Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Tháp cổ 700 tấn trên tờ tiền 100 đồng

Tháp cổ 700 tấn trên tờ tiền 100 đồng

Suốt 7 thế kỷ nằm giữa vùng chiêm trũng, ngọn tháp Phổ Minh (Nam Định) nặng 700 tấn vẫn hiên ngang sừng sững vút cao tựa hào khí Đông A 800 năm về trước. Xung quanh ngọn tháp kỳ lạ này, còn có nhiều câu chuyện lịch sử đầy thú vị.

334

Tháp gồm 14 tầng cao 21m được xây dựng bằng gạch xuất hiện trên tờ tiền mệnh giá 100 đồng của Việt Nam từ năm 1991.

Tháp đặt xá lị

Nhà phê bình mỹ thuật, họa sĩ Phan Cẩm Thượng cho biết, mặc dù đã nghiên cứu kiến trúc Phật giáo ở rất nhiều ngôi chùa lớn nhỏ khác nhau nhưng ông thấy có những điểm lạ về ngọn tháp chùa Phổ Minh tại thôn Tức Mặc, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định.

Nếu so với tháp Bình Sơn ở Vĩnh Phú, hoặc tháp Huệ Quang ở Yên Tử (Quảng Ninh) thì tháp Phổ Minh không những cao hơn, nguyên vẹn hơn mà còn rất kỳ lạ.


Tháp Phổ Minh nặng 700 tấn,
được coi là bảo tháp đẹp
và lạ nhất nước ta.

“Kỳ lạ ở chỗ, tháp được xây trên nền đất yếu. Nơi ấy từng là vùng đất ruộng lầy lội, trong khi ngọn tháp cao sừng sững, tổng trọng lượng lên tới trên 700 tấn. Với cách xây dựng thời xưa, ngọn tháp đứng vững cho đến ngày nay là điều không tưởng”, họa sĩ Phan Cẩm Thượng nhận xét.

Tháp Phổ Minh nằm trong khuôn viên chùa Phổ Minh – một ngôi chùa cổ linh thiêng xứ Sơn Nam Hạ xưa. Theo các tư liệu lịch sử còn lại, chùa đã có từ thời nhà Lý và nằm trong khu vực Hành cung Thiên Trường, nơi sau này dành cho các Thái Thượng Hoàng nhà Trần lui về nghỉ dưỡng sau khi nhường ngôi.

Năm 1262, Thượng hoàng Trần Thái Tông cho tu bổ lại và mở rộng chùa với quy mô lớn hơn rất nhiều so với ngôi thiền tự cũ. 46 năm sau, Kim Phật Trần Nhân Tông băng hà ở am Ngọa Vân trên ngọn Tử Phong (Yên Tử), vua Trần Anh Tông đã đem 7 trong số 21 hạt xá lợi đặt trong cỗ kiệu bát cống bằng đá rồi xây tháp Phổ Minh lên trên.

Kiến trúc độc đáo

Theo quan sát của chúng tôi, tháp Phổ Minh có hình vuông với kiến trúc 14 tầng, tổng chiều cao từ chân tháp tới đỉnh ngọn đúng 21m.

Ở hai tầng dưới, người xưa dùng đá để xây, mỗi chiều dài 5,2m trông như một cỗ kiệu uy nghi. Bệ tháp được xây bằng đá tạo thành một khối hộp kín, có cửa cuốn tò vò đi qua.

Phần trên bệ là một kiệu cũng bằng đá. Kiệu có những đường xà gác trên bốn cột của bốn góc, tạo thành cái khung ở mỗi mặt. Các đường xà có một đường gờ xoắn thành một làn mây cách điệu như góp phần nâng khối đá lên để giảm bớt sự nặng nề của cả cỗ kiệu.

Dưới đáy và phía trên của kiệu đá có một lớp cánh sen bao quanh bốn mặt. Các tầng mái ở đây được xây gạch nhô dần ra thành nhiều cấp uốn cong, hòa vào thế vươn chung của toàn bộ cây tháp. Càng lên cao các tầng thu hẹp dần và kết thúc bằng một quả hồ lô.

Các tầng còn lại xây bằng gạch bắt mạch để trần không trát. Ở mỗi đầu viên gạch có dòng chữ “Hưng – Long thập tam niên”, tức năm Hưng Long thứ 13 (1305), và khắc họa hình rồng nổi thời Trần uốn lượn mềm mại.

Họa sĩ Phan Cẩm Thượng, cho biết: “Loại gạch xây tháp có cấu tạo rất công phu. Đất được luyện mịn, độ nung cao nhưng không cháy và vẫn giữ được màu đỏ thắm. Qua thời gian nắng gió rêu phong, gạch dần chuyển sang màu nâu sậm như hiện nay”.

Cụ Trần Tiến Ước, 91 tuổi, nhà gần chùa Phổ Minh nhớ lại: “Trước đây ở mỗi đầu đao của mỗi tầng tháp đều treo những bộ đỉnh đang, gồm một chuông con ở giữa và bốn góc có những cái khánh bằng đồng rất đẹp. Người vào chùa lúc nào cũng được nghe tiếng chuông khánh từ ngọn tháp này”.

 Dưới bệ tháp là 7 viên xá lị của vua Trần Nhân Tông.

Vạc dầu đại khí

Trên sân chùa, từ lối cổng vào chạm đến chân tháp Phổ Minh có những dấu mốc bằng đá nổi trên bề mặt gạch đỏ. Họa sĩ Phan Cẩm Thượng cho rằng, đó là nơi đặt một chiếc vạc đồng rất lớn.

Chiếc vạc ấy để làm gì, thì cho đến nay vẫn chưa có lời giải thỏa đáng. Nhưng một điều chắc chắn, chiếc vạc này được xếp vào “An Nam Tứ Đại Khí”, gồm tháp Báo Thiên, tượng phật chùa Quỳnh Lâm, vạc Phổ Minh và chuông Quy Điền.

Những dấu mốc bằng đá kia chính là dấu vết còn sót lại của những chân đỡ chiếc vạc. Theo sử sách ghi lại, sau quân Minh xâm lược nước ta, chúng đã phá cả tứ đại khí với âm mưu làm mất tư liệu sử sách và những công trình văn hóa nhằm mục đích đồng hóa.

Theo tìm hiểu của cụ Ước và các cao niên thôn Tức Mặc, thì chùa Phổ Minh cũng từng là nơi Trần Nhân Tông tu hành khi mới xuất gia. Trong chùa hiện có thờ Trúc Lâm Tam Tổ ở hậu điện. Chính giữa là tượng Trần Nhân Tông viên tịch theo kiểu nằm giống như hình Thích Ca Nhập Diệt.

Bên phải là tổ Pháp Loa, bên trái là tượng Huyền Quang. “Bức tượng Trần Nhân Tông nhập diệt được đánh giá là tác phẩm có giá trị cao cả về mỹ thuật, sử học lẫn tư tưởng.

Tháp Phổ Minh là một trong số ít công trình còn giữ được tương đối toàn vẹn từ thời Trần. Bàn tay tài hoa cùng với niềm tự hào chiến thắng trong võ công hiển hách của những người thợ Đại Việt đã kết tinh lại để tạo nên một tháp Phổ Minh kiêu hùng”, họa sĩ Phan Cẩm Thượng nhận xét.

Nhà nghiên cứu lịch sử Hồ Đức Thọ cho rằng, vua Trần Anh Tông đưa xá lị của cha vào một hòm đá quý rồi đặt vào trong tháp Phổ Minh ở trước chùa. Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú đã xác nhận, vào năm 1789 trấn phủ Hải Dương đã phá tháp để lấy đồng nhưng đến tầng thứ hai gặp hòm xá lị nên cho xây lại.

 Những dấu vết đá chứng minh nơi đặt vạc dầu.

Bí ẩn mộ công chúa

Chùa Phổ Minh không chỉ là một ngôi chùa nổi tiếng, gắn với tên tuổi của các vị vua xuất gia nhà Trần, nơi đây còn được biết tới với nhiều câu chuyện lịch sử thú vị. Ngay sau chùa, là nơi an nghỉ của công chúa Mạc Ngọc Lâm nổi tiếng trong sử Việt.

Tại sao mộ công chúa nhà Mạc lại được chôn cất tại đây? Nhà nghiên cứu Hồ Đức Thọ, cho biết: Công chúa Mạc Ngọc Lâm là ái nữ của Mạc Thái Tông, tức Mạc Đăng Doanh. Sau này, bà được gả cho Đà quốc công Mạc Ngọc Liễn, một quan chức triều Mạc và là con trai khai quốc công thần Thái sư Tây quốc Nguyễn Kính.

Lịch sử còn công nhận hai ông bà là người có công đầu khi bỏ tiền đại tu Linh Tiên quán ở Hoài Đức (Hà Nội) và đền Lũng (Bắc Ninh) khiến cho những công trình này trở thành điểm tâm linh nguy nga, tráng lệ nhất.

“Khi công chúa tuổi đã cao, bà cùng chồng bỏ tiền tậu 36 cây gỗ lim để tu bổ chùa Phổ Minh. Sau đó ít lâu, bà xuất gia và tu tại chùa này. Cho đến nay, chưa có tư liệu nói rõ về ngày sinh và ngày thác của bà. Chỉ biết, sau khi mất, bà được chôn cất tại hậu cung chùa Phổ Minh”, nhà nghiên cứu Hồ Đức Thọ cho biết.

Ngôi mộ hiện nay của công chúa Mạc Ngọc Lâm vẫn còn nguyên vẹn. Trong một không gian yên tĩnh sau chùa, những hàng cây cổ thụ che mát càng làm cho không gian thêm u tịch. Bên cạnh những bảo tháp phong rêu, ngôi mộ công chúa xây theo kiến trúc xưa càng tôn thêm sự linh thiêng cho ngôi thiền tự.

“Nhìn tổng thể, chùa Phổ Minh có lối kiến trúc độc đáo và nguyên vẹn, khó có ngôi chùa nào sánh được. Tháp Phổ Minh không đơn thuần chỉ là một ngọn tháp, nơi ấy chứa xá lị của nhà vua và là một trong những bảo tháp đẹp và vĩ đại nhất nước ta”.
Họa sĩ Phan Cẩm Thượng

Trần Hòa