Trang chủ Bài nổi bật Thiền Sư Nhất Hạnh: Xôi đủ màu

Thiền Sư Nhất Hạnh: Xôi đủ màu

576

Thỉnh thoảng Thầy nằm mơ về Phật Học Viện và thấy Thầy đang ngồi chung với các sư chú ở trong liêu phòng của họ. Mỗi khi gặp họ, Thầy đều rất vui mừng. Thầy hỏi: ‘‘Sao? Những ngày gần đây quý vị có được vui vẻ và mạnh giỏi không? Quý vị làm gì, kể cho tôi nghe với!’’


 Xôi đủ màu

Trong suốt 33 năm luân lạc tại quê người, thỉnh thoảng Thầy cũng nằm mơ thấy trở về Phật Học Viện. Phật Học Viện này không phải là nơi Thầy tu học, lớn lên, mà là nơi Thầy dạy. Đó là chùa Ấn Quang, được thành lập năm 1950. Thầy và thầy Trí Hữu là hai người đầu tiên sáng lập ra chùa Ấn Quang. Chùa làm bằng mái tranh, vách đất, hồi đó gọi là chùa Ứng Quang. Thầy bắt đầu dạy một lớp sa di, gồm có mười mấy chú, trong đó có chú Từ Mẫn, sau này làm giám đốc nhà xuất bản Lá Bối. Sau đó chùa Ứng Quang trở thành Phật Học Đường Nam Việt, có rất nhiều thầy và sinh viên tới học. Thầy giảng dạy tại Phật Học Viện này từ năm 1953 đến năm 1962.

Thầy đã dạy rất nhiều thế hệ Tăng sinh. Phần lớn tăng sinh mà Thầy dạy là các sư chú, vì họ là nội trú. Số lượng các sư chú, sư cô ngoại trú tới học rất ít, chừng hai chục người. Sư bà Tịnh Nguyện mà quý vị được gặp năm ngoái, ở đây, cũng là một trong những ni sinh ngoại trú trong những lớp Thầy dạy. Bây giờ có nhiều chú đã trở thành Thượng Tọa, Hòa Thượng. Ví dụ như Hòa Thượng Minh Thành, Viện Chủ chùa Ấn Quang, ngày xưa Ngài cũng là Tăng sinh của Thầy. Tăng sinh mà lại là tăng sinh rất trẻ vì hồi đó Thầy có nhiều học trò lớn tuổi hơn thầy Minh Thành.

Thỉnh thoảng Thầy nằm mơ về Phật Học Viện và thấy Thầy đang ngồi chung với các sư chú ở trong liêu phòng của họ. Mỗi khi gặp họ, Thầy đều rất vui mừng. Thầy hỏi: ‘‘Sao? Những ngày gần đây quý vị có được vui vẻ và mạnh giỏi không? Quý vị làm gì, kể cho tôi nghe với!’’ Có một điều lạ là thỉnh thoảng Thầy đã có gặp những vị ấy ở Hoa Kỳ; họ đang giữ những chức vụ rất lớn như hòa thượng, thượng tọa, trụ trì. Nhưng mỗi khi đi vào trong giấc mơ mà gặp họ thì luôn luôn Thầy chỉ gặp những hình ảnh của cố nhân, những hình ảnh xưa cũ mà thôi. Tại sao? Tại vì trong những ngày giờ ấy Thầy có nhiều hạnh phúc. Thầy trò có hạnh phúc với nhau, có được nhiều thì giờ ở chung với nhau. Bây giờ họ đã lớn, làm chức lớn nhưng Thầy không được sống chung với họ, vì vậy cho nên họ cứ trở thành cố nhân.

Trong những giấc mơ, gặp các thầy, các sư chú trẻ nói chuyện, Thầy vẫn cảm thấy sự thân thiết, và tình thầy trò đem lại rất nhiều hạnh phúc cho Thầy. Thầy là vị giáo thọ trẻ nhất trong Phật Học Viện, Thầy tự cho mình là người thương yêu và chăm sóc cho các tăng sinh nhiều nhất. Thầy đã tổ chức cho các sư chú đi picnic ở bãi biển, tổ chức ban y tế chăm sóc cho các sư chú, và rất gần gũi các sư chú. Trong khi các vị giáo thọ khác người nào cũng có thị giả, còn Thầy thì không cần thị giả. Không có thị giả nhưng trong phòng Thầy luôn luôn có từ 5 tới 7 sư chú một lần. Thầy gần gũi các sư chú và các sư chú rất thương mến Thầy. Tuy là thầy trò nhưng Thầy không lớn hơn họ bao nhiêu nên thầy trò cứ xem nhau như anh em. Xưng hô với nhau là thầy – con nhưng kỳ thực trong sự sống hàng ngày liên hệ giống như tình anh em.

Câu trả lời là nếu trong một thời gian nào đó, sống với những người kia và có hạnh phúc với nhau thì những giây phút hạnh phúc này sẽ trở thành vĩnh cửu, thiên thu. Tình trong giây phút mà thành thiên thu. Cái vĩnh cửu, cái thiên thu nằm trong giây lát. Thầy còn nhớ một hôm Thầy tới giảng và ngủ lại trong một ngôi chùa ở nhà quê tại Mỹ Tho, trong một cái thất nhỏ như thất Ngồi Yên của xóm Thượng bây giờ. Buổi sáng hôm đó, các thầy trong chùa, trong đó có thầy trụ trì ra chơi với Thầy để uống trà. Phía trước thất cũng có một chiếc sàn gỗ giống hệt như chiếc sàn gỗ ở cốc Ngồi Yên.

Trong lúc các thầy đang ngồi nói chuyện và uống trà thì có một chị bán xôi đi ngang qua. Thay vì mời mọi người vào chùa ăn sáng với các chú thì thầy trụ trì đề nghị: Chúng ta hãy ngồi lại đây, gọi chị bán xôi tới mua xôi để cùng ăn sáng. Gánh xôi rất đặc biệt, có đủ màu sắc; xôi gấc màu đỏ, xôi bắp màu trắng. Xôi bắp có những hạt bắp trắng tinh. Xôi đậu xanh, xôi đậu phụng, xôi nếp than. Rất nhiều màu. Lại có bánh phồng mì, dừa nạo, nhân đậu xanh. Các thầy ngồi ăn sáng bằng xôi đủ màu, không có đĩa, muỗng, đũa, mỗi người chỉ có một tờ lá chuối lớn và xôi ba màu, bốn màu, hoặc năm màu. Cho đến bây giờ, Thầy vẫn nghĩ rằng đó là bữa ăn sáng ngon nhất trong đời của Thầy.


Trích NGƯỜI NGÀY XƯA – Pháp thoại của Sư Ông Làng Mai ngày 27.06.1999