Trang chủ Diễn đàn Thầy có lừa người đã đặt lòng tin?

Thầy có lừa người đã đặt lòng tin?

132

Tôi là người rất tin tưởng vào nhà chùa và quý tăng ni.

Tuy nhiên, mới đây, tôi vừa bị một vị có hình tướng tăng, ở thất, lừa một cú.

Việc của tôi là nhỏ. Nhưng tôi thấy cần phải lên tiếng với bài viết này, vì lợi ích của những người khác, cả tin như tôi.

Bạn tôi, một người vốn có kinh nghiệm được điều trị bệnh bằng thuốc nhà chùa, có tặng tôi một số thuốc tể chữa bệnh mạn tính, nói rằng do thầy là người tu xuất gia bào chế.

Tôi uống thử thuốc tể đó, thấy có kết quả còn hơn thuốc tây đang dùng, nên hỏi thăm địa chỉ để tìm mua trực tiếp.

Thuốc không bán qua một đại lý nào cả, mà bán trực tiếp từ sư thầy. Hơn nữa, thuốc không ghi xuất xứ, nhãn hiệu, chỉ là những tể thuốc đen, hình chữ nhật bằng đầu ngón tay, đặt trong bao bì nhựa loại đựng thuốc tể hình tròn, nên nếu mua qua ai đó, không phải người xuất gia, thì chắc không dám uống.

Giá thuốc tể đó không quá cao, nhưng cũng không quá rẻ. Theo lời chỉ dẫn in kèm theo thuốc phải uống lâu dài và có tác dụng phụ với chỉ dẫn khắc phục. Thông tin về tác dụng phụ trên giấy chỉ dẫn là điều khá lạ so với thuốc bắc.

Nơi bán thuốc là một am thất, có chính điện thờ Phật, có tháp đặt cốt, ngoài thầy, lúc tôi đến mua, có một vài vị ni. Am thất này ở huyện Long Thành, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, ngay sau Thiền viện Thường Chiếu (không thuộc Thiền viện).

Hỏi việc mua thuốc, không khó lắm để tăng ni trong Thiền viện Thường Chiếu chỉ đường, có thể đi từ bên hông Thiền viện đến tháp của thầy K. H.

Đến trước khuôn viên thất, có số điện thoại được niêm yết một cách khéo léo.

Đến mua thuốc Đông Y, tôi nghĩ là sẽ gặp một vị lương y tiên phong đạo cốt. Nhưng không, thầy bán thuốc đon đả như một người lái buôn, tiếp thị xởi lởi. Rằng, thuốc của thầy là thuốc gia truyền, tinh hoa Đông Y, hết sức hiệu nghiệm, Việt Kiều từ tận Mỹ về mua…

Trả lời câu hỏi về hạn sử dụng, thầy nói cứ dùng thoải mái, thuốc tể không có hạn dùng, chỉ cần để tủ lạnh để giữ ẩm.

Thấy phải đi xa để mua, tôi mua với số lượng dùng một năm, xấp xỉ khoảng 1.500.000đ

Thầy bán thuốc còn cho tôi số tài khoản, dặn nếu cần mua thêm thì chuyển tiền, gọi điện thoại, thuốc sẽ được gửi xe Hoa Mai.

Tuy tin tưởng vào thuốc đã có công hiệu qua sử dụng, được bán từ một người có hình tướng xuất gia, nơi bán là nơi thờ tự Phật giáo, có nhiều vị xuất gia khác, nhưng cách tiếp thị thuốc theo kiểu dùng vô thời hạn làm tôi không yên tâm.

Cho nên khi thấy bài viết trên báo Tuổi Trẻ về việc thuốc Đông Y trộn tân dược, tôi đã gửi mẫu thuốc tể đến cơ quan kiểm nghiệm thuốc.

Kết quả trong mẫu thuốc tể có tân dược. Loại tân dược này không bị cấm, nhưng có tác dụng phụ nguy hiểm, là thuốc bán theo đơn.

Vấn đề không phải chỉ ở chỗ người bán có hình tướng xuất gia “treo đầu dê, bán thịt chó”, làm tốn công lặn lội đường xa đến mua thuốc được giới thiệu là Đông y gia truyền, nhưng chỉ là một loại thuốc có thể mua dễ dàng ở hiệu thuốc gần nhà. Điều nguy hiểm chính là ở sức khỏe người bệnh.

Người đi tìm thuốc Đông Y đã là cố gắng tránh thuốc Tây. Thế nhưng, cuối cùng, người đi tìm thuốc Đông Y cũng lại phải uống thuốc Tây, trong bối cảnh thiếu trung thực.

Uống tân dược cùng loại, người bệnh được bác sĩ kê đơn khi đã cân nhắc với các xét nghiệm cận lâm sàng chặt chẽ và tiêu chuẩn theo dõi đúng yêu cầu. Còn ở đây, do tin tưởng vào thuốc do thầy ở chùa bào chế, người bệnh sẽ phải uống chính thứ thuốc đó trong điều kiện hết sức nguy hiểm, không có được những bảo đảm tối thiểu.

Người bệnh cũng đã phải uống một thứ tân dược trong điều kiện không được chỉ dẫn cụ thể, chi tiết, tin cậy.

Những chỉ dẫn nhiều trang giấy chỉ còn lài vài dòng sơ sài, lược bỏ nhiều tác dụng không mong muốn khác. Khi những tác dụng không mong muốn bị lược bỏ chỉ dẫn đó xảy ra, bác sĩ điều trị không biết đường đâu mà lần vì không có hồ sơ rõ ràng.

Chúng ta cũng đều biết, tân dược được sản xuất, lưu hành với những quy định vô cùng nghiêm ngặt. Ở đây, biến thành thuốc tể, tân dược  thoát ra khỏi những kiểm soát đó và điều đó gây bất lợi nguy hiểm cho người bệnh. Chính vì vậy, nên làm thuốc giả là một tội hình sự, có khung hình phạt rất nặng, cho dù không phải làm thuốc giả bằng độc chất, mà chỉ thay đổi hàm lượng, xuất xứ, công thức. Ngay cả khi chưa xảy ra hậu quả, người làm, người bán vẫn bị truy cứu trách nhiệm.

Tân dược luôn có hạn sử dụng. Còn ở đây, vì dưới lốt Đông Y, nên thành không có và điều rất tai hại đó được bảo đảm với người dùng thuốc. Cho nên, người uống thuốc bị rơi vào tình cảnh có thể dùng thuốc quá hạn mà không biết. Điều đó, trực tiếp đe dọa sinh mạng người dùng thuốc.

Những điều rất không lương thiện đã được thực hiện dưới bàn thờ Phật, được bảo đảm bằng y áo của những mang danh người cửa Phật.

Trước khi viết bài này, tôi có ý định giữ yên lặng vụ việc, kín đáo thu thập chứng cứ, không để người bán thuốc tân dược giả làm thuốc tể biết để che giấu hành vi, rồi sau đó sẽ tố cáo và yêu cầu khởi tố hình sự.

Tuy nhiên, tôi nghĩ đến những thiệt hại liên hệ đến Phật giáo Việt Nam nói chung. Còn những việc khác có ích để làm cho Phật giáo hơn nếu phải sử dụng biện pháp tố tụng.

Tôi chỉ mới uống thuốc tể nói trên chưa đến một năm, chưa có hậu quả lớn cho sức khỏe.

Vì vậy, tôi viết  bài này với mục tiêu người bán thuốc tể “Đông y” có chứa tân dược hãy chấm dứt việc làm của mình.

Người sử dụng thuốc Đông y, như thuốc hoàn, thuốc tể…., khi nghi ngờ có tân dược, có thể liên hệ địa chỉ sau để yêu cầu xét nghiệm tìm tân dược.

Viện Kiểm nghiệm thuốc – Bộ Y tế, 200 Cô Bắc, P. Cô Giang, Q1, TPHCM.