Trang chủ Quốc tế Thiền sư Nhất Hạnh gặp gỡ nhân sĩ Hong Kong

Thiền sư Nhất Hạnh gặp gỡ nhân sĩ Hong Kong

109

Buổi họp mặt gồm có 30 thân hào nhân sĩ và 11 thầy cô phái đoàn Làng Mai. Trong số 30 thân hào nhân sĩ, có hai nhân vật khá quan trọng trong buổi họp mặt tối nay, đó là ông Lap-Chee Tsui, Viện Trưởng (Vice Chancellor and President) của Trường Đại Học Hong Kong và thầy Jin Ying (Tịnh Nhân), Giám Đốc Trung Tâm Phật Học Hong Kong.

Được biết ông Lap-Chee Tsui cũng là một nhà bác học. Trước khi là viện trưởng của Trường Đại Học Hong Kong, ông Tsui đã từng là Tổng Giám Đốc của Chương Trình Di Truyền Học và Sinh Vật Học (Genetics and Genomic Biology Program of the Research Institute at the Hospital for Sick Children in Toronto) tại Viện Nghiên Cứu của Bệnh Viện Nhi Đồng ở Toronto, Canada.

Thiền Sư Nhất Hạnh đã đến nơi vào lúc 7 giờ tối và được thầy Tịnh Nhân cùng ông Viện Trưởng Lap-Chee Tsui tiếp đón nồng hậu tại một phòng khách riêng trước khi bước vào buổi họp mặt với các thân hào nhân sĩ.

Trong khi đó thì ở ngoài phòng tiếp tân các thầy cô Làng Mai chia sẻ và làm quen với các thân hào nhân sĩ trong không khí thân thiện.

Những đồ ăn nhẹ và nước rau quả đã được chuẩn bị sẵn trong căn phòng này. Ông Viện Trưởng cho biết hôm qua ông đã lên mạng tìm tài liệu để hiểu thêm về Thiền Sư và đã được nghe pháp thoại của Thiền Sư.

Ông cười tươi và nói rằng ông đã học được cách phát âm tên của Thiền Sư rõ ràng hơn từ mạng lưới internet. Rồi ông phát âm tên của Thiền Sư với giọng điệu của người Trung Hoa.

Ông Viện Trưởng cũng cho biết cách đây hai hôm ông đã hướng dẫn một phái đoàn Hồng Quân Trung Quốc (Red Army) đến từ Lục Địa vào thăm khu triển lãm thư pháp thiền quán của Thiền Sư Nhất Hạnh. Phái đoàn Hồng Quân gồm có tổng cộng 60 người.

Họ thưởng thức trong sự trầm lặng, cảm thấy nhẹ nhàng khi ngắm những nét chữ đầy thiền vị của Thiền Sư. Một phái đoàn Hồng Quân, đặc biệt đến từ Lục Địa, đã dành thời gian và lòng kiên nhẫn để vào thăm khu triển lãm thư pháp thiền quán không phải là một chuyện thường xuyên xảy ra.

Đó cũng cho thấy được sự thu hút của nghệ thuật thư pháp thiền quán và tầm quan trọng của  giáo pháp mà Thiền Sư cống hiến đến nhân loại.

Buổi họp mặt được bắt đầu vào lúc 7:30 tối. Ông Viện Trưởng giới thiệu sơ lược về Thiền Sư. Khung cảnh được tổ chức trong không khí của buổi thiền trà.

Trong căn phòng không lớn lắm được đặt hai bàn dài và một bàn ngắn: mỗi bàn dài có 15 người và một bàn ngắn ở phía trên dành cho Thiền Sư. Trên mỗi bàn đều có một ly trà nóng và một cái bánh ngọt đặt sẵn trong chiếc khay nhỏ trang trí rất thanh nhã.

Thiền Sư mở lời bằng cách mời quan khách thưởng thức trà nóng trong chính niệm.

Tối nay Thiền Sư đã gửi đến một thông điệp rất cụ thể, ngắn gọn và rõ ràng đến các thân hào nhân sĩ. “Chúng ta sống trong giai đoạn mà hoàn cảnh rất khó khăn nếu không có đường hướng tâm linh. Hiện tại thế giới có rất nhiều bạo động, khổ đau, hận thù và hờn giận.

Có rất nhiều người tự tử và có rất nhiều gia đình bị đổ nát. Nếu chúng ta không biết trở về với cuộc sống tâm linh thì rất khó cho chúng ta đối diện và vượt qua những khó khăn và chướng ngại trong cuộc sống hàng ngày.”

Ở Pháp cũng như ở Mỹ hay Nhật Bản, hàng ngày có biết bao nhiêu người trẻ tự tử bởi vì họ không biết  chăm sóc cảm xúc của mình. Thiền Sư cho biết số thống kê người tự tử ở Pháp cũng như ở Nhật Bản hàng năm khoảng 35,000 và con số này có thể cao hơn ở những nơi khác như là Anh Quốc hay Mỹ Quốc.

Có biết bao nhiêu gia đình, con cái, anh chị em có những khổ đau mà không thể truyền thông được với nhau. Có những bức xúc đã tạo ra sự đau nhức trong thân và sự căng thẳng trong tâm mà con người phải đối diện.

Tổng thống Pháp muốn đưa đạo đức học (luân lý) trở lại trường học. Có nhiều giáo chức không biết mình sẽ dạy gì trong những giờ ấy.

Theo Thiền Sư, giờ đạo đức học là cơ hội trao truyền cho học sinh những phương pháp thực tập buông thư, xử lý những cảm giác và cảm xúc khổ đau, lắng nghe khổ đau của chính mình và của người khác, tái lập truyền thông với kẻ khác và thực hiện hòa giải.

Thiền Sư nói rằng trong đạo Phật có những phương pháp thực tập chính niệm rất thực tiễn giúp được con người nhận diện những khổ đau và căng thẳng trong thân và tâm để có thể buông bỏ, ôm ấp và trị liệu.

Lại có những phương pháp nhận diện các điều kiện hạnh phúc mà mình đang có và thực tập như thế nào để chế tác hỷ và lạc, và những phép thực tập như ái ngữ và lắng nghe để tái lập truyền thông, đưa tới hòa giải.

Thiền Sư chỉ điểm cho chúng ta thấy làm thế nào để có thể đưa nền giáo dục tâm linh vào hệ thống giáo dục. Các thầy cô giáo cần phải ý thức được những vấn đề khó khăn của người trẻ hiện nay và tạo cho họ có được cơ hội và một môi trường lành mạnh để họ có thể thực tập chính niệm và áp dụng vào cuộc sống hàng ngày.

Thiền Sư kết thúc bằng cách đề nghị ngành giáo dục nên cung cấp những lớp học thực tập chính niệm căn bản vào lớp học và các cơ sở giáo dục. Thầy giáo, cô giáo phải có khả năng thực tập mới có thể giảng dạy và trao truyền.

Thiền Sư nhấn mạnh rằng chúng ta không cần phải là Phật tử mới thực tập chính niệm. Sự thực tập chính niệm vượt thoát mọi tôn giáo—đó là cách sống và ai ai cũng cảm thấy thoải mái để thực tập.

Chúng ta có thể cống hiến những yếu tố không phải là Phật giáo cho mọi người. Chúng ta nên làm mới lại đạo Bụt để có thể đáp ứng lại những khổ đau và nhu cầu cần thiết trong xã hội ngày nay cho thế hệ con em.

Sau khi Thiền Sư kết thúc buổi chia sẻ, Ban Tổ Chức xin phép Thiền Sư cho các thân hào nhân sĩ được đặt câu hỏi với Ngài:

Thân hào nhân sĩ: Con là một nhà bác học và con cảm thấy mình rất may mắn được sống trong môi trường thích hợp, gặp được đúng người và đúng lúc.Con có tiền và con có thể giúp được những người khác. Trong khi ngồi đây một cách rất thoải mái, con cũng đồng thời nghĩ tới những người thiếu kém may mắn hơn mình, đang thiếu thốn và sống không có hạnh phúc. Ví dụ, con là một người kém may mắn, đối khác, không có tiền thì làm sao con có thể giúp được người khác sống hạnh phúc? 

Thiền Sư: Dĩ nhiên là mình cần phải có phương tiện tối thiểu để sống, như có mái nhà để che mưa gió, có chén cơm để ăn mỗi ngày.

Có những người trong chúng ta, như công tác viên xã hội muốn giúp những người kém may mắn này. Thật ra nếu mình không có sự bình an trong lòng thì mình không thể nào đi xa được–mình sẽ sớm bị kiệt sức.

Trước tiên, mình cần có sự thực tập. Sự thực tập giúp nuôi dưỡng thân tâm mình và một khi mình được nuôi dưỡng, vững chãi và có bình an thì mình có thể đi xa hơn trên con đường phụng sự.

Ví dụ như thân thể của mình, khi mình tiêm  một mũi thuốc vào một phần nào đó của cơ thể thì tất cả các phần khác của cơ thể cũng được lợi lạc theo. Cũng như nếu mình làm điều thiện trong một phần nào của nhân loại thì việc thiện đó sẽ lan tràn ra những phần khác của nhân loại.

Chúng tôi đã từng hướng dẫn những khóa tu cho những nhà doanh nhân và giúp được cho họ thực tập giảm bớt khổ đau. Chúng tôi chia sẻ những kinh nghiệm cũng như tuệ giác của chúng tôi với họ; mình nên đầu tư nhiều vào giá trị đời sống của nhân loại hơn là lợi nhuận. Đó không chỉ giúp được cho họ mà còn giúp luôn cả cho xã hội.

Khi chúng tôi hướng dẫn khóa tu cho giới cảnh sát thì không những người cảnh sát được lợi lạc mà đồng thời những người khác trong xã hội cũng được lợi lạc theo.

Dĩ nhiên trong chúng ta ai cũng muốn có công bằng xã hội, muốn giúp người, nhưng có rất nhiều cách để giúp đỡ và đường hướng tâm linh là một trong những cách cụ thể có thể giúp đỡ.

Thân hào nhân sĩ: Thế giới hiện đang có rất nhiều tôn giáo. Chúng con rất muốn đến gần với những tôn giáo khác, nhưng họ không muốn đến gần với chúng con. Thiền Sư đã nói về chính niệm và từ bi, vậy làm thế nào để chúng con có thể dùng chính niệm và lòng từ bi đến gần với họ?

Thiền Sư: Trong khóa tu của chúng tôi, chúng tôi không có nói về chính niệm và từ bi nhưng chúng tôi thực hành chính niệm và từ bi. Chúng tôi học để thực hành.

Đa số những thiền sinh tham dự khóa tu không phải là Phật tử. Phần nhiều là người Tây phương. Nhưng họ rất thoải mái về pháp môn thực tập chính niệm, bởi vì họ tiếp xúc được với những gì rất là ‘con người’, rất là phổ biến.

Khi chúng tôi truyền 5 giới, chúng tôi có niềm tin là nếu bạn thực tập theo 5 giới thì bạn sẽ giảm bớt được khổ đau và bạn có thể giúp cho mình và cho người khác có được hạnh phúc.

Có rất nhiều người đã từng thọ 5 giới và họ không phải là Phật tử, trong đó có những Ông Cha trong đạo Cơ Đốc Giáo và Tin Lành, bởi vì họ nghĩ rằng 5 giới này rất phổ biến.

Chúng tôi luôn luôn kêu gọi họ nên giữ truyền thống của họ. Chúng tôi biết được nếu một người mất gốc rễ thì họ sẽ không có hạnh phúc. Chúng tôi khuyên họ nên giữ truyền thống của họ và họ có thể dùng phương pháp thực tập của đạo Bụt để giúp họ ôm ấp và chuyển hóa những khổ đau của họ.

Khi họ tiếp xúc được với phương pháp thực tập của đạo Bụt, thì nó giúp họ tiếp xúc được với truyền thống của họ một cách sâu sắc hơn.

Chúng tôi không nghĩ rằng chỉ có đạo Bụt là tôn giáo tìm ra được chân lý. Chúng tôi cố gắng học hỏi và tìm hiểu thêm về những truyền thống tôn giáo khác.

Khi mình có cơ hội quan sát về truyền thống khác, nó giúp mình nhìn lại và nhìn sâu vào truyền thống của chính mình. Và mình sẽ khám phá ra được những điều rất sâu sắc mà mình không biết khi xưa.

Điều này rất đúng với tất cả những truyền thống khác.

Cuộc đối thoại là những gì rất cần thiết để kêu gọi cho hòa bình. Thế giới có nhiều chiến tranh và có những chiến tranh liên quan đến chiến tranh tôn giáo.

Làm thế nào để sự hiểu biết lẫn nhau có thể làm được? Đối với đạo Bụt điều này không khó lắm, bởi vì đạo Bụt có sự khoan dung rất cao và không bị kẹt vào những kiến chấp. Không bị kẹt vào những kiến chấp là một điều rất chủ yếu và quan trọng.

Nếu mình có kiến chấp và nghĩ rằng mình đã tìm ra được chân lý thì mình không thể nào có cơ hội bước cao hơn.

Vậy thì mình nên sẵn sàng học buông bỏ cái kiến chấp của mình. Đó là những gì rất khoa học mà có thể giúp mình đến gần với chân lý hơn.

Chúng tôi nghĩ mình có thể đề xướng những cuộc đối thoại giữa những tôn giáo khác nhau và chúng ta có thể cùng nhau làm việc để xây dựng hòa bình.

Kết thúc buổi họp mặt, ông Viện Trưởng đại diện cho Trường Đại Học Hong Kong tặng quà lưu niệm cho Thiền Sư.

Ông Viện Trưởng nói rằng, “Thường thường tôi đi dự buổi họp mặt đều được dùng ‘cocktail’, nhưng tối nay tôi chỉ có uống trà mà cảm thấy rất no.

Câu nói đó có thể cho thấy ông Viện Trưởng đã được mưa pháp cảm hóa.

Buổi họp mặt này là lần đầu tiên mà ông Viện Trưởng có dịp tiếp xúc với Thiền Sư Nhất Hạnh và pháp môn Làng Mai một cách gần gũi và sâu sắc.