Trang chủ Bài nổi bật Thiền lâm Bảo Huấn diễn nôm của HT. Thích Phúc Điền

Thiền lâm Bảo Huấn diễn nôm của HT. Thích Phúc Điền

4370

Thiền lâm bảo huấn 禪林寶訓 đầu tiên do ngài Diệu Hỷ và Trúc Am soạn tập tại chùa Vân Môn ở Giang Tây. Vào khoảng niên hiệu Thuần Hy 淳熙 (1174-1189), ngài Tịnh Thiện ở Đông Ngô sưu tầm biên soạn và cho khắc bản. Sách gồm 292 thiên với mục đích “mong cho người học đạo, trước bỏ nhân, ngã, thế, lợi mà hướng về đạo đức nhân nghĩa” (Lời ngài Tịnh Thiện trong bài tựa).
“Ngoài lời đức Phật dạy, người học đạo còn cần phải học hỏi thêm những kinh nghiệm về tu trì, ứng thế, hoằng pháp, lợi sinh của các bậc tiên giác, hầu tăng trưởng đạo nghiệp. Một trong những bộ sách ghi lại những kinh nghiệm giá trị ấy là bộ Thiền lâm bảo huấn” (HT. Thích Tâm Châu)
“Nội dung của sách Bảo Huấn được chia thành 4 quyển, gồm gần 300 thiên. Mỗi thiên đều là những lời vàng ngọc để răn dạy về cách tu tâm xử thế, đều là những kỷ cương yếu lĩnh về cách trụ trì, hoằng đạo của các bậc Thạc đức danh Tăng. Mỗi ý tưởng mỗi câu văn đều là những khuôn vàng thước ngọc để kẻ hậu học noi theo, đều là những tấm gương chói lọi sáng ngời để soi chung cho hậu thế” (HT. Thích Thanh Kiểm)
Hòa thượng Thích Thanh Kiểm trong Thiền lâm bảo huấn do Vĩnh Tiến xuất bản năm 1973, cho biết: Thiền lâm bảo huấn này được lưu truyền tại Việt Nam có ba bản khác nhau.
1. Bản thứ nhất được khắc từ năm Mậu Thân, niên hiệu Cảnh Trị năm thứ sáu đời Lê (1670), và được tàng trữ tại chùa Khán Sơn ở Thăng Long thành.
2. Bản thứ hai được khắc ở năm Quý Sửu (?), và được tàng trữ tại chùa Xuân Áng huyện Lương Tài. Hai bản này duy có phần chính văn, không có phần chú thích.
3. Bản thứ ba được khắc ở năm Mậu Ngọ, năm Tự Đức thứ 11 (1858), và được tàng trữ tại chùa Linh Thiền núi Long Đội tỉnh Hà Nam. Bản này có phần âm nghĩa và chú thích của Vân Thê Kiến Sư .
Cả ba bản trên đây đều bằng Hán văn được lưu hành rộng rãi và được xem như bộ sách giáo khoa trong các trường hạ hay các lớp Phật học.
Bản Việt dịch và giảng giải chúng tôi được biết có:
1. Thiền lâm bảo huấn do hòa thượng Thích Tâm Châu dịch và viết Lời giới thiệu năm 1972, được chùa Từ Quang-Sài Gòn in cùng năm. Sách gồm 294 thiên, mỗi thiên được Hòa thượng đặt một tiêu đề.
2. Thiền lâm bảo huấn do hòa thượng Thích Thanh Kiểm dịch, Vĩnh Tiến xuất bản năm 1974. Sách gồm 292 thiên, có in kèm phần Hán văn và phiên âm theo từng thiên.
3. Thiền lâm bảo huấn do hòa thượng Thích Nhật Quang giảng giải với nhan đề Nghiêm huấn tùng lâm, Nxb Tổng hợp 2009.
Ấn bản phục chế của Thư viện Huệ Quang: HQPĐTS 31/1-31/2
Sách do hòa thượng Phúc Điền diễn Nôm, tỳ khèo ni Bảo Đài trụ trì chùa Tam Sách khắc ván vào năm Kỷ Mùi, Tự Đức thứ 12 (1859), một năm sau Bản thứ ba có âm nghĩa nói trên được khắc ván. Sách được đóng thành 2 cuốn, mỗi cuốn 2 quyển, mỗi quyển từ 41-43 trang, mỗi trang chia thành 10 cột. Cột chính văn một dòng có 20 chữ. Chú thích chính văn xen lẫn chia thành 2 dòng, chữ cao bằng chính văn. Hết một thiên đến phần diễn Nôm, mỗi cột 2 dòng, dòng 19 chữ, chữ vẫn cao bằng chữ của chính văn và chú giải nhưng thụt xuống một chữ. Sách gồm 292 thiên: q1 78 thiên, q2 71 thiên, q3 78 thiên, q4 65 thiên.
Thư viện Huệ Quang ảnh ấn bản Thiền lâm bảo huấn này với kí hiệu 31/1-31/2 trong tùng thư Huệ Quang Phật Điển Tùng San. Chúng tôi dựa vào văn bản do thầy Thích Đồng Dưỡng rập bản vào khoảng năm 2010, tại chùa Bổ Đà-Bắc Giang. Ván khắc còn đầy đủ và khá tốt.
Hiện chưa thấy có bản phiên âm Thiền lâm bảo huấn diễn Nôm của ngài Phúc Điền. Việc các bản Việt dịch đã xuất bản có tham khảo hoặc phiên âm mà không nêu xuất xứ hay không thì chúng tôi chưa biết được.
——
Huệ Quang, mùa hạ năm Mậu Tuất 2018
Thích Không Hạnh