Trang chủ Văn hóa Du lịch Thơ xuân Yên Tử xưa và nay

Thơ xuân Yên Tử xưa và nay

199
Mai vàng Yên Tử

Từ xưa đến nay, non thiêng Yên Tử luôn là nguồn cảm hứng vô tận của thi ca. Trong những bài thơ viết về Yên Tử, các tác giả tập trung nhiều vào đề tài mùa xuân. 

Đầu tiên phải nhắc đến thơ xuân của vị tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm Trần Nhân Tông. Thơ ngài còn lưu lại 31 bài, sáng tác theo nhiều đề tài khác nhau: Thơ thiên nhiên, thơ chiến trận, thơ tiếp sứ, thơ giảng giải Thiền tông…Trong thơ thiên nhiên của ngài, mùa xuân xuất hiện nhiều nhất. Ông dành 17/31 bài để viết về mùa xuân. Đó là các bài: “Xuân cảnh”, “Xuân vãn”, “Xuân nhật yết Chiêu Lăng”, “Khuê oán”, “Tảo mai”, “Đề cổ châu hương thôn tự”, “Động thiên hồ thượng”, “Nhị nguyệt thập nhất dạ”…

Một trong những bài sâu sắc là “Xuân hiểu”: “Thụy khởi khải song phi/ Bất tri xuân dĩ quy/ Nhất song bạch hồ điệp/ Phách phách sấn hoa phi“. Tạm dịch: “Ngủ dậy mở cửa sổ ra xem/ Không ngờ xuân đã về rồi/ Một đôi bươm bướm trắng/ Vỗ cánh sấn tới cành hoa“. Phật hoàng Trần Nhân Tông còn rất nhiều thi phẩm viết về mùa xuân đáng đọc khác như: “Đăng Bảo Đài Sơn”, “Sơn phòng xuân sự”, v.v.

Bên cạnh cảm hứng trữ tình, thơ ngài còn có nỗi niềm thế sự: “Thụy khởi câu liêm khán trụy hồng/ Hoàng ly bất ngữ oán Đông phong/ Vô đoan lạc nhật Tây lầu ngoại/ Hoa ảnh chi đầu tận hướng đông” (Khuê oán). Tạm dịch: “Ngủ dậy cuốn rèm thấy hoa hồng rụng/ Chim hoàng oanh chẳng hót, giận gió xuân/ Bỗng dưng mặt trời lặn ngoài lầu Tây/ Bóng hoa đầu cành đều hướng về hướng đông”.

Có lúc ở Yên Tử, ngài thả hồn vào thinh không để đắm chìm trong cái miên viễn: “Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì/ Hoa đường thiềm ảnh mộ vân phi/ Khách lai bất vấn nhân gian sự/ Cộng ỷ lan can khán thúy vi” (Xuân cảnh). Tạm dịch: “Trong đám hoa dương liễu rậm rạp, chim hót chậm rãi/ Che bóng thềm hoa, mây chiều bay/ Khách đến chơi không hỏi việc đời/ Cùng tựa lan can ngắm màu xanh chân trời “(Cảnh xuân).

Trong bài thơ “Lên núi Bảo Đài”, ngài khám phá được một bức tranh mùa xuân thanh nhã: “Địa tịch đài du cổ/Thời lai xuân vị thâm/Vân sơn tương viễn cận/ Hoa kính bán tình âm” (Đăng Bảo Đài Sơn). Tạm dịch: “Đài ở vùng hẻo lánh càng thêm cổ/ Mùa đến, xuân chưa lâu/ Núi phủ mây, ngọn xa ngọn gần/ Đường đầy hoa, nửa nắng nửa râm”.

Trong 4 mùa của đất trời, bên cạnh mùa thu, ngài hầu như chỉ viết về mùa xuân. Ngài dùng tới 17 chữ “xuân” trong khi chỉ dùng 3 chữ “thu”. Một con người lạc quan, yêu đời, nhập thế tích cực như Trần Nhân Tông, lẽ dĩ nhiên dễ hòa hợp với mùa xuân hơn. Gắn liền với mùa xuân là những hình ảnh hoa cỏ, chim bướm tươi vui và dạt dào sức sống.

Sau Phật hoàng Trần Nhân Tông, Thiền sư Huyền Quang và các vị chân tu đã có bao bài thơ minh triết về Thiền, Đạo, Đời, trong đó có những bài thơ xuân. Bài thơ “Xuân nhật tức sự” của Huyền Quang miêu tả cảnh xuân rực rỡ và con người tràn đầy sức sống: “Thêu gấm thưa tay dáng mỹ nhân/ Líu lo oanh hót khóm hoa gần/ Đáng thương vô hạn thương xuân ý/ Chỉ tại dừng kim chẳng mở lời”. Hay như bài thơ ngài tả hoa mai cuối xuân mang về cắm cho người đời bớt buồn: “Muốn hỏi trời xanh hoa tự đâu/ Một mình gội tuyết chốn non sâu/ Bẻ về, đâu muốn lừa tri kỷ/ Chỉ mượn tình hoa giải bệnh sầu” (Hoa mai).

Trong bài thơ “Vịnh cảnh chùa Vân Yên”, ngài không nói một chữ “xuân” nào nhưng người đọc vẫn nhận ra mùa xuân qua cảnh sắc: “Cảnh tốt hòa lành/ Đồ tựa vẽ tranh/ Chỉn ấy trời thiêng mở khéo/ Hèn chi vua Bụt tu hành/ Hồ sen giương tán lục/ Suối trúc bấm đàn tranh”. Giống như Huyền Quang, Thiền sư Chân Nguyên không nói thẳng mùa xuân nhưng vẫn nhận ra tín hiệu xuân qua hoa lá: “Suối đàn tiếng nhạc rành rành/ Chim kêu vượn hót đã thanh lòng thiền/ Bước lên đến chùa Hoa Yên/ Bốn bề cảnh giới động tiên khác thường/ Trăm hoa đua nở mùi hương”.

Hành hương Yên Tử

Tiếp nối dòng mạch thơ về Yên Tử, người đời sau đã góp phần bồi đắp, làm phong phú thêm dòng thơ văn về chốn non thiêng. Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370) là một tác giả lớn ở đời Trần, đến Yên Tử bằng tâm trạng thư thái, yên bình khi đi thuyền trên sông: “Xuân triều mạc mạc trướng bình xuyên/ Bồ bái hoa thâm thủy điểu miên/ Sơn bắc sơn nam tình cảnh hảo/ Giang sơn vô hạn cách quy thuyền”. Tạm dịch: “Triều xuân mênh mông, nước sông lên/ Trong chốn hoa lau sâu, có chim nước ngủ/ Núi ở phía bắc, núi ở phía nam, phong cảnh đẹp/ Núi sông đầy khắp, cách xa thuyền về”.

Đến thế kỷ XX, nhà thơ Giang Nam lên Yên Tử và nhận ra mùa xuân vĩnh hằng: “Lên Yên Tử/ Tôi hiểu thế nào là nhập thế/ Từng đêm từ đỉnh cao này/ Tôi thấy mắt Người nhìn rất xa, rất xa/ Canh giữ bình yên cho đất nước/ Canh giữ mùa xuân cho muôn đời con cháu” (Lên Yên Tử, nghĩ về đất nước).

Tác giả Vũ Thế Hùng lại phát hiện ra Yên Tử rất đẹp trong mưa bụi mùa xuân: “Tay cầm cây gậy trúc/ Bước từng bậc lên chùa/ Mưa giăng giăng mái tóc/ Xuân trên cành đung đưa/ Hàng tùng xanh bóng  mát/ Thế đứng của đất trời/ Lung linh tòa bảo tháp/ Đắm mình trong mưa rơi” (Mưa xuân Yên Tử). Yên Tử mưa bụi cũng là vào xuân là vào hội, theo nhà thơ Đỗ Luyến đó là tín hiệu riêng: “Vẫn còn cái rét tháng Giêng/ Xôn xao én đã chao nghiêng mái chùa/ Con đường lất phất bụi mưa/ Non thiêng Yên Tử đón mùa xuân sang” (Yên Tử vào xuân).

Ở Quảng Ninh, viết nhiều về Yên Tử và in thành tập thì có 2 tác giả là Trịnh Hoài Phương và Vũ Xuân Hồng. “Phiêu du Yên Tử” của Trịnh Hoài Phương có chùm thơ 6 bài viết về Yên Tử. Trịnh Hoài Phương nhận ra mùa xuân Yên Tử với tín hiệu riêng là mai vàng trong tương quan với màu áo nhân sa của nhà sư: “Vớt mây gội trắng tóc mình/ Vẫn không rửa hết tội tình dương gian/ Đã đành quẩy gánh đa đoan/ Thì đi trong suốt đông tàn đợi xuân/ Lang thang trên đỉnh phù vân/ Với bông thanh thản thoáng gần lại xa/ Mai vàng nhuộm áo nhân sa/ Sườn lau còn trắng màu hoa phong trần” (Trên đỉnh Phù Vân).

Vũ Xuân Hồng có 2 tập là “Cõi thiêng” và “Xuân Yên Tử”. Mùa xuân được Vũ Xuân Hồng cảm nhận không chỉ ở góc độ xuân thiên nhiên mà còn là mùa xuân vĩnh cửu: “Đường Tùng cõng nắng tinh khôi/ Mây bay dẫn khách/ Về nơi/ Cửa Thiền/ Non cao bậc đá treo nghiêng/ Xôn xao rừng trúc/ Linh thiêng/ Tháp chùa” (Xuân Yên Tử).

Thơ xuân viết về Yên Tử nhiều có lẽ là do đi trong cõi thiên nhiên cây cỏ, thi nhân đã tìm được nguồn thi hứng dồi dào. Bởi vậy, Yên Tử không chỉ là một danh sơn hùng vĩ và tươi đẹp mà còn là ngọn nguồn của thi ca. Đó là lý do hằng năm cứ đến hội xuân, con đường mòn từ chân lên đỉnh núi, dòng người không mấy khi đứt quãng.

Trong dòng người về hội xuân ấy không chỉ có phật tử mà còn cả con trẻ, phụ nữ và thi nhân, đúng như tác giả Đức Doanh viết: “Mùa xuân Yên Tử, mùa xuân/ Em đi trẩy hội đầu năm cùng bà/ Núi cao đường thật là xa/ Vượt bao nhiêu dốc sức bà dẻo dai” (Yên Tử mùa xuân). Hay như tác giả Vũ Mạnh Quyết viết: “Anh đi chùa Yên Tử/ Em đi cùng được không/ Em chỉ cười không nói/ Để cho anh chờ mong/ Mùa xuân này Yên Tử/ Người đi chùa thật đông/ Đôi bạn tình xen lẫn/ Với những cặp vợ chồng”. Nhờ nguồn thi hứng dồi dào về Yên Tử mà thơ xuân ngày càng lên hương, dậy sắc.

Điểm qua một vài gương mặt văn học Việt Nam trung đại và hiện đại, cũng đủ nhận ra rằng Yên Tử là  nguồn thiêng của thi ca. Đến với Yên Tử, hồn thơ bung nở thành những đóa hoa văn chương đẹp đẽ. Dù là nhà thơ có phong cách, theo trường phái nào thì trước Yên Tử, những tâm hồn vốn lắng đọng, nhiều suy tư, những trái tim giàu yêu thương nhân thế sẽ được dẫn cảm hứng, nâng cánh thi ca. Không ít bài thơ đã và đang trường tồn cùng mùa xuân bất tận của Yên Tử.


Huỳnh Đăng