Trang chủ Văn hóa Thử giải mã chùa Đồng (Yên Tử)

Thử giải mã chùa Đồng (Yên Tử)

62

Mãi đến năm 1930, chùa Đồng mới được xây lại bằng… bê-tông. Mấy chục năm sau, trong một cơn mưa bão, mái chùa Đồng bị bay đi mất, sau đó nhà chùa phải lợp bằng tôn thay thế, sơn mầu tựa như đồng.


Tiếp đến năm 1993, ông Nguyễn Sơn Nam, Việt kiều ở Mỹ, cùng với các Phật tử hải ngoại công đức tái thiết một ngôi chùa bằng đồng dựng bên cạnh ngôi chùa năm 1930, quy mô cũng nhỏ như một khán thờ.


GS Trần Lâm Biền kể lại: Sau khi đúc xong , người ta để nó ở chùa Dư Hàng Kênh ở Hải Phòng một thời gian rồi mới cẩu lên Yên Tử bằng máy bay trực thăng. Ngôi chùa này tuy bằng đồng nhưng các chi tiết được trang trí bằng những lá đồng mỏng, ọp ẹp.


Như vậy, đến nay trên núi Yên Tử song song tồn tại hai chùa Đồng, với việc khởi công xây dựng ngôi chùa mới vừa qua, cả hai ngôi chùa này sẽ kết thúc sứ mệnh của mình ở… nhà trưng bày thuộc BQL di tích.


Một ngôi chùa toàn bằng đồng?







 
Chùa Đồng ở Yên Tử.

Nhà nghiên cứu Phật học Nguyễn Duy Hinh cho biết: Chùa Đồng được nói đến như là ngôi chùa độc đáo nhất nước ta vì được làm hoàn toàn bằng kim loại. Tuy nhiên, lịch sử rất ít nói đến công trình này. Có thể người xưa đúc chùa bằng đồng là thể hiện mong muốn về sự trường tồn, không bị hủy hoại theo thời gian như các kiến trúc gạch, gỗ thông thường.


Cũng chính vì thiếu tư liệu, cho nên các nhà nghiên cứu tỏ ra rất dè dặt khi nói về ngôi chùa nguyên bản. Ông Hinh cho rằng, không thể tìm được kiến trúc nguyên bản của chùa Đồng vì không có văn bản mô tả về nó. Ông Hinh ngờ rằng, chùa Đồng không phải là một kiến trúc nguyên thủy của quần thể này bởi lẽ, quần thể Yên Tử, từ chùa Giải Oan – chùa Hoa Hiên – chùa Vân Tiêu – lên tới bia Phật là “trọn vẹn” rồi. Vì đến tháp Phật là cuối cùng , không còn gì hơn nữa. Trong khi chùa Đồng lại ở vị trí tiếp theo bia Phật. Có lẽ tới thời nhà Lê mới đặt thêm cái chùa này cũng nên!?


Còn theo GS Trần Lâm Biền cho biết, hiện vẫn tồn tại một ý kiến cho rằng thực ra chữ Đồng trong chùa Đồng không phải chỉ chất liệu. Hãy nhìn vào quần thể chùa tháp Yên Tử, ở giữa là Hoa Yên, bên dưới là Giải Oan, trên cùng là chùa Đồng. Ba ngôi chùa ấy, trong quan niệm xưa, như ba tầng của thế giới. Chữ Đồng là Cùng, nơi mà vũ trụ và thế gian hòa đồng với nhau. Về sau nghe chữ Đồng, người ta nghĩ đến chất liệu vì trong quan niệm của người xưa, đồng (và cả đá nữa) có sức linh nhất định.


Xin nói lại là tất cả những điều nói trên chỉ là giả thuyết, bởi với những tài liệu có được hiện nay, người ta vẫn chưa biết chùa Đồng được làm chính xác từ bao giờ, nguyên bản của nó như thế nào. Tuy nhiên, với những gì còn lại và được biết đến xưa nay, chùa Đồng vẫn xứng đáng là ngôi chùa độc đáo nhất Việt Nam về lịch sử và kiến trúc.


Sẽ mang dáng dấp kiến trúc chùa Dâu


Với tổng kinh phí gần 20 tỷ đồng, các nghệ nhân sẽ dựng chùa Đồng mới trên vị trí cũ mà không “nệ” vào ngôi chùa hiện tại cũng như một vài tư liệu ít ỏi về nó.


Theo thiết kế, chùa Đồng mới gồm có một gian, hai chái và bốn hàng cột, mang dáng dấp kiến trúc tòa Thượng điện chùa Dâu (Bắc Ninh), một kiến trúc Phật giáo cổ điển hình Việt Nam.

 








Trên thế giới tôi chưa thấy có ngôi chùa nào toàn bằng đồng. Trên núi Vũ Đang, hoặc ở Vân Nam (Trung Quốc) cũng có các kim điện đúc toàn bằng đồng, nhưng, đó là những điện thờ thần của Đạo Giáo, chứ không phải chùa của Phật giáo” (phát biểu của nhà nghiên cứu Phật giáo Nguyễn Duy Hinh)