng khách, Sư thầy Đàm Thủy – đệ tử của Ni trưởng Đàm Thanh, trụ trì chùa Tây Phương tâm sự: “Nhiều lần họp Hội đồng Nhân dân, tôi có đề nghị bãi bỏ việc thu phí vào chùa để tạo điều kiện cho Phật tử thập phương về lạy Phật nhưng đến nay yêu cầu này vẫn chưa được giải quyết. Tôi đã đề nghị phương án lập lại trật tự mua bán trong chùa, di dời các hộ dân sống khu vực đồi của chùa và mong sẽ được chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm trong thời gian tới”.


Cũng liên quan đến vấn đề tài chính, chúng tôi hết sức bức xúc khi chứng kiến việc ghi tiền công đức nơi chùa Đồng – Yên Tử chỉ 2 ngày sau khi khánh thành chùa trên non thiêng này. Vì chùa mới khánh thành nên Phật tử thập phương rất mong muốn đóng góp công đức để một phần thành tâm cúng dường chư Phật, một phần tiếp sức cho Ban Quản lý Dự án tôn tạo chùa Đồng. Nhưng không biết việc đóng góp này có về đúng nơi nhận là Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh (chủ đầu tư dự án) mà người đại diện là ĐĐ.Thích Thanh Quyết (Trưởng ban Quản lý Dự án) khi sổ sách ghi danh những người đóng góp không được rõ ràng. Sát bên chùa Đồng kê một chiếc bàn và có 2 thanh niên ngồi trực ở đó liên tục ghi chép. Một thanh niên ghi phiếu “Chứng minh công đức” và một vị ghi phương danh của người cúng dường vào sổ. Phiếu “Chứng minh công đức” để trao cho người đóng góp là một loại giấy chứng nhận đã được in sẵn con dấu của Ban Quản lý Dự án và chữ ký “chết” của ĐĐ.Thích Thanh Quyết và giấy này không có phần lưu để kiểm tra!? Riêng sổ ghi phương danh những người cúng dường cũng là một loại sổ được in sẵn có các mục như: Số trang, số thứ tự, họ và tên, địa chỉ, số tiền và chữ ký nhưng không được những người thực hiện đánh số trang, đóng dấu giáp lai, và phần ký của người cúng dường chúng tôi thấy trống rỗng không tuân theo nguyên tắc tài chính.


Riêng tại chùa Côn Sơn thì các hòm công đức của chùa được Ban Quản lý Di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc và Phòng Kế hoạch-Tài chính huyện Chí Linh niêm phong kỹ lưỡng. Ngoài ra Ban Quản lý di tích cũng lập thêm một bàn ghi công đức tôn tạo di tích Côn Sơn ngay sát cửa vào chính điện mà đối diện bên kia là bàn ghi công đức… của chùa. Nguồn thu nhập chính của chùa là do các Phật tử thập phương hiến cúng tại bàn ghi công đức của chùa. Còn các hòm công đức và bàn ghi công đức của Ban Quản lý Di tích thuộc sự quản lý của Ban Quản lý Di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc.


Tháng Giêng là mùa trẩy hội của khách thập phương mà các điểm đến thường là các di tích lịch sử văn hóa, nơi lưu giữ và khơi gợi các giá trị tâm linh truyền thống. Các thánh tích Phật giáo có vị trí đặc biệt trong việc làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần và tín ngưỡng tôn giáo ngàn đời của dân tộc. Do đó, việc tôn tạo, quản lý các thánh tích Phật giáo là nhiệm vụ của tất cả mọi ngành, mọi cấp. Những thực trạng như vừa nêu giúp chúng ta nhìn lại và có biện pháp quản lý đúng đắn trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Phật giáo, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của nhân dân.



Cống nước thải đổ thẳng vào hồ trước chùa Thầy


Giặt giũ vô tư


Nhà xây kiên cố của dân phá vỡ cảnh quan của chùa Thầy


Sân chùa Tây Phương – Hà Tây


Hình Chúa, mẹ Maria trong chùa Côn Sơn, Hải Dương


Thợ ảnh tại chùa Trấn Quốc


Vé vào chùa Tây Phương lên tới 5000 đồng. Chùa đâu phải là nơi thu tiền của Phật tử và khách hành hương đến lễ Phật và vãng cảnh? Giáo hội PGVN cần có tiếng nói vì thời gian gần đây, một loạt chùa ở miền Bắc đã thu vé vào chùa, ví dụ: chùa Thầy (5000 đồng), chùa Tây Phương (5000 đồng), chùa Bút Tháp (3000 đồng), chùa Dâu (3000 đồng)…


Bàn ghi công đức chùa Đồng